Đồng Vọng Hủ Tiếu Nam Vang
Hiện Sài Gòn còn bốn tiệm hủ tiếu Nam Vang “gốc”, lâu đời và bề thế: Liến Húa, Ty Lum, Kim Tháp, quán Hồng Phát, thu hút dân sành ăn khắp nơi. Bà mẹ ẩm thực Sài Gòn tuy không có công sinh thành ra nhiều món ăn ngon, nhưng có công nuôi dưỡng, thêm thắt, trang điểm cho chúng thành món thời trang. Đơn cử như hủ tiếu Nam Vang.
Những kiểu… ghiền
“Tốn đôi ba chục ngàn đồng mà mình vừa thưởng múa, xiếc và chén được món ngon thì cũng xứng đáng”. Với ông Trần Lĩnh, chủ tiệm vàng ở Tân Bình thì chính động tác hất vợt trụng điệu nghệ của anh bếp nấu hủ tiếu Nam Vang mới thật “ấn tượng” – khiến những cọng hủ tiếu mảnh mai bay lên, nhào lộn mấy vòng trước khi kịp sà vào tô. Nhưng hễ ông Lĩnh ghé quán hủ tiếu nào mà không thấy bày hũ đường trên bàn ăn, là ông đứng dậy ra về. Mặc dù vòng số hai ông Lĩnh đang nở. Anh Phạm Văn Thương, chạy xe ôm, ở quận 3, thuộc làu giờ bán xí quách của các quán hủ tiếu Nam Vang lớn ở Sài Gòn (Kim Tháp và Ty Lum từ tám đến mười giờ sáng, Hồng Phát thì từ ba đến sáu giờ chiều) bởi anh thường ghé các quán này mua xí quách về đưa cay cùng đồng nghiệp. Trong đó, anh khoái nhất xí quách quán Ty Lum, vì nó mềm mà không bở. Có điều, anh thay chén nước xốt hắc xì dầu bằng muối ớt chanh: “Một miếng sụn giòn giòn beo béo, áo chút vị mặn, chua, cay – tôi xoay tua ba vòng còn nghe đã”, anh Thương thuật lại.
Ảnh: muivi
Vũ điệu tan – hợp…
Dân sành ăn Sài Gòn cho rằng, trước năm 1970, ở Phnom Penh, Campuchia, nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ngon nức tiếng thường do người Tiều làm chủ. Tô hủ tiếu ở đây chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Hơn ba mươi lăm năm trước, món này theo làn sóng người Tiều gốc Việt hồi hương, phiêu bạt về Sài Gòn. Lạ thay, vóc dáng và mặt mũi nó trông có duyên hơn, nhờ có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút… Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhưng dù gì, những thợ nấu món này vẫn giữ cái hồn của hủ tiếu Nam Vang: chất tạo vị ngọt đậm và thanh cho nước lèo phải là nước hầm xương ống heo – màu trong, hơi ánh vàng. Hay nước xốt chấm xí quách phải là hắc xì dầu xào với mỡ, nước dừa tươi tới độ hơi sánh nhưng không để khét, sau cùng họ cho tỏi nguyên vỏ chấy mỡ vàng ươm vào – thơm phức. Còn cọng hủ tiếu thì mỏng và dẹp cỡ cọng bún gạo khô – ăn nghe dai, mịn mà không đổ nhựa.
Video đang HOT
Ảnh: gccom
Hiện Sài Gòn còn bốn tiệm hủ tiếu Nam Vang “gốc”, lâu đời và bề thế. Mỗi quán đều có một kiểu bài trí món đạm phụ riêng: Liến Húa ở quận 3 có thêm hai con tôm sú to bằng ngón tay cái, Ty Lum ở quận 5 thì có hai miếng chả cá thác lác mỏng, rộng gần ba ngón tay/miếng, Kim Tháp ở quận 10 lại bày thêm hai trứng cút, quán Hồng Phát ở quận 3 thì có thêm miếng huyết trong tô hủ tiếu. Và nghe đâu lò cung cấp chung hủ tiếu cho những quán vừa kể có một quy định riêng: chỉ bỏ mối cho những quán đủ đẳng cấp nấu ngon món hủ tiếu “nhập cảnh” vừa nói. Chủ lò này cũng là người từ Campuchia về, sau năm 1970. Nhân quán cũng có nhiều chi nhánh cũng là nơi lui tới của nhiều người ghiền hủ tiếu. Còn những quán hủ tiếu Nam Vang “lai” ở Sài Gòn thì không thống kê nổi. Chẳng hạn như khu cư xá Phú Lâm B, phường 13, quận 6 hai năm trước chỉ có một quán bán món này, nay có thêm ba quán mới. Hay như đoạn giao lộ Vĩnh Viễn – Nguyễn Tri Phương, quận 10, có cả ba quán hủ tiếu Nam Vang, trong khi hai năm trước ở đây chỉ có một quán bán món này… Như vậy, chứng tỏ món ăn của mấy ông “cắt chú” gốc Việt, vẫn nằm trong top những món dễ khiến người ta “chịu không nổi”, ở TP.HCM.
Theo PNO
Xôi thịt thỏ áp chảo
Chỉ nghe cái tên thôi đã thấy món ăn này chẳng hề tầm thường tẹo nào. Và đến lúc thưởng thức, chắc hẳn các fan của đồ nếp sẽ còn ngất ngây hơn nhiều. Đặc biệt, cái giá để cho bạn khám phá "đặc sản" này cũng thật dễ chịu - 40.000 đồng.
Thịt thỏ ở trong các nhà hàng Hà Nội có lẽ không hiếm, nhưng nếu để tìm 1 tiệm chuyên bán các món về thỏ thì bạn sẽ phải mỏi mắt tra cứu rồi hỏi han khắp nơi mà chưa chắc đã có đáp án thỏa đáng. Chính vì thế, tiệm Thỏ 360 ở phố Kim Ngưu hẳn sẽ là một trong những khám phá lý thú với dân sành ăn Hà Thành.
Đó là một nhà hàng nhỏ, thiết kế cũng giản dị với phong cách ngồi bệt. Có thể nói, vẻ ngoài không hề đặc biệt nhưng chỉ riêng với tấm biển treo chữ "Thỏ 360" to uỳnh thì quán đã đủ gây tò mò với người qua đường. Chẳng thế mà tuy mới mở song các buổi trưa hoặc những ngày cuối tuần quán cũng đã khá đông khách.
Thực đơn ở đây có khoảng gần chục món về thỏ như: thịt thỏ hấp tái chanh, thịt thỏ nướng, thịt thỏ xào lăn, thịt thỏ xào xả ớt... trong số đó đáng nói nhất là xôi thịt thỏ áp chảo - một món ăn vừa dẻo vừa ngậy lại thơm nữa, nên chắc chắn sẽ gây nghiền với những ai là fan cuồng của đồ nếp.
Cảm nhận đầu tiên để nói về xôi thịt thỏ đó là "ưng mắt" lắm. Quán này bình dân nhưng cẩn thận, cầu kì, decor món ăn khá thẩm mỹ: xuất xôi gồm 5 miếng xếp thành hình bán nguyệt, bên cạnh được trang trí thêm bằng rau sống, cà rốt... Nhìn qua thì đoán ngay được đây là loại xôi chiên. Tuy nhiên đó không phải kiểu chiên phồng hoặc chiên rán tầm thường, kiểu chiên này có lẽ phải "xuất chiêu" thì mới cho ra lò được thứ xôi đặc biệt ấy. Tức là khi gọi món, bạn sẽ có dịp nghe thấy nhân viên "vận công" rồi ra sức đập xôi "bồm bộp" trong bếp. Nhờ thế mà món xôi giống như một chiếc bánh có bề mặt hơi vàng, được rán non thôi, song thi thoảng lại thấy lấm tấm vệt cháy đen đúng chất "áp chảo". Chiếc "bánh xôi" này có nhân ở giữa chính là thịt thỏ băm nhỏ kết hợp cùng nấm hương.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được xôi ngoài phần vỏ hơi giòn giòn thì phần bên trong mềm và dẻo lại hơi ngầy ngậy. Có lẽ do đầu bếp cố tình nấu hạt gạo hơi nát để xôi khi chiên lên mới có độ mềm dẻo như thế, dù để lâu, nguội lạnh rồi thì xôi vẫn không hề khô cứng. Nhân thịt thỏ băm bên trong mềm, được chế biến đậm đà, vừa miệng quyện cùng vị thơm của nấm hương làm món ăn càng thêm đặc biệt. Một điểm thú vị nữa là xôi thịt thỏ áp chảo được chấm cùng với tương chứ không phải các loại nước mắm bình thường. Thứ tương này giống như tương chấm bánh đúc song dậy mùi hơn. Ngoài ra, nó còn được ăn kèm cùng cà rốt cho đỡ ngán. Lí do để chủ quán đưa cà rốt vào làm món chống ớn cũng thật hóm hỉnh: "Vì thỏ ăn cà rốt mà!". Nhưng có dùng thử mới thấy nó đúng là "hợp rơ" nhau thật!
Có thể nói, món xôi thịt thỏ áp chảo không chỉ ngon miệng mà còn cho bạn rất nhiều trải nghiệm ăn uống mới mẻ, lạ miệng, ăn đứt những thứ xôi "tầm thường" khác bạn từng thưởng thức. Giá của nó cũng chỉ 40.000 đồng/đĩa. Tất nhiên, thịt thỏ không rẻ, món ăn lại chế biến cầu kì nên đĩa xôi không thể đầy ắp. Nhưng nhìn chung, đó vẫn là mức giá dễ chịu để được khám phá một món ăn độc đáo mà chẳng phải nơi nào cũng có.
Món roti ngầy ngậy với thịt đùi thỏ
Chủ quán cho biết: "Ăn thịt thỏ là phải uống rượu dừa".
Địa chỉ: Thỏ 360, 125 Kim Ngưu, Hà Nội.
Theo PNO
Đi ăn nem Hà Thành. Chăng kể đông hay hè thì nem luôn là mon nghiên của dân sành ăn. Thế nên ở Hà Nội, các quan nem mọc lên nhiều. Xin giới thiệu với bạn một số địa chỉ đang "hot" nhất hiện nay. 1. Nem nướng Nha Trang ơ quán Nông dân Đây là quan đầu tiên đưa thứ đặc sản nổi tiếng vùng Ninh Hòa...