Dòng tiền lớn, trăm sông sắp hút về một biển?
Hàng chục nghìn tỷ đồng từ các ngả từng đọng lại ở một số điểm, nhưng với cơ chế dự kiến sẽ rút hết về một mối.
Nhà điều hành chính sách tiền tệ có thêm chủ động loại bỏ bớt độ nở vốn, tăng chủ động trong giám sát nguồn tiền, qua đó có ứng xử trong điết tiết hợp lý hơn về lượng. (trong ảnh, trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội)
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Nếu giữ nguyên nội dung dự thảo và ban hành, khác biệt lớn so với trước đây sẽ thể hiện.
Nước hút về một điểm
Theo dự thảo trên, Kho bạc Nhà nước là một thành viên tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng – kênh giao dịch do Ngân hàng Nhà nước quản lý và vận hành.
Kho bạc Nhà nước chỉ được mở các tài khoản (tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu) tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tham gia hệ thống thanh toán trên (bên cạnh điều kiện về an toàn hoạt động), qua đó dùng kết nối số hóa để dịch chuyển nguồn tiền hàng ngày.
Với kết nối đó, Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành số dư trên các tài khoản của mình tại ngân hàng theo các nguyên tắc quy định chi tiết. Điểm chung của các quy tắc này là vào cuối ngày, tất cả các tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các cấp, các địa phương kết chuyển về tài khoản tổng đặt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Video đang HOT
Thay đổi lớn nằm ở các nguyên tắc trên so với trước đây.
Trước đây, khi hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng chưa kết nối mở rộng với các đầu mối khác, có thực tế nguồn của Kho bạc Nhà nước tại các cấp, các địa bàn dịch chuyển hạn chế, phân tán và đọng lại ở tài khoản mở ở ngân hàng thương mại.
Với cơ chế và các nguyên tắc trên, cùng sự thông suốt và kết nối toàn diện của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, việc dịch chuyển nguồn trở nên nhanh chóng, cùng cơ chế quản lý và giám sát hoặc điều chuyển trở nên chủ động hơn.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước chủ động kết chuyển nguồn, chuyển thẳng về tài khoản ở Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngay trong ngày. Toàn bộ nguồn từ hàng trăm đến hàng nghìn điểm của tổ chức này, cũng như từ một số ngân hàng thương mại đều được rút về tài khoản tổng.
Giảm đòn bẩy, tăng chủ động điều hành
Điểm được chú ý trong quy định dịch chuyển nguồn trên là số tiền tại các tài khoản đó sẽ không đọng lại tại một số ngân hàng thương mại. Từ đây, những khác biệt so với trước tạo thay đổi cả về nguồn tiền, độ nhiễu liên quan và cả lợi ích.
Cụ thể, tiền không đọng lại một số ngân hàng thương mại, theo đó nó không trở thành nguồn lực riêng, đòn kê riêng cho một số nơi mà có thể không công bằng với các thành viên cùng tham gia thị trường.
Nguồn tiền đó cũng bị hạn chế về khả năng bị sử dụng làm đòn bẩy để tạo số nhân tiền tệ, đầu tư ở các kênh khác, như cho vay qua đêm, tham gia đầu tư giấy tờ có giá…
Những năm trước, nguồn vốn này từng được xác định quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. Về con số tuyệt đối không lớn so với quy mô các dòng chảy lớn trong hệ thống ngân hàng, nhưng với số nhân tiền tệ, chúng có thể tạo độ nở lớn.
Độ nở đó càng lớn, việc điều hành chính sách tiền tệ càng thụ động. Khi thay đổi, nước rút về một điểm mà lại đặt ở Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành chính sách tiền tệ có thêm chủ động loại bỏ bớt độ nở đó, tăng chủ động trong giám sát nguồn tiền trong ngày, qua đó có ứng xử trong điết tiết hợp lý hơn về lượng.
Với những thay đổi và giá trị đó, đây được xem là cái bắt tay chặt và cần thiết giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, mà điểm gắn kết là hiện đại hóa công nghệ.
Chưa dừng lại đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương cuối tuần qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, bên cạnh phối hợp với Bộ Tài Chính trong đó có hải quan, kho bạc để kết nối đến tận cấp huyện, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hệ thống các bệnh viện…
Tuy nhiên, còn có một bộ phận dòng tiền chưa thể kết chuyển như trên. Đó là tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại. Nguồn này khá lớn, phản ánh qua báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại đầu năm nay.
Minh Đức
Theo bizlive.vn
Thanh toán không dùng tiền mặt: Có thể chống tham nhũng, rửa tiền?
Ngoài sự tiện ích, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.
Việt Nam đang bắt nhịp theo xu hướng thời kinh tế số, trong đó có thị trường thẻ thanh toán phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Tính đến hết quý 1/2019, các tổ chức tín dụng đã phát hành 158 triệu thẻ, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần chống tham nhũng, rửa tiền (Ảnh minh họa: KT)
Những con số trên cho thấy sự phát triển không ngừng của thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Phân tích về những tiện ích của cách thức thanh toán này, TS. Bùi Quang Tín cho hay, ngoài sự tiện lợi, nhanh chóng, có thể thực hiện bất cứ lúc nào thì thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp minh bạch hóa thông tin trong nền kinh tế.
Khi đã minh bạch được những vấn đề như vậy thì chắc chắn phải có sự can thiệp của ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công bố công khai các giao dịch.
"Khi đã có "bàn tay" của công nghệ thông tin kết hợp với cơ chế chính sách của Nhà nước trong quản lý các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thì những giao dịch của các chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, doanh nghiệp... sẽ được "thâu tóm", quản lý chặt chẽ hơn. Từ đó hạn chế được vấn nạn tham nhũng, hối lộ", chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết.
Còn theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thanh toán không tiền mặt có nhiều lợi ích cơ bản. Theo đó, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...
Phát biểu trong một sự kiện được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng, không chỉ giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp mà thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.
Chính vì thế, những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử.
Thanh toán di động của Việt Nam trong năm 2018 đã tăng trưởng 160% về giá trị so với năm 2017 và được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.
Mặc dù vậy, lộ trình thanh toán không tiền mặt mới chỉ là bước đầu, cần phổ cập và phát triển tài chính toàn diện. Hiện, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam, trong khi tại Hàn Quốc tỷ lệ này đạt trên 80%.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Bởi thực tế hiện nay, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...
Do đó, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống ngân hàng cần tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đầu tư về công nghệ. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hỗ trợ người dân tích cực hơn nữa trong vấn đề giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí, giúp họ hiểu về các tiện ích của hệ thống thanh toán này để từ đó thay đổi thói quen sử dụng từ tiền mặt sang sử dụng thẻ thanh toán./.
Chung Thủy/VOV.VN
Ngân hàng "đốt tiền" để hút khách hàng Trước áp lực của thị trường thanh toán điện tử, nhiều ngân hàng vào cuộc đua "đốt tiền" khi tung ra nhiều ưu đãi, miễn phí các loại để thu hút người dùng. Miễn phí thường niên, hoàn tiền tới 500.000 đồng/tháng khi chuyển tiền, hay giảm tới 50% cho chi tiêu mua sắm - nhẩm tính có thể tiết kiệm được vài...