Đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ Tổ quốc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XI với nhiều nội dung quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm. Tổng Bí thư đã nêu 5 vấn đề mang tính gợi mở, cần quan tâm xem xét, thảo luận.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội; dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến công tác xây dựng Đảng.
Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần bài bản, căn cơ hơn
Về phát triển kinh tế – xã hội, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế – xã hội nước ta, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và 2 năm 2014 – 2015, nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế – xã hội 2013, Tổng Bí thư đề nghị bám sát Kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đã đạt được trong 9 tháng và dự báo cả năm 2013. Chú trọng làm rõ các vấn đề như: Kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng như thế nào; tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thị trường bất động sản bị đóng băng, “thừa tiền, thiếu vốn” được xử lý ra sao; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đạt được ở mức nào?…
Việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế – xã hội, Tổng Bí thư lưu ý, cần tập trung đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, kịp thời của việc các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, ngay sau Đại hội XI đã quyết định chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ phát triển nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại những kết quả như thế nào, có gì cần rút kinh nghiệm; việc thực hiện các mục tiêu Đại hội XI đề ra đạt được ở mức nào, có vấn đề gì mới nảy sinh, xu hướng phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại?… Từ đó chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; xác định cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân thuộc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nguyên nhân do tổ chức thực hiện, đâu là nguyên nhân chủ yếu, có tính quyết định. Phải chăng thời gian qua việc tái cấu trúc 3 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 3 được triển khai một cách bị động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định, cho nên chưa thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra; tới đây cần phải tiếp tục có những điều chỉnh và kiên trì tiến hành một cách bài bản, căn cơ hơn, gắn với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế? Coi đột phá về thể chế, cải cách các chế độ và thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu là khâu trọng yếu, bảo đảm phát huy đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, tạo xung lực mới cho phát triển nhanh và bền vững?
Giáo dục cần được ưu tiên đi trước một bước
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, Tổng Bí thư nhắc lại rằng: Cách đây đúng một năm, Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Kết luận về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương vào thời gian thích hợp. Thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tích cực chuẩn bị, huy động sự tham gia của các cơ quan hữu quan, sự đóng góp đầy tâm huyết và hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, hoàn chỉnh Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết để trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này.
Bởi vậy, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cần bàn bạc thật kỹ, đánh giá thẳng thắn, đúng thực trạng, những thành tựu, kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần chấn chỉnh. Đặc biệt là tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 – Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị vì Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý cơ bản điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ; là đạo luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị- xã hội và chủ quyền quốc gia.
Video đang HOT
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn dự thảo; đồng thời tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề còn có các phương án lựa chọn khác nhau, tạo sự thống nhất cao, sớm hoàn thiện toàn văn Dự thảo.
Xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Tổng Bí thư chỉ rõ: Việc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hết sức cần thiết, nhằm phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần tập trung đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm chủ yếu; chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và bài học kinh nghiệm đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, cần phân tích thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới. Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải vượt qua để trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng
Tổng Bí thư cũng đã đề cập một số nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng sẽ được xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này như: Xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc hoàn thành tốt các nội dung chương trình của Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2014-2015; tiến hành thành công đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ Tổ quốc và khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã chính thức khai mạc sáng 30-9-2013, tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Chương trình Hội nghị do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày. Theo Chương trình, Hội nghị sẽ họp từ ngày 30-9 đến ngày 9-10-2013.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đọc Tờ trình về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu dự Hội nghị làm việc tại tổ thảo luận về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng: Những nội dung mới
Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành theo nguyên tắc: Kế thừa tối đa những nội dung còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn thi hành. Những nội dung mới của Dự thảo Quy chế lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề:
- Phạm vi điều chỉnh của Quy chế
- Việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Thủ tục ứng cử, đề cử, bao gồm điều kiện để được đưa vào danh sách bầu cử, số dư trong danh sách bầu cử và dự kiến trước việc phân công nhiệm vụ sau khi trúng cử…
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở nắm chắc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và bằng kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo công tác bầu cử trong Đảng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, đóng góp nhiều ý kiến xác thực để xây dựng, ban hành Quy chế mới hoàn chỉnh hơn, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng.
(Theo phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư)
Theo TTXVN
Chính quyền đô thị: Dân và thành phố được gì?
"Kết quả cuối cùng là phải trả lời được câu hỏi: Xây dựng chính quyền đô thị thì được những gì? Dân được gì, chính quyền được gì, thành phố được gì?", đó là quan điểm của GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM - tại buổi nghe các vị nguyên thường trực HĐND và các chuyên gia góp ý về mô hình chính quyền đô thị, do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 22/8.
Đề án quá mới hay nhiều luật lỗi thời?
Không vòng vo, GS Mai Hồng Quỳ cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) của TP.HCM chắc chắn sẽ phải "đối mặt" với sự phản biện từ phía các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các bộ.
"Mô hình này nếu được chấp nhận thì thẩm quyền của thành phố tăng lên, nhưng thẩm quyền của một số bộ, ban ngành sẽ bị thu hẹp. Như vậy sẽ có xung đột về lợi ích, chúng ta phải nhìn rõ điều đấy", GS Hồng Quỳ nói.
Đặc biệt, GS Hồng Quỳ lưu ý Đề án CQĐT đụng chạm đến rất nhiều văn bản pháp lý, mà trong đề án cũng đã nêu ra xung đột 102 văn bản luật hiện hành. Kể cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang sửa đổi thì đề án của TP vẫn đụng.
Bản đồ TP.HCM khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị với chính quyền thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh có chức năng kinh tế khác nhau. Ảnh: Dân Việt
"TP.HCM cần có một tờ trình lý giải tại sao đề án lại vênh như vậy với các văn bản pháp luật này, tức là phải đánh giá cái được cái chưa được, cái lỗi thời của các văn bản cũ. Không phải nói để bào chữa, nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được có độ "vênh" vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới. Nếu không làm được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án CQĐT mà thành phố đưa ra", GS Hồng Quỳ chia sẻ.
Mắc mớ "thành phố trong thành phố"
Đề án CQĐT của thành phố dự kiến thành lập 4 thành phố vệ tinh, tuy nhiên theo GS Hồng Quỳ, mô hình này nhập lại những quận mà trước đây đã tách ra. Các quận 2, 9 và Thủ Đức ngày nay nguyên là huyện Thủ Đức trước đây, bây giờ lại nhập vào thành TP Đông thì khi trình ra chắc hẳn sẽ có một loạt phản biện: Tại sao ngày xưa tách ra, tách ra thì đã đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội chưa, tại sao bây giờ chúng ta nhập lại...? "Do đó, TP cần có một phụ lục đánh giá việc tách nhập này", GS Hồng Quỳ nói.
Theo GS Mai Hồng Quỳ: Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm "thành phố trong thành phố"
Bên cạnh đó, theo GS Hồng Quỳ, trong đề án, vấn đề "thành phố trong thành phố" cũng cần phải cân nhắc về mặt pháp lý, vì theo Điều 118 Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm này. Do vậy, nếu sử dụng cụm từ này thì khó có thể thuyết phục và được Trung ương chấp nhận. Nên chăng sử dụng thuật ngữ "thị xã" vì hiện nay ở Hà Nội có thị xã Sơn Tây trong thành phố.
Ngoài ra, GS Hồng Quỳ cho rằng, để đề án CQĐT thuyết phục hơn, thành phố cần có phần phụ lục kinh nghiệm rút ra từ các mô hình của các thành phố mà trong đề án nêu là đã đi tham quan, khảo sát. "Ví dụ mô hình của Busan, Thượng Hải, Lyon, Marseille... ra sao, ưu điểm là gì, nhược điểm thế nào...", GS Hồng Quỳ nói.
Theo Hoài Sa (Khampha.vn)
"Thả" phí gửi xe, dân chung cư phản ứng Cư dân của Liên minh chung cư tại Hà Nội đồng loạt phản ứng trước đề xuất của UBND thành phố về việc thả nổi phí trông giữ xe cho chủ đầu tư tùy quyết. Liên minh chung cư đồng loạt gửi đơn Những ngày qua, Khampha.vn nhận được đơn thư phản ánh của các hộ dân sinh sống của liên minh hơn...