Dòng tiền lớn tiếp tục đổ vào các quỹ ETF nội
Hàng trăm tỷ đồng đã được rót vào các quỹ VFMVN Diamond, VNFIN Lead và MAFM VN30 trong tuần vừa qua.
Quy mô VN Diamond đạt hơn 4.806 tỷ đồng, trở thành quỹ ETF lớn thứ 4 phân bổ vào Việt Nam.
Phát hành thêm 6 triệu chứng chỉ quỹ và giá tăng, quy mô VNFIN Lead cũng lần đầu vượt qua mốc 1.000 tỷ đồng.
Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF nội có sự tăng lên rất đáng kể trong tuần vừa qua (14-18/12). Nhiều quỹ nhận thêm tiền mới như VFMVN Diamond, VNFIN Lead và MAFM VN30.
VNFIN Lead và VN Diamond hút lượng tiền lớn
Quỹ ETF VFMVN Diamond trong tuần vừa qua đã phát hành thêm 41,7 triệu chứng chỉ quỹ (ccq), nâng tổng khối lượng lên 293,3 triệu đơn vị. Với giá trị NAV/ccq dao động khoảng 16.000 đồng trong tuần qua, ước tính số tiền mới đổ vào quỹ gần 670 tỷ đồng.
Thực tế VN Diamond đã hút vốn mạnh từ nửa tháng 11 với khối lượng phát hành ròng 21,9 triệu ccq. Đặc biệt từ đầu tháng 12 đến nay, quỹ đã tăng quy mô thêm 95,1 triệu ccq với tổng giá trị ước chừng quanh 1.500 tỷ đồng.
Dòng tiền đổ mạnh vào VN Diamond từ nửa cuối tháng 11.
Việc hút vốn mạnh đã giúp quy mô hoạt động của VN Diamond nhanh chóng đạt hơn 4.806 tỷ đồng. Quy mô này giúp quỹ vượt qua KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF để trở thành quỹ ETF lớn thứ 4 tại thị trường Việt Nam (Xếp sau VFMVN30 ETF, VanEck Vectors Vietnam ETF, FTSE Vietnam ETF).
Video đang HOT
VFMVN Diamond được vận hành bởi Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), mô phỏng theo chỉ số Vietnam Diamond Index dành cho các cổ phiếu hết room ngoại. Trong đợt IPO trước lên sàn, quỹ chỉ huy động được 102 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Như vậy, quy mô chứng chỉ quỹ đã gấp hơn 47 lần từ khi niêm yết vào đầu tháng 5.
Trong khi đó SSIAM VNFIN Lead ETF cũng quay lại hút ròng 6 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần vừa qua, tương đương số tiền đổ vào quỹ khoảng 77 tỷ đồng. Tổng khối lượng được nâng thành 81,3 triệu đơn vị. Nhờ giá trị NAV/ccq có xu hướng tăng mạnh lên hơn 13.239 đồng, quy mô hoạt động của quỹ lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng (đạt hơn 1.076 tỷ).
Nhờ NAV/ccq có xu hướng tăng, quy mô hoạt động VNFIN Lead lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
VNFIN Lead là quỹ ETF thứ 3 lên niêm yết tại HoSE vào ngày 18/3 khối lượng ban đầu 26,2 triệu chứng chỉ quỹ. Đây là quỹ đầu tiên mô phỏng chỉ số ngành tài chính bao gồm các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Như vậy, quy mô chứng chỉ quỹ cũng gấp 4,1 lần từ khi hoạt động.
Trái ngược quỹ mô phỏng VN30 Index
Hiện Việt Nam có 3 quỹ ETF nội mô phỏng chỉ số VN30, bao gồm quỹ VFMVN30 ETF của Công ty quản lý quỹ Việt Nam (VFM), SSIAM VN30 ETF của Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và ETF MAFM VN30 được vận hành bởi Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset (Việt Nam).
Trong tuần vừa qua, VFMVN30 ETF là quỹ bị rút ròng nhẹ 400.000 chứng chỉ quỹ với giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Hiện quy mô của quỹ có 413,2 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng với tổng giá trị 7.191 tỷ đồng và vãn là quỹ ETF lớn nhất thị trường Việt Nam.
Niêm yết vào ngày 8/12, quỹ ETF MAFM VN30 cũng bắt đầu được rót thêm tiền. Theo đó, quỹ đã phát hành thêm 4,6 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần vừa qua, tương đương số tiền khoảng 55 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch hiện đạt 16,1 triệu đơn vị, tương đương với quy mô hoạt động hơn 193 tỷ đồng.
Quỹ SSIAM VN30 ETF không có biến động trong tuần vừa qua, tổng khối lượng đang giao dịch là 4,9 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị 63 tỷ đồng.
Loại hình quỹ hoán đổi danh mục ETF đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam với sự tham gia của các đơn vị như VFM, SSIAM, VinaCapital… và là kênh đầu tư có nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Quy mô các quỹ ETF vẫn đang rất nhỏ (khoảng 1 tỷ USD) so với quy mô 37 tỷ USD ở các quỹ đầu tư chủ động của toàn bộ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện thị trường Việt Nam có 7 ETF nội đang niêm yết tại thị trường nội địa. Ngoài 5 đơn vị kể trên, các quỹ còn lại là SSIAM VNX50 và VinaCapital VN100 không có biến động trong tuần vừa qua.
Tín hiệu tích cực của dòng vốn ngoại
Gần đây, dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF nội, chủ yếu đến từ các quỹ ngoại.
Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhà đầu tư ngoại mua các sản phẩm ETF nội thường có xu hướng đầu tư dài hạn hơn so với nhóm nhà đầu tư ngoại đầu tư vào các sản phẩm ETF ngoại (VNM ETF, FTSE ETF...), đây là tín hiệu tích cực về việc dòng tiền ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam.
Trong 2 tuần qua, khối ngoại chấm dứt đà bán ròng liên tiếp trước đó khi có nhiều phiên quay trở lại mua ròng (ngoại trừ phiên 2/12 bán ròng trên HOSE 1.005 tỷ đồng do có giao dịch chuyển nhượng của nhóm quỹ Dragon Capital tại DIG).
Trong đó, chứng chỉ quỹ ETF VFMVN Diamond (mã chứng khoán FUEVFVND) dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE với giá trị 309,56 tỷ đồng từ ngày 23 - 27/11 và 559,53 tỷ đồng từ ngày 30/11 - 3/12.
Chứng chỉ quỹ ETF VFMVN Diamond dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE.
Ngày 1/12, FUEVFVND đã niêm yết 15,2 triệu chứng chỉ quỹ phát hành thêm. Trước đó, Quỹ CTBC Vietnam Equity Fund đăng ký mua 2 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND để nâng sở hữu lên 16 triệu đơn vị, tương ứng 8,93% số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành tại ngày 27/11/2020.
Theo báo cáo tháng 11 của Quỹ PYN Elite Fund, FUEVFVND nằm trong 10 khoản đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 3,8% trong danh mục. Cụ thể, giá trị tài sản ròng của Quỹ cuối tháng 11 là 515 triệu Euro, trong đó khoản đầu tư vào FUEVFVND là 19,6 triệu Euro, tương ứng 35,4 triệu chứng chỉ quỹ.
Ông Minh đánh giá, chứng chỉ quỹ ETF trở thành kênh đầu tư ngày càng quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, dòng tiền đang mạnh mẽ chuyển dịch sang cổ phiếu với quy mô rất lớn, lên đến 33 tỷ USD tính riêng tuần cuối tháng 11.
Trong cùng khoảng thời gian, tại Việt Nam, dòng vốn chảy vào nhóm các quỹ ETF nội ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đây là một cách để sở hữu gián tiếp các cổ phiếu hết "room" (danh mục của các quỹ ETF nội chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn kín room).
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành quỹ ETF, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) nhìn nhận, dòng tiền vào các quỹ ETF nội vừa qua phần lớn đến từ các quỹ chủ động nước ngoài.
Các quỹ đầu tư chủ động chuyển nhượng cổ phiếu hết room cho nhà đầu tư ngoại khác với giá cao hơn nhiều thị giá trên sàn, sau đó đầu tư vào quỹ ETF nội để mua các cổ phiếu hết room theo giá thị trường và thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch giá. Dòng tiền này khá ổn định, chỉ giảm khi thị trường suy giảm và các quỹ bị rút tiền.
Quỹ mở VFMVSF cũng thu hút được vốn ngoại khi liên tục được nhóm quỹ Dragon Capital rót vốn, đẩy giá trị tài sản ròng tăng mạnh. Tính đến đầu tháng 12, giá trị tài sản ròng của Quỹ là hơn 2.300 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 40 tỷ đồng.
Nhìn nhận về động thái này, theo ông Minh, đây là một cách giúp các quỹ do Dragon Capital quản lý gián tiếp sở hữu những cổ phiếu kín room. Việc cổ phiếu Việt Nam được tăng tỷ trọng trong chỉ số MSCI Frontier là yếu tố khiến nhiều quỹ đầu tư theo chỉ số này tăng mua.
Đáng chú ý trong chuyển động của các quỹ tuần qua là thông tin Korea Investment Management Co (KIM), một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Hàn Quốc, đã chấp nhận Bloomberg VN30 Futures Index làm chỉ số cơ sở cho Kindex Vietnam VN30 Futures Leverage ETF (quỹ ETF hợp đồng tương lai chỉ số VN30), đánh dấu sự ra mắt đầu tiên của sản phẩm chỉ số Bloomberg tại Hàn Quốc.
Quy mô Quỹ Kindex Vietnam VN30 Futures Leverage ETF hiện tại là 9,1 tỷ kwon (8,3 triệu USD). Ông Đinh Minh Trí, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, đây chỉ là điểm khởi đầu, các quỹ ETF sẽ huy động được nhiều vốn hơn trong tương lai.
Đầu tư vào Kindex Vietnam VN30 Futures Leverage ETF có thể là bước đi đầu tiên giúp cho việc đầu tư vào Việt Nam dễ dàng hơn do nhà đầu tư thực hiện đầu tư tại Hàn Quốc mà không phải chuyển tiền vào Việt Nam.
Ông Hạnh nhận định, quỹ ETF hợp đồng tương lai chỉ số góp phần đa dạng sản phẩm, tạo ra kênh huy động vốn mới. Trong tương lai sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư dưới dạng hợp đồng tương lai chỉ số từ các đối tác Hàn Quốc khác đang tham gia vào thị trường Việt Nam.
Sản phẩm này hiện thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc, nhất là khi có đòn bẩy khoảng 2 lần so với đầu tư vào quỹ ETF thông thường.
Ngân hàng chuyển sàn, nguồn hàng tỷ USD tạo cơn sóng mới Hàng loạt ngân hàng chuyển sàn sang niêm yết trên HOSE đã tạo nên làn sóng mới cho chứng khoán Việt Nam. Một nguồn hàng mới trị giá hàng tỷ USD kích hoạt tăng giá cho chứng khoán Việt hậu Covid-19. Nguồn hàng chất lượng Từ 9/11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt (LPB) đưa gần 979 triệu...