Đồng tiền của Indonesia rớt giá mức kỷ lục kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1998
Đồng Rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức 15.000 rupiah đổi 1 USD – mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 1998 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn và giá dầu hiện đang tăng vọt.
Đồng Rupiah đã giảm gần 10% trong năm nay khi lãi suất Mỹ tăng khiến cho đồng đô la tăng giá cộng với việc thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã khiến nền kinh tế đối mặt với những bất ổn tài chính vốn đang ảnh hưởng lớn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Giá dầu thô đã tăng gần gấp ba kể từ tháng 2/2016, gây áp lực lớn lên quốc gia nhập khẩu dầu.
“Với sự gia tăng lãi suất của Mỹ, giá dầu cao hơn có thể đẩy thâm hụt thương mại rộng hơn và đồng đô la mạnh hơn trong những ngày gần đây, điều đó khiến cho Ngân hàng Indonesia gặp nhiều áp lực để giữ đồng tiền nước này ở mức 15.000 đổi 1USD,”Khoon Goh, người đứng đầu nghiên cứu tại Australia and New Zealand Banking Group Ltd. ở Singapore cho biết. “Nếu tình trạng này không được cải thiện, chúng ta có nguy cơ tiếp tục suy yếu hơn nữa so với khu vực ở mức 15.200 đổi 1 USD”.
Đồng Rupiah ngày càng suy yếu mặc dù Ngân hàng Indonesia đã liên tục can thiệp để hạn chế sự suy giảm của nó và tăng lãi suất năm lần kể từ tháng 5/2018. Đồng tiền giảm xuống mức thấp: 15.025 đổi 1 USD vào hôm 2/10, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào tháng 7/1998.
“Indonesia hiện là nước nhập khẩu dầu ròng, vì vậy giá dầu thô tăng cao và đồng Rupiah yếu hơn làm gia tăng quan ngại lạm phát sẽ tăng nhanh. Với giá dầu tăng cùng với chính sách bình thường hóa của Fed và việc Indonesia thâm hụt tài khoản vãng lai nghiêm trọng, nạn đầu cơ tiêu cực khó có thể kiểm soát”, Toru Nishihama, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi ở Tokyo cho hay.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu
Video đang HOT
Trái phiếu của Indonesia cũng bị áp lực. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản vào thứ 3 (2/10) lên 8,10%, tăng từ 6,32% vào cuối năm 2017. Chỉ số chứng khoán chủ chốt của quốc gia giảm 1% hôm thứ Ba, giảm xuống 7,4% trong năm nay.
Bên cạnh việc nâng chi phí đi vay, Bank Indonesia đã thông báo về sự ra đời của thị trường NDF (Non-Deliverable Forward – Giao dịch ngoại hối kỳ hạn không chuyển giao gốc). Bank Indonesia cho rằng thị trường này sẽ cung cấp biện pháp thay thế cho các công ty muốn phòng hộ tác động của đồng USD và làm giảm mức độ biến động của Rupiah.
Ngoài ra, Indonesia cũng chuẩn bị hoàn tất các biện pháp ưu đãi đối với các công ty xuất khẩu đang giữ hàng tỷ USD trong các ngân hàng với mục đích khuyến khích họ chuyển lượng vốn đó sang đồng Rupiah và từ đó hỗ trợ cho đồng nội tệ nước này.
Hải Yến/ Theo Bloomberg
Fed nâng lãi suất Câu chuyện không chỉ của riêng nước Mỹ
Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay và là lần thứ 8 Fed lãi suất kể từ năm 2015.
Trụ sở FED tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 25-26/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 2-2,25%, với nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "tận hưởng" thêm ít nhất ba năm tăng trưởng nữa.
Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay và là lần thứ 8 Fed lãi suất kể từ năm 2015, sau khi giữ tỷ lệ này ở mức thấp kỷ lục trong 7 năm (từ năm 2008), thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Fed đánh giá trong năm nay kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn dự kiến trước đó và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất ba năm nữa, giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng thấp (3,9% hiện nay) và lạm phát ổn định gần mục tiêu 2%.
Fed có thể sẽ tiến hành thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng Mười Hai tới, ba đợt nữa vào năm 2019 và một đợt vào năm 2020. Theo đó, tỷ lệ lãi suất cho vay của Fed có thể được đẩy lên tới 3,4%. Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể sẽ được tiếp tục duy trì cho đến năm 2021.
Sau 10 năm Fed áp dụng lãi suất siêu thấp để giúp nền kinh tế chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thì giờ đây lãi suất gia tăng có thể phơi bày những nguy cơ đang tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới.
Không giống như thời kỳ trước năm 2008, lần này các khoản vay có thế chấp được dự đoán sẽ không phải là tác nhân cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Thay vào đó, yếu tố gây quan ngại nhiều hơn là các khoản vay cho sinh viên hay vay mua ô tô, thứ nhất là do số người vay có điểm tín dụng thấp gia tăng, và thứ hai là do tổng số nợ thuộc loại này đang "phình to" ra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng nhiều năm lãi suất ở mức thấp để phát hành cổ phiếu và tìm kiếm các nhà đầu tư. Việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua loại hình đầu tư này đã khiến giới đầu tư nắm giữ tỷ lệ chứng khoán cấp thấp ngày càng tăng.
Và cũng như các doanh nghiệp, nợ của chính phủ các nước mới nổi cũng đang gia tăng, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trong nhiều trường hợp, các nước này đã cải thiện được những nền tảng kinh tế cơ bản hậu khủng hoảng, giúp cho nền kinh tế của họ có thể chịu được một vài sự bất ổn.
Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi suất, lãi suất vay bằng đồng USD sẽ tăng lên đối với các nước này, cùng lúc đó đồng USD cũng tăng giá do giới đầu tư rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để mua USD.
Trong khi đó, các nhà phân tích lưu ý rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada , châu Âu và các đối tác thương mại khác có thể sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mỹ.
Chính sách áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ làm tăng giá các mặt hàng chủ chốt và có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản này, Fed sẽ làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất và có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm.
Theo Bnews
Các cuộc chiến thương mại khiến kinh tế toàn cầu lâm vào tình cảnh 'lung lay' Theo báo cáo công bố ngày 26/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn. Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi. Ảnh: theabujatimes.com Báo cáo năm 2018 về "Thương mại và phát...