Động thái giờ chót của Ngoại trưởng Pompeo đặt ông Biden vào thế khó
Những quyết sách đối ngoại gần đây do Ngoại trưởng Pompeo công bố sẽ tạo thêm thách thức cho chính quyền sắp tới của ông Biden, đặc biệt là trong quan hệ Mỹ – Trung và Mỹ – Iran.
Kể từ khi chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden được công nhận và bạo loạn nổ ra ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, Tổng thống Donald Trump và nhiều trợ lý hàng đầu của ông dường như bỏ bê công việc. Họ kín tiếng hơn và ít xuất hiện trên truyền thông.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lại liên tục có những động thái gây tranh cãi, theo Washington Post.
Chính trị nội bộ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại
Những ngày qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đều đặn thông báo về các chính sách đối ngoại lớn, đa số được đưa ra để củng cố các ưu tiên lợi ích của ông Trump và tạo rào cản cho chính quyền sắp tới của ông Biden.
Những rào cản đó là việc tuyên bố Cuba tài trợ cho khủng bố; coi phiến quân Houthi của Yemen là khủng bố; dỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc giữa quan chức Mỹ và những người đồng cấp Đài Loan; công nhận chủ quyền của Morocco đối với khu vực Tây Sahara và áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran.
Ngoại trưởng Pompeo đưa ra nhiều quyết sách đối ngoại trong những ngày cuối cùng đương nhiệm của Tổng thống Trump. Ảnh: AP.
Tuy tất cả thay đổi đó đều có thể đảo ngược được, nhưng chúng làm phức tạp thêm các thách thức đối với chính quyền sắp tới của tổng thống đắc cử Joe Biden.
Các quan chức trong đội ngũ của ông Biden cho rằng động cơ thúc đẩy những chính sách này là tình hình chính trị trong nước. Nhưng họ không lên tiếng phản đối các quyết sách nói trên, một phần do truyền thống “mỗi thời kỳ một tổng thống” và liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở nước ngoài.
Một nguồn thạo tin nói với Washington Post : “Không thể chối cãi là tình hình chính trị trong nước đã thúc đẩy ông Pompeo đưa ra các quyết sách cuối cùng đối với Cuba, Iran và Đài Loan”.
“Chúng tôi đã ghi nhận những động thái vào phút chót này. Chính quyền sắp tới sẽ đưa ra phán quyết chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất: lợi ích quốc gia”, một quan chức cấp cao trong đội ngũ của ông Biden cho biết.
Hàng loạt quyết sách về Trung Đông
Washington Post dẫn nguồn thạo tin từ Nhà Trắng cho biết cố vấn của ông Trump, Jared Kushner, là người thúc đẩy việc đưa ra tuyên bố về Morocco, cũng như quyết định bán vũ khí cho Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia để đền đáp việc các nước này đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.
Còn đa số các quyết sách khác, bao gồm động thái đối với Cuba và Đài Loan, “đều do ông Pompeo một mình thực hiện”.
Trong khi ông Biden vẫn giữ im lặng, các nhà lập pháp đã lên tiếng phản đối. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều chỉ trích tuyên bố coi Houthi là tổ chức khủng bố.
Việc Mỹ can dự vào cuộc chiến tại Yemen từ lâu đã gây tranh cãi. Saudi Arabia bị cáo buộc gây ra cái chết cho hàng nghìn dân thường trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.
Người dân Yemen phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm vì nội chiến. Ảnh: AP .
Yemen, với hơn 24 triệu người sống dựa vào viện trợ nước ngoài, phải nhập khẩu khoảng 90% lương thực. Do quyết sách của Mỹ, các tổ chức viện trợ cho người Yemen ở các khu vực do Houthi kiểm soát có thể bị buộc tội.
Các quan chức tài chính Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, phản đối quyết định này. Họ cho rằng đây là hành động quá vội vàng, nên chưa thể đảm bảo ổn định việc cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho dân thường.
Ông Biden có ý định cắt giảm bán vũ khí cho Saudi Arabia và hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn cho Yemen. Nhưng ông không thể đảo ngược các quyết sách của chính quyền ông Trump chỉ bằng một chữ ký.
Theo luật, cần có sự thảo luận và quyết định của Quốc hội Mỹ hoặc chính phủ để có thể làm được như vậy.
Với tuyên bố trong những ngày qua, dường như Ngoại trưởng Pompeo đang muốn biến Iran trở thành nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ở Trung Đông và đặt thêm trở ngại cho ông Biden.
Chính quyền Tổng thống Trump dứt khoát phản đối việc đội ngũ của ông Biden có kế hoạch ký lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Ông Biden và phía Iran cho biết sẵn sàng rút lại các động thái vượt ngoài khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mà hai phía đã triển khai kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Đầu tháng 1, Iran tuyên bố sẽ sớm tiến hành làm giàu uranium ở mức 20%. Ảnh: AP.
Đối với Iran, điều đó có nghĩa là ngưng kích hoạt làm giàu uranium trên ngưỡng cho phép và quay trở lại tuân thủ các định mức trong thỏa thuận.
Đối với Mỹ, điều đó có nghĩa là dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân Iran được áp đặt từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Iran cũng sẽ yêu cầu nới lỏng các lệnh trừng phạt đó, theo Washington Post.
Lập luận của ông Biden là một khi vấn đề hạt nhân được đưa trở lại đúng hướng, ông sẽ huy động hỗ trợ từ trong nước và cả từ các nước khác để thúc đẩy ký kết các thỏa thuận bổ sung.
Tạo thách thức trong quan hệ Mỹ – Trung
Trong năm qua, Ngoại trưởng Pompeo dành phần lớn thời gian đánh giá động thái từ phía Trung Quốc. Ông cho rằng các chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đã đi ngược lại truyền thống trước đó.
Trước tình hình hiện nay, ông Biden lo ngại về động thái hung hăng của Trung Quốc trong thương mại và các vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, ông cho biết cần cân nhắc tình hình và thảo luận với các quốc gia đồng minh châu Âu cách đối phó với Bắc Kinh.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng biến số lớn nhất của mối quan hệ Mỹ – Trung là vấn đề Đài Loan.
Mới đây, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bó xóa bỏ tất cả hạn chế đối với các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và người đồng cấp từ phía Đài Loan. Ông cho biết Mỹ sẽ không “xoa dịu Bắc Kinh nữa”.
Bộ Ngoại giao đã lên lịch trình cho chuyến thăm Đài Bắc của bà Kelly Craft, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi không được thực hiện do ông Pompeo hủy bỏ tất cả chuyến công du đã được lên lịch, với lý do cần nhân sự hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ.
USS Mustin là tàu chiến Mỹ từng đi qua eo biển Đài Loan ngày 19/12/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ .
Nếu muốn thì một khi lên nắm quyền, ông Biden hoàn toàn có thể đảo ngược các quyết sách vào phút chót của chính quyền tiền nhiệm. Thế nhưng ông Pompeo đã đặt ông Biden vào một tình thế khó khăn. Để giải quyết được điều này, ông Biden cũng có nguy cơ bị coi là thân Trung Quốc.
“Tại sao họ lại làm những việc này? Thực tế là một số nghị sĩ phe cực hữu chưa bao giờ muốn bình tường hóa quan hệ với Trung Quốc. Và vì vậy, họ chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng về ‘hai Trung Quốc’”, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nói.
“Tôi tin rằng quyết sách này là do ông Pompeo thúc đẩy, chứ không phải do ông Trump khởi xướng. Có vẻ ông Pompeo đang đặt nền tảng cho chiến dịch tranh cử vào năm 2024″, cựu quan chức này nhận định.
Ngoại trưởng Pompeo khẳng định về ‘nhiệm kỳ thứ hai’ của ông Trump .Trong cuộc họp báo vào ngày 10/11, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai khi các phiếu bầu hợp lệ được đếm đủ.
Quan chức chính quyền ông Biden tiếp xúc với Iran về thỏa thuận hạt nhân
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Joe Biden liên tục tuyên bố ông sẽ cân nhắc đưa Mỹ quay lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nếu như Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.
Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại một cơ sở sản xuất uranium cho lò phản ứng hạt nhân nước nặng ngoại ô thành phố Isfahan (Iran) tháng 4/2009. Ảnh: AP
Theo đài Sputnik, quan chức thuộc chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Biden đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc với Iran về việc Mỹ có thể trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy vài ngày nữa là đến lễ nhậm chức của ông.
Kênh truyền hình Channel 12 của Israel ngày 16/1 đưa tin các quan chức Mỹ cũng đã thông tin cho Tel Aviv về vấn đề này.
Mặc dù chi tiết nội dung được thảo luận trong các cuộc tiếp xúc hiện chưa được tiết lộ, song phía Israel tỏ ra quan tâm tới một thỏa thuận hạt nhân dài hạn và được cải thiện, trong đó bao gồm các điều khoản hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các hoạt động liên quan đến khủng bố.
Theo các thông tin trước đó, đại diện từ các quốc gia Arab và Israel đã đề xuất Tổng thống đắc cử Biden cho họ tham gia các cuộc đàm phán tương lai liên quan đến thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Trong khi Tổng thống đắc cử Biden nhiều lần ẩn ý muốn đưa Washington quay lại JCPOA, nhà lãnh đạo cũng không quên đề cập một khi tiếp tục đạt thỏa thuận với Iran, chính quyền của ông sẽ thắt chặt và kéo dài các quy định ràng buộc hạt nhân, cũng như bàn thảo về chương trình tên lửa của nước này.
Iran cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt trước khi Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
"Nếu Mỹ quyết định quay lại JCPOA mà không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đây sẽ là hành vi tống tiền, bởi vì khi đó Washington sẽ đưa ra yêu cầu mới để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm", ông Kamal Kharrazi, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại của Iran, cho biết vào đầu tuần.
JCPOA là thỏa thuận hạt nhân được 8 bên ký kết vào năm 2015, bao gồm Iran, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu. Các điều khoản được đưa ra trong thỏa thuận bao gồm Tehran sẽ thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Tehran. Động thái đơn phương của Tổng thống Trump đã khiến Iran từ bỏ các cam kết hạt nhân. Đầu tháng này, Iran tuyên bố nước này sẵn sàng nâng mức độ làm giàu uranium lên tới 20%.
Ông Biden sẽ lật lại di sản của ông Trump ngay ngày nhậm chức Ông Biden sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu giữ chức, bao gồm việc tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và hủy lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia Hồi giáo. Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch ký ít nhất 12 lệnh hành pháp trong ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, theo...