Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Chây ì trong giải quyết các vấn đề dân sinh
Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần yêu cầu Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án tiến hành kiểm tra, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những “điểm nóng” về dân sinh còn tồn tại.
Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía đại diện chủ đầu tư, do vậy, các “điểm nóng” này vẫn chưa được giải quyết, hàng chục héc-ta đất ruộng không thể canh tác vụ Đông Xuân khiến người dân và chính quyền địa phương rất bức xúc…
Đường dây điện bị đứt trong lúc thi công tại thôn Quý Phước 1 (xã Bình Quý) 5 tháng chưa khắc phục (ảnh 1).
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên và TX Điện Bàn (Quảng Nam) chính thức thông tuyến gần 3 tháng nay nhưng nhiều vấn đề dân sinh liên quan đến tuyến đường này vẫn chưa được giải quyết. Ngày 20-12, đưa chúng tôi đi sở thị những “điểm nóng” trên địa bàn, cán bộ giao thông – thủy lợi xã Bình Quý (H. Thăng Bình) Đặng Văn Quý cho biết: Tại gói thầu số 6 qua thôn Quý Phước 1 do đường dây điện vướng đường cao tốc nên đơn vị thi công (ĐVTC) đã lắp đặt ống điện âm dưới đất.
Cách đây 5 tháng, ĐVTC múc mương thoát nước đã làm đứt đường dây điện này nhưng chỉ nối tạm bợ. Địa phương đã nhiều lần yêu cầu ĐVTC khắc phục, đưa đoạn đứt lên trụ vì vị trí này cách con đường dân sinh 2m rất nguy hiểm, nhưng hơn 4 tháng nay “điểm đen” này vẫn chưa được khắc phục. Hậu quả, trong đợt mưa vừa qua nước ngập điện bị rò rỉ, người dân buộc phải đi vòng qua đường khác để về nhà. Cũng tại vị trí này, hầm chui qua đường ĐT612 có nhiều xe khách, xe tải di chuyển lên H. Tiên Phước, đoạn này đường cong nhưng ĐVTC lập rào chắn trong hầm quá sát đường, không có biển cảnh báo nên đã xảy ra 2 vụ TNGT. Địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu gỡ rào chắn tại vị trí này nhưng ĐVTC vẫn chưa thực hiện.
Hầm chui qua đường ĐT612 rào chắn sát đường, không có biển cảnh báo gây ra 2 vụ TNGT (ảnh 2).
Video đang HOT
“Ngoài ra, ĐVTC làm cống thoát nước tại đường kính 1,5m quá nhỏ nên trong đợt mưa vừa qua nước ứ đọng phá vỡ con đường khiến gần 30 hộ dân bị ngập sâu từ 1-1,5m, hoa màu bị hư hại rất nhiều. Ngoài ra, do mương thoát nước nhỏ nên ở các thôn Quý Phước 1, Quý Thạnh 1, Quý Thạnh 2, Quế Xuân 1 khu vực trên cao tốc cũng bị ngập trên diện rộng, nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ hoang. Tại khu vực vòng xuyến cao tốc thuộc thôn Quý Thạnh 1, có 29 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng gần 3ha đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, Trạm thu phí Bình Quý xây dựng không thiết kế hầm chui khiến người dân tổ 12 có 5ha đất màu khu vực phía trên không có đường đi nên đất màu bị bỏ hoang rất nhiều. Do mương nước thiết kế không phù hợp, đất ta-luy cao tốc bồi lấp khiến có 2ha diện tích đất ruộng thiếu nước canh tác nên tiếp tục phải bỏ hoang vụ đông xuân này…” – ông Quý thông tin.
Đất đỏ ta-luy cao tốc làm bồi lấp mương dẫn nước khiến nhiều cánh đồng phải bỏ hoang (ảnh 3).
Tại H. Núi Thành, tuyến cao tốc chạy qua địa bàn 7 xã của địa phương này nhưng đến nay các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân sinh vẫn còn rất ngổn ngang chưa khắc phục. Điển hình tại xã Tam Mỹ Tây, hệ thống đường gom dân sinh phía bên trái tuyến đường cao tốc tại Km 86 680 (thôn Trung Thành) bị cao tốc cắt ngang đường ĐH5 nên nhiều hộ dân không có đường vào nhà. Bên cạnh đó, các hộ có lâm sản tại khu vực từ Km86 240 đến Km86 838 không có đường đi lại sản xuất và vận chuyển lâm sản. Hệ thống thoát nước lũ tại Km87 570 đã có cống tròn D1500 qua đường cao tốc và hệ thống mương phía trái tuyến thiết kế cống quá nhỏ không đảm bảo cho việc thoát nước vào mùa mưa lũ gây ngập nhiều hộ dân ở thôn Trung Thành. Ngoài ra, trong quá trình thi công đường cao tốc đã làm bồi lấp nhiều diện tích ruộng ở cánh đồng Ông Già, Hóc Dậy, Cây Cối phải bỏ hoang không canh tác nhưng vẫn chưa giải quyết.
Hơn 3ha đất hoa màu của người dân thôn Quý Thanh 1 nằm trong diện giải tỏa trắng 2 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết (ảnh 4).
Việc chậm trễ giải quyết những tồn tại còn vướng mắc bởi tuyến cao tốc trở thành tâm điểm trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, HĐND của H. Quế Sơn. Đơn cử tại xã Quế Xuân 2, việc thi công đường dân sinh bên phải tuyến đoạn km30 213 – km31 000 vẫn còn dở dang chưa thể đi lại được. Cánh đồng Vườn Mài bị bồi lấp trong quá trình thi công cao tốc từ năm 2014 đến nay nhưng tiền hỗ trợ hoa màu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tại TX Điện Bàn, nhà thầu vẫn chưa thi công hoàn thiện đường gom dân sinh tại mố A2 cầu Kỳ Lam (xã Điện Quang)…
LÊ VƯƠNG
Theo CAND
Mua đất rừng của dân để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám
Trước tình trạng đàn voọc chà vá chân xám có nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Quảng Nam lên phương án mua đất rừng của người dân để mở rộng sinh cảnh sống và trồng các loại cây bản địa để mở rộng vùng sống cho đàn voọc.
Ngày 9/8, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến đi thực địa tại khu vực sống của đàn voọc chà vá chân xám ở núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Ông Lê Trí Thanh thị sát khu vực sống của đàn voọc
Sau hơn 1 giờ đồng hồ băng rừng, đoàn công tác tới khu vực núi Hòn Dồ, nơi đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống. Theo ghi nhận thực tế ở khu vực này có 3 cá thể voọc đang kiếm ăn trên những ngọn cây.
Theo lực lượng kiểm lâm địa phương, quần thể voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể với ít nhất 2 đàn voọc. Chúng sống trong tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng hơn 10ha, đây là một khu rừng rất nhỏ để có thể duy trì đàn voọc.
Sau khi đi thị sát, ông Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc với các đơn vị chức năng để nghe những giải pháp bảo vệ đàn voọc. Theo ông Thanh, đàn voọc chà vá chân xám sống ở khu vực núi Hòn Dồ trong phạm vi quá nhỏ, được bao quanh và bị chia cắt bởi các rừng keo, nương rẫy của người dân nên việc phát triển, sinh trưởng của đàn voọc bị chia cắt, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Voọc chà vá chân xám ở khu vực Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, muốn bảo vệ và phát triển đàn voọc cần tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy cấp của loại linh trưởng này. Ngoài ra, cần tăng cường các đội, nhóm bảo vệ đàn voọc để không còn tình trạng săn bắn của người dân ở vùng khác đến.
"Đàn voọc bị chia cắt môi trường sống bởi rừng sản xuất của người dân nên tỉnh lên phương án mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc rộng hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm bảo thức ăn cho đàn voọc", ông Thanh nói.
Voọc chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea, đây loài đặc hữu của Việt Nam, phân bổ ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Năm 2016, Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế Fauna & Flora International đã công bố việc phát hiện quần thể 500 cá thể chà vá chân xám và nâng tổng số lượng loài này lên 1.000 cá thể.
C.Bính
Theo Dantri
Hái đặc sản nấm Vua "lộc trời cho" ẵm ngay tiền triệu/ ngày Với số tiền đi hái bán thu về từ 200.000 - 1.000.000 đồng/người/buổi, nhiều người dân vùng quê ở đồng bằng Quảng Ngãi ví von nấm mối tự nhiên là "lộc trời cho" sau những ngày mưa lạnh. Sau đợt mưa lạnh kéo dài trong những ngày qua, cứ vào tầm 5-6 giờ hàng ngày nhiều người dân vùng quê ở đồng bằng...