Dòng tiền ồ ạt chảy vào phái sinh, CTCK đua nhau giảm sốc phí giao dịch – từ 30.000 đồng về vỏn vẹn 4.000 đồng/hợp đồng!
Theo xu hướng dòng tiền, các CTCK hiện đang đua nhau giảm phí giao dịch đối với sản phẩm phái sinh nhằm thu hút khách hàng, bất chấp nguy cơ lũng đoạn thị trường hay những can thiệp từ phía chính quyền đối với lĩnh vực này.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở chịu nhiều tổn thương, thị trường phái sinh trở thành một điểm sáng khi thu hút mạnh dòng tiền. Theo ghi nhận, tổng giá trị giao dịch của chứng khoán phái sinh thời gian gần đây có phiên vượt mức tổng giao dịch mười nghìn tỷ đồng, trong khi con số trên thị trường cơ sở chỉ dừng lại tại mức vài nghìn tỷ, thậm chí dẹo dặt hơn.
Các báo cáo cập nhật của CTCK cũng liên tục lưu ý đến tính thanh khoản cao kỷ lục trên sàn phái sinh. Theo ghi nhận của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) gần đây, giai đoạn VN-Index tạo đáy tại vùng gần 900 điểm trong tuần thứ hai của tháng 7 cũng ghi nhận thanh khoản thấp kỷ lục với chỉ 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn cơ sở; trong cùng giai đoạn, giá trị giao dịch phái sinh cũng lại ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 13.700 tỷ. Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt của dòng tiền từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh, VDSC nói.
Và, theo xu hướng dòng tiền, các CTCK hiện đang đua nhau giảm phí giao dịch đối với sản phẩm phái sinh nhằm thu hút khách hàng, bất chấp nguy cơ lũng đoạn thị trường hay những can thiệp từ phía chính quyền đối với lĩnh vực này.
Giảm phí sốc từ 30.000 đồng/hợp đồng về chỉ còn 4.000 đồng/hợp đồng
Chi tiết, nếu đầu năm mức phí đưa ra từ 20.000-30.000 đồng/hợp đồng, thì đến nay thậm chí có đơn vị giảm một mạch hơn 4 lần về chỉ còn 4.000 đồng/hợp đồng.
Đầu tiên, nếu từ 11/11/2017, Chứng khoán SSI (SSI) thu phí 20.000-30.000 đồng/hợp đồng, căn cứ vào tổng số lượng hợp đồng giao dịch mua, bán và đáo hạn trong ngày thì đến nay đã giảm về chỉ còn 5.000 đồng/hợp đồng/lượt, bắt đầu áp dụng từ ngày 16/7/2018. Được biết, đây là mức phí ưu đãi của SSI trong vòng 3 tháng kể từ ngày mở tài khoản.
Một ông lớn khác, Chứng khoán VNDirect (VND) cũng bắt đầu thu phí giao dịch mở/đóng/đáo hạn 20.000 đồng/hợp đồng; phí giao dịch 2 chiều đối với các vị thế được mở và đóng ngay trong cùng ngày giao dịch là 30.000 đồng/giao dịch 2 chiều trong ngày/hợp đồng (trong đó, phí mở là 20.000 đồng và phí đóng là 10.000 đồng) từ tháng 11/2017. Đến nay, các mức phí giảm chỉ còn còn 12.000 đồng/hợp đồng, giao dịch trong ngày 7.000 đồng/hợp đồng.
Hay Chứng khoán HSC (HCM) – xếp thứ hai về phái sinh - đầu năm nay thu phí giao dịch mở, đóng ở mức 14.400 đồng/hợp đồng (nếu giao dịch từ 1-100 hợp đồng/ngày) thì theo bảng phí mới Công ty hạ xuống chỉ còn 9.000 đồng/hợp đồng trường hợp không có nhân viên quản lý tài khoản. Chưa kể, đối với khách hàng tự đặt lệnh, HSC còn giảm thêm 10% trên tổng phí giao dịch và hoàn vào ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo.
Video đang HOT
Thậm chí, Chứng khoán BIDV (BSC) từ mức thu phí giao dịch 15.000 đồng/hợp đồng giảm về chỉ còn 4.000 đồng/hợp đồng (áp dụng từ ngày 18/6-30/9/2018)!
Một số đơn vị khác, nếu đầu năm 2018 Chứng khoán MB (MBS) thu phí giao dịch 10.000 đồng/hợp đồng, Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) là 10.000 đồng/hợp đồng… thì đến thời điểm hiện tại giảm mạnh, về lần lượt ở các mức 5.000-7.000 đồng/hợp đồng (MBS áp dụng đến cuối năm 2018 cho giao dịch trong ngày) và 5.000 đồng/hợp đồng.
Như vậy, thanh khoản trên thị trường phái sinh liên tục tăng thời gian qua đã mang lại nguồn thu phí giao dịch lớn cho các CTCK. Và, động thái giảm mạnh phí giao dịch của các CTCK lần này còn nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách hàng tham gia thị trường này, tăng tính cạnh tranh của mình trong bối cảnh dòng tiền đổ vào phái sinh đang lên cao.
Bất chấp nguy cơ lũng đoạn thị trường
Tuy nhiên, lợi trước mắt chỉ thấy tại các đơn vị kinh doanh chứng khoán, còn cho thị trường nói chung liệu rằng được đảm bảo? Khi hiện nay, giao dịch hợp đồng tương lai có mức độ rủi ro cao, nhưng cơ hội thu lãi lớn với số vốn nhỏ khiến đa số nhà đầu tư liên tục thực hiện lướt sóng trong phiên.
Thực tế cho thấy, giá trị giao dịch tăng chóng mặt khiến phái sinh trở thành tâm điểm của dư luận, giao dịch mở và đóng vị thế liên tục ngay trong ngày giao dịch chứ không nắm giữ dài hạn. Như vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia vào sản phẩm này mặc dù vẫn còn đó nhiều rủi ro lũng đoạn thị trường. Bởi, phái sinh có đặc điểm là tính thanh khoản ngày một cao, chưa kể đòn bẩy lớn, có thể linh hoạt đóng hay mở vị thế ngay trong phiên giao dịch theo cả hai chiều lên, xuống của thị trường.
Việc CTCK hạ thấp phí như một đòn bẩy hỗ trợ việc tham gia mạnh hơn nữa của nhóm nhà đầu tư, trong khi chính quyền đang đau đầu để kiểm soát tính an toàn trên thị trường này. Hiện, chưa có một quy định chính thức về giao dịch phái sinh khiến các CTCK chủ động trong việc điều chỉnh mức phí giao dịch, đây chính là cơ sở cho hành động giảm phí nhằm tăng lợi nhuận của CTCK thời gian này!
Song, trước tình hình trên, Bộ Tài chính cũng vừa công bố dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, điểm mới là quy định về giá dịch vụ môi giới mua, bán Hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh. Cụ thể, áp dụng tối đa 30.000 đồng/hợp đồng với Hợp đồng tương lai chỉ số và tối đa 35.000 đồng/hợp đồng với Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Giá dịch vụ quản lý vị thế cũng được quy định tối đa 15.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ tối đa 0,015% số dư giá trị tài sản ký quỹ lũy kế (tiền giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 10.000.000 đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 1.500.000 đồng/tài khoản/tháng).
Như vậy, nếu dự thảo này chính thức được thông qua và áp dụng, các CTCK sẽ phải thay đổi mức phí cho phù hợp, thị trường theo đó kỳ vọng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tri Túc
Theo Trí thức trẻ
Đầu tư chứng khoán trong tháng 8: Cẩn thận củi lửa!
Mặc dù vẫn có niềm tin thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu hồi phục từ đáy trong tháng 8, tuy nhiên NĐT vẫn nên cẩn thận, VDSC nhận định.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 8 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra lời cảnh báo về thị trường chứng khoán thời gian tới, bởi vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, bao gồm:
Thứ nhất, với việc lạm phát dần trở thành một mối lo ngại ở nhiều nơi, chính sách tiền tệ cũng đang bắt đầu đảo chiều. Mỹ, châu Âu và gần đây nhất là Nhật Bản đều đang hướng tới kết thúc các chương trình nới lỏng tiền tệ. Điều này sẽ khiến thị trường cổ phiếu dễ bị tổn thương hơn.
Thứ hai, việc FED tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu Mỹ tăng cũng khiến đồng tiền ở các thị trường mới nổi mất giá. Tổng hợp lại, chúng ta vừa chứng kiến một cuộc rút vốn lớn khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, mà Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Cuối cùng, dù vẫn kỳ vọng đối với những thị trường còn tiềm năng, dòng vốn vẫn có thể sẽ quay lại, tuy nhiên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, nhất là khi sự không rõ ràng từ các động thái của Trump hay cuộc chiến thương mại vẫn còn đó. Hiện, dòng vốn vẫn chưa cho thấy một dấu hiệu ủng hộ thị trường.
Tổng kết lại, VDSC cho rằng có nhiều yếu tố hiện ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền tham gia thị trường. Bên cạnh đó, thống kê KQKD sơ bộ cho thấy câu chuyện tăng trưởng chỉ hiện diện ở những cổ phiếu cụ thể. Do vậy, nhà đầu tư (NĐT) cần tập trung lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn. Đây là thời điểm cần thận trọng, và giữ một tỷ trọng tiền mặt cao không phải là tệ. Việc giải ngân có thể tiến hành từ tốn do cổ phiếu khó có thể tăng nhanh khi thiếu vắng dòng vốn trên thị trường.
Liên quan đến tình hình KQKD của các doanh nghiệp, thống kê sơ bộ của VDSC cho thấy sự phân hóa mạnh. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) 47% trong quý 2. Mặc dù con số ấn tượng, theo VDSC, nhưng cũng đã giảm tương đối so với quý 1. Xem xét xu hướng thu nhập từ lãi, công ty chứng khoán này lo ngại lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Về nhóm doanh nghiệp phi tài chính thì ghi nhận sự cải thiện nhẹ. Chi tiết, tăng trưởng LNST của nhóm này đạt 9% trong quý 2, so với mức 6% trong quý 1. Tăng trưởng tính chung không lớn, nhưng nếu đi vào từng nhóm ngành hay từng cổ phiếu thì vẫn có điểm sáng. Điển hình có PV GAS (năng lượng), PNJ (hàng tiêu dùng), MWG và VJC (dịch vụ tiêu dùng), REE, PVT và VSC (công nghiệp) đều hoạt động hiệu quả hơn cùng kỳ. 29/97 cổ phiếu phi tài chính với vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong nửa đầu 2018.
Điểm lại thị trường tháng 7, VN-Index sụt giảm ngay đầu tháng từ 961 điểm xuống mức thấp nhất 893 điểm. Tuy nhiên, thị trường sau đó có hồi phục trở lại, và kết thúc tháng tại 956 điểm. Nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh trong tháng vừa qua khiến chỉ số VN30 giảm 3,4%.
Ở chiều ngược lại, trước áp lực bán của các cổ phiếu lớn, dòng tiền có phần chuyển sang nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, khiến chỉ số VNMID-Index ngược dòng tăng 1,7% trong tháng 7. Độ rộng thị trường vẫn chưa có sự cải thiện, trên cả 2 sàn có 263 mã tăng/407 mã giảm (so với 298/366 của tháng trước).
Một điểm đáng chú ý, thanh khoản cao kỷ lục trên sàn phái sinh, và thấp kỷ lục trên sàn cơ sở trong tháng vừa qua.
Cụ thể, giai đoạn VN-Index tạo đáy tại vùng gần 900 điểm trong tuần thứ hai của tháng 7 cũng ghi nhận thanh khoản thấp kỷ lục với chỉ 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn - mức thấp trong 18 tháng. Trong cùng giai đoạn, giá trị giao dịch phái sinh cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 13.700 tỷ. Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt của dòng tiền từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh.
Tựu trung lại, mặc dù vẫn có niềm tin thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ đáy trong tháng 8, tuy nhiên NĐT vẫn nên cẩn thận, VDSC nhận định.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Tri Túc
Theo Trí thức trẻ
Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 2/8 Trên thực tế hiện xu hướng thị trường vẫn chưa được quyết định nhưng rủi ro thị trường giảm tiếp trong vài phiên tới đã tăng lên. Thị trường đã tăng trong khoảng 10 phiên vừa qua và có lẽ trước mắt đã hết lực tăng. Chứng khoán HSC: Thị trường đã tăng trong khoảng 10 phiên vừa qua và có lẽ trước...