Đột kích bắt “cát tặc” trên sông Hồng: Lột mặt “tập đoàn bảo kê”
Theo nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật, cơ quan chức năng xác định, chỉ trong thời gian ngắn, ổ nhóm “cát tặc” đã thu lời khoảng 12 tỉ đồng. Trong đó, kẻ cầm đầu là đối tượng Vũ Anh Toàn (SN 1976) biệt danh Toàn “cụt”. Bọn chúng đã hoành hành, bảo kê cho các tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng và ngang nhiên thu tiền “phế”…
Khoản tiền khổng lồ “chảy” vào túi “cát tặc”?!
Đã gần chục ngày sau khi Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Hà Nội bắt giữ hơn 30 đối tượng liên quan đến các hành vi khai thác cát trái phép và hoạt động bảo kê quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Cơ quan điều tra xác định, cầm đầu ổ nhóm trên chính là đối tượng Toàn “cụt”.
Được biết, Toàn “cụt” là dân giang hồ, hắn thu thập đám đệ tử dưới trướng chủ yếu là thanh niên hư hỏng ở địa phương hoặc địa bàn lân cận. Bọn chúng từng gây ra rất nhiều sự việc bức xúc cho người dân Phúc Thọ. Ổ nhóm của Toàn “cụt” thường xuyên ép các chủ tàu phải nộp tiền “phế” khi khai thác cát trên địa bàn chúng “bảo kê”. Theo phản ánh của người dân địa phương, Toàn “cụt” đứng ra thành lập Doanh nghiệp hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên sông, nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài, thực chất chúng hoạt động “bảo kê” cho các bãi khai thác tài nguyên cát trái phép trên sông Hồng. Ước tính ban đầu, mỗi ngày các đối tượng khai thác khoảng 2.000m3 cát, giá trị tương đương khoảng 1 tỉ đồng.
Nguồn tin riêng cho hay, mặc dù không được cấp phép khai thác cát trên sông Hồng nhưng nhóm của Toàn “cụt” luôn nhận đó là bãi khai thác cát của chúng. Các tàu vào khai thác, chúng nói đó là khu vực “bảo kê” hút cát của mình rồi thu “phế”. Bọn chúng “làm luật”, chia theo tỉ lệ thông thường, chủ tàu hưởng 30% tổng giá trị cát hút được, còn chúng hưởng 70%. Theo đó, mỗi 1m3 cát hút lên, bán được khoảng 50.000 đồng, nhóm của Toàn “cụt” chia cho chủ tàu 16.000 đồng, còn lại bọn chúng hưởng hết.
Cơ quan chức năng xác định, chỉ trong thời gian ngắn, ổ nhóm “cát tặc” trên đã khai thác và thu trái phép khoảng 12 tỉ đồng. Được biết, trong vụ đột kích đêm 8/11 vừa qua, lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách ghi chép việc khai thác, bán cát “lậu” và nhiều hung khí.
Trận đánh “lịch sử”
Video đang HOT
Ngày 14/11, PV đã về một số đoạn sông trên địa bàn hai xã Vân Phúc, Vân Nam của huyện Phúc Thọ. Tại khúc sông thuộc bến đò Vân Nam, cụm dân cư số 1, xã Vân Nam, theo ghi nhận của PV, toàn bộ số tàu thuyền trước đây tham gia khai thác cát trái phép đã bị buộc dừng hoạt động. Không còn cảnh hàng chục xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau vận chuyển cát như trước khi có cuộc đột kích của hơn 200 cảnh sát.
Cảnh tĩnh lặng trở lại sau khi các đối tượng bị bắt giữ.
Ông Đặng Ngọc Điệp, Trưởng cụm dân cư số 1, xã Vân Nam tỏ ra phấn chấn, hồ hởi: “Từ hôm công an bắt một số đối tượng, người dân chúng tôi thấy phấn chấn hẳn. Nếu như các cơ quan chức năng tiến hành sớm hơn thì còn tốt hơn nữa”.
Theo người dân nơi đây, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông đã diễn ra từ khoảng 5 năm trước. Ban đầu, các đối tượng chỉ khai thác nhỏ lẻ, tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, việc khai thác mới diễn ra rầm rộ với quy mô lớn. Từ khi công ty cứu hộ của đối tượng Toàn “cụt” được thành lập rồi tham gia khai thác cát thì, cứ đêm xuống cả khúc sông sáng rực đèn, tiếng máy nổ, máy xúc, ô tô kêu ầm ầm.
Nhớ lại thời điểm khu vực này chưa bị khai thác cát trái phép ồ ạt, ông Điệp cho biết: “Cát tặc” đã làm thay đổi dòng chảy dẫn đến hệ quả là đất hoa màu của bà con bị cuốn xuống sông. Không chỉ có thế, nước sông cũng bị ô nhiễm nặng, đường sá liên tục bị cày xới bởi xe trọng tải nặng. Đêm đến không ai dám ra đường vì hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau còn trẻ con và người già không ai ngủ được ngon giấc vì tiếng máy nổ”.
Một người dân trung niên cũng than phiền thêm: “Từ khi nhóm “cát tặc” này xuất hiện thì bãi đất bên bờ sông của chúng tôi cũng bị những người này thu giữ làm bãi tập kết cát”. Nhớ lại đêm lực lượng chức năng vây bắt nhóm “cát tặc” trên sông Hồng, ông Phùng Văn T., một người dân sống gần khu vực cho biết: “Trước khi lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép, buổi chiều tôi thấy gần chục thanh niên lạ mặt xuất hiện gần bến phà Nam Vân, đến tối thì có khoảng 4 – 5 xe ca giống như xe đi đám cưới, về sau mới biết đấy là xe của công an ngụy trang.
Tầm khoảng 2h đêm thì mọi người nghe thấy một âm thanh lớn vang lên phía bờ sông, cả làng liền hô hoán nhau chạy ra xem có chuyện gì thì thấy một cảnh tượng chẳng khác gì những “trận đánh” lớn trong phim. Hàng chục tàu các loại của công an và lực lượng chức năng khác từ bốn phía áp sát khu vực đang khai thác cát trái phép, lúc ấy phải có tới hàng trăm chiến sỹ nhảy lên các tàu đang khai thác. Chỉ khoảng 3 phút nhưng tôi thấy mấy chục đối tượng bị bắt giữ. Khi lực lượng công an ập đến, rất nhiều công nhân cũng như chủ tàu nhảy xuống sông bỏ chạy nhưng chỉ ít phút sau thì họ ngoi lên mặt nước và bị công an bắt giữ”.
Cũng theo ông T.: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ bắt tội phạm nào có quy mô lớn đến vậy, điểm khai thác này công an xã, huyện, tỉnh cũng đã nhiều lần phục kích, truy bắt nhưng chỉ được một vài ngày mọi chuyện đâu lại vào đấy. Đã khoảng một tuần trôi qua nhưng tôi thấy không còn tình trạng khai thác cát trái phép trên đoạn sông này nữa. Có lẽ, sau lần này người dân và con sông sẽ được bình yên”.
“Làm loạn” cả một khúc sông
Nói về việc “bảo kê” khai thác cát trái phép, một người dân ở cụm 1 xã Vân Nam cho biết: “Từ ngày diễn ra khai thác cát trái phép thì chuyện xô xát, đánh chém nhau xảy ra thường xuyên. Mỗi khi có sự tranh giành địa bàn khai thác hoặc tàu thuyền nào đó không chịu làm luật… là nhóm người “bảo kê” sẵn sàng đánh dằn mặt. Ngày trước, khi nhóm “cát tặc” này chưa bị bắt giữ, người dân ở đây vô cùng khổ sở nhưng không biết kêu ai, chỉ biết cắn răng chịu đựng. Mỗi đêm có hơn 20 tàu các loại hoạt động rầm rộ, khủng khiếp nhất là mỗi gầu của tàu cuốc có thể múc được khoảng 4-5 khối cát và khoét sâu xuống lòng sông khoảng 10 – 15m, tiếng máy thì gầm rú chẳng khác gì tiếng bom”.
Đ.GIANG – C.CÔNG
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đột kích, bắt 51 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng
Cục Cảnh sát giao thông Đường thủy vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tạm giữ 51 tàu khai thác cát trên sông Hồng.
Thông tin ban đầu, đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/11, lực lượng công an đã thực hiện chuyên án đấu tranh với ổ nhóm khai thác cát trái phép, có dấu hiệu bảo kê trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ tạm giữ 21 tàu cuốc, trị giá hơn 2 tỷ/tàu và hơn 30 tàu hút cát trên sông Hồng (địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đồng thời tạm giữ hàng chục đối tượng có mặt trên tàu và các đối tượng có dấu hiệu bảo kê, đầu nậu cát trên bờ.
Sau khi phá thành công chuyên án trên, 3 đơn vị trên đã được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang biểu dương. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo phải kiên quyết đấu tranh, xử lí nghiêm các đối tượng trên.
Chiều 8/11, lực lượng chức năng đã đưa các đối tượng liên quan về Cục Cảnh sát Hình sự để phân loại, xử lí.
Theo PetroTimes
Hơn 200 cảnh sát truy bắt hút trộm cát trên sông Hồng Ngày 9/11, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự Xã hội (Bộ Công an) cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ vụ khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn qua H.Phúc Thọ, TP.Hà Nội, giáp ranh với H.Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện trường vụ truy bắt -...