Đồng vốn “khôn” ở Cam Lâm
Tuy những món vay không thực sự lớn, nhưng bằng sự động viên, hỗ trợ của Hội ND, vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn vươn lên đời sống khá giả.
Trợ lực lúc ND khó khăn
Ba năm trở lại đây, nhiều hội viên, ND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã biết tới Quỹ HTND- kênh vốn quan trọng của Hội ND. Không ít người gọi Quỹ HTND là đồng vốn “khôn” bởi hội viên vừa hỗ trợ vay vốn với mức phí ưu đãi, giải ngân tại xã, vừa được Hội ND kết hợp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn, phổ biến cách làm ăn.
Anh Nguyễn Đông Hải đang chăm sóc đàn heo rừng lai mới tách mẹ. Ảnh: Công Tâm
Mấy năm trước, anh Nguyễn Đông Hải đến lập nghiệp ở thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam. Đây là vùng đất toàn sỏi đá, cằn cỗi khó sản xuất. “Đất cằn người có thể cải tạo, bồi bổ, nhưng khó nhất của tôi lúc này là vốn đầu tư. Khi tham gia sinh hoạt chi hội ND, tôi chia sẻ khó khăn này và được Hội ND động viên mạnh dạn vay vốn Quỹ HTND với số tiền 20 triệu đồng…” – anh Hải nhớ lại.
Anh Nguyễn Đông Hải cho hay, tuy nguồn vốn chưa phải là lớn nhưng buộc anh phải suy nghĩ, tính toán làm sao đầu tư cho hiệu quả. Anh quyết định đầu tư số vốn vay được vào trồng 3ha xoài trên diện tích đất anh khai khẩn, cải tạo.
Video đang HOT
Sau 3 năm đầu tư, chăm bón bài bản, anh Hải đã gặt hái thành công với vụ xoài đầu tiên cho thu hoạch. Có tiền từ bán xoài, anh lại tiếp tục đầu tư trồng 1ha điều, mua thêm đất mở rộng diện tích trồng xoài, xây chuồng nuôi thêm heo thịt, heo rừng lai, nuôi bò, gà thả vườn. Nguồn thu năm nay anh lại dành tái đầu tư cho năm sau.
Đến nay, anh đã có 9ha xoài cát Hòa Lộc, 1ha điều, 26 con heo rừng lai, 280 con heo thịt, 25 con bò sinh sản và trên 150 con gà thả vườn. Trang trại của anh Hải hiện cho lãi trên 500 triệu đồng/năm. Anh Hải nói: “Riêng trại heo rừng lai và heo thịt, với giá bán từ 120.000 – 150.000 đồng/kg heo rừng lai, 45.000 – 60.000 đồng/kg heo thịt, bình quân cho thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Năm nay, vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 9ha sắp cho thu hoạch, nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi sẽ cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng… Tôi cũng đang xúc tiến áp dụng quy trình VietGAP cho các loại cây ăn trái trong vườn…”.
Học trực tiếp từ mô hình
Mô hình trang trại trồng cây ăn trái, chăn nuôi tổng hợp của hộ anh Nguyễn Văn Hải giờ đã thành điểm để Hội ND các cấp huyện Cam Lâm tổ chức các lớp thăm quan, học tập của hội viên, ND. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Hải chính là “giáo viên” trực tiếp phổ biến, hướng dẫn ND cách làm.
Ông Nguyễn Văn Yên – Chủ tịch Hội ND xã Cam An Nam chia sẻ: “Nguồn Quỹ HTND quy mô chưa lớn, nên chúng tôi xác định vốn phải đầu tư đúng địa chỉ, đối tượng tạo nên hiệu quả rõ rệt để có tác dụng tuyên truyền, nhân rộng”.
Bên cạnh nguồn ủy thác từ Hội ND cấp trên, tính đến nay, Hội ND xã Cam An Nam đã vận động ủng hộ xây dựng được Quỹ HTND với quy mô 124 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giải ngân cho 22 hộ vay phát triển các mô hình sản xuất. Ông Nguyễn Lai – Chủ tịch Hội ND huyện Cam Lâm cho biết: “Hội ND huyện hiện đang quản lý hơn 5,8 tỷ đồng vốn Quỹ HTND, trong đó, nguồn T.Ư Hội NDVN ủy thác là 1,1 tỷ đồng, nguồn Hội ND tỉnh ủy thác là 1,9 tỷ đồng, nguồn Hội ND huyện, xã vận động, xây dựng được là hơn 2,8 tỷ đồng. “Đây chính là phương tiện, công cụ hữu hiệu nhất đang góp phần giúp Hội ND đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó tập trung vào thực hiện các việc cụ thể, nhất là xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả…
Theo Danviet
Vốn hỗ trợ đến tay, có ngay vườn nhãn quý
Ido là giống nhãn có giá trị kinh tế nhưng chi phí sản xuất cao gấp đôi nhãn da bò. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nhà vườn tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã có điều kiện chuyển từ giống nhãn da bò sang trồng giống nhãn Ido...
Bước đệm cho nhà nông
Trước tình hình giống nhãn da bò bị tàn phá dữ dội bởi dịch bệnh chổi rồng, nhiều hộ dân trồng cây ăn trái xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ đã tiếp cận với giống nhãn Ido. Đây là giống nhãn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, đa số nông dân đều thiếu vốn, không có khả năng đầu tư chuyển đổi giống một cách hoàn thiện. Trước tình hình đó, Hội ND xã đứng ra lập dự án vay vốn Quỹ HTND để hỗ trợ ND thực hiện mô hình chuyển đổi giống và thâm canh cây nhãn Ido.
Các nhà nông trong dự án sử dụng Quỹ HTND trồng nhãn Ido thường xuyên trao đổi kỹ thuật chăm sóc. Ảnh: Chúc Ly
Dự án cải tạo và thâm canh cây nhãn Ido tại xã Hòa Ninh có tổng số vốn đầu tư gần 340 triệu đồng, trong đó vay vốn từ nguồn Quỹ HTND là 200 triệu đồng, còn lại 140 triệu đồng là vốn đối ứng của các hộ. Tham gia dự án có 15 hộ với tổng diện tích đất vườn là 8ha. Dự án có thời hạn sử dụng vốn là 3 năm.
Với hơn 6 công đất vườn, những năm trước gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên (ngụ ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh) có thu nhập bấp bênh do trồng giống nhãn da bò. Nhưng từ khi chuyển sang trồng giống nhãn Ido, tình hình sản xuất ngày càng ổn định. Ông Nguyên cho biết: "Năm 2013, nhờ được vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tôi đã có điều kiện để cải tạo đất vườn, mua cây giống, trồng lại 6 công nhãn Ido. Đây là giống nhãn có năng suất và giá bán cao hơn hẳn giống nhãn da bò. Hiện nay, trung bình mỗi hộ trong dự án có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm".
Cùng suy nghĩ đó, ông Dương Cánh Dân (ngụ cùng ấp Hòa Lợi) chia sẻ: "Trung bình 1 công nhãn Ido phải tốn chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/vụ, còn khi cải tạo trồng mới thì phải tốn vài chục triệu đồng/công. Chính vì vậy, có được sự hỗ trợ từ Hội ND để tiếp vốn cho ND là điều rất cần thiết".
"Thời điểm vay vốn, tôi có 4 công nhãn Ido đã được 3 năm tuổi. Mỗi vụ tôi cần khoảng 13 triệu đồng để chăm sóc vườn. Nhờ được hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND mà vườn nhãn của tôi năm đó phát triển tốt vì được bón phân, xịt thuốc đầy đủ. Vụ nhãn này, ước tính tôi có thể thu được khoảng 4 tấn nhãn. Với giá bán trung bình từ 20.000 đồng/kg, tôi thu ít nhất cũng khoảng 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi gần 60 triệu đồng" - ông Dân phấn khởi nói.
Thay đổi thói quen canh tác
Ông Nguyễn Hữu Diệu - Chủ tịch Hội ND xã Hòa Ninh, cho rằng, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp cho nhiều nhà vườn có điều kiện thay đổi thói quen canh tác, xóa bỏ giống nhãn kém chất lượng, thay thế bằng giống nhãn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hơn nữa, bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, các ngành chức năng cùng với Hội ND cũng đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nhãn Ido, nhằm hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật cho nhà nông.
Bà Huỳnh Thị Hường - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Long Hồ, nhận định: "Qua mỗi chu kỳ vay vốn thì nhận thức của hội viên, ND được nâng lên. Nhiều ND tự nguyện xin gia nhập vào Hội ND. Nguồn vốn vay Quỹ HTND đầu tư cho hội viên đều rất thiết thực và mang lại lợi ích, nên chất lượng hoạt động Hội ND từ cơ sở đến chi, tổ hội được nâng lên đáng kể".
Theo Danviet
Hà Nội: Bất thường 26/300 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng Theo thông tin từ Văn phòng quản lý đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), hiện có 26/300 dự án bất động sản đang được thế chấp tại ngân hàng, có đăng ký thông tin đảm bảo trên hệ thống của cơ quan này. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và môi trường cũng...