Đông y chữa bệnh hen suyễn
Hen và suyễn là hai chứng bệnh cùng phát sinh chủ yếu từ tạng phế và hai tạng liên quan là tỳ và thận có những đặc điểm riêng biệt nhưng đều có thể sử dụng bài thuốc và châm cứu để điều trị.
Nguyên nhân mắc bệnh
Do cảm nhiễm ngoại tà, ăn uống thực phẩm lạ, khí hậu thay đổi thất thường, tiếp xúc với các chất lạ, lao động quá mức hoặc do sự biến động mối quan hệ tạng phủ, đặc biệt là hai tạng phế và thận làm cho phế khí không tuyên phát, không túc giáng được nên thận không nạp được khí gây hen suyễn.
Ngoài hai tạng chủ yếu là phế và thận, tạng tỳ có liên quan mật thiết tới hen suyễn. Nếu tỳ hư không vận hóa được thủy thấp, thận dương hư không ôn ấm được tỳ dương để vận hóa thủy thấp và không khí hóa được tân dịch mà sinh ra đàm làm cho phế khí không túc giáng, không thông điều thủy đạo, đàm đọng nhiều gây hen suyễn.
Mặt khác tâm khí hư cũng có thể làm cho phế khí suy mà sinh ra hen suyễn. Trên lâm sàng thường chia làm hai loại: Hen và suyễn. Hen có hen hàn và hen nhiệt. Suyễn có suyễn thực và suyễn hư.
Điều trị
Đối với hen
Hen hàn (lãnh háo): Do cảm nhiễm ngoại cảm phong hàn hoặc gặp phải các chất lạ do ăn uống, tiếp xúc hoặc do gió lạnh… gây ra khó thở khò khè, nằm ngồi không yên, ngực tức, đờm ít, trắng hoặc không có đờm, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm trì. Phương pháp điều trị thường là giải biểu tán hàn, thông lợi phế khí.
Có thể dùng bài thuốc “ Tô tử giáng khí thang” bao gồm 8 vị thuốc: tô tử 12g dã dập, bán hạ chế 20g bỏ vỏ, đương quy, hậu phác 16g cạo vỏ, tiền hồ 16g, nhục quế 08g, trần bì 08g, cam thảo 08g. Tám vị thuốc này sắc với 1600 ml nước lấy 250ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần. Ngoài ra, cũng dùng châm cứu, châm tả các huyệt: Phế du, định suyễn, phong long, túc tam lý, thiên đột.
Hen nhiệt (nhiệt háo): Do nhiệt uất tích ở trong lại cảm phải phong tà gây ra khó thở khò khè, bứt rứt khó chịu, tức ngực, đờm vàng, rêu lưỡi vàng đục, chất lưỡi đỏ, mạch sác. Thường dùng thông lợi phế khí hóa đàm để điều trị.
Video đang HOT
Dùng bài thuốc “Bạch quả định suyễn thang” bao gồm bạch quả nhân 08g, hoàng cầm 16g, hạnh nhân 12g, tang bạch bì 20g, tô tử 12g, cam thảo 08g, ma hoàng 12g, bán hạ 16g, khoản đông hoa 08g.
Cách bào chế: ma hoàng bỏ mắt, hạnh nhân bỏ vỏ, tô tử dã dập, bán hạ chế. Chín vị trên cho vào nồi sắc với 1700ml nước, bỏ bã lấy 250ml, uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần. Nếu dùng châm cứu thì thâm tả các huyệt: Định suyễn, khúc trì, túc tam lý, phong long, thiên đột.
Đối với suyễn
Suyễn thực: Do phòng hàn uất ở trong phế, khí nghịch lên gây suyễn, thở gấp có tiếng rít, há miệng, không nằm được, tức ngực, phải ngồi phục mới thở được. Người mệt mỏi, đờm trắng, suyễn thực bệnh chủ yếu ở phế.
Phương pháp điều trị bao gồm lợi phế, giáng khí, định suyễn và dùng bài thuốc “Tam ao thang” bằng cách bào chế ma hoàng 24g bỏ mắt, hạnh nhân 24g bỏ vỏ, cam thảo 24g sắc với 900ml nước, lọc bỏ bã lấy 120ml uống ấm chia đều 2 lần, lần 1 nếu uống sau 30 phút suyễn thở hết hoặc giảm 7-8 phần, thuốc còn lại chia đều 2 lần uống trong ngày. Nếu lần 1 uống sau 2 giờ suyễn chưa cắt thì uống hết phần còn lại. Thực hiện châm cứu, châm tả các huyệt định suyễn, thiên đột, phong long, túc tam lý.
Suyễn hư: Cơn suyễn ngắn yếu, người rất mệt, hụt hơi, nói phều phào, tinh thần yếu đuối, vận động mạnh cơn suyễn tăng. Bệnh nặng thì hai mu chân sưng, người ớn lạnh, mạch vi tế. Suyễn hư bệnh chủ yếu ở thận và phế. Nếu thiên về phế hư thì cần bổ khí sinh tân với bài thuốc “Sinh mạch tán”.
Châm cứu thực thiện châm bổ, ôn châm các huyệt chiên trung, túc tam lý, tam âm giao, phế du. Nếu thiên về thận hư thì cần bổ hỏa trợ dương dùng bài thuốc Kim quỹ thận khí gia giảm; Châm cứu bao gồm châm bổ các huyệt phế du, thận du, ôn châm huyệt mệnh môn, phục lưu.
Chú ý: Trong điều trị hen suyễn, đang trong cơn phải cắt được cơn, định được suyễn sau đó tìm nguyên nhân cụ thể để chữa.
Phòng bệnh thế nào?
Loại bỏ đờm rãi, nằm hổ phục hoặc nghển cổ để dễ thở. Tránh gió lạnh và khi thời tiết thay đổi. Buổi sáng khi mới ngủ dậy không ra ngoài trời sớm, không uống nước lạnh, giữ ấm cổ. Kiêng không ăn các thức ăn lạ, thịt chó, thịt trâu nhưng vẫn cần ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi và luyện tập đều đặn.
TTND.BS. Trần Văn Bản
Theo SK&ĐS
Coi chừng bệnh hen khiến bệnh tim nặng hơn
Bệnh hen và bệnh tim mạch là 2 bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Triệu chứng của bệnh hen có thể làm bệnh tim mạch nặng hơn. Do vậy, việc xem xét mối quan hệ giữa hen và bệnh tim mạch sẽ có ý nghĩa lớn trong việc chữa trị bệnh.
Cơ chế liên hệ giữa bệnh tim và bệnh hen
Biểu hiện liên hệ giữa bệnh tim và hen phế quản dễ thấy là người bệnh trong các cơn hen cấp nặng, nguy kịch sẽ kéo theo tình trạng tăng huyết áp. Hen làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành 1,4 lần, tai biến mạch máu não 1,2 lần và suy tim 2,1 lần.
Cơ chế mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh hen có lý do đều là những bệnh lý viêm. C-reactive protein (CRP) và fibrinogen tăng đáng kể ở bệnh nhân hen dai dẳng, gợi ý một liên kết giữa các quá trình viêm trong hen và bệnh tim mạch. Các cytokine khác thường hay gia tăng trong hen cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong cơn hen, thường bệnh nhân có tăng huyết áp, mạch nhanh do cường giao cảm, thiếu oxy máu, toan chuyển hóa do acid lactic...
Bệnh hen và bệnh tim mạch là 2 bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi và triệu chứng của bệnh này có thể làm bệnh kia nặng thêm.
Suy tim được cho là nguyên nhân thực sự tạo nên mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh hen hay còn gọi là hen tim. Do chức năng bơm máu của tim suy giảm và dịch ứ lại bên trong phổi gây ra hậu quả đường dẫn khí trở nên hẹp tạo tiếng khò khè khi thở và các triệu chứng khác.
Trong đó, các bệnh tim là nguyên nhân gây ra hen tim gồm có: bệnh van tim, rối loạn chức năng cơ tim, tăng áp tĩnh mạch phổi... và nhiều nguyên nhân khác như hẹp đột ngột động mạch thận, khối u ở thành động mạch...
Tình trạng mắc hen tim ở người bệnh, trong quá trình điều trị cần phải chú ý sự ảnh hưởng của thuốc trị hen với bệnh tim mạch và ngược lại ảnh hưởng của thuốc tim mạch với bệnh hen. Cụ thể, thuốc và corticoid dùng chữa hen cũng khiến tình trạng bệnh tim mạch xấu hơn.
Tuy nhiên, nếu người bệnh hen dùng các thuốc kiểm soát như corticoid hít và montelukast thì có tần suất bệnh tim mạch có thể thấp hơn. Bên cạnh đó, các thuốc đồng vận beta giãn phế quản làm tăng nhịp tim, hạ kali máu. Qua cơ chế này và qua việc kích thích hệ giao cảm thuốc đồng vận beta có thể làm nặng hơn thiếu máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim và đột tử.
Người bệnh tim sử dụng thuốc điều trị cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến bệnh hen. Một số thuốc tim mạch có thể gây phản ứng hiếm gặp như: thuốc aspirin có thể khởi phát hen trên một số bệnh nhân, thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho hoặc gây co thắt phế quản khiến bệnh hen nặng hơn.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh hen và bệnh tim mạch
Ô nhiễm không khí: Các chất gây ô nhiễm không khí làm tăng bệnh tim mạch và đồng thời ảnh hưởng xấu đến hen. Những người sinh sống hoặc lớn lên ở đô thị có nguy cơ mắc hen cao hơn những người sống ở nông thôn. Các yếu tố như: phấn hoa, bụi và gián, nấm mốc, lông vật nuôi, thay đổi thời tiết (đặc biệt là không khí lạnh)... là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh hen. Nhạy cảm với các tác nhân dị ứng thường là yếu tố dự báo chính xác khả năng mắc bệnh hen và nguy cơ gia tăng các cơn hen cấp.
Nitrogen dioxide (NO2) là một chất gây ô nhiễm làm tăng nguy cơ cả bệnh hen lẫn bệnh tim. NO2 được tìm thấy trong tầng ozone, nhưng cũng có nồng độ cao ở trong nhà mà thường nhất là khi sử dụng bếp ga và các lò sưởi đun bằng dầu. Khi phơi nhiễm với NO2 nguy cơ bệnh tim tăng, đặc biệt trên bệnh nhân hen.
Khói thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên 2 lần. Khói thuốc gây kích thích đối với khí quản. Người hút thuốc thường sẽ có nguy cơ cao bị hen. Người mắc hen hút thuốc lá dẫn đến bệnh hen sẽ nặng hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng giữa bệnh tim và bệnh hen, giảm nguy cơ mắc hen tim cho người bệnh, người mắc bệnh tim và bệnh hen cần được điều trị đúng cách và kịp thời. Phải kiểm soát bệnh hen tốt để tránh làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch. Theo đó, bệnh nhân hen cần phải sử dụng thuốc kiểm soát cơn hen theo chỉ định của bác sĩ là an toàn và cần thiết, cũng như cần được phòng tránh tình trạng bệnh tim có nguy cơ gia tăng khi sử dụng thuốc điều trị hen. Hoạt động thể lực đều đặn giúp duy trì sức khỏe tốt không những cho bệnh nhân hen mà còn cho bệnh nhân tim mạch.
Bệnh nhân hen nên lưu ý dự phòng và điều trị bệnh tim bằng cách điều chỉnh ngay các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Trước tiên là thay đổi lối sống như: bỏ thuốc lá, tăng cường vận động... Điều trị các bệnh lý đang mắc phải như: tăng huyết áp, thừa cân/béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...
Với người mắc đồng thời cả bệnh hen, bệnh tim mạch và phải dùng thuốc chữa cả hai bệnh này thì cần thận trọng vì một số thuốc chữa hen ảnh hưởng tới bệnh tim mạch và một số thuốc chữa tim mạch lại làm bệnh hen nặng hơn. Do đó, cần theo dõi sát diễn biến của bệnh để thông báo cho bác sĩ kịp thời nhất.
BS. TRẦN ANH
Theo SK&ĐS
Ăn lẩu đúng cách, an toàn và nhận biết nồi nước lẩu làm từ hóa chất Mùa lạnh cũng là lúc nhiều người lựa chọn ăn lẩu. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận, nhiều nhà hàng sử dụng hóa chất độc hại cho nước lẩu để tạo mùi vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt. Các loại gia vị lẩu thường chứa chất hóa học độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe. Những chất này có thể gây...