Dư âm sau “Hịch game thủ game online”: chỉ vỗ tay?
Tranh tài vặt, lý sự cùn và xấc láo, đó là phản ánh chân thực về hầu hết các topic bàn luận xung quanh Dự thảo mới. Phải chăng game thủ Việt đang tự làm xấu đi hình ảnh của chính mình trong giai đoạn khắc nghiệt nhất?
“Nếu anh em chỉ cứ ngồi khen bài hịch của tôi, thậm chí chê bai chửi mắng, mà không nhìn thấy vấn đề nằm ở phía sau bài hịch, phía sau trách nhiệm cộng đồng, thì chỉ sau 1 tuần bài hịch ấy cũng rơi vào hố rác quên lãng”, đó là tâm sự mới nhất của ThienHaVoTranh, tác giả bài “ Hịch game thủ game online” gây sốt vài ngày trước.
Quả thật, những nhận xét bên trên không phải là không có lý, thậm chí còn mô tả chính xác những biến động trong cộng đồng game thủ nước nhà kể từ khi tai nghe mắt thấy Dự thảo mới về quản lý game online do Bộ TT&TT soạn thảo.
Tình trạng tranh cãi, công kích cá nhân vô bổ liên tục diễn ra. (Hình minh họa).
Nếu theo dõi kỹ càng các diễn đàn trò chơi lớn nhỏ trong nước thời gian qua, ai cũng nhận ra rằng hầu hết topic về vấn đề yêu cầu NPH đóng cửa server sau 22h thu hút hàng nghìn lượt theo dõi và vài trăm bình luận, nhận xét, thậm chí tâm sự “hỉ nộ ái ố” cũng không ít. Tuy vậy, tỷ lệ % những bài viết tranh cãi, công kích cá nhân vô bổ chiếm không dưới 80%.
“Chỉ thấy tranh tài vặt, lý sự cùn và xấc láo”, một gamer kỳ cựu lên tiếng khi cảm thấy thất vọng với những gì mà nhiều người tự xưng mình là “người chơi chân chính” thốt ra khi bàn về Dự thảo mới.
Video đang HOT
Trên thực tế, đó là căn bệnh trầm kha vốn đã tồn tại trong cộng đồng game thủ Việt nhiều năm nay, họ có thể bức xúc với một vấn đề nghiêm trọng rất nhanh, nhưng cũng dễ dàng thỏa hiệp rất nhanh, miễn là nó không ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân hoặc bản thân mình không phải là trường hợp bức xúc duy nhất.
“Chỉ thấy tranh tài vặt, lý sự cùn và xấc láo”.
Đơn cử như vấn nạn hack, cheat lan tràn nhiều năm nay, có lẽ sẽ là vô ích nếu muốn thống kê lại có bao nhiêu nghìn bài viết phản đối, tranh cãi nhưng rốt cuộc tất cả đâu vẫn hoàn đấy. Người bức xúc cũng vẫn chơi, vẫn nạp tiền như thường, và thế là chất lượng dịch vụ do NPH cung cấp không thay đổi, kéo theo cái vòng luẩn quẩn vô tận.
Quay trở lại với bài “Hịch game thủ game online”, hầu hết độc giả khi đọc xong đều cảm thấy khâm phục, họ sẵn sàng vỗ tay khen ngợi rào rào rồi quên ngay sau đó 5″. Thậm chí ấn tượng để lại với bài Hịch chủ yếu chỉ là việc văn phong giống với tác phẩm Hịch tướng sỹ chứ không phải vì điều tác giả muốn gửi gắm.
“Tôi viết bài viết đó không phải để khoe mình tài hay muốn rạng danh. Tôi làm thông tin, bút danh của tôi cũng đã có nhiều anh em biết, tôi không hiếu sự ấy. Hãy cùng nhau vào trang thông tin của Bộ, đăng ký góp ý về dự thảo. Hoặc, có ý kiến về giải pháp nào tích cực nhất cho dự thảo, để mọi người cùng đồng thuận kiến nghị”, tác giả ThienHaVoTranh tâm sự thêm.
Chỉ vỗ tay rào rào rồi quên ngay? (Hình minh họa).
Đúng vậy, ngày qua ngày, những topic tranh luận vô bổ về Dự thảo mới cứ tiếp tục dày thêm số trang, nhưng dường như chẳng ai hiểu rằng đến ngày 22/6, hạn cuối cùng lấy ý kiến dự thảo của Bộ TT&TT sẽ khóa sổ.
Nếu không nghiêm túc có những ý kiến một cách khoa học và thuyết phục, để tạo hướng nhìn tốt cho các nhà quản lý, thì hạn mốc đó qua đi đồng nghĩa với sự phải chấp nhận những gì ban hành sau đó.
“Tôi sợ gì mà không đóng góp ý kiến, nhưng liệu có ai nghe không, hay cũng giống với các kiến nghị gửi tới NPH đều mất hút?”, game thủ có nickname ĐP phản kháng. Đây là suy nghĩ chủ đạo trong đầu nhiều thành viên khác và cũng là hậu quả của chất lượng chăm sóc khách hàng quá tồi những năm qua.
Vì sức ỳ, vẫn còn quá ít ý kiến từ phía game thủ gửi tới nhà quản lý. (Hình minh họa).
Nhưng không thể lấy đó làm lá chắn cho “sức ỳ” của cộng đồng. Dù ý kiến bị bỏ qua, thì chúng ta cũng đã làm hết trách nhiệm của những người trong cuộc, rằng chúng ta không thờ ơ với những gì sẽ xảy đến. Mong nhà quản lý họ thấy để hiểu điều đó mà nghiêm túc hơn vì quyền lợi của khách hàng.
Hơn thế nữa, đừng nghĩ rằng các nhà quản lý không đếm xỉa gì tới tầng lớp gamer, ngành công nghiệp game online đã tồn tại ở Việt Nam 5, 6 năm trời chứ chẳng phải ngày một ngày hai, nên bất kỳ ai cũng hiểu tầm quan trọng của nó.
Vấn đề là, ai cũng im lặng hoặc chỉ lao vào gây gổ, miệt thị cá nhân thì người làm luật biết thu thập ý kiến ở đâu? Họ đang nhìn vào chúng ta và đừng để họ cười vào đám nhãi nhép chỉ biết tranh tài vặt, lý sự cùn và xấc láo.
Đừng khiến hình ảnh đẹp của game thủ bị vấy bẩn. (Hình minh họa).
Bài “Hịch game thủ game online” có thể còn quá nhỏ bé, ít người biết đến hoặc sẽ bị quên lãng nhanh chóng, nhưng nếu có vài trăm, vài nghìn bài viết như vậy thì mọi chuyện sẽ khác, nhất là khi chúng được gửi tới các nhà quản lý với đầy đủ sự chân thành, súc tích và bình tĩnh.
Xin nhắc lại, ngày 22/06 tới (đúng 1 tháng nữa), Dự thảo mới sẽ khóa sổ. Bộ đã công tâm khi mở cửa thu thập ý kiến thì không có lý do gì mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội này. Hãy vì niềm đam mê chính đáng, lành mạnh của chính bạn, người thân và cộng đồng game thủ Việt nói chung!
Theo Gamek