Dự án chưa được chấp thuận đầu tư đã hoạt động, gây ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò bức xúc vì cho rằng xưởng chế biến nông sản của Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Alavi Đồng Tháp (gọi tắt là Alavi Đồng Tháp) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.
Điều đáng nói là dự án xưởng chế biến nông sản và kho lạnh bảo quản nông sản này chưa được UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chi nhánh Công ty TNHH kỹ thuật Alavi Đồng Tháp tại xã Bình Thành.
Từ việc chưa chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã hoạt động…
Dự án xưởng chế biến nông sản và kho lạnh bảo quản nông sản của Alavi Đồng Tháp có diện tích đất sử dụng hơn 21.000m2, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Công suất thiết kế xưởng chế biến 36.000 tấn nguyên liệu/năm, công suất thiết kế kho lạnh 2.000 tấn sản phẩm. Alavi Đồng Tháp đã đề nghị với cơ quan chức năng thực hiện dự án từ hơn một năm qua nhưng đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án vì vướng một số thủ tục pháp lý.
Thế nhưng trên thực tế, từ cuối năm 2020, mặc dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định, nhà đầu tư dự án này đã san lấp mặt bằng, khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất chuyên trồng lúa nước. Theo UBND huyện Lấp Vò, hiện dự án đã xây dựng và hoàn thành 90% các hạng mục cơ bản như nhà xưởng, kho lạnh, kho đông, văn phòng, công trình phụ trợ. Về việc này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trưởng tổ chức thanh tra, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 130 triệu đồng.
Video đang HOT
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, đây là dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp nhẹ, thuộc danh mục công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Vì vậy, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Hiện nay, các hạng mục xây dựng xưởng chế biến nông sản và kho lạnh đã gần hoàn thành nhưng chưa đảm bảo về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng. Do đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND huyện Lấp Vò có phương án xử lý vi phạm về trình tự thủ tục xây dựng đúng quy định của pháp luật. Ngày 13/5/2022, UBND huyện Lấp Vò đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sơ chế (cắt, gọt xoài); chỉ được tiếp tục hoạt động khi hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường (giấy phép môi trường), giấy phép xây dựng công trình, an toàn thực phẩm và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt..
Ông Nguyễn Long Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Alavi Đồng Tháp cho biết, vì muốn góp phần giải cứu nông sản cho bà con sau thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đơn vị đã xây dựng công trình và hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý. Đến nay, Alavi Đồng Tháp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt vì vi phạm về lĩnh vực đất đai. Công ty đang hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; gửi hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư xưởng chế biến và kho lạnh bảo quản nông sản từ khá lâu. Gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức họp bàn bạc về chủ trương đầu tư dự án.
… tới tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng người dân
Nhiều người dân ở khu vực lân cận nhà xưởng của Alavi Đồng Tháp bức xúc vì cho rằng trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp Alavi Đồng Tháp đã xả nước thải ra kênh số 8, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.
Theo ông T.T.P ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, nước thải từ khu vực xưởng của Alavi Đồng Tháp chảy ra kênh số 8 có màu đen, mùi hôi thối rất khó chịu. Ống xả thải được đặt sâu dưới mặt nước, chiều tối hay đêm khuya, công ty xả thải ra kênh số 8, qua cống số 8 rồi hòa vào sông Xáng Lấp Vò. Đáng quan tâm hơn, ngay cống số 8 là điểm lấy nước sông của Nhà máy nước Bình Thành – Lấp Vò (thuộc Công ty Cổ phần cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp) để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Thành, thị trấn Lấp Vò.
Người dân cho rằng, nước thải của Chi nhánh Công ty TNHH kỹ thuật Alavi Đồng Tháp ra kênh có màu đen và bốc mùi hôi thối.
Ông Đặng Minh Mẫn, chủ quán ăn Kiều Mại 3 miền (ở gần Alavi Đồng Tháp) bức xúc cho biết, Alavi Đồng Tháp đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý khiến nguồn nước khu vực lân cận bị ô nhiễm. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình ông, đồng thời, gây khó khăn trong việc kinh doanh vì số lượng khách đến giảm. Người dân phản ánh tình trạng này đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết, khắc phục.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Alavi Đồng Tháp Nguyễn Long Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng ô nhiễm người dân phản ánh là có một phần trách nhiệm của Công ty. Trước đây, vì lý do khách quan nên nước thải từ hơn 300 tấn vỏ xoài tập kết tạm trong khu vực công ty bị ngấm vào nền cát. Mặc dù hiện nay khối lượng vỏ xoài đó đã được xử lý nhưng nước thải vẫn còn trong nền cát và bị rò rỉ ra bên ngoài. Ông Nguyễn Long Nghĩa khẳng định, chi nhánh công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đường ống độc lập dẫn nước thải (đã qua xử lý) ra sông Xáng Lấp Vò, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Long Nghĩa, đơn vị đã sớm thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng do còn vướng ở chủ trương đầu tư nên chưa thể hoàn thành. Thời gian tới, Alavi Đồng Tháp xây dựng thêm đường ống dẫn nước thải đã qua xử lý ra sông. Nước thải được xử lý mỗi ngày và bơm ra ngoài, không trữ trong ao tránh tình trạng rò rỉ, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Lấp Vò cho biết, đơn vị này đã nắm được việc người dân phản ánh; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, UBND xã Bình Thành thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu Alavi Đồng Tháp nhanh chóng khắc phục những tồn tại nói trên.
Phú Yên: Khắc phục sự cố vỡ ống xả thải của các trang trại chăn nuôi lợn
Nước thải của các trang trại chăn nuôi lợn tại xã An Thọ và An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã tràn ra xung quanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại một số điểm du lịch dã ngoại.
Lãnh đạo huyện Tuy An đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu chủ các trang trại này phải sớm có giải pháp khắc phục.
Khu vực suối Cái (thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An) gần Vực Hòm là điểm tham quan, dã ngoại hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh Phú Yên bởi dòng nước trong mát, phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, những ngày gầy đây, nước ở suối Cái chuyển sang màu vàng đậm, có mùi hôi. Một số vị trí có tình trạng cá chết nổi trên mặt nước...
Qua phản ánh của người dân địa phương, ngày 20/9, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An đã kiểm tra và khẳng định có tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại khu vực suối Cái. Nguyên nhân được xác định là do sự cố vỡ đường ống xử lý nước thải của bốn trang trại nuôi lợn tại xã An Thọ (cách khu vực suối khoảng 20km).
Các trang trại này được xây dựng tại tiểu khu 255 (thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An) với diện tích gần 9.000m2 và nuôi 2.200 heo thịt. Do đường ống dẫn bị vỡ (ngày 16/9/2022), nước thải đã tràn ra xung quanh và chảy vào nguồn nước của suối Cái gây ô nhiễm.
Sau khi sự cố xảy ra, các chủ trang trại chăn nuôi đã chủ động trình báo chính quyền địa phương và tập trung khắc phục, sửa chữa hệ thống đường ống xả thải. Đến nay, nước thải không còn chảy ra môi trường xung quanh nhưng tình trạng ô nhiễm chưa được khắc phục triệt để. Ủy ban nhân dân huyện Tuy An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại khu vực chăn nuôi và suối Cái gửi về Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên) để phân tích nhằm có biện pháp xử lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại khu vực suối Cái và vực Hòm là do nguồn nước thải từ các trại chăn nuôi ở đầu nguồn tại xã An Thọ. Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu chủ các trang trại thực hiện các giải pháp khắc phục sự cố, phục hồi môi trường trở lại bình thường. Trước mắt, các chủ trang trại phải tăng cường bơm vi sinh xử lý mùi và đẩy nhanh quá trình phân hủy chất thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Sau khi xuất chuồng lứa lợn đang nuôi, chủ trang trại chỉ tiếp tục nuôi lứa tiếp theo khi được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Suối Cái và khu vực thác Vực Hòm tại thôn Vĩnh Xuân là một điểm du lịch trải nghiệm trên địa bàn đang thu hút nhiều du khách. Vì vậy, các cơ quan chức năng ở địa phương cần có các giải pháp bảo vệ để không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường nơi đây.
Cải thiện chất lượng môi trường - Bài 2: Hướng tới mục tiêu 'Thành phố môi trường' Mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Vấn đề môi trường luôn được quan tâm từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp, người dân. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào...