“Đột nhập” thành cổ 300 năm độc nhất tại Nam Bộ
Thành cổ Biên Hòa – Di tích lịch sử quốc gia nằm trên đường Phan Chu Trinh, (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là công trình cổ có cấu trúc độc đáo, được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 2013.
Thành độc nhất còn sót lại ở Nam Bộ
Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ XIV-XV, trên mảnh đất này đã có một ngôi thành lớn do dân Lạp Man đắp bằng đất với tên gọi “thành Cựu”. Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa.
Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong cuốn “Biên Hòa sử lược” thì: “Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là “Thành Cựu”. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào”.
Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong trên nền thành cũ và đổi tên thành thành Biên Hòa. Khi thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12/1861, thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, thực dân Pháp xây dựng lại, thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước.
Thành cổ Biên Hòa được xem là thành cổ duy nhất còn sót lại ở vùng đất Nam Bộ
Hết kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, thành Biên Hòa lại thêm những năm tháng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, lặng lẽ chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất Đồng Nai và mang thêm trên mình những vết sẹo của những năm tháng khói lửa chiến tranh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, lực lượng cách mạng tiếp quản giao lại cho phòng hậu cần, Công an tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng.
Ông Lê Trí Dũng – Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ở Nam Bộ trước đây còn có các thành cổ như Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Vũng Tàu… nhưng đến nay, qua thời gian đều đã không còn. Vì vậy, Thành cổ Biên Hòa được xem là thành cổ duy nhất còn sót lại ở vùng đất Nam Bộ”.
Thành Biên Hòa đã hơn 300 năm tuổi và được coi là cổ nhất của Nam Bộ còn sót lại, từng chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Từ khi được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008 và sau đó được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 12/11/2013, thành Biên Hòa chưa từng được trùng tu tôn tạo, di tích này ngày càng hoang phế, đổ nát và đang bị lãng quên khiến cho nơi đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử đang xuống cấp trầm trọng, rất ít người biết đến.
Từ thế kỷ XIV-XV, trên mảnh đất này đã có một ngôi thành lớn đắp bằng đất với tên gọi “Thành Cựu”. Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa.
Di tích thành phế tích
Tuy đã là một di tích cấp quốc gia nhưng hiện trạng của thành cổ Biên Hòa ngày nay khiến ai một lần ghé thăm cũng phải ái ngại bởi công trình đang xuống cấp trầm trọng.
Video đang HOT
Trong không gian u tịch, thỉnh thoảng có vài tiếng đập cánh của đàn dơi hay tiếng sột soạt của đàn chuột bỏ chạy khi có tiếng người. Hiện nay, thành chỉ còn lại những bức tường bằng đá ong liên kết với nhau bao quanh diện tích chừng hơn 10.000 m2. Các hạng mục, công trình bên trong thành hầu như không còn nguyên vẹn. Hai ngôi biệt thự cùng 2 lô cốt ở phía Đông và phía Bắc thành đang trong tình trạng sắp sập đổ. Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ ăn xuyên qua tường làm nứt, tách vữa trát. Sàn gạch bị bong tróc, có nơi thủng từng mảng lớn. Chiếc cầu thang sắt dẫn lên lầu cũng đã hoen gỉ mất đi vài bậc. Mái ngói thủng nhiều mảng lớn. Các cửa tầng áp mái đã mất cánh tạo chỗ cho dơi, chim, chuột sinh sống…
Ngoài ra, hệ thống tường có nhiều đoạn đã bị sập đổ, cổng thành đã mất. Theo thẩm định của cơ quan chức năng thì mức độ tổn thất của tường thành là 70%, còn nội thất thiết bị của nhà cổ phía Tây đã bị tổn thất hoàn toàn, thang và cửa hỏng 90%… Dấu tích còn lại rõ nét nhất là một ngôi biệt thự nằm trơ trọi ở phía cổng chính, kiến trúc theo kiểu Pháp. Song, bên trong ngôi biệt thự cũng hoang tàn, đổ nát không kém.
Cuối năm 2013 Bộ VHTTDL công nhận thành cổ Biên Hòa là di tích cấp quốc gia nhưng hiện nay đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thành Biên Hòa không được trông coi, bảo quản trong một thời gian dài cả trăm năm cộng với sự thiếu ý thức của một số người dân. Năm 2010, kế hoạch trùng tu, phục dựng thành cổ được đề ra và UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt với tổng vốn 25 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí quá lớn nên việc trùng tu vẫn chưa thể thực hiện.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trải qua thời gian, những hạng mục, công trình của thành cổ Biên Hòa dần bị mai một, số còn lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mái nhà mục nát, tường vữa bong tróc, có nhiều đoạn bị sập đổ. Chúng tôi đã nhiều lần đem bạt giăng trên nóc nhà để tránh nắng, mưa giảm hư hại nhưng chẳng ăn thua gì. Nếu không sớm được trùng tu, tôn tạo, khôi phục thì di tích thành Biên Hòa sẽ chỉ còn tồn tại trong các tư liệu thành văn” – ông Dũng nói.
Nhằm cứu lấy di tích quốc gia độc đáo ở phía Nam – thành cổ Biên Hòa trước khi quá muộn, Sở VH-TTDL tỉnh Đồng Nai một mặt xin ngân sách UBND tỉnh, một mặt đề xuất cho phép “ xã hội hóa, tìm đối tác đầu tư” để có vốn sửa chữa, bảo tồn. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định ứng trước 5 tỉ đồng để sửa chữa cấp bách một số hạng mục xuống cấp và dự kiến sẽ triển khai trong quý IV năm 2014.
Hình ảnh xuống cấp của thành cổ Biên Hòa:
Mái ngón thủng nhiều mảng lớn, chỉ một vài cơn mưa nhẹ thì ngói gạch rớt rất nhiều
Lối đi cũng vắng tanh, ẩm mốc nhiều chuột, dán bò khắp nơi.
Rễ cây bám sâu phá các mảng tường của thành cổ
Lối đi cầu thang bằng sắt bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Thành cổ xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện nay việc tu bổ sửa chữa vẫn chưa được triển khai.
Ngôi thành độc nhất Nam Bộ có tuổi đời hơn 300 năm.
Theo Khampha
Từ nông dân thành "thánh cô chữa bách bệnh"
Đang là một nông dân hàng chục năm quần quật với đồng ruộng, bỗng một ngày, sau một trận ốm, bà Thu tự nhận là đã thành "thánh cô", có thể chữa được bách bệnh.
Cách đây vài ba tháng, bỗng rộ lên một tin đồn xuất hiện "thánh cô" chữa được bách bệnh ở thôn Hợp Én, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Tin đồn rằng ngay cả những bệnh nan y, sắp chết cũng được "thánh cô" chữa khỏi. Lời đồn khiến mỗi ngày có hàng trăm lượt khách về làng Hợp Én để được "thánh cô" "cứu nhân độ thế".
"Thánh cô" được người dân nhắc đến là bà Hoàng Thị Thu (khoảng ngoài 40 tuổi). "Thánh cô" này có khả năng chữa được bách bệnh bằng cách... xịtnước lã và xoa bóp. Việc chữa bệnh của "thánh cô" nổi tiếng đến mức quanh vùng ai ai cũng biết.
Sau khi phun "nước thánh" lên người bệnh, cô Thu bắt đầu xoa bóp
Trong vai người bệnh, chúng tôi đã được vào tận nơi người phụ nữ được mệnh danh là "thánh nhập hồn" để tận mắt mục sở thị cách khám, chữa bệnh lạ lùng này. Ngôi nhà khang trang vừa là nơi ở của gia đình "thánh cô" vừa là nơi để hành nghề chữa bệnh.
Vì có quá nhiều bệnh nhân nên phải mấy ngày sau chúng tôi mới đến lượt được "thánh cô" khám và chữa bệnh.
Việc đầu tiên của công đoạn khám bệnh là bệnh nhân được người con gái của "thánh cô" dẫn đi thắp hương và đặt lễ lên bàn thờ. Sau đó bệnh nhânngồi chờ đến lượt. Theo quan sát thì quy trình chữa bệnh của bà Thu chỉ là dùng nước lã để "phù phép" và dùng đôi tay xoa bóp. Bất kỳ căn bệnh nào cũng chỉ dùng một cách chữa bệnh duy nhất đó.
Sau khi người bệnh thắp hương, "thánh cô" sẽ hỏi người bệnh mắc bệnh gì, sau đó dùng một chai nước lã được gọi là "nước thánh" xịt lên người bệnh rồi lấy tay xoa bóp lên những chỗ đau. Sau khoảng 3 - 5 phút xịt nước lên người và tiến hành xoa bóp, bà Thu gật đầu bảo là được rồi.
Với cách này, mỗi ngày "thánh cô" chữa bệnh cho hàng trăm người. Ai chữa xong cũng đều phải tạ lễ dù bệnh có khỏi hay không.
Những người bị bệnh nặng, sau khi được khám xong, bà Thu còn đưa thêm cho một ống nước thánh uống và nói: "Đây là nước thánh uống vào cho nhanh khỏi bệnh và nhớ là phải đến đây vài hôm nữa để ta chữa cho thì bệnh mới khỏi hẳn được".
"Ta chữa bệnh không lấy tiền, chỉ làm phúc thôi. Lễ dâng lên trên là tùy tâm, thành ý của mỗi người" - bà Thu phân trần với người bệnh.
Rất đông người bệnh bao quanh "thánh cô" để đến lượt được khám, chữa bệnh
Một người là hàng xóm của bà Thu kể, trước đây bà là người bình thường, làm nông nghiệp. Khoảng gần 2 năm nay, bà Thu có tin đồn bị "bề trên" đày, tính tình bỗng nhiên thay đổi, suốt ngày chỉ nói, cười, hát. Đầu năm nay, người nhà phải đưa bà vào Bệnh viện Đồng Nai chữa trị. Sau đó đến khoảng đầu tháng 6, bà Thu xưng là "thánh mẫu" giáng trần để chữa bệnh cho người dân.
Từ đó đến nay, hàng ngày có đến vài trăm người dân ở vùng lân cận như Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc... chầu chực ở nhà bà để được khám chữa bệnh. Thậm chí, có người bệnh còn xin ở lại nhà của "thánh mẫu" để được chữa bệnh khiến cho làng quê này bỗng nhiên náo động. Cũng điều lạ lùng là chỉ có những người ở địa phương khác đến chữa bệnh chứ người quanh làng này thì lại không hề có một ai.
Hầu hết những con bệnh đến đây đều rất tin tưởng vào cách chữa bệnh của "thánh cô" này. Họ cho biết bà Thu có thể chữa được bách bệnh như người tàn tật, câm điếc, đau lưng, dạ dày, người đi bệnh viện trả về...
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp xác nhận sự việc gần 3 tháng qua, bà Thu ở thôn Én Hợp đã tự ý chữa bệnh mặc dù không phải là một lang y, không có giấy phép hành nghề chữa bệnh.
"Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần xuống kiểm tra, thu giữ đồ hành nghề nhưng đến nay bà Thu vẫn ngang nhiên hành nghề. Vừa rồi chúng tôi có yêu cầu gia đình bà Thu cam kết với chính quyền xã là trong 7 ngày phải dừng việc hành nghề mê tín dị đoan, chữa bệnh trái quy định. Nếu không chấm dứt, chúng tôi sẽ tiến hành phạt hành chính và dùng các biện pháp khác để buộc bà Thu phải thôi hành nghề" - Ông Chinh nói.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Mua bán khống chung cư sở hữu của Nhà nước? Sáng 25.6, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM), lên tiếng cảnh báo tình trạng "hứa mua, hứa bán" đang xảy ra tại chung cư tái định cư dự án Trường Cán bộ TP.HCM (phường 12, quận Bình Thạnh). Chung cư tái định cư dự án Trường Cán bộ TP.HCM (phường 12, quận Bình Thạnh) đang trong giai...