Dự án đối đầu iPhone âm thầm của nhà sáng lập Android
Cha đẻ Android là Andy Rubin đang âm thầm phát triển mẫu smartphone cao cấp với cạnh kim loại và mặt sau bằng gốm để chuẩn bị ra mắt vào giữa năm nay.
Chỉ sau hơn 2 năm rời Google, Andy Rubin, nhà sáng lập ra Android, đang chuẩn bị tham chiến trở lại thị trường smartphone, ngành công nghiệp mà anh được đánh giá là một trong những người đi tiên phong.
Rubin, nhà sáng lập ra hệ điều hành Android, đang chuẩn bị ra mắt thiết bị di động nhằm cạnh tranh với iPhone và các smartphone Android cao cấp hiện nay.
Đây là điều gây ngạc nhiên khi chuyên môn của Rubin là ở phần mềm, tuy nhiên, có vẻ như anh đang muốn kết hợp thế mạnh này, cùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một thiết bị phần cứng mạnh và có sức cạnh tranh cao. Dù vậy, bước đi của Rubin ban đầu vẫn bị đánh giá là khá mạo hiểm, bởi phần cứng không phải là mảng dễ thu được thành công.
Andy Rubin, nhà sáng lập ra Android . Ảnh: Bloomberg.
Theo Bloomberg, các nguồn tin thân cận tiết lộ Rubin đang tập hợp một đội ngũ nhân viên khoảng 40 người, được tuyển dụng từ Apple và Google, để thành lập công ty mới có tên Essential. Anh sẽ là CEO.
Essential là công ty nền tảng được thiết kế để kết nối nhiều thiết bị với nhau. Công ty sẽ phát triển một loạt sản phẩm phần cứng dành cho người dùng phổ thông, bao gồm thiết bị di động và smarthome.
Trung tâm của hệ thống mà Rubin mong muốn sẽ là chiếc smartphone cao cấp với màn hình lớn sát cạnh, không có viền. Tại CES 2017 vừa qua, Rubin đã thảo luận với các lãnh đạo nhà mạng di động về mẫu smartphone này. Rubin đã đăng ký tên công ty Essential Products Inc. với cơ quan quản lý hồi tháng 11/2015.
Vào cuối 2016, công ty đăng ký tên “Essential” với Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ, liệt kê trong danh sách sản phẩm và dịch vụ mà mình cung cấp gồm smartphone, tablet, phụ kiện, và phần mềm điều hành cho điện thoại. Hiện chưa rõ thiết bị mà Rubin nói tới có chạy Android hay không.
Dù vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, điện thoại của Rubin đã xác định mục tiêu một cách rõ ràng: Cạnh tranh với smartphone cao cấp như Apple iPhone hay Google Pixel. Máy sẽ dùng chất liệu cao cấp, đồng thời có khả năng nâng cấp phần cứng, theo những người biết về kế hoạch của Rubin tiết lộ. Người đại diện của Andy Rubin, trong khi đó, chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Rubin bán Android cho Google năm 2005. Anh dành 8 năm làm việc tại Google, biến hệ điều hành này từ dự án nhỏ thành kẻ thống trị trong thị trường hệ điều hành trên thiết bị di động (smartphone, tablet).
Theo thống kê, hiện nay cứ 10 smartphone thì có 9 máy chạy Android. Năm 2013, Rubin thôi làm việc trong nhóm Android để chuyển qua thành lập bộ phận về robot của Google. Sang 2014, anh chính thức rời công ty. Cuộc phiêu lưu tiếp theo của anh là một vườn ươm startup có tên Playground Global. Vườn ươm này hỗ trợ các dự án về trí tuệ nhân tạo, robot, và thực tại tăng cường.
Rubin cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là thay đổi lớn tiếp theo của ngành công nghiệp công nghệ. “Các nền tảng điện toán mới sẽ xuất hiện mỗi 10 đến 12 năm một lần. Nền tảng tiếp theo là gì. Đó là dữ liệu và việc chúng ta huấn luyện cho các hệ thống AI để chúng tiến bộ” – Andy Rubin phát biểu trong hội nghị Bloomberg Technology tháng 6 năm ngoái.
Video đang HOT
Playground Global của Rubin hiện đã thu về ít nhất 300 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Hewlett-Packard Co., Google. Foxconn, công ty sản xuất iPhone cho Apple, cũng đang tiến hành các đàm phán để sản xuất smartphone mới của người sáng lập Android, theo thông tin được tiết lộ từ những nguồn thân cận.
Hiện ít nhất một bản prototype điện thoại của Rubin có màn hình lớn hơn cả iPhone 7 Plus (dùng màn 5,5 inch) nhưng kích thước tổng thể của nó vẫn nhỏ hơn iPhone do viền màn hình cực mỏng. Công ty của Rubin cũng thử nghiệm tính năng cho phép màn hình máy nhận diện được các mức lực nhấn giống 3D Touch mà Apple sử dụng trên iPhone 6S trở về sau.
Đội ngũ nhân viên của Rubin cũng đang thử nghiệm một thiết kế công nghiệp với các cạnh làm bằng kim loại và mặt sau làm bằng gốm. Chất liệu gốm này sẽ khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, thách thức hơn so với các smartphone dùng kim loại, kính, hay nhựa hiện nay.
Các kỹ sư của Essential cũng đang nghiên cứu chuẩn kết nối ưu tiên cho smartphone. Cổng này vừa có thể sạc vừa dùng để mở rộng chức năng của máy theo thời gian. Cổng kết nối nam châm của thiết bị sẽ cho phép Essential hay thậm chí hãng thứ ba tạo ra các phụ kiện phần cứng có khả năng bổ sung tính năng cho smartphone. Một ví dụ, Essential sẽ sản xuất một phụ kiện là camera hình cầu cho phép chụp ảnh 360 độ với độ phân giải cao.
Rubin tham vọng sẽ đưa mẫu smartphone mà mình ấp ủ lên kệ vào giữa năm nay với giá bán cũng gần tương đương giá iPhone (649 USD), tuy nhiên, mọi kế hoạch vẫn đang được cân nhắc và có thể thay đổi.
Những nhân vật giúp Rubin điều hành dự án gồm có đồng nghiệp cũ của anh tại Google và các quản lý của Apple, bao gồm Rebecca Zavin, Joe Tate, Linda Jiang, và Jason Keats.
Trong số này, Zavin từng là quản lý phần mềm cấp cao của Google, và anh sẽ phụ trách mảng phần mềm cho Rubin. Keats và Tate hỗ trợ về mặt phần cứng, còn Jiang là thiết kế chính cho Essential. Kelly Liang, cựu Giám đốc Điều hành kinh doanh của Google X lab, sẽ quản lý phát triển kinh doanh; và Brian Wallace, cựu lãnh đạo tại Samsung và Magic Leap, sẽ là người phụ trách marketing của dự án.
Theo TT/ICT News
2016 năm đầy biến động của thị trường smartphone
Năm nay, không ít sự kiện công nghệ gây xôn xao trong thời gian dài, thậm chí tạo được tiếng vang vượt ra khỏi khuôn khổ cộng đồng Hi-tech.
2016 sẽ đi vào lịch sử ngành di động như là một trong những năm có nhiều bất ngờ nhất từ trước đến nay: Smartphone phát nổ, cổng tai nghe bị loại bỏ cho đến các thiết kế module...
Sự cố Galaxy Note 7
Tháng 9 năm nay, Samsung đã phải thu hồi hàng triệu chiếc Galaxy Note 7 do những lo ngại về vấn đề an toàn, sau hàng loạt vụ cháy nổ liên quan đến smartphone này xảy ra trên khắp thế giới. Công ty Hàn Quốc sau đó còn hứa hẹn sẽ thay thế các sản phẩm bị lỗi bằng các thiết bị an toàn hơn.
Tuy nhiên, Galaxy Note 7 sau khi được thay thế vẫn tiếp tục phát nổ khiến nhiều hãng hàng không và chính phủ các nước ban hành lệnh cấm mẫu sản phẩm này. Về phần Samsung, đến nay hãng đã thu hồi được hơn 93% lượng Note 7 bán ra tại thị trường Mỹ.
Note 7 bị thu hồi là sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử Samsung. Ảnh: Phone Arena.
Công ty còn phải chịu thiệt hại hơn 3 tỷ USD, chưa kể uy tín và doanh số sản phẩm bán ra sụt giảm so với Apple và Google. Nhiều đồn đoán cho rằng Samsung sẽ trì hoãn việc ra mắt Galaxy S8, ít nhất cho đến khi họ tìm được nguyên nhân Note 7 cháy nổ.
Tạm biệt Nexus, Google sang chương mới với Pixel
Cũng trong 2016, Google quyết định từ bỏ dòng điện thoại Nexus, đồng thời giới thiệu bộ đôi Pixel và Pixel XL, sản phẩm được lắp ráp bởi HTC nhưng do Google thiết kế.
Sự thay đổi này mang ý nghĩa rất lớn. Kể từ 2010, các "smartphone Google" đều là sản phẩm giá rẻ, chạy hệ điều hành Android mới nhất và là kết quả hợp tác giữa Google cùng các hãng điện tử lớn như Samsung, LG hay Motorola. Dù chạy hệ điều hành thuần Google Google, Nexus vẫn là sản phẩm của hãng khác.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Pixel ra đời và đạt thành công bước đầu. Sản phẩm có thiết kế tinh tế, camera ấn tượng cùng mức giá cao hơn bất kì chiếc Nexus nào trước nó. Thành công của Pixel đã đặt dấu chấm hết cho tương lai của Nexus, đồng thời đưa ra lời cảnh báo cho các nhà sản xuất smartphone khác.
Tạm biệt cổng tai nghe 3,5 mm
Dù cổng USB Type-C đã và vẫn được áp dụng rộng rãi trong năm 2016, mọi ánh nhìn lại đổ dồn vào một cổng kết nối khác.
Cổng tai nghe 3,5 mm cho phép người dùng nghe nhạc và điện đàm, là thứ không thể thiếu trên smartphone. Nhưng năm nay, nhiều hãng đã loại bỏ cổng kết nối này và buộc người dùng sử dụng tai nghe không dây Bluetooth hoặc thông qua bộ chuyển đổi, gây nên sự bất tiện và khó chịu cho người dùng, theo Cnet.
Apple đã loại bỏ cổng tai nghe 3,5 mm trên iPhone 7. Ảnh: Channelnews.
Cái tên gây ồn ào nhất trong năm nay chính là Apple khi tiên phong loại bỏ cổng 3,5 mm trên bộ đôi iPhone 7 và 7 Plus. Táo khuyết đồng thời còn cho phát hành phiên bản không dây của tai nghe earbuds mang tên Airpods.
Nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi này là một thất bại, trong khi cũng không ít nhận định tán thành việc sử dụng tai nghe không dây là điều tất yếu trong tương lai.
Gần đây, Motorola (nay thuộc quyền sở hữu của Lenovo) và LeEco cũng đã cho ra mắt các mẫu smartphone không có cổng tai nghe. Samsung rất có thể là cái tên tiếp theo nằm trong trào lưu này.
Smartphone thiết kế module
Sau 2016, tương lai của smartphone module vẫn rất bấp bênh. Ý tưởng về việc lắp ráp phần cứng điện thoại (camera hay pin) vốn rất được mong đợi. Những chiếc điện thoại module sẽ cho người dùng sự linh hoạt để "chế tạo" smartphone của riêng mình. Bằng các cách khác nhau, nhiều công ty đã rất cố gắng để đạt được điều này.
Chiếc G5 có thiết kế module của LG. Ảnh: Phone Arena.
Năm nay, LG giới thiệu chiếc G5 với khả năng lắp thêm các module chuyên chụp ảnh hoặc module nâng cao chất lượng âm thanh khi nghe nhạc. Motorola thậm chí còn nâng thiết kế module lên tầm cao khác với chiếc Moto Z được trang bị cổng kết nối 12 pin ở mặt lưng, có thể lắp thêm nhiều module khác.
Các module lắp thêm này được gọi là Moto Mods, bao gồm một bộ loa, một pin ngoài và một máy chiếu. Để kết nối Moto Mod với smartphone Moto Z, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản giống như việc lắp vỏ ốp lưng cho máy.
Ngoài việc G5 không có được doanh số tốt, dự án smartphone Ara được Google giới thiệu lần đầu vào năm 2013 cũng bị hủy bỏ.
Sự tấn công của smartphone giá rẻ
Vài năm trước, một smartphone tầm trung chỉ có thể mang đến cho người dùng cảm giác tạm ổn (hiệu suất làm việc thấp, camera không ấn tượng, thiết kế không bắt mắt). Nếu muốn sở hữu sản phẩm tốt hơn, người dùng phải chi ít nhất khoảng 600 USD.
Tuy nhiên, từ 2016, một smartphone giá khoảng 400 USD đã đạt được hiệu suất làm việc tốt, ổn định, thiết kế tuyệt vời. OnePlus, hãng điện thoại mới xuất hiện vài năm gần đây với các flagship giá rẻ, nay ngày càng phát triển hơn với chiếc OnePlus 3 của mình.
Ở mức giá 400 USD, người dùng còn có thêm nhiều lựa chọn đến từ LeEco 3, Alcatel Idol 4S, Motorola Z Play hay ZTE Axon 7. Các smartphone chất lượng nhưng giá ngày càng cạnh tranh khiến smartphone cao cấp dần trở nên mờ nhạt.
Đại Việt
Theo Zing
Apple bán gấp đôi Samsung trong Giáng Sinh vừa qua Công ty nghiên cứu Flurry đã công bố thống kê mới nhất, cho thấy số máy kích hoạt mới của Apple gấp đôi Samsung trong Giáng Sinh vừa rồi. Apple một lần nữa chiến thắng cuộc đua mua sắm lễ hội trước đối thủ truyền kiếp. Các con số cho thấy sản phẩm Apple, nhất là iPhone, đã trở thành quà Giáng Sinh...