Dự án biến nhà thành hầm ‘nóng’ nghị trường HĐND TP HCM
Đường Kinh Dương Vương được nâng cấp cải tạo nhưng khi thi công nhà dân bị biến thành hầm, vì thấp hơn cao độ 2 m của đường, là vấn đề các đại biểu quan tâm.
Chiều 4/8, là người đầu tiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Trần Văn Thuận đề cập đến dự án nâng đường Kinh Dương Vương ( quận Bình Tân) đã khiến 539 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường bị ảnh hưởng hoặc bị biến thành hầm.
“Sau khi đường nâng lên cao độ 2 m, Chủ tịch UBND TP HCM xuống thị sát yêu cầu nghiên cứu giảm cao độ. Các đơn vị sau đó cũng tính toán để thực hiện chỉ đạo này. Cơ sở nào để trung tâm chống ngập đề xuất cao độ 2 m? Cơ sở nào để Sở GTVT thẩm định và phê duyệt thiết kế cao độ như vậy?”, ông Thuận truy vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt cũng yêu cầu các đơn vị tính toán, thi công nhanh tuyến đường để người dân không khổ sở vì ngập. Đây cũng là vấn đề đã được nhiều đại biểu nhắc đến trong các buổi thảo luận trước đó.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Hậu
Trả lời chất vấn, ông Bùi Xuân Cường cho biết, cao độ 2 m của đường Kinh Dương Vương là cốt nền chung dựa trên 3 quy hoạch chống ngập, tổng thể thoát nước, thủy lợi chống ngập úng của thành phố. Các đơn vị đã thống nhất với cốt nền xây dựng theo quy định của thành phố dương 2 m trở lên. Tuy nhiên, sau đó cũng thống nhất hạ cốt nền ở phần lề đường xuống cao độ 1,71 m – thấp hơn quy định 29 cm. Và như vậy, tuyến đường với cốt nền này chấp nhận tần suất ngập 4%.
Video đang HOT
Về việc thi công tuyến đường khiến nhà dân thấp hơn mặt đường đã gây bức xúc trong dư luận, ông Cường cho nguyên nhân là do bố trí vốn chậm. “Dự án bị kéo dài từ năm 2013 đến năm 2016 mới được phê duyệt. Hơn thế, đơn vị được giao lấy ý kiến người dân đã chưa tuân thủ quy định và chưa lấy ý kiến của dân một cách hợp lý”, Giám đốc Sở GTVT nói.
Sau khi lấy ý kiến lại, có 405/539 hộ dân tham gia góp ý. Trong đó, có hơn 100 hộ dân đồng ý để nguyên thiết kế ban đầu hạ vỉa hè xuống 10 cm và các đơn vị thống nhất với ý kiến này.
Hiện, Sở GTVT đã yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh độ dốc vỉa hè, giảm độ cao trước nhà dân và đẩy nhanh tiến độ ở những nơi đã thi công. Những nơi chưa làm phải thảm nhựa tái lập mặt đường để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Song song với việc này, Sở đã có phương án bố trí máy bơm nước giảm ngập cho khu dân cư.
Chủ tịch UBND TP HCM thị sát và yêu cầu giảm cao độ của tuyến đường Kinh Dương Vương. Ảnh: Ngọc Hậu
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm về việc có hay không nạn bảo kê “bến cóc, xe dù”, ông Cường khẳng định không có sự bao che dung túng. Sở GTVT sẽ phối hợp với CSGT và UBND các quận để triển khai xử phạt, nhằm ngưng hoạt động của các bến này, “quyết tâm không để bến cóc xe dù tồn tại”.
Sau phần ý kiến của Giám đốc Sở GTVT, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP HCM – lưu ý, các dự án cần phải đánh giá và phản biện tốt hơn. Người dân phải được công khai minh bạch rõ ràng dự án ảnh hưởng như thế nào đối vói mình khi được lấy ý kiến.
“Công tác phản biện của các đơn vị chưa ổn, cần phải có ý kiến nhân dân, tránh lấy ý kiến hình thức. Đến khi triển khai dân phản ứng mạnh mẽ như tuyến đường Kinh Dương Vương”, bà Tâm nói và nhắc nhở ngành giao thông kiểm tra lại các dự án chống ngập vì tình hình ngập còn nghiêm trọng hơn, các dự án phải hiệu quả hơn.
Ngọc Hậu
Theo VNE
Đường ở Sài Gòn 'biến nhà dân thành hầm' được đề nghị giảm độ cao
Sở Giao thông TP HCM đề nghị chủ đầu tư giảm độ cao tim đường Kinh Dương Vương xuống 25 cm nhưng phương án này được cho là không giúp người dân thoát khổ.
Trong cuộc họp mới đây với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (chủ đầu tư dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề nghị phải nghiên cứu để giảm độ cao tim đường xuống 25 cm.
Sở GTVT cũng đề nghị Trung tâm Điều hành chống ngập nước thực hiện 3 phương án giảm độ cao vỉa hè và độ cao tim đường Kinh Dương Vương để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Trước khi thực hiện các phương án, những đơn vị liên quan phải tổ thức lấy ý kiến của người dân.
Động thái này diễn ra sau khi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải xem lại thiết kế tuyến đường đang "biến" hơn 500 nhà dân thành hầm. Tuy nhiên, nhiều hộ bị ảnh hưởng cho rằng, việc hạ thấp tim đường không làm họ bớt khổ bởi thực chất phần lề đường sát nhà và đoạn tường vây trước nhà họ chưa có mức hạ độ cao cụ thể, các cơ quan chức năng vẫn chỉ yêu cầu xem xét.
Hơn 500 ngôi nhà trên đường Kinh Dương Vương bị xây tường bịt kín lối đi. Ảnh:Ngọc Hậu.
Trước đó, trong quá trình thiết kế, tính toán nâng đường để đảm bảo chống ngập, đơn vị tư vấn cũng đã tính toán và kiến nghị chọn cao độ thiết kế tại tim đường 2,0 m và mép đường 1,71 m. Do hiện trạng đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) trũng thấp nên đường phải nâng cao thêm 0,5-1,35 m. Trong đó, đoạn nâng cao từ 1m trở lên dài khoảng 1,8 km (đoạn từ đường Lâm Hoành đến vòng xoay An Lạc) mới đạt cao độ này, khiến 539 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường bị ảnh hưởng.
Nhiều người đã phản ánh vào đường dây nóng UBND TP HCM. Trước bức xúc của người dân, UBND Bình Tân kiến nghị xem xét lại việc giảm cao độ thiết kế của dự án để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế và Trung tâm Điều hành chống ngập nước vẫn cho rằng cao độ mép mặt đường thiết kế 1,71m đã xấp xỉ mực nước trong các đợt triều cường những năm gần đây (đỉnh triều hiện nay cao nhất 1,68m), nên việc hạ cao độ thiết kế, đặc biệt là tại khu vực Kho bạc Nhà Nước (hạ xuống thêm 30 cm) sẽ tạo thành điểm ngập tại khu vực này do cao độ thiết kế tại mép đường khi đó là 1,41 m, thấp hơn cao độ đỉnh triều 1,68 m là 0,27 cm.
Trong chuyến thị sát dự án, ông Nguyễn Thành Phong phải thốt lên: "Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án".
Do dự án đã triển khai rồi nên ông Phong yêu cầu các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.
Ngọc Hậu
Theo VNE
TP HCM vay 400 triệu USD tiếp tục chống ngập Số tiền này sẽ được dùng để triển khai hàng loạt các dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM trong 5 năm tới. UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM giai đoạn 2016 - 2021 với tổng số vốn 400 triệu USD, vay từ ngân hàng Tái thiết...