Đọt bí xào bao tử
Mùa này trời bắt đầu mưa âm âm. Ở vùng nông thôn, các giồng bí đỏ trong vườn nhà, trên bờ mương được tưới nước trời đã bắt đầu đâm vô số đọt non, ra hoa, trổ nụ. Ngoài việc cho trái nấu canh, các giồng bí đỏ – đọt bí – còn là một nguồn thực phẩm sạch, chất lượng và có thể cung cấp thường xuyên cho bữa ăn gia đình.
Đọt bí tươi xanh non mơn mởn được cắt về mỗi sáng sớm. Phải chọn phần thân còn non mềm, nhặt từng đoạn, tước hết phần tơ lông bên ngoài rồi rửa sạch. Từ những cọng đọt bí đơn giản này, ta có thể chế biến thành nhiều món cũng rất đơn giản như luộc, xào tỏi, xào thịt bò… Trong các món xào, đọt bí xào với bao tử heo gần gũi bình dân nhưng lại là món ngon số một, có hương vị lạ, để lại dư vị ngọt ngào.
Trước khi chế biến món này, đọt bí phải trụng sơ nước sôi. Phần bao tử heo phải chế biến đúng quy cách mới đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng. Phần rau bí sau khi chín vẫn giữ được màu xanh mát mắt, ăn sẽ có cảm giác mềm ngọt và giòn. Phần bao tử heo vừa giữ được độ giòn, vừa có màu đẹp và lọc khử được mùi riêng. Một đĩa đọt bí xào bao tử heo ngon phải đảm bảo được sự hài hòa giữa màu sắc, vị, chất và yếu tố thẩm mỹ. Món này chấm với nước mắm ngon điểm vài lát ớt đỏ, ăn kèm cơm nóng khi bụng đang đói bảo đảm không có gì ngon bằng.
Theo Đông y, đọt bí đỏ là loại rau có tính mát, thanh nhiệt, bổ, ai cũng có thể ăn được. Ăn món rau bí vườn tự trồng vừa đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thấy lạ miệng, không ngán. Nếu sân vườn rộng, bạn có thể nhanh chóng trồng ngay vài dây bên hiên nhà, khoảng sau 30 ngày, bạn sẽ có được những món ngon từ đọt bí, bông bí.
Theo ihay
Rau cải trời
Ở các vùng miền núi, có một loại rau mọc tự nhiên và trở nên xanh tốt mỗi khi mùa đông về. Đó chính là rau cải trời.
Mùa cải trời bắt đầu khi những cơn gió lạnh tràn về đến hết mùa xuân. Khi đó trên các nương rẫy, các cánh đồng xa, rau cải trời nhú mầm rồi mọc thành từng đám. Sau khi mọc lên khỏi mặt đất, cây mầm lớn nhanh, độ một tuần sau cây cao khoảng 30 cm thì lá và đọt trở nên mơn mởn, xanh non và tốt tươi.
Thông thường, ta chọn hái phần đọt lá non để chế biến thức ăn. Rau cải trời dễ tính, chế biến món gì ăn cũng thơm ngon, giàu hương vị. Ngày đó, tôi còn nhớ mỗi khi trời trở lạnh, mẹ đội nón ra đồng, chọn những chỗ đất vừa mới dọn đốt xong, rau cải trời mọc trên nền đất tro than tươi tốt mẹ hái về. Mỗi bữa một cách chế biến khác nhau nhưng thật đơn giản. Làm gì có thịt bò, thịt heo mà mẹ chỉ xào hoặc nấu canh kèm với bông bí, mướp non; cũng có lúc luộc chấm nước mắm giã với cây ngò thơm... Dù chế biến kiểu gì, rau cải trời vẫn cho một màu xanh ngắt, có hương thơm riêng. Đặc biệt, mùi vị của loại rau này rất dễ chịu.
Ngày đó cuối những năm 1980 cuộc sống còn nghèo, được ăn cơm gạo lúa đỏ với rau cải trời mỗi độ đông về thì không gì ngon bằng. Nồi cơm gạo đỏ mới nấu mở ra thơm dẻo, hạt gạo chín căng tròn, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đơn giản với món rau cải trời, thế mà ấm lòng, chắc dạ, nhớ đời.
Mùa đông, do trời mưa dầm dề, các loại rau khác kém phát triển, chỉ có rau cải trời xanh tốt. Một phần cũng vì thế, nó giúp rất nhiều người sống ở quê đi qua thời khốn khó. Những mùa đông, những bữa cơm rau cải trời xa lắc bây giờ nhớ lại cảm thấy nao lòng. Bây giờ ở quê, rau cải trời vẫn còn như xưa. Có điều, do cuộc sống khấm khá, rau cải trời không còn là rau chủ lực trong bữa ăn nữa, song nó cũng thường có mặt trong các bữa ăn gia đình ở miền quê.
Mỗi lần đông đến, thèm rau cải trời, tôi gọi chị ở quê ra đồng hái rồi gửi lên cho. Vẫn chế biến đơn giản theo kiểu ngày xưa, bữa ăn nào có loại rau này, cả gia đình tôi đều ăn thật ngon lành.
Theo thanh niên
Ra phố Sài Gòn ăn vặt Chỉ cần bước chân xuống vỉa hè bất kỳ một con đường nào ở Sài Gòn, bạn đều có thể dễ dàng thưởng thức những món ăn ngon nhưng rất bình dị như: gỏi khô bò, bún riêu hay canh bún... Bánh canh cua Bạn có thể thưởng thức đủ loại bánh canh ở Sài Gòn như: bánh canh cua, bánh canh bò...