“Đột kích” bãi vàng trên đỉnh Cư Kuin
Hơn 4 tháng nay, hàng chục vàng tặc tập trung về bãi vàng trên đỉnh núi Cư Kuin, dựng lán trại, sử dụng máy móc khai thác vàng một cách công khai. Người dân địa phương bị ảnh hưởng rất bức xúc, nhưng không ai dám lên tiếng phản đối, vì sợ bị chủ bãi vàng trả thù. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì im hơi, lặng tiếng!
Giữa trưa 4-7, nhận được nguồn tin báo “trên đỉnh núi Cư Kuin, thuộc địa bàn thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pách (Đắk Lắk), vàng tặc ngang nhiên lộng hành suốt ngày đêm”, nhóm phóng viên chúng tôi từ thành phố Buôn Ma Thuột tức tốc lên đường.
Chiếc xe U-oát chuyên dùng cho những “cung đường gian khổ” chở phóng viên và các đồng chí công an xã Ea Kênh phải dừng lại ở cuối thôn Thanh Bình, vì đường lên núi Cư Kuin từ địa điểm này quá nhỏ hẹp, lầy lội, bị chia cắt bởi các con suối và nhiều nơi dốc dựng đứng.
Không thể đi bằng ô tô và xe máy, cả nhóm đành cuốc bộ, leo dốc hơn 4 km. Từ dưới chân núi nhìn lên lưng chừng núi Cư Kuin là thấy ngay những lán trại của vàng tặc; ngay cả tiếng máy nổ phục vụ việc thác vàng cũng vang xa tới vài cây số. Vậy là bãi vàng đang hoạt động khá công khai và chúng tôi quyết định “đột kích”.
Lán trại các phu vàng dựng lên phục vụ khai thác vàng
Từ chân núi lên đến địa điểm bãi vàng chỉ hơn 1 km leo dốc, nhưng cả nhóm phải dừng lại 3 lần để nghỉ lấy sức, đồng thời bàn phương án tác nghiệp, thống nhất biện pháp chủ động ứng phó trước tình huống bị “vàng tặc” tấn công.
Trước khi xuất phát từ trụ sở Công an xã Ea Kênh, các đồng chí Võ Minh Thành, Phó trưởng công an xã và Võ Đặng Hạnh, công an viên đã cẩn thận mang theo dùi cui điện và bình xịt hơi cay, nhằm đề phòng sự hung hăng, bất chấp pháp luật của “vàng tặc”.
Khi nhóm chúng tôi cách vị trí khai thác khoảng 20m, phát hiện chiếc xe máy của nhân viên cảnh giới vòng ngoài, cũng là lúc tiếng máy nổ im bặt. Biết việc thâm nhập của đoàn công tác đã bị chủ bãi và các phu vàng phát hiện, nên chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bãi vàng.
Chủ bãi đầu tư hàng trăm triệu đồng cho “dây chuyền công nghệ” khai thác vàng
Video đang HOT
Cửa hầm vàng nằm gần đỉnh núi Cư Kuin, ở vị trí có độ dốc cao nhất, nên chúng tôi phải leo dốc bằng cả chân và tay mới tới được các lán trại. Lúc này, trời bất chợt đổ mưa, tranh thủ trú mưa, chúng tôi hỏi chuyện hai phu vàng, một người quê ở tỉnh Thái Nguyên, người kia ở huyện M’đrắk (Đắk Lắk). Qua quan sát, mặc dầu hai phu vàng trò chuyện khá bình tĩnh, nhưng cả hai vẫn thủ sẵn mỗi người một mã tấu bên cạnh, nhằm đề phòng trường hợp bị công an ra tay bắt giữ. Cả hai cho biết, họ làm thuê cho chủ bãi Nguyễn Văn Hoàng (còn có biệt danh là Hoàng tóc dài), trú ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pách, mỗi tháng ngoài cơm nuôi được trả công 5 triệu đồng.
Cửa hầm vàng
Đang trò chuyện, thì phu vàng quê ở Thái Nguyên nghe điện thoại của chủ bãi gọi tới, thăm dò động thái của đoàn chúng tôi. Theo lời của chúng tôi, phu vàng này báo cáo: “Đoàn chỉ lên thăm chơi đến làm phim và mời anh về nói chuyện”.
Vậy là trước khi chúng tôi tiếp cận, “Hoàng tóc dài” cũng có mặt ở bãi vàng, nhưng có lẽ đề phòng tình huống bị truy quét, nên chủ bãi đã kịp ra lệnh ngừng khai thác, tắt máy nổ và rời khỏi hiện trường. Ngay cả một số phu vàng khi thấy động cũng nằm im trong hầm vàng ẩn nấp, chỉ khi biết nhóm phóng viên lên làm phim, họ mới lầm lụi chui ra khỏi hầm vàng sâu hun hút.
Một số phu vàng
Theo lời các phu vàng, hiện toàn bãi chỉ có 8 nhân công. Nhưng qua quan sát vật dụng sinh hoạt, máy móc, phương tiện phục vụ việc đào đãi vàng, chúng tôi nhận định phải có vài chục người đang khai thác ở bãi vàng lậu này.
Tại đây, các phu vàng đã dựng 4 lán trại, 1 nhà bếp, lắp đặt một máy nghiền, 2 máy nổ, 1 máy tời, nhiều máy khoan, 1 bể lọc, 1 máy phát điện kèm đường điện thắp sáng và hệ thống thông gió trong đường hầm. Với quy mô này, nhẩm tính chủ bãi đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền và công nghệ khai thác vàng.
Anh Võ Minh Thành, Phó trưởng công an xã Ea Kênh xác nhận: Chủ bãi vàng Hoàng “tóc dài”, trước đây đã tổ chức khai thác trên núi Pháo (thuộc thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh), sau khi bị lực lượng chức năng truy quét, thì tiếp tục dạt về núi Cư Kuin để hành nghề.
Khu bếp ăn của các phu vàng
Còn anh Hoàng Đại Cương, công an viên thôn Thanh Bình bức xúc: “Việc tổ chức khai thác vàng trái phép trên núi Cư Kuin này không những hủy hoại môi trường rừng, môi trường nước, gây sạt lở núi mà còn gây mất an ninh trật tự địa bàn”.
Lão nông Nguyễn Đình Ngân, định cư gần chân núi Cư Kuin cho biết thêm: “Do việc khai thác vàng bừa bãi, dẫn tới nguồn nước trong vùng bị nhiễm độc, đã có một số con trâu, bò của bà con bị bệnh và chết. Cánh đồng lúa dưới chân núi cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước đầu nguồn bị chặn lại để đãi vàng. Ở đây, hầu hết bà con sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, nên rất lo sợ những hóa chất phục vụ đào đãi vàng ngấm xuống làm nhiễm độc nguồn nước. Trước đây bà con có ý kiến, chủ bãi vàng hứa sẽ đền bù cho dân, nhưng chỉ hứa suông. Người dân trong thôn Thanh Bình bức xúc lắm, đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng chưa thấy lực lượng chức năng vào cuộc. Hôm nay là lần đầu tiên thấy nhà báo và công an xã đến hiện trường đấy!”.
Hố nước đãi vàng
Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức khai thác vàng trái phép trên đỉnh núi Cư Kuin, không những hủy hoại tài nguyên và môi trường, mà còn gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như ngạt khí, sập hầm – hiện vàng tặc đã đào hơn 50m đường hầm xuyên núi mà không hề được chằng chống. Các cơ quan chức năng huyện Krông Pách và tỉnh Đắk Lắk không nên tiềp tục làm ngơ!
Theo ANTD
"Vàng tặc" đại náo xóm nghèo
Mới đến đầu thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang nhìn về phía bên kia là sự trơ trọi đến tàn khốc của nguyên một quả đồi.
Vào đại bản doanh "vàng tặc"
Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, lại là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang nên đường giao thông vào trung tâm xã Đường Âm vô cùng khó khăn, đường vào thôn Nà Nôm lại khó khăn bội phần. Để vào Nà Nôm, hai chiếc "Min khờ" phải oằn mình cõng chúng tôi lê từng khúc một. Thi thoảng, một trong hai con ngựa sắt trở nên hung tợn gào rú khét lẹt một vùng để lấy đà đưa người vượt dốc.
Cánh khai thác vàng ở Nà Nôm quắc mắt "soi" khách lạ
Chú tài xe ôm dẫn đường kém tôi đến gần chục tuổi thao thao giới thiệu: May trời đẹp, chứ chỉ cần vài hạt mưa thì anh em mình có đến sáng mai cũng chưa tới đích. Khổ một nỗi chỉ có một con đường độc đạo là từ trung tâm thị trấn huyện Bắc Mê đi qua xã Yên Thổ, Bảo Lâm (Cao Bằng) mới đến được, nơi đây chủ yếu là người Dao, Nùng, Tày sinh sống.
Cũng bởi là người Dao, nên Đ - tên chú tài xe ôm - đi đâu cũng gặp đồng hương và luôn mồm chào hỏi. Một trong số đó, chúng tôi may mắn được Đ phiên dịch cho cuộc nói chuyện với một phụ nữ trên đường đi chợ phiên về.
Chị P.T.Ph, 45 tuổi, người dân thôn Nà Nôm cho biết: "Họ (người khai thác vàng trái phép - PV) làm vàng từ lâu rồi, nát hết cả khu vực bãi Nát, cán bộ xã vào kiểm tra xong lại đi. Dân chúng tôi đã kêu nhiều lên cấp trên nhưng chẳng ai nghe. Thấy nhiều người tìm được vàng, một số người dân trong thôn làm theo nhưng chẳng được tí vàng nào vì lấy đâu ra máy móc".
Quả đúng như lời chị Ph, mới đến đầu thôn Nà Nôm, nhìn về phía bên kia là sự trơ trọi đến tàn khốc của quả đồi. Cách đó không xa, bên cạnh những hang vàng còn mới tinh màu đất là các lán trại được dùng tạm bợ xung quanh. Đ khoát tay vẻ hiểu biết: "Người dân địa phương gọi đó là bãi Nát, là điểm khai thác vàng diễn ra hơn chục năm nay rồi, người ta dùng cả máy xúc để đào, nghe họ đồn trúng nhiều vàng lắm, nên lúc đông nhất cả khu vực đó có mấy trăm người vào đào".
Xới tung đất tìm vàng
Đ sang số, vít ga đưa chúng tôi men theo con suối nhỏ để tiếp cận hiện trường bãi vàng. Hình như đã phát hiện người lạ, khi chúng tôi tới, rải rác từng tốp người lũ lượt bỏ đi giống như một đợt di tản đã được tập dượt kỹ lưỡng. Một vài trong số họ quắc mắt "soi" chúng tôi, mồm lẩm bẩm, thi thoảng có kẻ chửi thề rất to. Mặc dù các lán trại không một bóng người, đường ống dẫn nước, đầu nổ máy bơm đã bị tháo rời, nhưng bếp nấu ăn vẫn còn nghi ngút khói. Bên cạnh mỗi lán là những cái hang sâu hun hút không biết đâu là điểm cuối. Một diện tích rộng vài hecta đã bị máy móc và con người xới tung, dấu tích để lại của vàng tặc là những chiếc can, xô, cuốc, xẻng trong hang.
UBND tỉnh Hà Giang đã có Chỉ thị số 14, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Nhận thấy mối đe dọa có thể đến bất cứ lúc nào, chúng tôi thúc Đ nhanh chóng đưa đi qua điểm trường Nà Nôm - nơi mà trước đó chị Ph phán chắc như đinh là nơi hoạt động nhộn nhịp nhất của vàng tặc. Nhận lệnh, hai con "ngựa già" lại gào rú, phụt khói xám một góc đồi...
Trước thực trạng này, mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã có Chỉ thị số 14, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn mình quản lý...
Trường hợp không ngăn chặn, không xử lý mà bị phát hiện hoặc để xảy ra nhiều lần, thường xuyên trên cùng một địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân, yêu cầu Chủ tịch UBND xã phường, thị trấn, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm làm rõ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...
Theo 24h
Hỗn loạn vì tin đồn xuất hiện mỏ vàng Dự án thi công xây dựng hồ thủy lợi xóm Ngành (xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) bỗng trở nên "nóng" bởi thông tin có người nhặt được cả cục vàng "lộ thiên" trong quá trình nạo vét mặt bằng. Người dân đổ xô đi mót vàng, giới "xã hội đen" xuất hiện hăm dọa, ngăn chặn... khiến cơ quan chức...