Đột phá trong nghiên cứu vắc xin điều trị ung thư
Một loại vắc xin thử nghiệm mới có thể tiêu diệt thụ thể HER2 đột biến, tác nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư hiện nay.
Một loại vắc xin thử nghiệm đang mở ra nhiều hứa hẹn trong việc điều trị một số bệnh ung thư có tốc độ phát triển nhanh như ung thư buồng trứng, đường ruột, tuyến tiền liệt và dạ dày thực quản.
Vắc xin thử nghiệm này sẽ định hướng cho hệ miễn dịch nhận diện các tế bào đã bị nhân bản một cách mất kiểm soát do đột biến trong gen HER2.Trong khoảng 25% trường hợp ung thư vú, đột biến HER2 làm cho khối u phát triển mạnh hơn và tăng mạnh nguy cơ xuất hiện trở lại của khối u, kể cả sau khi đã được điều trị thuyên giảm.
Liệu pháp miễn dịch mới được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát triển, tuy chưa được thử nghiệm với ung thư vú, nhưng có thể tấn công các gen có hại. Theo công bố gần đây về kết quả thử nghiệm lâm sàng, vắc xin đã ức chế sự phát triển của 54% các khối u HER2 trong thử nghiệm quy mô nhỏ và thậm chí trong một trường hợp ung thư buồng trứng, khối u đã biến mất hoàn toàn trong vòng 18 tháng.
Một liều vắc xin miễn dịch mới ít nhất có thể tạm thời làm chậm sự phát triển và kiềm chế các tế bào HER2 vốn là nguyên nhân làm cho khoảng 1/4 trường hợp ung thư vú trở nên ác tính. Cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên 11 bệnh nhân có khối u HER2 và đang được thử nghiệm với các bệnh nhân ung thư vú.
Vắc-xin mới kiềm chế sự phát triển của tế bào HER2. Ảnh: Shutterstock.
Video đang HOT
Hóa trị là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các loại ung thư. Tuy nhiên, không phải mọi loại ung thư đều giống nhau, kể cả khi chúng khởi phát từ cùng một bộ phận trên cơ thể con người, và việc đáp ứng với các liệu pháp điều trị cũng như vậy.
Trong nhiều trường hợp, đặc điểm ung thư ở mỗi người được quy định từ gen của họ. Khi bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư vú, họ sẽ được xét nghiệm mô khối u để kiểm tra tình trạng HER2. Thông thường, gen này sẽ lưu giữ và điều chỉnh cách thức mô tế bào vú phát triển. Khi đột biến làm gián đoạn chức năng của nó, HER2 sẽ lại thúc đẩy tăng sinh các tế bào đó, làm cho khối u phát triển nhanh hơn và tăng nguy cơ ung thư tái phát.
Các trường hợp ung thư vú dương tính với HER2 đã bắt đầu được điều trị bằng một loại thuốc khác có tên là Trastuzumab hay Herceptin khi tiến hành quá trình hóa trị. Trastuzumab được truyền vào tĩnh mạch với tần suất 3 tuần một lần trong vòng một năm. Thuốc này có tác dụng kéo dài sự sống cho phần lớn các bệnh nhân, nhưng không phải trường hợp nào dương tính với HER2 cũng có hiệu quả. Ngoài ra, thuốc cũng khá độc hại, nó gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, mẩn đỏ, tiêu chảy, nhức đầu, đau xương khớp…
Để thử nghiệm loại vắc xin chống ung thư mới, các nhà nghiên cứu cần phải thử nghiệm trên cơ thể bệnh nhân không chịu ảnh hưởng của Herceptin. Vì thế, họ đã lựa chọn 11 bệnh nhân mắc các loại ung thư khác có gắn với HER2 ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Jay Berzofsky, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Trưởng khoa Vắc xin của Viện Ung bướu Quốc gia thuộc NIH, giải thích: “Những bệnh nhân này cũng ở trong bệnh cảnh nặng, các biện pháp điều trị khác đã thất bại và được dự đoán bệnh ung thư sẽ tiếp tục phát triển”.
Khi áp dụng liệu pháp vắc xin tăng cường miễn dịch, phác đồ điều trị sẽ giảm tải hơn. Bệnh nhân được điều trị trong vòng sáu tháng qua ba đợt. Đợt đầu tiên bao gồm ba liều, mỗi liều cách nhau bốn tuần, và hai đợt cuối cùng cách nhau tám tuần.
Phương pháp này liên quan tới việc tách các tế bào miễn dịch ra khỏi cơ thể người bệnh, thay đổi chúng trong phòng thí nghiệm để chúng có thể “nhìn thấy” một loại protein phổ biến trong nhiều dạng ung thư có tên là HER2 và rồi lại được bơm vào trong các tế bào.
Do biện pháp điều trị này sử dụng chính tế bào của người bệnh nên nó có xu hướng được dung nạp tốt hơn và nhắm trúng tế bào ung thư hơn. Thử nghiệm này tuy nhỏ, nhưng đã mang lại hi vọng cho sáu trong số các bệnh nhân. Sự phát triển của khối u đã chững lại đối với bốn bệnh nhân ung thư buồng trứng, dạ dày, tinh hoàn và đường ruột di căn. Vắc xin đã có tác dụng rất tốt đối với một trường hợp, khi bệnh nhân thoát khỏi ung thư trong vòng gần hai năm.
Điểm đáng chú ý là khi căn bệnh tái phát, không còn xuất hiện các tế bào HER2. Tiến sỹ Berzofsky và nhóm nghiên cứu đang bắt đầu tiến trình thử nghiệm vắc-xin trên các bệnh nhân ung thư vú mà Herceptin và các liệu pháp dành riêng cho HER2 khác đã thất bại.
Hương Thảo
Theo Zing
Ăn côn trùng có lợi cho đường ruột
Với nhiều người, chỉ cần nghĩ tới ăn các loài côn trùng thôi đã đủ làm cho họ buồn nôn, thực tế cho thấy, ăn côn trùng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ăn dế có thể tác động tích cực đến đường ruột, giảm viêm và ung thư.
Theo một thử nghiệm lâm sàng mới của đại học Wisconsin, Madison (Mỹ), ăn dế có thể có tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột và làm giảm viêm trong cơ thể.
Trong một thông cáo báo chí, Valerie Stull, một tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Đại học Wisconsin-Madison Nelson và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Hiện nay người ta đang quan tâm đến những loài côn trùng ăn được. Xu hướng này ở châu Âu và Mỹ được hiểu như việc đi tìm một nguồn protein bền vững, thân thiện với môi trường so với vật nuôi truyền thống"
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Scientific Reports Journal. Nó đã được tiến hành thử nghiệm trên 20 người trưởng thành, khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 48, trong 6 tuần để đánh giá tác động của việc ăn bột dế.
Trong hai tuần đầu tiên của nghiên cứu, 10 người tham gia ăn bữa sáng theo thực đơn định sẵn, trong khi 10 người kia ăn theo thực đơn có kèm thêm 25 gram bột dế trộn trong bánh nướng.
Hai tuần tiếp theo, tất cả những người tham gia đều ăn bình thường. Và trong hai tuần cuối của cuộc nghiên cứu, những người tham gia đã chuyển đổi thực đơn cho nhau, những người lúc đầu ăn theo thực đơn định sẵn sẽ chuyển sang ăn bột dế và những người đã ăn bột dế sẽ ăn bữa sáng định sẵn.
Trong thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu máu và mẫu phân từ những người tham gia, đồng thời người tham gia phải trả lời một bảng câu hỏi các vấn đề về tiêu hóa trước và trong các giai đoạn của nghiên cứu.
Những gì mà các nhà nghiên cứu phát hiện sau khi phân tích kết quả là, mặc dù những người tham gia không có nhiều thay đổi về tiêu hóa đáng kể, nhưng có sự gia tăng trong một loại enzyme trao đổi chất đi kèm với sức khỏe đường ruột cũng như được bổ sung thêm Bifidobacterium animalis, một loại vi khuẩn tự nhiên có ích cho đường ruột.
Ngoài ra, họ đã tìm thấy sự giảm lượng TNF-alpha, một protein gây viêm trong máu liên quan đến chứng trầm cảm và ung thư.
Mặc dù nghiên cứu đã cho thấy những lợi thế tiềm năng của việc tiêu thụ dế như một nguồn protein, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, các kết quả của thử nghiệm cần được nhân rộng trên quy mô lớn hơn để xác định thành phần nào của côn trùng có thể góp phần vào sức khỏe đường ruột.
Theo Tiền phong
Bé 4 tuổi chết do suy gan chỉ vì cha mẹ thường xuyên cho ăn thứ này Đôi khi chính sự thiếu hiểu biết của cha mẹ lại cướp đi sinh mạng của con mình, trường hợp cô bé 4 tuổi chết do suy gan là minh chứng điển hình. Cô bé 4 tuổi bị suy gan do thường xuyên ăn táo tàu ngâm... rượu Cô con gái Tiểu Hân 4 tuổi của cô Đàm đang đi học mẫu giáo....