“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm”
“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là chuyện “chạy”. Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch…”- đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Ảnh: Quochoi.vn)
Bài phát biểu của ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội – thu hút sự chú ý nhất trong buổi sáng 9/6 khi Quốc hội thảo luận, đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Chỉ ra hàng loạt những vấn đề bất an hiện nay của xã hội, đại biểu Phong đặt vấn đề tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi có cả hệ thống chính trị. Còn vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.
“Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, theo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ, xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bộ chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ tăng kết quả trưởng GDP chưa như mong muốn”- ông Phong thẳng thắn.
Một vấn đề khác được vị đại biểu tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội.
“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là chuyện “chạy”. Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm”- ông Phong trăn trở dẫn chứng.
Bên cạnh đó, rừng bị chặt phá nhiều, tài nguyên khoáng sản quốc gia ngày càng cạn kiệt, đất ở đất sản xuất cho đồng bào sản xuất không có, trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô. An toàn sống, bữa cơm trong nhà lo ngại vì thực phẩm không an toàn, ra đường bất an vì tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ vạ lây.
“Còn nhiều vấn đề bức xúc nhưng tôi xin nêu 6 vấn đề bất an như vậy để Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong điều hành phát triển kinh tế -xã hội của đất nước” – đại biểu Đặng Thuần Phong kiến nghị.
Xin trao đổi thêm với đại biểu Phong, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, Đảng và Trung ương đã có những chỉ đạo xử lý tham nhũng, xử lý người đứng đầu rất nghiêm túc.
“Có thể chưa được như mong muốn của chúng ta và nhân dân nhưng khi tôi tiếp xúc cử tri thì cử tri bày tỏ thái độ rất hoan nghênh, cho thấy hiệu ứng đang rất tốt. Cả hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, thể hiện ý chí chính trị để dân tin, đất nước phát triển. TPHCM cũng thực hiện rất mạnh mẽ vấn đề này”- bà Tâm nói.
Đề nghị Bộ Y tế tổng rà soát việc tổ chức chạy thận
Dẫn lại hàng loạt vấn đề xảy ra trong thời gian qua, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) khẳng định tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện ngoài công lâp đang rất lớn. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua đã bị Kiểm toán Nhà nước kết luận “có nhiều vấn đề”. Trong khi đó, sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh Hoà Bình vừa qua đã khiến 8 người chạy thận nhân tạo tử vong, 10 bệnh viện phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
“Tôi đề nghi Bộ Y tế chỉ đạo tập trung, rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận nhân tạo, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, công tác chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở y tế. Y tế dự phòng có nhiều tiến bộ nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, lây nhiễm ngày càng gia tăng gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội”- bà Yến nói.
Video đang HOT
Thế Kha
Theo Dantri
5 đại dự án nguy ngập thời ông Vũ Huy Hoàng: Sao không thấy ai bồi thường?
Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương có 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng nay đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản. Ông Đặng Thuần Phong cho rằng, cần phải mạnh dạn xử lý nghiêm và quy trách nhiệm đối với những người dẫn tới thua lỗ, đặc biệt là phải đặt vấn đề về bồi thường Nhà nước khi mà vốn Nhà nước đổ vào các dự án này chính là tiền thuế của dân.
Liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh bê bết tại một số dự án lớn của các doanh nghiệp Nhà nước gắn với trách nhiệm người đứng đầu, sáng nay (27/10), đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí:
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Bích Diệp)
"Nếu không quy trách nhiệm đến nơi đến chốn sẽ có lỗi với dân"
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì hiện có khoảng 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm tới hơn 3 triệu tỷ đồng tổng tài sản và khoảng 1,4 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu song hiệu quả mà nền kinh tế nhận lại được từ khu vực này lại không tương xứng. Ông nhận định như thế nào về thực trạng trên?
- Đấy là vấn đề. Nếu ta nhìn vào thực tế thì thấy rằng các DNNN được hưởng rất nhiều ưu đãi, ưu tiên, cả về hành lang pháp lý, đất đai, công nghệ, nguồn vốn. Các DNNN được kỳ vọng sẽ thực sự trở thành những đầu tàu của nền kinh tế thế nhưng, trên thực tế hiệu quả của những doanh nghiệp này lại chưa tương xứng, chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân, chưa ngang tầm với đầu tư hiện có. Các đại biểu đang phân tích nguyên nhân vì sao.
Do thời gian qua, các doanh nghiệp này đầu tư ngoài nhiệm vụ chính trị hơi nhiều, thoái vốn chưa đạt kết quả như mong muốn, cách thức quản trị đang đặt ra nhiều thách thức. Nếu cứ theo thói quen cũ, cứ có vốn là làm, có vấn đề gì đã có Nhà nước "đỡ" thì sẽ không đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân.
Bởi nguồn lực nằm tại các doanh nghiệp này cũng từ thuế của dân mà ra, nên khi sử dụng đồng thuế đó thì các DNNN phải hết sức có trách nhiệm để mang lại hiệu quả. Không thể cứ thiếu là gọi vốn, cứ thiếu là "kêu" trong khi từ công nghệ đến quản trị đều không đạt hiệu quả. Nếu không sửa đổi thì sẽ mất lòng tin của nhân dân nhiều lắm!
Là một đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận thế nào trước tình trạng có nhiều siêu dự án hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, làm mất vốn Nhà nước rồi lại liên tục đòi xin cơ chế, xin ưu đãi riêng?
- Tôi thấy đây là một thói quen không tốt trong thời gian qua của các DNNN. Ở góc độ nào đó, nếu không quy trách nhiệm đến nơi đến chốn thì sẽ có lỗi với dân.
Tôi lấy ví dụ như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình... đưa công nghệ lạc hậu vào, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, đội vốn nhưng rồi lại hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn, đến lúc đó lại kêu gọi Chính phủ cứu trợ, kêu gọi Quốc hội tính toán phân bổ về mặt ngân sách. Một sự lãng phí quá lớn!
Trong vấn đề này cần phải quy trách nhiệm và xử lý. Đến thời buổi này mà còn đi nhập công nghệ "rác" về rồi đội giá thành lên như thế, không mang lại hiệu quả gì. Đó thực sự là một nỗi đau của dân tộc!
Theo quan điểm của tôi là phải mạnh dạn xử lý nghiêm và quy trách nhiệm những người đã dẫn tới những sai sót đó chứ không phải là cứ để thiếu vốn rồi gọi vốn nữa. Bây giờ không còn cái cơ chế kiểu xin - cho như vậy nữa, phải kiên quyết chấm dứt cơ chế đó.
Ông có thể nói rõ hơn về việc "quy trách nhiệm" ở đây không?
- Ở đây có nhiều hạng mục. Trong quá trình anh lập dự án thì anh cũng đã nghiên cứu, học hỏi các nơi, anh tham quan khảo sát, anh tính toán về công nghệ, anh tính toán về hiệu quả đầu tư, anh mới trình dự án đó ra.
Đề quá trình phê duyệt dự án thì anh cũng phải thẩm định, đánh giá và xem xét rất toàn diện theo quy định của pháp luật, cả về công nghệ, cả về hiệu quả, cả về tác động môi trường v.v. Tại sao các bước đó lại qua dễ như thế? Trong khi những dự án với nguồn vốn lớn như vậy thì yêu cầu công nghệ, kỹ thuật và vấn đề giá thành sản phẩm đã phải tính toán ghê gớm lắm, thế mà vẫn lọt. Giờ quay ra lại bảo hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Không lẽ bây giờ Nhà nước lại phải đổ vốn tiếp vào những dự án thua lỗ đó hay sao?
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải xử lý những dự án này, có thể ngừng hoặc cho giải tán. Thế nhưng ai đã tham mưu để thực hiện các dự án này thì phải quy được trách nhiệm. Có cả một hệ thống mà lại để như vậy thì sẽ thành nỗi đau của đất nước!
Nguồn vốn lớn như vậy mà lại đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, trách nhiệm của người đứng đầu, phụ trách lại không thấy ai nói tới khiến nhân dân, cử tri rất bức xúc.
Một góc công trường đại dự án Gang Thép Thái Nguyên mở rộng (giai đoạn 2) tổng vốn 8.000 tỷ đồng
Cài cắm người nhà quản lý doanh nghiệp: Thảm họa về mặt nhân sự của đất nước
Theo ông, cơ quan chủ quan là Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ vừa qua có trách nhiệm như thế nào với 5 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng đang triền miên thua lỗ và đứng trước nguy cơ mất vốn, phá sản?
- Đối với Bộ Công Thương, Trung ương cũng đã có kiểm tra rồi, trách nhiệm của các đồng chí ở đó cũng đã được phân tích rõ ràng rồi. Nhưng để sai sót thế này là không hề nhỏ, không phải là vấn đề đơn giản!
Nếu chỉ một hai chuyện xảy ra thì ta không nói nhưng đây là có quá trình, có hệ thống. Như vậy, bên trong là vấn đề gì? Cử tri muốn biết rõ vấn đề nội tại bên trong đó là gì? Nếu phơi bày được nguyên nhân từ bên trong thì hướng xử lý mới đáp ứng được, chứ không phải là chỉ quy trách nhiệm đơn thuần, chỉ cảnh cáo thôi là đủ!
Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho biết không tán thành với cách xử lý như vậy!
Ở những chỗ khác chúng ta có Luật Bồi thường Nhà nước, ai làm gì sai đều phải có cơ chế bồi thường. Các cơ quan tiến thành tố tụng thậm chí xử một vụ án oan cũng phải bồi thường Nhà nước, cá nhân họ cũng phải chịu trách nhiệm cho việc làm sai của họ. Thế nhưng tại sao ở Bộ Công Thương có nhiều vấn đề như thế thì lại không thấy nói gì đến bồi thường, không thấy trách nhiệm là ai phải chịu và chịu ở mức độ nào? Cử tri cũng đánh giá là chưa có sự công bằng trong xử lý các vi phạm hiện nay.
Sắp tới, trong hệ thống pháp luật cũng phải cần nghiên cứu tính toán. Đặc biệt là trong các giải pháp điều hành, Chính phủ phải làm nghiêm ở những vụ việc đó để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Dư luận cho rằng, trong việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp lớn của Nhà nước vẫn có tình trạng cài cắm "con ông cháu cha" vào và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc làm ăn thua lỗ, mất vốn của một số doanh nghiệp, dự án lớn vừa qua. Theo ông, giải quyết vấn đề này cần phải làm gì?
- Tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Ai cũng nói rằng mỗi lần bổ nhiệm đều đúng quy trình hết nhưng nếu đúng quy trình thì tại sao hiệu quả quản trị doanh nghiệp lại không cao và để dư luận lớn trong nhân dân như thế?
Tôi đề nghị phải rà soát tổng thể. Rà soát không đơn thuần chỉ là nhận diện đâu. Khi đã nhận diện các trường hợp cụ thể rồi thì phải xử lý thế nào để không còn hệ lụy nữa. Cái hệ lụy mà người ta nói nhiều là "tìm người tài khó hơn tìm người nhà" - nếu cứ như vậy mãi thì còn cơ hội nào để cho người tài họ phát huy được năng lực của mình ở trong những lĩnh vực then chốt, đưa đất nước phát triển! Nếu vấn đề này còn tồn tại, không xử lý được thì sẽ làm thảm họa về mặt nhân sự của đất nước.
Cảm nhận của ông như thế nào về việc xử lý vấn đề bổ nhiệm nhân sự tại Bộ Công Thương, mà cụ thể là đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải?
-Các vụ việc trên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, bây giờ quan trọng là cách xử lý tiếp theo như thế nào.
Như tôi đã từng nói trước đây, với trường hợp Vũ Quang Hải, nếu anh ấy tự trọng thì nên xin rút. Còn quy trình đã công bố như vậy, dư luận cũng đã bày tỏ sự không đồng tình. Nếu có năng lực thực sự thì làm việc gì cũng được, nhưng đưa vào trong giai đoạn đó thì tạo ra tiền đề không hay.
Rồi vụ Trịnh Xuân Thanh lọt lưới thì cũng đã đặt vấn đề trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương từ quy hoạch, đề bạt... rồi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đây là bài học kinh nghiệm, không riêng gì Bộ Công Thương và nhiều nơi khác cũng phải rút kinh nghiệm.
Tôi nghĩ, nếu con của các đồng chí lãnh đạo mà giỏi thực sự thì điều đó rất tốt cho đất nước, nhưng chỉ có điều là cứ đưa vây cánh vào mà quên đi những yếu tố khác, những tài năng khác thì đó lại là thiệt thòi của dân tộc.
Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội khác cũng sẽ đồng tình với tôi đó là sau khi rà soát đã nhận diện ra được thì phải có xử lý, có vậy mới tạo được niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là cho lực lượng lao động trẻ hiện nay.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc cần khởi tố nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Quan điểm của ông thế nào khi mà mức độ kỷ luật đảng đối với ông Hoàng mới chỉ là cảnh cáo chứ chưa phải là khai trừ?
- Từ góc độ Đảng, với những vi phạm của ông Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đánh giá ở mức kỷ luật cảnh cáo nhưng nếu khởi tố thì phải xem các sai phạm về mặt pháp luật như thế nào. Phía Đảng kiểm tra chỉ xử lý về mặt đảng, còn những vấn đề liên quan khác phía sau thì phải có điều tra tiếp. Cho nên thời điểm hiện tại tôi chưa bình luận.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (thực hiện)
Theo Dantri