Dự án điện mặt trời: Làm kinh tế không đánh đổi môi trường
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng về những thắc mắc, băn khoăn của người dân liên quan đến dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).
Người dân cùng giám sát
Ngày 5/11, tại thôn Mỹ Phú Bắc, xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ, Bình Định), Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp đối thoại với người dân vùng dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ.
Tại buổi đối thoại, các ý kiến người dân tập đều thể hiện sự lo lắng nếu tỉnh Bình Định đồng ý cho nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời ở đầm Trà Ổ sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến mưu sinh của người dân. Bởi bao đời nay phần lớn hộ dân ở đây sống dựa vào nguồn khai thác thủy sản trên đầm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đối thoại với người dân liên quan đến dự án điện mặt trời.
Một người dân thôn Mỹ Phú Bắc, lo lắng: “Tổng diện tích đầm hơn 1.200ha, dự án điện mặt trời sẽ triển khai trên diện tích 60ha mặt nước và một phần mặt đất, người dân sẽ giảm diện tích đánh bắt, nếu đánh bắt lấn sang khu vực bờ phía địa phương khác có ảnh hưởng gì không? Đặc biệt là 35 hộ dân có ghe, thuyền hành nghề trên đầm phải có chính sách bồi thường hợp lý, bố trí chuyển đổi ngành nghề phù hợp”.
Ông Đỗ Văn Hươn (thôn Mỹ Phú Bắc) – một hộ dân có ghe đánh bắt trên đầm Trà Ổ, cho rằng: “Nếu dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương thì rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là có gây ô nhiễm môi trường hay không? Việc hỗ trợ đền bù cho dân trong vùng như thế nào?”.
Trong khi đó, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng rằng, đối với những lao động lớn tuổi lâu nay sống bằng nghề khai thác thủy sản trên đầm. Nếu bây giờ họ không còn được đánh bắt trên đầm thì họ sẽ làm gì để sống.
Người dân băn khoăn về dự án sẽ ảnh hưởng đến sinh kế người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản trên đầm Trà Ổ.
Liên quan đến băn khoăn của người dân, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết sẽ mời người dân cùng tham gia giám sát dự án: “Thôn cử 3-5 người uy tín ở đó để cùng giám sát việc thi công dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến hoạt động cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân thì kiến nghị UBND huyện để xử lý kịp thời”, ông Dũng nói.
ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định sẽ để người dân địa phương cùng tham gia giám sát khi nhà đầu tư triển khai dự án. “Xã thành lập tổ giám 3-5 người tín của địa phương và trả lương đàng hoàng để cùng tham gia giám sát, nếu nhà đầu tư làm không đúng cam kết thì tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa nhà máy”, ông Dũng nói.
Video đang HOT
Làm ảnh hưởng tới dân, lãnh đạo sẽ từ chức?
Theo ông Nguyễn Hữu Vui – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho rằng, diện tích xây dựng dự án điện mặt trời chỉ 60ha/ 1.200ha, diện tích mặt nước bị chiếm chỉ mất 2,75%. So với diện tích này thì diện tích mặt nước bị che khuất không ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái trên đầm mà đôi lúc còn ảnh hưởng tích cực cho các loại thủy sinh phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ với người dân.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thoa – Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam, khẳng định: “Dự án điện mặt trời là dự án sử dụng năng lượng sạch, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến môi trường. Dự án chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ trên đầm Trà Ổ, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh kế của người dân. Riêng khu vực trên đất liền chiếm diện tích rất nhỏ không ảnh hưởng đến việc chăn thả trâu bò của bà con”.
Ông Thoa cam kết: “Nhà đầu tư sẽ luôn đồng hành và chia sẻ với người dân vùng dự án. Ưu tiên sử dụng lao động địa phương, làm đường, cấp điện chiếu sáng, xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, hỗ trợ sinh kế…”.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), khẳng định: “Trách nhiệm lãnh đạo của một địa phương mà làm để hại dân thì không nên làm lãnh đạo nữa. Đã làm lãnh đạo thì làm cái gì phải nghĩ cái lợi cho dân, nếu làm ảnh hưởng tới người dân thì cũng nên từ chức”.
Tại buổi đối thoại, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định hứa sẽ thực hiện đúng với những gì đã cam kết với người dân, bồi thường thỏa đáng, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt với 35 hộ dân có ghe, xuồng hành nghề trên đầm Trà Ổ.
Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng nói sẽ từ chức nếu dự án gây hại cho dân.
Ông Dũng cũng yêu cầu xã thành lập tổ giám sát, trong đó có người dân thôn Mỹ Phú Bắc cùng theo dõi, giám sát quá trình triển khai dự án điện mặt trời tại đầm Trà Ổ. Các thành viên này sẽ được chính quyền trích kinh phí để trả lương. Để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người dân khi thực hiện dự án điện mặt trời, không chỉ ký cam kết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sẽ đích thân gửi văn bản cam kết đến người dân thôn Mỹ Phú Bắc.
“Đầm Trà Ổ là tài nguyên chung của nhân dân huyện Phù Mỹ, của tỉnh, chính quyền sẽ không để xảy ra chuyện ảnh hưởng tới việc hành nghề của người dân quanh đầm. Nếu có phần tử xấu nào cản trở người dân khai thác trên đầm, cứ báo cáo cơ quan chức năng tỉnh sẽ xử lý nghiêm”, ông Dũng nói.
Doãn Công
Theo Dantri
Dẹp loạn "tín dụng đen" bủa vây ngư dân ở cảng cá Quy Nhơn
Thời gian qua, tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nổi lên tình trạng ép giá, tranh giành mua bán, 'cò' xe xếp dỡ hàng hóa... gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cảng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngư dân.
Rủi ro "vây ráp" ngư dân
Hàng chục năm nay, ngư dân Văn Công V (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) khi cập cảng cá Quy Nhơn không thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp với doanh nghiệp nên đành liên kết với đầu nậu.
Tàu thuyền của ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).
"Mọi chuyện đều phải thông qua trung gian nên bắt buộc ngư dân phải bán cho nơi duy nhất là đầu nậu, từ đó phát sinh rất nhiều bất cập. May mắn của tôi là đầu nậu làm ăn hàng chục năm nay có uy tín, sau khi bán hàng chậm nhất là 10 ngày họ trả đủ tiền, chứ nhiều chủ tàu khác lâm cảnh trớ trêu lắm", ông V nói.
Ông V kể, vài năm gần đây xuất hiện tình trạng đầu nậu xù tiền khiến nhiều ngư dân lâm cảnh khốn đốn. Đây là dạng đầu nậu mới ra đời họ làm mọi cách để ngư dân tin tưởng bán hải sản nợ với lời hứa suông, sau đó bỏ đi mất dạng. Nhiều trường hợp ngư dân thiếu vốn, đầu nậu đầu tư trang thiết bị để chủ tàu tham gia đánh bắt và khi làm ra sản phẩm bắt buộc phải bán cho họ, dẫn đến tình trạng ngư dân bị ép giá.
Ngư dân cho biết, đa số họ bán cho đầu nậu chứ không hợp đồng được với doanh nghiệp nên giá cả rất bấp bênh, khó kiểm soát. Nếu đầu nậu thua lỗ họ viện đủ lý do như công ty chưa có tiền nên việc trả tiền cho chủ tàu chậm, phải chờ đợi. Nếu chẳng may đầu nậu ôm tiền chạy, ngư dân lâm vào cảnh vỡ nợ.
"Nhiều tàu khi bán sản phẩm xong, đầu nậu ứng khoảng 25% số tiền bán được để chủ tàu trang trải chi phí cho anh em lao động. Rồi sau đó, nếu nhanh thì 1 tuần, chậm có khi mất 1 tháng đầu nậu mới thanh toán đủ. Ngư dân làm việc trực tiếp với doanh nghiệp rất khó vì họ không có trực tiếp ở cảng cá. Chúng tôi mong muốn đầu nậu phải mua bán rõ ràng, tiền bạc nhanh chóng khi đó ngư dân mới bớt rủi ro", ông V chia sẻ.
Tại cảng cá Quy Nhơn, lâu nay "tín dụng đen" vẫn đang tồn tại để mời chào ngư dân vay vốn. Rất nhiều tờ quảng cáo với nội dung như: "Cho vay trả góp, không thế chấp, không phụ phí, thủ tục đơn giản, vay trong ngày, cầm giấy tờ xe máy", kèm theo đó là số điện thoại công khai để liên lạc được dán khắp nơi. Điều đáng nói, các dịch vụ này có phương thức giải ngân rất gọn gàng, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và đánh vào tâm lý những ngư dân đang cần gấp vốn xoay sở cho chuyến biển. Nhưng nếu đã dính vào bẫy "tín dụng đen" thì coi như ngư dân lâm cảnh nợ nần khó thoát vì số nợ ngày một tăng dần.
"Cò" ngang nhiên, sẵn sàng gây sự?
Trò chuyện với chúng tôi tại cảng cá Quy Nhơn, bà T (một chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn đề nghị giấu tên), cho biết hiện tại tàu cá của gia đình bà đang neo tại cảng sắm phí tổn để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo.
Các quảng cáo "tín dụng đen", cầm đồ... bủa vây ngư dân ở cảng cá Quy Nhơn.
"Phí tổn mỗi chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng khi vào bờ ngư dân lại đối mặt với rất nhiều nỗi lo. Đau đầu nhất là xuất hiện tình trạng các thương lái cấu kết với nhau với ý đồ ép giá cá. Có trường hợp, khi tàu vào thương lái chào mua cá bò gù với giá gần 100.000 đồng/kg nhưng chủ tàu liên hệ được chỗ khác giá ổn định và cao hơn nên không bán cho họ. Chẳng may, 2 mối thương lái này quen biết nhau nên gọi điện thống nhất với các thương lái khác không mua cá của chủ tàu. Rồi ngư dân phải xuống nước nài nỉ, khi cân lại thì thương lái ép giá chịu không nổi, nhiều khi họ ngâm dài ngày sợ cá hư nên phải bán tháo", bà T nói.
Ngư dân sắm phí tổn, chỉnh sửa lưới để vươn khơi chuyến kế tiếp.
Ngoài nỗi lo trên, bà T còn kể rằng tình trạng nhóm 'cò' để xếp dỡ hàng hóa sau khi tàu của ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn rất manh động. Điều này, khiến ngư dân bức xúc nhưng không dám kêu ai vì sợ bị trả thù.
"Nhiều trường hợp dọa đánh cả chủ tàu, đội quân dịch vụ "cò" bốc hàng ngang nhiên và ngông cuồng lắm. Mỗi tốp thường đi khoảng 5 người có cả phụ nữ. Tàu cá của chúng tôi vừa cập cảng là họ tự tiện xuống trực tiếp bốc hàng khi chưa có ý kiến đồng ý từ chủ tàu. Khi chủ tàu từ chối vì hàng ít đã có bạn đi cùng bốc lên cảng thì họ liền gây sự với thái độ hung hãn. Ngoài ra, tàu vào bờ khuya thì ngư dân phải trắng đêm để canh giữ chứ không mất hàng như chơi. Có nhiều lần vì mệt quá nên chúng tôi ngủ thiếp đi, kẻ trộm dở hầm trộm cá gây thiệt hại rất lớn", bà T cho hay.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại công an đang vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để lập lại an ninh trật tự tại cảng cá Quy Nhơn.
"Vấn đề ngư dân nói bị ép giá thì cơ quan chức năng vẫn đang tìm hiểu xem các đầu nậu có liên kết lại với nhau hay không? Đa số ngư dân cập cảng đều bán hàng cho đầu nậu nhưng hiện tại đầu nậu lớn, nhỏ thu mua cảng cá Quy Nhơn mỗi ngày có biến động rất lớn. Nếu nói đầu nậu ép giá thì rất khó có cơ sở, vì giá cả thường do thị trường, nhà nước không thể quyết định. Khi phát hiện gian dối trong việc mua bán, cơ quan chức năng sẽ can thiệp ngay, để giải quyết cho ngư dân", ông Hổ khẳng định.
Lập lại an ninh, trật tự cảng cá
Gần đây, tình hình an ninh trật tự tại cảng cá Quy Nhơn diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, khiến nhiều ngư dân bức xúc, lên tiếng phản ứng. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng vừa tổ chức cuộc họp để lên kế hoạch yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để lập lại trật tự tại cảng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, nổi lên là tình trạng ép giá, tranh giành mua bán, gây mâu thuẫn giữa các tiểu thương với đại lý thu mua, trộm cắp tài sản trên các tàu thuyền neo đậu tại bến, trên xe tải, các dịch vụ cho vay nặng lãi, "cò" xe để xếp dỡ hàng hóa, tranh chấp trong việc lấn chiếm vị trí mua bán hải sản, neo đậu tàu thuyền... Những sự việc bất thường trên khiến tình hình an ninh, trật tự tại cảng cá Quy Nhơn "bấn loạn". Trong khi đó, một bộ phận lao động tại cảng nhận thức việc phòng, chống tội phạm, tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa cao.
Để giải quyết sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã giao cho lực lượng công an theo dõi, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng tội phạm có tổ chức nhằm lập lại trật tự, trị an tại địa bàn. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các vụ việc gây mất an ninh, trật tự tại cảng cá Quy Nhơn.
Ngoài ra, ông Dũng yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với công an, UBND TP.Quy Nhơn... kịp thời nắm bắt tình hình và đề ra các giải pháp thực hiện nhằm khắc phục triệt để các tồn tại. Sắp xếp có trật tự, ngăn nắp khu vực neo đậu tàu thuyền, vị trí xuống cá, cung cấp hàng hóa và dịch vụ hậu cần nghề cá, phương án ra vào cảng để tránh gây ùn tắc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, xây dựng tổ bốc xếp tự quản hoạt động tại cảng. UBND TP.Quy Nhơn phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, không để tình trạng tội phạm có tổ chức hoạt động trên địa bàn.
Theo Danviet
Để ngư dân vi phạm lãnh hải, chủ tịch huyện sẽ bị kỷ luật Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tại Hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Ngày 13/8, tại UBND tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT...