Đồng Nai: tranh chấp đất mỏ, “quả bóng” chuyền khắp nơi
Một vụ thu hồi đất không lớn, nhưng quyết định không trước sau như một của địa phương làm xảy ra tranh chấp kéo dài từ năm 2009 đến nay và cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ban tiếp dân của Quốc hội phải vào cuộc mà vẫn chưa xong…
Năm 2009, khi Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) xin chủ trương thực hiện dự án mỏ đá Tân Cang (TP. Biên Hòa), UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý cho chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận bồi thường. Theo đó, Donacoop sẽ thỏa thuận đền bù với các hộ dân, trong đó có gia đình bà Lê Thị Phương Mai trên diện tích 10,57 héc-ta. Tuy nhiên, năm 2011, khi hai bên chưa thống nhất được số tiền đền bù thì TP. Biên Hòa đã 4 lần ra quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, cứ mỗi quyết định, mức giá đền bù lại khác nhau. Điều này dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Quyết định số 112 ngày 18/1/2011 số tiền đền bù là 32,925 tỷ đồng; Quyết định số 168 ngày 24/01/2011, mức đền bù là 21,477 tỷ đồng; Quyết định số 3528 ngày 17/10/2011, mức đền bù là 18,884 tỷ đồng; Quyết định số 3869 ngày 31/10/2011, mức đền bù là 9,507 tỷ đồng.
Mức giá phê duyệt đền bù không thống nhất và theo hộ dân này, còn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Đồng thời, mức giá đền bù giữa các hộ dân có sự chênh lệch khá cao cũng là lý do doanh nghiệp không thể thỏa thuận với dân. Chẳng hạn, thời điểm 15/12/2011 thì đơn giá bồi thường gia đình ông Nguyễn Văn Đây và bà Nguyễn Thị Cầm là 350.000 đồng/m2, trong khi đơn giá bồi thường cho gia đình bà Mai là 80.000 đồng/m2.
Nếu tính bằng đơn giá đền bù như gia đình ông Đây thì tổng mức đền bù cho gia đình bà Mai khoảng 37 tỷ đồng, nhưng tại quyết định cuối cùng gia đình bà Mai nhận được thì mức bồi thường chỉ còn 9,507 tỷ đồng.
Bức xúc trước mức tiền đền bù ngày càng giảm, gia đình bà Mai đã gửi đơn khiếu kiện đến nhiều cơ quan, khi sự việc chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng thì ngày 16/1/2015, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa ra Quyết định số 110 cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình bà Mai. Theo đó, thời gian thực hiện cưỡng chế từ ngày 16/1/2015 đến ngày 15/4/2015. Nhưng chỉ sau 12 ngày ra quyết định, TP. Biên Hòa đã thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp phá dỡ toàn bộ công trình trên đất và tịch thu tài sản trên đất, theo đơn của gia đình bà Mai, ước tính toàn bộ số tài sản khoảng 3 tỷ đồng…
Gia đình bà Mai cho biết: “Chúng tôi không muốn tranh chấp kéo dài, chỉ mong được đền bù thỏa đáng, công bằng như các hộ dân khác…, nhưng chúng tôi không được giải thích rõ ràng lý do thay đổi số tiền đền bù.” Không chỉ khó hiểu từ những lần ra quyết định đền bù đến khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, UBND TP. Biên Hòa cũng chưa đưa ra phương án tái định cư cho giai đình bà Mai. Trước sự việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phải có phương án tái định cư khi thu hồi đất. Ban tiếp công dân của Quốc hội cũng yêu cầu địa phương giải quyết sự việc trên, không để khiếu kiện kéo dài.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về sự việc nêu trên, UBND TP. Biên Hòa tìm cách “né” bằng câu trả lời chung chung “sẽ có câu trả lời cụ thể cho sự việc trên” mà không hẹn thời hạn.
Có hay không chuyện mập mờ trong thu hồi đất liên quan đến cấp quyền khai thác mỏ đá cần được làm rõ, bởi trữ lượng khai thác tại mỏ đá Tân Cang được cho biết lên đến hàng trăm triệu m3. Quan sát tại hiện trường khu vực đang tranh chấp cho thấy Donacoop đã triển khai dự án trên phần đất đang tranh chấp. Như vậy, từ quyết định cưỡng chế thu hồi đất, Donacoop đã đẩy được “ quả bóng” tranh chấp sang sân của UBND TP. Biên Hòa.
Theo quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, tỉnh sẽ đưa vào khai thác 41 mỏ, diện tích trên 1.700 héc-ta với trữ lượng hơn 368 triệu m3; trong đó, có 31 mỏ đá, 3 mỏ sét gạch ngói và 7 mỏ cát xây dựng ở dưới sông. Ngoài ra, Đồng Nai cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch khoáng sản thành 103 khu vực với tổng diện tích trên 7.000 héc-ta và lượng tài nguyên dự báo lên đến gần 661 triệu m3. Tại Đồng Nai, do địa hình khai thác dễ, ít vốn đầu tư, đem lại lợi nhuận cao nên tài nguyên đang được tận dụng khai thác triệt để. Tuy nhiên, không nên vì thế mà quyền lợi của những người dân có đất trên địa bàn không được xem xét thỏa đáng.
Theo Trung Kiên
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Người mang quan tài đòi đền bù vẫn chưa được nhận tiền
Lý giải rằng có tới 4 hộ dân nhận sở hữu cùng một lô đất trong khi anh Tịnh không chịu hợp tác xác minh nên chính quyền TP Tam Kỳ (Quảng Nam) chưa thể giải quyết đền bù dù đã hứa chi trả gấp cách đây gần một tháng.
Ngày 5/12, UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam), làm việc với anh Đoàn Văn Tịnh (41 tuổi, xã Tam Ngọc), để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng sau khi anh này tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên chính quyền để được chi trả. Anh Tịnh là người mang áo tang, khiêng quan tài lên đường cao tốc để phản ứng về công tác bồi thường.
Tại buổi làm việc, anh Tịnh cho rằng, trong buổi đối thoại ngày 11/11, ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (đơn vị làm công tác bồi thường), đã trực tiếp xin lỗi anh đồng thời hứa sẽ giải quyết, chi trả gấp tiền đền bù. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, việc này vẫn chưa được giải quyết. "Ba tôi đang bệnh rất nặng, mảnh đất đó là cả gia tài. Chúng tôi chết đói đến nơi rồi, sao chính quyền mãi không chịu giải quyết", anh Tịnh hét lớn.
Anh Tịnh từng đưa quan tài lên đường cao tốc để phản ứng, người này sau đó được chính quyền xin lỗi và hứa sẽ chi trả gấp. Ảnh. Tiến Hùng.
Ông Bùi Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho hay sở dĩ vẫn chưa giải quyết xong là do có 4 hộ dân khác đang tranh chấp mảnh đất này với anh Tịnh. "Có 4 hộ đứng ra nhận đất đó của họ nên phải giải quyết. Họ có quyền, ai cũng bình đẳng như nhau cả", ông Ánh nói và cho biết chính quyền đã mời anh Tịnh ra đo đạc nhưng hộ này không chịu hợp tác.
"Anh Tịnh đòi phải được đền bù hơn 2.000m2 đất như xác nhận của xã trước đó nhưng khi kiểm tra lại thì đường cao tốc chỉ đi qua một nửa diện tích này. Mà trong diện tích còn lại cũng có đến 4 hộ khác nhận là của mình nên phải mời tất cả ra để đối chứng nhưng anh Tịnh không hợp tác thì giải quyết sao được", ông Ánh nói.
"Tại sao bây giờ lại lấy lý do những hộ khác đứng ra nhận chủ mảnh đất này để không chịu chi trả trong khi trước đó chính quyền đã chứng nhận toàn bộ mảnh đất này không có tranh chấp và thuộc sở hữu của tôi", anh Tịnh phản bác và đưa ra bằng chứng là giấy chứng nhận của xã Tam Ngọc.
Về việc này, ông Ánh thừa nhận chính quyền đã làm sai khi đo đạc và cấp chứng nhận sở hữu đất cho anh Tịnh. "Tôi đã đề nghị kiểm điểm các cán bộ xã Tam Ngọc làm sai quy trình. Mặc dù xã đã chứng nhận nhưng thành phố là cấp trên, có quyền bác bỏ chứng nhận đó", ông Ánh khẳng định.
Buổi làm việc đã phải kết thúc sớm khi anh Tịnh và một số cán bộ TP Tam Kỳ mất bình tĩnh, lớn tiếng qua lại. "Tôi sẽ kiện ra tòa", anh Tịnh nói lớn trước khi rời khỏi phòng.
Buổi làm việc phải kết thúc sớm khi anh Tịnh và một số cán bộ TP Tam Kỳ mất bình tĩnh, lời qua tiếng lại. Ảnh. Tiến Hùng.
Theo nội dung vụ việc, năm 2011 nhà chức trách tiến hành giải tỏa mặt bằng để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua xã Tam Ngọc. Thời điểm này, hộ anh Tịnh canh tác trên mảnh đất rộng hơn 2.000 m2 tại vị trí tuyến đường sẽ đi qua. Tuy nhiên, cán bộ đền bù xác định mảnh đất này trước đây là mương thủy lợi nên chỉ đền bù hoa màu trên đất. Hộ anh Tịnh đồng ý nhận số tiền bồi thường hơn 40 triệu đồng.
Một thời gian sau, anh Tịnh làm đơn khiếu nại vì biết được theo quy định mảnh đất của anh phải được đền bù giải tỏa chứ không chỉ bồi thường hoa màu trên đất vì gia đình khai hoang trước thời điểm 1/7/2004. Ngoài ra, một phần mảnh đất mặc dù tuyến đường không đi qua nhưng hoa màu bị tàn phá, ảnh hưởng trong quá trình thi công nên anh Tịnh cũng yêu cầu được đền bù. "Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi mới biết đất này hộ anh Tịnh khai hoang hơn 10 năm trước Theo quy định không còn thuộc sở hữu của chính quyền, người dân được nhận tiền đền bù", ông Nguyễn Ngọc Trai khẳng định.
Xã Tam Ngọc sau đó cử cán bộ đo đạc và xác nhận hơn 2.000 m2 đất thuộc quyền sở hữu của hộ anh Tịnh. Tuy nhiên, nhà chức trách không chịu chi trả hàng trăm triệu tiền đền bù cho hộ dân này. Sau nhiều lần "gõ cửa" cơ quan công quyền nhưng không được giải quyết, sáng 10/11 anh Đoàn Văn Tịnh mang áo tang cùng hàng chục người dân khiêng quan tài lên đường cao tốc đang thi công để cản trở, gây áp lực với chính quyền. Sau cuộc đối thoại với lãnh đạo chính quyền TP Tam Kỳ cùng lời hứa sẽ được chi trả đền bù gấp, anh Tịnh đã đưa quan tài ra khỏi đường cao tốc.
Về số tiền thưởng 500 triệu đồng dành cho những hộ dân sớm bàn giao mặt bằng nhưng không được chi trả 4 năm nay, ông Bùi Ngọc Ánh cho biết đã giải quyết xong. "Đến nay toàn bộ số tiền đã được chi trả cho người dân. Cán bộ công tác bồi thường giải thích rằng do thủ tục rườm rà nên chậm trễ. Tuy nhiên, thành phố cũng đã kiểm điểm từng cá nhân liên quan", ông Ánh nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Trụ sở nghìn tỷ của Hải Phòng chưa nên làm ngay Trao đổi với ĐTCK, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, cần triệt để thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm. Các dự án xây dựng trụ sở hoàng tráng cần phải xếp sau các dự...