Đồng NDT của Trung Quốc rớt giá mạnh nhất trong một thập kỷ
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua giữa lúc nhiều mối quan ngại gia tăng xung quanh tình trạng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
Kiểm tiền 100 tệ tại ngân hàng ở Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 30/10, giá trị của đồng NDT đã sụt xuống mức 6,96 NDT/1 USD, gần sát mức 7 NDT/1USD và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngưỡng tâm lý đối với thị trường là mức 7 NDT/1 USD và nếu vượt qua ngưỡng này có thể làm suy yếu niềm tin thị trường và khiến Mỹ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc đang cho phép hạ giá đồng NDT nhằm đối phó với những tác động của các biện pháp thuế mà Washington áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo một bài bình luận được đăng trên nhật báo Thông tin kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, giới chức nước này nhiều khả năng sẽ không để đồng NDT vượt tỷ giá 7 NDT/1 USD và tình hình cán cân thanh toán của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.
Trước đó một ngày, hãng tin Bloomberg đưa tin Washington đã chuẩn bị công bố gói thuế quan đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ vào đầu tháng 12 tới, nếu các cuộc đàm phán trong tháng tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại.
Sau đó, trong chương trình “The Ingraham Angle” của kênh Fox News, Tổng thống Trump cũng để ngỏ sẽ áp đặt gói thuế quan trị giá 267 tỷ USD nếu không đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Cho đến nay, Mỹ đã áp đặt các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các gói thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
Washington đe dọa sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt thuế nếu Bắc Kinh không đáp ứng những yêu cầu mà Mỹ đưa ra nhằm thay đổi các chính sách thương mại, trợ giá công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Video đang HOT
Phương Oanh (TTXVN)
[Điểm nóng TTCK tuần 22/10 28/10] Chứng khoán Việt tiếp tục tâm lí bi quan, TTCK thế giới biến động dữ dội
Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh theo chiều hướng tiêu cực trong hầu hết phiên giao dịch trong tuần...
1. TTCK Việt Nam tiếp tục tâm lý bi quan
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi chỉ số VN-Index tiếp tục sụt giảm trước áp lực bán mạnh.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 900,82 điểm (-6,01%) và HNX-Index chốt phiên ở 101,79 điểm, (-5,8%) so với tuần liền trước đó. Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong hầu hết phiên giao dịch trong tuần.
Biến động VN-Index trong 1 năm
Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán trong khu vực và những thông tin kết quả kinh doanh quý 3 đang liên tục được cập nhật, thị trường Việt Nam tiếp tục phát đi những tín hiệu rủi ro đáng lưu ý. Nguyên nhân của sự suy yếu là do động lực xu hướng hay nói cách khác là dòng tiền giao dịch đang không có sự đồng thuận tương ứng về kỳ vọng. Đây là trạng thái thường thấy sau những nhịp sụt giảm nhanh của thị trường và xuất hiện nhiều thông tin tác động trái chiều.
Điểm đáng lưu ý tiếp theo là ngay sau phiên giao dịch ngày thứ 5, chính sự cộng hưởng tâm lý từ đà rơi của các chỉ số chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã mở cửa phiên giao dịch 25/10 bằng tâm lý hoảng loạn bán tháo. Tuy nhiên, tâm lý có phần ổn định hơn ở phiên buổi chiều đã giúp tín hiệu xu hướng bớt tiêu cực
Có thể thấy rằng trong giai đoạn từ đầu tháng 10 trở lại đây, nhịp biến động của VN-Index có sự đồng pha rất lớn với các chỉ số DJIA hay SPX, đặc biệt là trong các thời điểm xảy ra biến động mạnh tiêu cực. Trạng thái này có thể sẽ còn duy trì trong thời gian ngắn, ít nhất cho tới khi thị trường tìm được điểm tựa tâm lý đủ mạnh.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần - phiên ngày thứ 6, lực bán duy trì trên HOSE suốt trong phiên. VN-Index tiếp tục đánh mất 9,35 điểm và lùi về đóng cửa tại mốc 900,82 điểm. Thanh khoản giao dịch duy trì ở mức thấp, cột khối lượng đạt hơn 133 triệu đơn vị cổ phiếu khớp lệnh và đang tiếp tục kéo các đường quân bình 20 phiên theo chiều đi xuống.
Những nỗ lực phục hồi trong phiên duy trì trong thời gian rất ngắn và dường như không thu hút được dòng tiền đáng kể. Trong khi đó, xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế và gây áp lực lên vùng 900 - 890 điểm. Điểm lưu ý là cổ phiếu trụ cột VHM thuộc sàn HOSE vẫn là tâm điểm chú ý khi vẫn chịu áp lực bán mạnh. Đây cũng là tác nhân chính gây tâm lý tiêu cực lên thị trường về cuối phiên và hình thành biến động chính của VN-Index trong cuối cùng của tuần lễ là giảm điểm.
Theo các chuyên gia FPTS, phản ứng cung cầu của VN-Index đang thể hiện vùng hỗ trợ 890 - 900 điểm mới chỉ mang ý nghĩa khu vực tạm ngưng tâm lý bán chứ chưa phải là vùng hỗ trợ thu hút được lực cầu thực sự tích cực. Cùng với đó, tâm lý e ngại của nhà đầu tư về các yếu tố gây bất lợi tới thị trường chưa được cải thiện thì rủi ro Vn-Index tái diễn những biến động sụt giảm mạnh vẫn ở mức cao.
Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục hoạt động cơ cấu danh mục về mức tỷ trọng cổ phiếu thấp để đảm bảo an toàn phòng trừ trường hợp bán tháo mạnh tái diễn.Các vị thế lướt sóng theo thị trường cũng nên thận trọng và kiên định với quyết định đứng ngoài thị trường quan sát khi thị trường chưa phát ra những tín hiệu có đủ cơ sở xác nhận vùng đáy mới của nhịp giảm hiện tại.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn khi VN-Index tiếp tục đà sụt giảm, tạo cơ hội cũng cho vị thế short giao dịch trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đang rất lớn, tương ứng đạt 156.436 hợp đồng.
2. TTCK thế giới trải qua một tuần biến động dữ dội
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần giảm điểm mạnh. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.658 điểm (giảm 4,1%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.167 điểm (giảm 4,3%), và Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.688 điểm (giảm 3,2%). Tuần qua là tuần bận rộn nhất trong mùa báo cáo KQKD quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ. Báo cáo của một số hãng như McDonald, Ford Motor và Tesla tích cực, nhưng báo cáo của Amazon và Google lại khiến nhà đầu tư thất vọng.
DJIA giảm liên tục trong 1 tháng qua
Chỉ số sợ hãi VIX tăng vọt khi thị trường biến động mạnh
Tâm lý bi quan của nhà đầu tư còn thể hiện qua việc dòng tiền dồn vào các ngành phòng thủ như dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu, trong khi các cổ phiếu ngành năng lượng và công nghệ bị sụt giảm mạnh. Khối lượng giao dịch tăng lên nhiều trong tuần qua, và Chỉ số Biến động của Cboe (VIX) cũng tăng cao so với nhiều tháng trước.
Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán chính đều giảm trong suốt tuần cùng với thị trường Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.939 điểm (giảm 1,6%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.200 điểm (giảm 4%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.967 điểm (giảm 3,2%).
Tuần qua, báo cáo chỉ số PMI tháng 10 của khối eurozone giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư rằng căng thẳng thương mại toàn cầu đã tác động đến tăng trưởng của khu vực. Chỉ số cho thấy sự suy yếu trên diện rộng, với tâm lý kinh doanh của Đức ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thông rằng họ sẽ giữ nguyên kế hoạch ngừng mua trái phiếu vào tháng 12, bất chấp khủng hoảng thị trường và rủi ro gắn với nền kinh tế khu vực đồng euro.
Tuần qua chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm khi chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.184 điểm (giảm 5,3%). Chỉ số TOPIX Index cũng giảm trong tuần, đóng cửa ở 1.596 điểm (giảm 5%). Vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng Yên đứng ở mức 111,72 yên/đô la Mỹ.
Vào ngày thứ Năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masazumi Wakatabe cho biết rằng việc cố gắng thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đẩy nền kinh tế của Nhật Bản vào suy thoái. Ông tin rằng để ngăn chặn bong bóng tài sản, BoJ cần tập trung vào việc thiết lập các bước nhanh chóng và đầy đủ để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Ông Wakatabe là một người ủng hộ chính sách kích thích tiền tệ tích cực.
Các chỉ số thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc diễn biến trái chiều trong tuần qua, đồng thời đồng nhân dân tệ lại chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua so với đô la Mỹ vào hôm thứ Sáu. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.598 điểm (tăng 1,3%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 24.717 điểm (giảm 3,7%). Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng nhân dân tệ suy yếu sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc có thể làm bất ổn nền kinh tế.
Lê Hằng
Theo Trí thức trẻ
CNY giảm giá, tăng nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam? Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đồng Nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh khiến Việt Nam chịu áp lực lớn trong việc hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam. Để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm...