Đột nhập ‘làng trời đánh’
Khoảng 10 năm trở lại đây, tại vùng đất giáp ranh ba xã Cẩm Huy, Cẩm Quang, Cẩm Thăng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), thiên lôi đã cướp đi hàng chục mạng người. Với nỗi khiếp sợ, dân trong vùng vẫn gọi nơi đây là “ làng trời đánh”.
Cứ vào khoảng thời gian lúa bắt đầu trổ đòng hàng năm, người dân giáp ranh ba xã nói trên lại cuống cuồng lo tránh sét đánh mỗi khi ra đồng. Cụ Hoàng Phi Phong (85 tuổi), ở xóm 5, xã Cẩm Huy kể: “Sống chừng ni tuổi, từng đi bộ đội đánh giặc, bom đạn dội không sợ, vậy mà về quê sinh sống ở mảnh đất này hễ cứ thấy trời mây vân vũ lại sợ sét đánh…”.
Cả chục người chếtĐưa mười đầu ngón tay ra tính số người ở cái làng này đã chết do bị “trời đánh”, cụ Phong nói: “Cái đất giời đánh ni, cứ mưa là có sét giáng xuống. “Ông” giáng lần nào trúng lần đó, không có người chết thì trâu bò chết thay, không thì lại giáng xuống những gốc cây to nhất làng…”.
Theo cụ Phong, những cái chết thương tâm do sét đánh hầu như năm nào cũng có. Gần đây nhất, mùa gặt năm ngoái, ở xã Cẩm Thăng, ba cha con anh Trần Viết Đường đang tuốt lứa giữa sân thì gặp mưa giông. “Họ chưa kịp chạy vào nhà thì thiên lôi trút xuống cướp đi sinh mạng của hai cha con. Đứa con gái út đứng gần đó ngất xỉu tại chỗ …”, cụ Phong kể.
Còn với chị Nguyễn Thị Mỹ (26 tuổi, ở xóm Bắc Mỹ Lộc, xã Cẩm Huy), mỗi khi thấy trời mây âm u là chị đóng cửa, trèo lên giường trùm kín chăn vì sợ sét đánh. Chị Mỹ nhớ lại: “Năm đó đúng vào dịp hè thu, người dân ai nấy ra đồng Rú Hậu gặt lúa thì gặp trời nổi mây vần vũ âm u, ai nấy vứt liềm, quăng gánh chạy về nhà tránh sét. “Khi tui mới chạy về được nữa đường thì gặp anh Đặng Quế Quang (37 tuổi, ở cùng xóm) chạy ra lấy chiếc xe đạp, bổng thấy tia chớp chớp xanh lè cắt xuyên bầu trời dội xuống ngay chỗ anh Quang bước đến. Sau một tiếng “đoành” thì thấy anh Quang bay hẳn cả người xuống mương nước cách chỗ tôi có vài bước chân”.
Cái chết của anh Quang chưa nguôi nỗi khiếp hãi với người dân thì đúng ba ngày sau, cũng trên cánh đồng Rú Hậu, thiên lôi lại giáng xuống cướp đi sinh mạng của anh Trần Huy Tuấn. Chiều hôm đó, anh Tuấn đang cặm cụi lái chiếc máy cày giữa đồng để gieo sạ thì trời bỗng nhiên nổi gió. Khi chưa kịp tắt máy để về thì mấy tiếng sét “rẹt… rẹt… rẹt…” giáng xuống, ngay chỗ máy anh Tuấn đang cày. Khi người dân chạy đến thì chiếc máy cày còn đang nổ máy nhưng anh Tuấn chỉ còn lại như một cục than đen, cháy sém…
Cánh đồng Rú Hậu, nơi giáp ranh giữa ba xã Cẩm Huy, Cẩm Quan, Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên thường bị thiên lôi giáng xuống cướp đi hàng chục sinh mạng con người.
Chưa rõ nguyên nhânHơn chục năm trở lại đây, thiên lôi không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục người mà chuyện trâu bò, lợn gà, cùng những vật dụng khác như đài, tivi, nồi cơm điện bị sét đánh hỏng cũng xảy ra như cơm bữa. Bởi thế mà mỗi khi có mưa, người dân ở đây đều cắt cầu dao điện, ngồi một chỗ trong nhà.
Trong làng, chuyện người chết vì sét được nói nhiều, nhưng chuyện người sống dù gặp sét cũng được nhắc đến nhiều lần không kém. Người “nổi tiếng” nhất trong số này có lẽ là cụ “cố Bi trời đánh”, ở xã Cẩm Huy. Nay đã tuổi 80, nhưng cụ Bi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và trở thành giai thoại sống ở vùng quê này. Cách đây khoảng 10 năm, trong một trận mưa giông, nổi chớp, cụ Bi đóng cửa ngồi trong nhà nhưng một tia chớp vẫn rạch xuyên mái nhà đâm thẳng vào nơi cụ ngồi và tiếp đó là một tiếng sét “đoành” bốc hẳn cụ từ trên giường xuống nền nhà. Cụ Bi bất tỉnh, quần áo trên người rách bay từng mảng. “Tưởng tôi đã chết nên con cháu khóc van rồi chuẩn bị quan tài, đào huyệt chờ ngày chôn. Lát sau, tôi tỉnh lại và sống khỏe mạnh cho đến hôm nay”, cụ Bi bồi hồi nhớ lại.
Ở làng bên, cách nhà cụ Bi không xa, người dân xã Cẩm Huy vẫn đem chuyện anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986) ra kể như một giai thoại, bởi anh bị sét đánh cháy nửa người mà vẫn không chết. Chiều hôm đó, trong khi đang tắm trong nhà, anh đã bị thiên lôi “hỏi thăm” nhưng may mắn không chết…
Về nguyên nhân vùng đất giáp ranh ba xã thường xuyên bị sét đánh, không một người dân nào hay biết. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở KH-CN tỉnh Hà Tĩnh, rất có thể khu vực trên là điểm gối của mỏ sắt lớn nhất Việt Nam, mỏ sắt Thạch Khê. Do địa tầng nhiều quặng sắt nên sét mới thường xuyên xuất hiện ở đây với mặt độ dày đặc như vậy.
Theo Báo Đất Việt