Đồng thuận giảm lãi suất các khoản vay cũ về 13%/năm
Tại buổi công bố hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số nhà băng lớn cho biết sẽ điều chỉnh giảm các khoản vay cũ về mức 13%/năm, kể từ ngày 13/5 tới. Được biết, 14% dư nợ vẫn đang phải chịu lãi suất trên 15%/năm.
Tại cuộc họp công bố giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ngày 10/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Hiện tỷ trọng cho vay với lãi suất trên 15%/năm với các khoản vay cũ đến nay còn 14% tổng dư nợ.
Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều đợt cắt giảm lãi suất đầu vào nhưng nhìn vẫn còn một lượng đáng kể khách hàng phải gánh lãi suất cao. Và với độ trễ cân đối lãi suất, có thể thấy nhóm đối tượng trên chủ yếu là vay trung và dài hạn. Nhóm này đã phải gánh lãi suất vay vốn rất cao trong năm 2011 và 2012, đến nay vẫn chịu trên 15%/năm.
Trước thực tế trên, ông Tiến cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề nghị các tổ chức tín dụng rút lãi suất các khoản vay cũ bằng VND về tối đa 13%/năm trong thời gian tới. “Lợi nhuận có thể giảm nhưng đây là sự chia sẻ cần thiết của ngân hàng đối với người vay vốn và với nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, xem xét các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, một số ngân hàng thương mại nhà nước chiếm thị phần lớn trên thị trường cơ bản đã đồng thuận đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức 13%/năm, bắt đầu thực hiện từ 13/5 tới.
Mặt bằng lãi suất cho vay đang hướng về mức 13%/năm (ảnh minh họa).
Ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ ngày 13/5 tất cả dư nợ cũ tại Vietcombank sẽ được hạ lãi suất xuống dưới 13%/năm. Hiện ngân hàng này không còn dư nợ với mức lãi suất trên 15%/năm trong khi dư nợ lãi suất 13 – 15%/năm còn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Dũng, thông thường, lãi suất trung và dài hạn sẽ được định giá lại trong 3 – 6 tháng tùy vào tình hình cho vay. Lãi suất trung và dài hạn thả nổi, được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với mức margin (khoảng 3%), nếu giờ lãi suất đang trên 13% thì tối đa 3 tháng sau sẽ giảm xuống dưới mức này do lãi suất huy động 12 tháng đã giảm xuống khoảng 8%.
Video đang HOT
Chia sẻ việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, ông Dũng cho rằng, nếu hạ lãi suất cho vay nhưng kích thích tăng dư nợ thì lợi nhuận của ngân hàng có thể không bị sụt giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ ngày 13/5, đơn vị này sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm, trong đó có những gói cho vay chỉ khoảng 6,5 – 8%/năm; các khoản vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, lãi suất cũng sẽ được ngân hàng này điều chỉnh về tối đa là 11,5%/năm; cho vay đối tượng không ưu tiên từ 12,5 – 13%/năm.
Theo ông Hùng, Agribank cũng sẽ giảm các khoản dư nợ cũ trước đây về dưới 13%/năm. Số dư nợ lãi suất từ 13 – 15%/năm còn lại của Agribank hiện đang chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú cũng khẳng định tiếp tục hạ lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên xuống 10%/năm, đối tượng khác xuống 13%/năm. Vị tổng giám đốc này tính toán, sau khi giảm lãi suất mọi khoản vay về 13% thì ngân hàng sẽ thiệt hại trên 700 tỷ đồng.
Hiện tại, BIDV đã phát đi thông cáo báo chí tái khẳng định, từ ngày 13/5, ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất 13%/năm đối với các khoản vay có số dư nợ đến cuối ngày 12/5/2013 có lãi suất vay cao hơn 13%/năm.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về việc cắt giảm 1% các lãi suất chủ chốt, khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đã có bản phân tích về động thái này của cơ quan điều hành. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không công bố cụ thể về lãi suất thị trường mở, nhưng theo suy đón của HSBC, lãi suất trên thị trường mở cũng sẽ giảm từ 6,5% xuống 6% vào ngày thứ 2 tới.
Tuy nhiên, theo HSBC, nếu cơ quan điều hành không có các cải cách quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, những động thái tiền tệ hôm nay sẽ không thể kích thích cầu tín dụng trong nước.
“Việc thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) cũng như các kế hoạch cụ thể chắc chắn để cải cách lĩnh vực ngân hàng, khu vực nhà nước cũng như đầu tư công là hết sức cần thiết để củng cố cam kết của Chính phủ đối với ưu tiên phát triển bền vững. Hiện tại, khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực sản xuất, đang nỗ lực phục hồi để kéo cầu trong nước và đưa tăng trưởng đạt mức 5% cho năm 2013″, nhóm phân tích nhấn mạnh.
Theo Dantri
Thống đốc: "Nhân dân và đất nước có lợi từ chênh lệch giá vàng"
"Hiện nay, chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân. Mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp là bình ổn thị trường vàng nói chung, trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh việc đầu cơ trục lợi do giá vàng lên xuống thất thường".
Clip Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời về thị trường vàng (Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định như vậy trong chương trình mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", diễn ra vào tối qua 5/5.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (ảnh: Việt Hưng).
Giá vàng do thị trường quyết định
Trả lời câu hỏi "Ngân hàng Nhà nước cứ nói là bình ổn thị trường vàng nhưng không nhằm mục tiêu bình ổn giá. Tôi nghĩ bình ổn thị trường vàng chính là bình ổn giá, chứ còn gì nữa?", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Một trong những nội dung bình ổn thị trường, đó là làm sao ổn định được giá cả. Nhưng với thị trường vàng không phải là các mặt hàng ưu tiên, thì giá cả của vàng phải do lực lượng thị trường quyết định và không bị chi phối bởi các nhóm lũng đoạn. Đó là những vấn đề chúng ta cho rằng là mục tiêu để ổn định thị trường".
Và với câu hỏi trên, Thống đốc Bình cho rằng có sự hiểu nhầm giữa khái niệm ổn định giá với khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Để làm rõ vấn đề này, Thống đốc Bình lấy ví dụ: Giá vàng trong nước ngày hôm nay là 42 triệu đồng, ngày mai có thể cũng quanh mức 42 triệu đồng, nhưng ngày hôm qua chênh lệch giữa giá vàng thế giới có thể là 2 triệu đồng còn hôm nay có thể lên tới 5 - 6 triệu đồng.
"Như thế chúng ta thấy giá vàng trong nước về cơ bản vẫn ổn định nhưng so với giá vàng thế giới thì khoảng cách đã giãn ra. Chúng ta hiểu như thế giữa khái niệm là giá vàng trong nước và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới", Thống đốc nói.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong Luật Ngân hàng Nhà nước cũng như là trong Nghị định 24 mới nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mục tiêu của chúng ta là ổn định thị trường chứ không có ổn định hay làm cho giá vàng trong nước hay giá vàng thế giới thu hẹp lại. Về bản chất, vàng là ngoại tệ, chúng ta không sản xuất vàng mà nhập khẩu vàng.
Do vậy, theo ông Bình, "nếu một bên thị trường ngoại tệ không liên thông mà chúng ta lại để cho thị trường vàng liên thông thì chính chúng ta làm cho tỷ giá bị chao đảo. Đó là thực tế khi chưa có Nghị định 24. Từ khi chúng ta ban hành Nghị định 24 và nhiều các văn bản khác, chúng ta phải làm được một trong những nội dung bình ổn thị trường vàng là ổn định được giá vàng trong nước một cách tương đối và tránh được tác động lên xuống thất thường của giá vàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô".
Do thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới không liên thông, đặc biệt thị trường vàng trong nước có sự độc lập tương đối, nên - theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình - có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Chênh lệch này có thể có lúc cao, có thể có lúc thấp. Điều này thể hiện rõ trong 5 phiên đấu thầu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước.
Qua các phiên đấu thầu, giá vàng trong nước từ mức 46 - 47 triệu đồng đã giảm về quanh mức 42 - 43 triệu đồng. Theo đó, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới từ 6 triệu đồng có thời điểm xuống mức 2,5 - 3 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ trong 2 - 3 ngày trung tuần tháng 4 vừa rồi, khi chúng ta đạt được mức đó thì giá vàng thế giới lại sụt quá nhanh và làm cho khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lại dãn ra quá lớn.
"Nếu như trước đây, chúng ta điều chỉnh ngay giá vàng trong nước theo giá vàng thế giới thì sẽ tạo ra làn sóng đầu cơ về vàng rất lớn. Như vậy, nhất định sẽ tạo ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá bị ảnh hưởng. Thế nhưng điều đó không xảy ra ở Việt Nam. Vì sao? Bởi vì giá trong nước vẫn có ổn định tương đối cho nên làm cho động cơ để đầu cơ vào vàng khi biến động không còn hấp dẫn như trước đây nữa. Đó là cái mà Nghị định 24 đã làm được", Thống đốc khẳng định.
Bình ổn thị trường, tránh việc đầu cơ trục lợi
Trả lời câu hỏi, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao thì ai sẽ là người được hưởng lợi, Thống đốc Bình cho rằng: "Trong giai đoạn hiện nay, chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân. Liệu chúng ta có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại được không, làm như thế nào và bao giờ làm được? Như tôi đã nói, mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp là bình ổn thị trường vàng nói chung trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh việc đầu cơ trục lợi do giá vàng lên xuống thất thường. Nếu chúng ta làm tốt công tác này cộng với việc tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tin tưởng chắc chắn rằng giá vàng trong nước và thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn".
Nói rõ hơn về điều này, Thống đốc cho biết: Trước đây, với những người có vàng muốn bán vàng thì rõ ràng họ được hưởng lợi. Thế nhưng người đang cần mua vàng, họ phải mua vàng với giá cao hơn thì có vẻ là họ bị thiệt. Nhưng chúng ta phải thấy rằng, nếu mua giá vàng cao hơn thì cũng bán giá cao, do vậy sự chênh lệch ở đây không phải là cái thiệt thòi của người mua và bán, mà chỉ là cái giá chênh lệch giữa giá mua và giá bán thôi. Còn nếu anh mua giá cao, anh cũng bán được giá cao thì sự chênh lệch ở đây không ảnh hưởng đến lợi nhuận của người mua bán vàng trong nước.
"Hoạt động kinh doanh vàng tiêu tốn một lượng ngoại tệ rất lớn của đất nước. Trong khi đó, lượng ngoại tệ của đất nước không phải dồi dào mà phải ưu tiên cho các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội; nhưng vì còn tồn tại thị trường vàng cho nên vẫn phải dùng một lượng ngoại tệ nhất định để tạo ra nguồn cung hàng hóa. Nếu như trước đây chúng ta cho nhập vàng, tư nhân nhập vàng, các tổ chức kinh tế nhập vàng hoặc nhập lậu vàng thì toàn bộ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là do các đối tượng kinh doanh này được hưởng và người dân không được hưởng. Nhưng đến nay, toàn bộ hoạt động này do nhà nước đảm nhiệm cho nên toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội", vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Theo Dantri
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm "sốc" Sau phát súng tiên phong của Vietcombank, 3 "ông lớn" ngân hàng khác là: Vietinbank, BIDV và Agribank đã nhập cuộc hạ lãi suất huy động với tốc độ gây "sốc". Trong đó có ngân hàng đưa lãi suất huy động 1 tháng về mức 5%/năm. Hình thành mặt bằng lãi suất huy động mới? Theo biểu lãi suất huy động đối với...