Đột phá hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh:Hình mẫu hợp tác công – tư
Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, mang tính đột phá cao tại Quảng Ninh đều có dấu ấn của những nhà đầu tư tư nhân, bởi ngân sách Nhà nước khó một mình gánh nổi.
Thi công cầu Bạch Đằng, thuộc tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Phương
Quảng Ninh hiện là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và hàng không theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Bỏ 1 đồng, thu hút 8,3 đồng
Theo ông Trương Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh, 5 năm qua, Quảng Ninh bỏ 1 đồng ngân sách làm vốn “mồi” thì thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội, du lịch. Ước tính số tiền thu hút ngoài ngân sách lên tới 190.000 tỉ đồng. Nhờ đó, tỉ lệ đầu tư công ngày một giảm, từ 60% năm 2010 xuống còn 37% năm 2015. Trong đó, đầu tư từ khu vực tư nhân tăng lên rõ rệt – chiếm khoảng 33% tổng vốn đầu tư.
Ông Vũ Văn Khánh – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Quảng Ninh – cho biết, với cách làm như vậy, không chỉ tất cả những công trình giao thông trọng điểm đều được làm nhanh, gọn và phát huy hiệu quả ngay sau đầu tư, mà còn nhờ đó, Quảng Ninh dành thêm được nhiều nguồn vốn ngân sách cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội khác. Cũng theo ông Khánh, chỉ tính riêng nguồn vốn các nhà đầu tư tư nhân bỏ ra làm các dự án giao thông trọng điểm tại Quảng Ninh từ năm 2013 – 2017 đã lên tới trên 35.000 tỉ đồng.
“Năm 2018, sẽ có thêm dự án giao thông lớn – cao tốc Vân Đồn – Hạ Long, với tổng vốn đầu tư 16.000 tỉ đồng; chưa kể một loạt các cảng biển đang trong kế hoạch xây dựng. Vì thế, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, theo mô hình PPP (hợp tác công – tư) là hướng đi tất yếu” – ông Khánh chia sẻ.
Video đang HOT
Liên quan đến những ý kiến về một số dự án BOT trên Quốc lộ 18, gồm: Hạ Long – Mông Dương, Hạ Long – Uông Bí, ông Khánh cho rằng, nếu cứ đợi nguồn vốn ngân sách thì có lẽ đến giờ vẫn chưa làm được, trong khi tuyến đường quá nhỏ, lưu lượng xe quá lớn, khiến luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Vấn đề là tính toán hợp lý để đảm bảo quyền lợi của cả Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Hợp tác hai “nhà”
Cho đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và hàng không theo hình thức PPP. Do hầu hết các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đều cần vốn đầu tư rất lớn, nên Quảng Ninh phối hợp với các nhà đầu tư cùng làm, nhằm san sẻ gánh nặng tài chính cho cả hai bên.
Theo kế hoạch ban đầu, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (dài 25km) là một dự án, giao cho một liên danh các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do số vốn quá lớn – trên 13.000 tỉ đồng, nên sau đó được tách ra làm 2. Trong đó, Quảng Ninh đầu tư 6.400 tỉ đồng để làm đoạn đường 19.8km; cầu Bạch Đằng và đường dẫn từ cầu này tới cao tốc Hải Phòng – Hà Nội do liên danh các nhà đầu tư thực hiện, với số vốn 7.500 tỉ đồng, theo hình thức BOT.
Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cũng được triển khai theo hình thức BOT tương tự. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là khoảng 14.000 tỉ đồng, một mình nhà đầu tư khó “gánh” nổi bởi không có khả năng hoàn vốn. Vì thế, Quảng Ninh xin Chính phủ, các bộ, ngành cho phép ứng 4.000 tỉ để giải phóng mặt bằng.
Với Dự án Cảng hàng không Vân Đồn, vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng, tỉnh Quảng Ninh cũng bỏ ra 700 tỉ đồng để làm công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh, trong các dự án PPP về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đảm nhận phần giải phóng mặt bằng bởi đây là khâu khó khăn nhất của bất kỳ dự án nào.
Ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh – cho biết, với những dự án lớn, Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Nếu tiến hành giải phóng mặt bằng chậm trong khi vốn đã cho vay thì rủi ro rất cao. Vì thế, công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án lớn của Quảng Ninh được giải quyết rất nhanh” – ông Đọc chia sẻ.
LINH ANH
Theo Laodong
Quảng Ninh: Gần 8.000 tỉ đồng mở đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục
Nhằm giảm tải cho cầu Bãi Cháy và đảm bảo kết nối giao thông thông suốt trong mọi thời tiết, dự kiến, năm 2019, Quảng Ninh sẽ khởi công xây dựng đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục. Công trình, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 7.875 tỉ đồng, sẽ không chỉ phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy, mà còn trở thành một biểu tượng mới của du lịch Hạ Long.
Cầu Bãi Cháy bắt đầu có dấu hiệu quá tải vào giờ cao điểm và không thông suốt vào những ngày mưa báo lớn. Ảnh: Nguyễn Hùng
Để thực hiện Dự án Xây dựng hầm qua vịnh Cửa Lục, TP.Hạ Long, đơn vị tư vấn đã xây dựng 6 phương án về hướng tuyến. Trong đó, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn phương án 1 với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Hướng tuyến thẳng, các yếu tố hình học đảm bảo thuận lợi cho quá trình thi công; kết nối được 2 trục đường chính trên 2 bờ vịnh Hạ Long, đó là đường Hạ Long và Lê Thánh Tông.
Mô hình đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục
Theo phương án này, điểm đầu tuyến nằm trên đường Hạ Long, Bãi Cháy, ngay sau nút giao thông vào cổng Công viên Sun World Hạ Long 50m, cách cột cáp treo Nữ Hoàng khoảng 300m. Điểm cuối tuyến nằm trên đường Lê Thánh Tông, trước ngã 5 giao với Đường 25/4 khoảng 50m. Đây là công trình hầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 104-2007. Tổng chiều dài dự án 2.140m. Tổng vốn đầu tư cho dự án là trên 7.875 tỉ đồng.
Để đảm bảo tính khả thi trong thi công, đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật, đơn vị tư vấn đề nghị ưu tiên xem xét phương án hầm dìm cho kết cấu hầm chính qua vịnh Cửa Lục.
Hiện, đơn vị tư vấn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hướng tuyến; đồng thời tập trung hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khởi công xây dựng đường hầm trong năm 2019. Theo ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh, để hoàn thành công trình này cũng phải mất khoảng 4 năm.
Việc xây dựng tuyến đường hầm này là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, bởi cầu Bãi Cháy bắt đầu có dấu hiệu quá tải và chỉ một vụ tai nạn nhỏ trên cầu cũng có thể khiến giao thông ngừng trệ hoàn toàn. Cầu Bãi Cháy, được đưa vào sử dụng từ năm 2006, thay cho phà Bãi Cháy cũ. Đặc biệt, ở độ cao gần 60m so với mặt nước biển, gió bão từ cấp 6 trở lên, xe thô sơ sẽ bị cấm qua cầu.
Đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục còn góp phần nâng cao năng lực kết nối, thông thương đường bộ giữa TP.Hạ Long, Đặc khu Vân Đồn, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái... với cả nước.
NGUYỄN HÙNG
Theo Laodong
Lắp đặt nhiều màn hình LED cỡ lớn để cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam Lần đầu tiên lọt vào trận chung kết một giải đấu cấp châu lục, đội tuyển U23 Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của hơn 90 triệu dân Việt Nam. Đáp lại tình yêu bóng đá của người hâm mộ, tại Quảng Ninh, nhiều địa điểm xem bóng đá miễn phí đã lên kế hoạch triển khai phục vụ người dân....