Đồng Tháp: Triều cường “tấn công”, làng hoa Sa Đéc như “chạy giặc”
Triều cường dâng cao và chậm rút đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích vườn hoa kiểng và cây ăn trái của bà con trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường nên hàng chục ha hoa, kiểng của người dân thuộc địa bàn TP Sa Đéc ngập trong lũ, nhất là ở xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông.
Nông dân trồng hoa phải di chuyển hoa lên giàn cao để chống ngập úng.
Theo đó, diện tích hoa, kiểng bị ngập nước hầu hết là do trồng ngoài đê bao hoặc ô bao xung yếu. Đây là những loại hoa cảnh trồng dưới đất hoặc để trên giàn quá thấp. Những diện tích hoa, kiểng bị ảnh hưởng nhiều nhất là cỏ nhung Nhật, cỏ lá gừng, cúc, hoa hồng…
Đang di chuyển các chậu hoa dưới thấp lên giàn cao, ông Trần Thanh Toản (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc), cho biết chỉ trong vòng 3 ngày nay, triều cường lên cao khiến nhiều diện tích hoa, kiểng của gia đình ông bị đe dọa.
Các diện tích hoa, kiểng Tết bị đe dọa bởi tình hình triều cường lên cao.
Cách đó không xa, vườn hoa nhà ông Trần Thanh Khang đang mấp mé với mực thủy triều đe dọa hơn 1.000 giỏ hoa hồng trồng Tết. Ông Khang cho biết thủy triều dâng cao gây chết cây khoảng 5 – 10%. Do đó, ông phải nhanh chóng nâng cao giàn và thuê nhân công chuyển hoa lên vùng cao cho an toàn.
“Chưa thấy năm nào nước lên cao như năm nay, mọi năm nước có về lớn lắm cũng không đến như mức này. Do cây đang trong giai đoạn ra chồi non nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng”, ông Khang chia sẻ thêm.
Chung cảnh này, hơn 500 m2 vườn hoa vạn thọ của ông Tùng (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cũng bị nước tràn vào, gây ngập sâu. Cầm cự không nổi, ông đành phải đem các chậu hoa đến chỗ cao hơn gửi nhờ. “Cây đang tốt mà đưa đi thì hoa nở không đẹp, bán không được giá”, ông Tùng lo lắng.
Nông dân trồng hoa Sa Đéc phải dùng máy bơm để chống ngập.
Video đang HOT
Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết: “Triều cường dâng cao phần nào ảnh hưởng đến hoa, kiểng nông dân trên địa bàn. Song, số lượng này chỉ phần nhỏ so với diện tích trồng hoa, kiểng Tết của Thành phố. Để đảm bảo cho nông dân sản xuất ăn chắc, đơn vị sẽ thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra các đoạn đê bao, cống nước xung yếu để có cảnh báo tình hình thủy văn kịp thời cho nông dân nắm rõ”.
Tại huyện Lai Vung, nước lũ lên nhanh và chậm rút đã ảnh hưởng nhiều đến vườn cây ăn trái của bà con, trong đó thiệt hại nặng là diện tích cam, quýt. Mặc dù, bà con đã tích cực bơm tát và trong những ngày gần đây triều cường đã bắt đầu rút dần nhưng do nước ngập, cầm chân quá lâu nên đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn cây ăn trái. Ngoài tốn kém chi phí bơm tát, năng suất trái VÀ giá bán bị giảm, nhà vườn còn phải tốn nhiều chi phí và thời gian vài năm để khôi phục lại những vườn cây ăn trái bị chết.
Để đảm bảo cho vườn cây ăn trái, nông dân cũng phải bơm nước tháo úng.
Ông Nguyễn Văn Sữa (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đang có số diện tích cam, quýt bị ảnh hưởng do triều cường. Ông Sữa cho biết: “Các chủ vườn đều chuẩn bị và có đập hết, nhưng bây giờ nước tràn tới bờ rồi, có dùng bơm cũng không kịp”.
Tương tự, hơn 5 công vườn cam, quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Gà (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu) cũng đang nằm trong tình trạng ngập úng do triều cường. Ông Gà buồn rầu, nói: “Các vườn trong khu vực ở đây đều ngập hết. Gần đây, nông dân như tôi vừa phải lo chống chọi với dịch bệnh trên cây cam, quýt nay thì tới thêm nước ngập, giờ cầu trời cho vài bữa nước rút để còn hi vọng khôi phục lại vườn”.
Các ngành chức năng thuộc huyện Lai Vung đang tìm cách để hỗ trợ nông dân trong vùng bị ngập khôi phục lại vườn cây. Bên cạnh đó, thường xuyên có những dự báo về mực triều cường cho người dân đề phòng.
Dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong tuần, ông Khương Lê Bình – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp – cho biết: “Tuần đầu tháng 10, mực nước tại khu vực đầu nguồn của tỉnh xuống dần, mực nước khu vực Tháp mười biến đổi chậm, mực nước khu vực phía nam xuống trong khoảng 7 ngày đầu tuần, sau đó tăng nhanh trở lại trong những ngày cuối tuần”.
Theo Tâm Minh (Báo Người lao động)
Miền Tây mùa nước nổi: Sản vật mùa lũ-bao giờ cho tới ngày...xưa
Mùa nước nổi hàng năm là mùa làm ăn nhộn nhịp của người dân ĐBSCL, tận dụng đánh bắt nguồn thủy sản cá tôm theo con nước về đồng để tăng thu nhập.
Theo người dân đầu nguồn sông Cửu Long, hơn 10 ngày nay, tuy nước lũ đổ về và dâng lên rất nhanh nhưng còn thấp hơn nhiều so mọi năm. Sản lượng thủy sản đánh bắt được cũng giảm một nửa, thậm chí tới 2/3 so năm rồi.
Làng nghề đón lũ muộn
Đón con nước năm nay về muộn, các làng nghề đã nhộn nhịp trở lại sau hơn 1 tháng "hồi hộp tưởng nước không lên". Tại làng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung- Đồng Tháp), 1 tháng trước, nhiều cơ sở đóng xuồng đứng ngồi không yên vì "đợi hoài mà hổng thấy nước".
Chợ cá đồng thượng nguồn sôi động mua bán khi con nước đổ về.
Một số chủ cơ sở đóng xuồng cho hay, tuy không sôi động như thời hoàng kim nhưng nghề đóng xuồng mùa lũ cũng đủ ăn khi vào mùa.
Chú Nguyễn Thiện Hữu (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cho biết: "Tui theo nghề đóng xuồng gần 20 năm. Năm nay tính đâu nước không lên, ai ngờ lại lên trễ và lên được như hiện nay cũng mừng rồi". Mỗi tháng cơ sở của chú Hữu đóng và bán được gần 10 chiếc xuồng cui, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Tuy nhiên, theo chú Hữu và một số người dân còn theo nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài, hiện nay nghề đóng xuồng đang dần mai một. Nguyên nhân là do những năm gần đây, lũ nhỏ, lũ muộn và có năm không có lũ nên những làng nghề đóng ghe, xuồng ngày càng hiu hắt.
Thị trường lưới, ngư cụ đánh bắt cá cũng khởi động muộn theo con nước trễ.
Hiện làng nghề đã có khoảng 90% người đóng xuồng phải chuyển đổi nghề hoặc làm thêm nghề khác để mưu sinh chứ không còn trông chờ vào mùa nước nổi nữa.
Như chú Trần Hữu Khoa có hơn 30 năm theo nghề đóng xuồng, chia sẻ: "Theo nghề này lâu rồi, bỏ thì buồn nên ngày thường tôi đóng thêm giá võng, gởi bán ở làng chiếu Định Yên, làm tới đâu là bán hết tới đó. Rồi tới mùa nước nổi thì lại làm xuồng, làm ghe.
Lúc trước làm cả năm bán được 500- 1.000 ghe, xuồng, còn bây giờ ít lắm. Như cả tháng nay, nước lên chậm, tôm cá ít, tôi chỉ đóng được 10 chiếc/ tháng".
Trong khi đó, nhiều người dân làng nghề cũng đã mạnh dạn chuyển đổi hướng làm ăn sáng tạo hơn. Trong đó, việc làm các sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ của ông Nguyễn Văn Tốt (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cũng đã mở ra một hướng đi mới cho làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người thợ làng nghề.
Cùng với làng nghề đóng xuồng, các mặt hàng lờ, lọp tại làng nghề xã Hòa Long (huyện Lai Vung) cũng tất bật phục vụ cho người dân đánh bắt thủy sản theo con nước.
Đang làm lọp tép, cô Lê Thị Bé Ba (xã Hòa Long) cho hay: "Tôi theo nghề này hơn 30 năm rồi. Phần lớn các công đoạn chẻ, chuôt, giong... đều phai mươn cac tay thơ gia công, các thơ lam chinh thực hiện các công đoan kho như: bên hom, dêt vi, lắp ráp các bộ phận. Tuy lũ về muộn, nhưng tụi tui cũng làm tất bật để đáp ứng nhu cầu của người dân".
Sản vật mùa lũ giảm
Mùa nước nổi về muộn, người dân vùng lũ ĐBSCL cũng đã kịp sắm sửa ngư cụ để tận dụng đánh bắt sản vật theo con nước. Theo ghi nhận của chúng tôi, sản lượng thủy sản năm nay tại các chợ thượng nguồn cũng giảm một nửa, thậm chí 2/3 so năm rồi.
Cua đồng đang vào mùa rộ với giá 20.000 đ/kg.
Chị Lê Thị Bạch Tuyết- thương lái mua cua ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú- An Giang) cho biết, nước đã về tràn ngập nên cua đồng đang vào thời điểm rộ. Hiện giá thương lái mua cua của nông dân là 20.000 đ/kg, giảm 40.000 đ/kg so đầu mùa.
Người dân bắt cua bán mùa lũ từ hàng chục đến vài trăm kg/ngày. Mỗi ngày chị Bạch Tuyết thu mua khoảng 4 tấn cua "leo lên xe tải" đi tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh.
Theo chị Bạch Tuyết, thông thường thời điểm cua giá thấp như hiện nay sẽ kéo dài khoảng 1 tháng trong mùa lũ, sau đó sẽ giảm lượng và tăng giá trở lại.
Mọi năm thời điểm này đã gần hết cua, nhưng năm nay nước lũ về muộn nên mùa cua vào mùa cũng trễ hơn. So năm ngoái, lượng cua mua được từ nông dân đánh bắt giảm mạnh, khoảng 50%.
Là thương lái mua cá ở xã giáp ranh nước bạn Campuchia, anh Nguyễn Văn Mẫn ở Khánh An (huyện An Phú- An Giang) cũng cho biết, hiện đang vào thời điểm sôi động thu hoạch cá linh, mỗi hộ đặt dớn có thể bắt được hàng chục ký cá/ngày.
Thời điểm cá nhiều như hiện nay kéo dài khoảng 1 tháng. Hiện cá linh non có giá hơn 50.000 đ/kg (đầu mùa hơn 100.000 đ/kg). Theo quan sát của anh Mẫn, năm nay lượng cá giảm 2/3 so năm rồi.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trúc Anh- vợ anh Mẫn- cho hay: "Năm nay nước chụp đồng quá nhanh nên không chỉ cá tôm ít mà các sản vật khác của mùa lũ như: bông súng đồng, bông điên điển... cũng ít hơn và giá tăng cao so năm rồi".
Cụ thể, bông súng hiện có giá khoảng 6.000 đ/khoanh (năm rồi chỉ 2.000- 3.000 đ/khoanh), mỗi xuồng 2 người lặn từ 2- 3 giờ đến 7- 8 giờ sáng được khoảng 60- 70 khoanh; bông điên điển hiện có giá 25.000- 35.000 đ/kg (giảm so đầu mùa tới 50.000- 60.000 đ/kg) mà chủ yếu là điên điển trồng chớ điên điển mọc tự nhiên giờ còn rất ít.
Dù sản lượng ít và giá tăng nhưng chị Trúc Anh cho biết thêm, hiện các sản vật mùa lũ bán rất hút, có bao nhiêu cũng hết.
Theo nhiều tiểu thương mua tôm cá mùa lũ ở các chợ thượng nguồn, năm nay lũ trễ, lên nhanh nên sản lượng các mặt hàng đồng giảm từ 40- 50% so với năm trước. Ít hàng nên giá tăng 20 -30%. Cụ thể, giá bán lẻ cá chạch 80.000- 100.000 đ/kg, rắn nước, rắn mối 100.000- 250.000 đ/kg, cá linh đầu mùa tại chợ từ 150.000- 200.000 đ/kg, càng cua đồng được bán với giá 200.000- 300.000 đ/kg, tôm càng xanh 400.000- 700.000 đ/kg...
Theo Nhóm PV Kinh tế (Báo Vĩnh Long)
Trồng sứ lạ, to như cây Bao Báp châu Phi, dân ở đây kiếm bộn tiền Nổi tiếng với sự nhanh nhẹn và nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian gần đây, nhiều nông dân Sa Đéc (Đồng Tháp) chuyển sang trồng cây sứ (cây hoa sứ) cho thu nhập cao. Không những hấp dẫn người mua với bộ sưu tập nhiều giống sứ mới lạ mà chính kỹ thuật trồng sứ "không giống ai"...