ĐT Anh: Southgate đã thành công rồi!
Bất kể kết quả cuối cùng là như thế nào, báo chí Anh mà không quỳ gối thì cũng không thể “ăn thịt” Gareth Southgate, như cái cách mà làng báo này đã làm trước các vị tiền nhiệm giỏi giang hơn Southgate rất nhiều.
Ở đâu ra nhân vật Southgate tầm thường, bỗng nắm đội tuyển Anh? Hơn ai hết, Southgate hiểu quá rõ câu chuyện về sự nghiệp của chính mình. Vì ông đã dẫn dắt đội U21 Anh, tức sẵn “có mối” trong nội bộ FA. Vì chỉ có ông sẵn sàng chấp nhận lời mời dẫn dắt ĐT Anh “không công”, khi Sam Allardyce bất ngờ từ chức.
Người Nam bộ trước đây có từ “thí”, rất phù hợp (không rõ các địa phương khác thế nào). “Nhà thương thí” là bệnh viện miễn phí, dành cho bệnh nhân nghèo, dĩ nhiên đã vào đấy thì xin đừng đòi hỏi tiêu chuẩn cao sang. Mổ “thí” là mổ miễn phí mà bệnh nhân phải cam kết… có sao ráng chịu. Đại khái như vậy. Southgate “dạy thí”, tức là biết tới đâu huấn luyện tới đó, không đòi hỏi tiền bạc gì hết.
Tiện lợi ở chỗ: nhờ vài trận “thử”, xem cũng được, mà FA mới biết rằng nên giao hẳn đội tuyển cho Southgate huấn luyện chính thức. Không có Southgate, sẽ chẳng ai cam tâm cho FA “thí nghiệm”, trong khi ký hẳn hợp đồng bộn bạc thì FA lại không sẵn sàng. Nhưng ở đây, khi nói Southgate hiểu rõ câu chuyện về sự nghiệp của mình, chúng ta đang nói Southgate hiểu quá rõ hoàn cảnh khiến Allardyce phải từ chức.
Allardyce giỏi gấp trăm lần Southgate, với kinh nghiệm 1/4 thế kỷ hành nghề khi nhận lời dẫn dắt Tam sư. Ông chỉ huấn luyện có hiệu quả các đội bóng nhỏ?
Càng hay, vì Anh là đội hạng bét trong hàng ngũ các cường quốc bóng đá. Nhưng báo chí Anh gài bẫy: ký giả của tờ Daily Telegraph giả làm doanh nhân, nhờ Allardyce cố vấn cho vài mưu chước để lách luật bóng đá, tiện thể còn ghi âm và ghi hình thêm vài bình luận “đắt giá” của Allardyce về trình độ của các nhân vật bóng đá như Roy Hodgson hoặc Gary Neville… Rút cuộc, Allardyce mang tiếng – mất uy tín thôi, chứ cũng chẳng phạm tội gì – và phải từ chức chỉ sau 1 trận làm HLV đội tuyển Anh.
Trước đây, các phóng viên Anh cũng giả làm “tỷ phú Ả-rập” để lừa HLV Sven Goran Eriksson, và có scandal ầm ĩ để câu khách. Những chuyện “ác” như thế, cánh nhà báo còn làm được, thì họ đâu bao giờ chê “quà tặng” từ chính các nạn nhân! Fabio Capello không chấp nhận yêu cầu của FA – tước băng thủ quân của John Terry vì cầu thủ này mất tư cách. Glenn Hoddle xúc phạm người tàn tật… Tất cả đều là đề tài “quá ngon”, giúp báo giới ăn khách, trong cái áp lực “bóng đá hàng giờ” ở nước Anh.
Southgate thấy rõ tất cả những chuyện như thế, nên ông biết cách giữ mình, để không bao giờ “làm mồi” cho báo chí. Đấy mới là chi tiết quan trọng nhất, khiến Southgate coi như đã thành công vang dội tại EURO này – bất kể có giành được chiến thắng lịch sử hay không. Chứ Southgate mà có “phốt” thì, xin lỗi: trận chung kết EURO mang tính lịch sử cũng chẳng có nghĩa lý gì trước tình trạng luôn đói đề tài của báo giới trên quê hương bóng đá.
HLV Eriksson: 'Tôi có cảm giác là ĐT Anh sẽ vô địch EURO 2020'
Trong bài viết riêng cho tờ Daily Mail, cựu HLV Sven-Goran Eriksson của ĐT Anh cho biết, ông có cảm giác rất mạnh rằng, Tam sư sẽ đăng quang tại EURO 2020! Là bởi, đội bóng này có tinh thần đoàn kết cao, thể lực tốt và nhiều phương án tiếp cận khung thành đối thủ.
Vị chiến lược gia này viết: "Gareth Southgate là trợ lý của tôi tại World Cup 2002 nên tôi không hề ngạc nhiên khi cậu ấy trở thành một HLV tài năng. Trong trận bán kết gặp Đan Mạch, Southgate tung Jack Grealish vào sân rồi lại rút Grealish khỏi sân khi Tam Sư cần tập trung phòng ngự. Thú thật, không nhiều HLV dám làm vậy. Áp lực mà Southgate phải chịu khi đưa ra quyết định đó rất lớn, nhưng cậu ta đã vượt qua".
Eriksson đồng thời cho rằng, ĐT Anh mà Southgate đang xây dựng rất chặt chẽ. Đây là một ĐT Anh có thể sẽ bị thủng lưới nhưng không dễ gì sụp đổ. "Tôi bất ngờ về ĐT Anh. Họ phòng ngự rất tốt, thể trạng bền bỉ, có tốc độ và có nhiều phương án tấn công. Thú thật rằng tôi không kỳ vọng Raheem Sterling có thể ghi nhiều bàn thắng đến vậy. Đó là một thành công của Gareth Southgate".
Tuy nhiên, Eriksson cũng cho rằng, ĐT Italia của Roberto Mancini là rất khó để đánh bại. "Tôi không lạ gì Mancini! Cậu ta là một con người cuồng bóng đá, sẵn sàng tập trung tất cả cho bóng đá. Sự tập trung của Mancini cho một trận đấu cụ thể rất đáng gờm. Vì vậy, tôi không cho rằng, việc phải đá với ĐT Anh trên sân Wembley sẽ làm khó cho nhà cầm quân tài năng Mancini".
ĐT Anh: Có chơi, có chịu! Bóng đá có thể là trò chơi chính trị đầy những dối trá, bịp bợm. Bóng đá là thương mại nữa. Là tất tần tật. Với ĐT Anh, đây không phải là chuyện chém gió suông. Tòa án công lý châu Âu định nghĩa bóng đá như vậy, và đấy là cơ sở để tòa án này buộc giới bóng đá phải tuân...