Dòng người nhập cư thay máu Nhật Bản giữa ‘cỗ máy tận thế kinh tế’
Đối mặt khoảng trống lớn trong lực lượng lao động do dân số già hóa, Nhật Bản đang thực hiện những bước đi lịch sử để hạ thấp rào cản với người nước ngoài ở nơi vốn chống nhập cư.
10 năm trước, người ta hiếm khi bắt gặp những cư dân không phải người Nhật ở Nhật Bản hay nghe thấy bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Nhật được nói trên đường phố. Bây giờ, điều đó xảy ra thường xuyên, hầu hết là do sự bùng nổ du lịch với hơn 30 triệu người ghé thăm Nhật Bản mỗi năm.
Ngoài lượng khách du lịch khổng lồ, đó còn là xu hướng dài hạn. Tokyo đang ngày càng trở thành một thành phố đa sắc tộc.
Người ta có thể bắt gặp nhân viên cửa hàng là người da màu đến từ Hà Lan và châu Phi, nhân viên phục vụ người Trung Quốc tại các nhà hàng truyền thống Nhật Bản, sinh viên Nam Á phục vụ tại cửa hàng tiện lợi, nhân viên phục vụ da trắng tại Starbucks hay một nhà hàng Hàn Quốc do người Đông Nam Á điều hành.
Theo Japan Times, năm 2018, 1 trong số 8 người trẻ ở tuổi 20 tại Tokyo không được sinh ra ở Nhật Bản. Đó là còn chưa kể đến những người sinh ra tại Nhật Bản nhưng không phải người Nhật.
Dù Tokyo còn xa mới trở thành đô thị đa sắc tộc như New York hay London, từ “thuần chủng” đã không còn phù hợp với thành phố này.
Nói ngắn gọn, Nhật Bản đang quốc tế hóa và quá trình này đang trên đà tăng tốc nhanh chóng.
Theo BBC, động lực là thay đổi nhân khẩu học: Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng và thu hẹp lại. Thêm vào các yếu tố khác bao gồm mức độ du lịch nước ngoài chưa từng thấy, cộng với sự chuẩn bị lớn cho Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020, kết quả là một quốc gia cần rất nhiều công nhân để lấp đầy công ăn việc làm.
Nhật Bản từng nhận thức được lờ mờ về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong nhiều thập kỷ nhưng vì các chính phủ kế tiếp chỉ miễn cưỡng thực hiện các bước quan trọng, vấn đề đang trở nên cấp bách hơn.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn đưa thêm lao động nước ngoài, lương thấp tới. Đề xuất của ông về việc chấp nhận hàng trăm nghìn người để lấp đầy công việc tay chân vào năm 2025 đang gây tranh cãi ở một quốc gia có truyền thống xa lánh di dân.
Ngày 8/12/2018, quốc hội Nhật Bản đã chấp nhận đề xuất đó trong một động thái gây tranh cãi và chưa từng có để tiếp nhận nhiều lao động nhập cư hơn bao giờ hết – 300.000 người trong suốt năm năm tới, bắt đầu từ tháng 4/2019.
Dự luật mới được đưa ra vào thời điểm thay đổi lịch sử ở Nhật Bản. Và cách mọi thứ biến đổi có thể định hình đất nước qua nhiều thế hệ.
Người bản địa giảm sút, người nước ngoài tăng cao
Bhupal Shrestha, người Nepal, là một giảng viên đại học sống ở phường Suginami của Tokyo, khu dân cư nổi tiếng với những con hẻm chật hẹp cùng các cửa hàng quần áo cũ và đồ cổ. Anh đã sống ở Nhật Bản 15 năm nhưng con đường tới visa “thường trú nhân” không phải luôn luôn dễ dàng.
Shrestha cho biết anh từng trải qua “phân biệt đối xử trên những thứ cơ bản, chẳng hạn tìm phòng ở hoặc kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ tín dụng”. Anh nói rằng chính những người nhập cư cũng khó nói được chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến họ thế nào.
“ Xã hội Nhật Bản đang mở cửa cho người nhập cư nhưng họ vẫn bảo thủ ở một số chỗ. Tôi nghĩ rằng đó là do họ thiếu cơ hội để trao đổi văn hóa với người nhập cư”, anh nói với BBC.
Chính phủ ước tính hiện có khoảng 2,73 triệu người không phải là người Nhật sống ở nước này – tăng 6,6% so với năm trước. Đó là một con số kỷ lục, tăng từ 480.000 trong năm 2008.
Video đang HOT
Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1% dân số Nhật Bản, so với 5% ở Anh hay 17% ở Mỹ. Gần 30% lao động nước ngoài tại Nhật Bản đến từ Trung Quốc, với tỷ lệ đáng kể từ Việt Nam, Philippines và Brazil.
Con số thấp là vì nhập cư theo truyền thống không phổ biến ở Nhật Bản. Là một quốc đảo, nước này từng bị cô lập gắt gao. Cho đến giữa những năm 1800, những người vào hoặc ra khỏi đất nước có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Tuy nhiên, bây giờ, Nhật Bản hiện đại vẫn tự coi mình là đồng nhất, với bản sắc văn hóa mạnh mẽ.
Trong lịch sử, những lo lắng trong nước đối với nhập cư xuất phát từ nhận thức về mất việc làm, lai tạp văn hóa và lo ngại về tỷ lệ tội phạm gia tăng ở một quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nổi tiếng.
Nhưng vấn đề lớn là số người Nhật bản địa đang giảm sút.
Một báo cáo mới về Nhật Bản từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy sự thật đáng kinh ngạc: Một nửa số trẻ em Nhật Bản sinh năm 2007 dự kiến sẽ sống đến 107 tuổi.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang sụt giảm. Theo Washington Post, tổng tỷ suất sinh – số trẻ em mà phụ nữ dự kiến sẽ có trong suốt cuộc đời – chỉ là 1,4 vào năm 2016, so với mức trung bình của OECD là 1,7 (Cần có tỷ lệ sinh khoảng 2,1 cho dân số để tự thay thế). Số người tử vong đã vượt quá số trẻ em ra đời từ năm 2007. Dân số “dự kiến sẽ giảm 8,2 triệu vào thập niên 2030, tương đương với mất Tokyo”.
Dựa trên các xu hướng hiện nay, lực lượng lao động sẽ giảm 25% vào năm 2050, trong khi mối quan hệ giữa người Nhật ở độ tuổi lao động (20-64) và dân số 65 tuổi trở lên thay đổi mạnh mẽ.
Hiện có hai người Nhật trong độ tuổi lao động cho mỗi người từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2050, tỷ lệ đó được dự đoán sẽ giảm xuống còn 1,3 người Nhật ở độ tuổi lao động cho mỗi người cao tuổi.
Những gì điều này mô tả là một cỗ máy tận thế kinh tế. Số lượng người Nhật lớn tuổi ngày càng tăng gây áp lực rất lớn lên ngân sách của chính phủ. Kể từ năm 1991, chi tiêu xã hội công cộng – chủ yếu cho lương hưu, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn – đã tăng gấp đôi so với tổng sản phẩm quốc nội, từ 11% lên 22% GDP trong năm 2018.
Các cụ già Nhật Bản cùng robot phục vụ người cao tuổi bao gồm chó robot AIBO, robot điều dưỡng Pairo và robot hình nhân Pepper. Ảnh: Reuters.
Chi tiêu thâm hụt gia tăng làm tăng nợ của chính phủ Nhật Bản lên tới 226% GDP – “con số cao nhất từng được ghi nhận trong khu vực OECD” và gần gấp đôi mức của Mỹ.
Nhưng những nỗ lực để giảm thâm hụt bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế có nguy cơ làm giảm thu nhập của những người lao động trẻ tuổi và không khuyến khích họ sinh thêm con.
Tất nhiên, dân số Nhật Bản mất cân bằng có thể được điều chỉnh thông qua nhập cư nhiều hơn. Nhưng điều này chưa bao giờ phổ biến ở một đất nước có ý thức mạnh mẽ về bản sắc riêng của mình.
Số lượng lao động nước ngoài đã tăng gấp đôi từ 700.000 trong năm 2013 lên 1,46 triệu vào năm 2018. Tuy nhiên, đó chỉ là 2% lực lượng lao động Nhật Bản. Tỷ lệ cư dân nước ngoài chỉ là 1,9% dân số Nhật Bản trong năm 2017, trong khi mức trung bình của OECD là 13%.
“Rất tàn khốc” là từ mà Shihoko Goto, thành viên viện nghiên cứu Woodrow Wilson của Mỹ, mô tả tình hình. Nhưng theo bà, trong quá khứ, nhập cư “thực sự không được coi là một phần của giải pháp rộng lớn hơn cho một số vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt”.
Trong khi một số doanh nghiệp và chính trị gia ủng hộ các kế hoạch của ông Abe, những người khác đang hoài nghi làm thế nào nó có thể thay đổi xã hội Nhật Bản.
Tuyệt vọng tìm kiếm lao động
“Không có nhiều người Nhật có kinh nghiệm thực tế khi làm việc và sống chung với người nước ngoài”, Masahito Nakai, một luật sư di trú ở Tokyo, nói. Nhưng ông cho biết mọi người đang bắt đầu hiểu rằng phải làm gì đó. “Họ đang nhận ra rằng đất nước không thể đứng vững nếu không có sự giúp đỡ của những người này”, ông nói.
Nhu cầu cấp thiết nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và đóng tàu, ở tất cả các vùng của đất nước. Các ngành công nghiệp khách sạn và bán lẻ cũng ngày càng đòi hỏi tiếng Anh và các kỹ năng ngôn ngữ khác khi du lịch tiếp tục bùng nổ.
Nhân viên điều dưỡng và chăm sóc tại gia cũng rất cần thiết để chăm sóc số lượng người về hưu ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây, chính quyền Abe đã áp dụng những thay đổi lớn có thể sẽ duy trì dòng người nhập cư. Năm 2017, Nhật Bản đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ thường trú cho công nhân lành nghề. Năm 2018, nước này thông qua đạo luật mở rộng đáng kể số lượng thị thực cho công nhân cổ xanh và đặc biệt cung cấp cho những công nhân này thẻ thường trú nếu họ muốn.
Những thay đổi này thể hiện nhập cư thực sự, trái ngược với các chính sách lao động tạm thời. Theo thời gian, nó sẽ đa dạng hóa dân tộc của công dân Nhật Bản. Thường trú nhân được phép nộp đơn xin quốc tịch Nhật Bản sau năm năm. Một số người nước ngoài cũng sẽ kết hôn với công dân Nhật Bản và con cái của họ sẽ trở thành công dân.
Vì luật mới ngăn cản những người có visa mang gia đình đến Nhật Bản, nhiều người lao động mới có thể sẽ là những người độc thân tìm kiếm vợ hoặc chồng, khiến họ có nhiều khả năng kết hôn với người dân địa phương.
Đến nay, Nhật Bản đã giải quyết được vấn đề nhập khẩu lao động nước ngoài bằng cách sử dụng “chương trình đào tạo tu nghiệp sinh”. Chương trình này cho phép lao động trẻ hoặc sinh viên làm công việc lương thấp trong ba đến năm năm trước khi về nhà.
Chương trình này bị chỉ trích vì bóc lột công nhân trong các lĩnh vực với đồng lương ít ỏi và điều kiện làm việc tồi tệ.
Hiện tại, ông Abe muốn cho phép những lao động tay nghề thấp ở lại trong năm năm và giới thiệu thị thực mới cho những lao động tay nghề cao, những người sẽ được phép mang theo gia đình của họ. Chương trình thị thực mới đã khởi động từ tháng 4.
“Hầu hết lao động nước ngoài đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đảm nhận công việc mà người Nhật không muốn làm” – Takatoshi Ito
Ông Abe tránh gọi những lao động này là “người nhập cư”. Mặc dù vậy, những người chỉ trích kế hoạch của ông sợ rằng nó có thể cung cấp con đường dễ dàng hơn để lấy thẻ thường trú. Cũng có những lo ngại rằng lao động nước ngoài sẽ tập trung ở các thành phố và không sống ở khu vực nông thôn nơi cần họ nhất. Trong khi đó, các luật sư lo ngại rằng Nhật Bản vẫn chưa học được cách bảo vệ đầy đủ lao động nước ngoài khỏi bị bóc lột.
Takatoshi Ito, giáo sư về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia, cho biết ông tin rằng xã hội Nhật Bản “đang thức dậy với toàn cầu hóa”. “Cho đến nay, hầu hết lao động nước ngoài đang giúp tăng trưởng kinh tế, đảm nhận công việc mà người Nhật không sẵn sàng đảm nhận”, ông nói.
Đụng độ văn hóa
Chikako Usui, nhà xã hội học tại Đại học Missouri ở St Louis, cho biết một loạt yếu tố, từ lịch sử cô lập của Nhật Bản đến ý thức về sự đồng nhất, khiến người nhập cư gặp khó khăn.
“Người Nhật có nhiều cơ hội hơn để ở cạnh những người không giống họ, điều mà 10 năm trước họ không nghĩ tới” – Shihoko Goto
Bà nhấn mạnh các quy tắc bất thành văn và các tín hiệu xã hội tinh tế làm cho xã hội Nhật Bản mệt mỏi ngay cả với người Nhật bản xứ và góp phần vào sự bất an của họ đối với người ngoài. Làm thế nào người nước ngoài có thể hiểu mọi thứ, như cách giữ im lặng trên phương tiện giao thông công cộng hay dự đoán những gì người lạ đang nghĩ?
Usui chỉ ra khái niệm Nhật Bản của “kuuki wo yomu”, điều khiến xã hội Nhật trở nên rắc rối và đòi hỏi khả năng gần như thần giao cách cảm để hiểu những tiểu tiết trong đời sống hàng ngày. “Người Nhật thực sự không nghĩ điều này là khả thi đối với người nước ngoài. Thực tế, thậm chí cả tôi cũng không thể luôn luôn làm được điều này”, bà nói.
Goto thuộc Trung tâm Woodrow Wilson cho biết có một quy tắc nghiêm ngặt về việc trở thành người Nhật. “Nó không chỉ đơn giản là về quyền công dân: nó là về chủng tộc, về ngôn ngữ, về ngôn ngữ cơ thể. Tất cả những điều tinh tế mà một người không phải người Nhật sẽ không có được”, bà nói.
“Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quan điểm cởi mở hơn. Tôi nghĩ rằng người Nhật có nhiều cơ hội hơn để ở cạnh những người không giống họ, điều mà họ chưa từng nghĩ tới 10 năm trước”, bà nói thêm.
Khi xã hội già đi và khi Thế vận hội đến gần, áp lực đang gia tăng đối với Nhật Bản để tìm ra cách mang lại nguồn lao động vô cùng cần thiết từ nước ngoài.
Những người chuyển đến Nhật Bản cần phải biết những gì họ sắp đối mặt, Shrestha nói. Anh thích sống ở Nhật Bản nhưng cho biết đây là nơi “lao động cật lực được tôn thờ và các quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt”. “Người nước ngoài nên tới với một số kiến thức về văn hóa và quy tắc cuộc sống hàng ngày của Nhật Bản”, anh nói.
Theo news.zing.vn
Ông Trump bị luận tội khiến một gia đình gốc Việt chia rẽ
Đối với một gia đình gốc Việt sống ở hạt Orange, bang California, thông tin ông Trump bị Hạ viện luận tội thổi bùng lên mâu thuẫn gia đình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo La Times, là một người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ, Billy Hoang, 69 tuổi, nói mình không thể tin vào việc Tổng thống Mỹ bị luận tội. Hoang nói ông Trump không làm gì sai "để bị trừng phạt".
"Nhìn xem, người đàn ông này là một doanh nhân. Ông ấy đưa ra quyết định đối với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ", người đàn ông sống ở San Diego, đến ở cùng gia đình con cái tại Irivine, hạt Orange, trong dịp lễ cuối năm, nói.
Hoang thuộc thế hệ người Mỹ gốc Việt lớn tuổi, ủng hộ đảng Cộng hòa. Hoang cho rằng các nghị sĩ đảng Dân chủ "quá tập trung vào các vấn đề chính trị trong khi các chính trị gia không nên đặt lợi ích của mình hơn quốc gia".
Hoang nói ông không xem các phiên điều trần luận tội trên truyền hình. "Đây không phải là điều tôi muốn thấy, ông Trump luôn là người tôi ủng hộ", Hoang nói.
Ngược lại, con gái Lily Hoang lại theo phe ủng hộ luận tội ông Trump. Điều này đã dẫn đến những tranh cãi nảy lửa trong gia đình, đặc biệt là khi ông Trump bị luận tội.
Lily cho rằng: "Ông Trump chỉ biết làm điều gì có lợi cho mình và cho gia đình, không lắng nghe người khác. Ông Trump làm Tổng thống Mỹ chỉ vì tiền".
Lily là một nhà đầu tư bất động sản ở bắc và nam California, nói cô đã gặp khoảng 30 người Mỹ gốc Việt và châu Á khác có cùng quan điểm với mình. "Chúng tôi có suy nghĩ hiện đại, đa dạng hơn trong khi các thế hệ trước có lối suy nghĩ truyền thống", Lily nói.
"Những người như cha mẹ tôi chỉ biết bầu theo đảng phái. Họ không biết đặt câu hỏi về những người đang cầm quyền", Lily nói. "Đối với tôi, trường hợp này tôi không cho rằng ông Trump đã làm điều đúng đắn".
Theo danviet.vn
Cô gái trẻ sợ hãi lên máy bay, được phi công giải thoát phút chót Một cô gái trẻ được giải cứu ngay trước khi chuyến bay khởi hành từ Đức đưa cô đến một cuộc hôn nhân cưỡng ép tại Sri Lanka, cảnh sát cho biết hôm 16 - 12. Các nhà chức trách tại sân bay Dsseldorf ở miền Tây nước Đức đã được mật báo rằng cô gái trẻ nói trên sẽ khởi hành đến...