Đồng Nai gặp gỡ thân nhân 71 liệt sĩ hy sinh tại sân bay Biên Hòa
Tìm thấy hài cốt người thân sau gần 50 năm, thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 không kìm nén được xúc động.
Ông Nguyễn Phú Cường – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tặng quà tri ân các chiến sĩ chiến đấu trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Phước Tuấn.
Chiều 11/12, Tỉnh ủy Đồng Nai gặp mặt thân nhân của 71 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hòa. Đây là các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2, trung đoàn 4, sư đoàn 5 và tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa chôn tại hố tập thể, được tìm thấy hồi tháng 4 tại phía Đông sân bay Biên Hòa.
Theo đại tá Mai Xuân Chiến – Phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, cuộc tìm kiếm hố chôn tập thể trên kéo dài trên 20 năm. Được sự giúp đỡ của hai cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Đồng Nai cũng như đối chiếu các thông tin có được từ trước, cuối cùng cơ quan chức năng đã tìm thấy hố chôn tập thể.
Sau hơn một tháng quy tập, nhiều hài cốt gồm xương, sọ, răng… được phát hiện, tuy nhiên do đã quá lâu, nhiều thi thể bị phân hủy pha lẫn vào đất. Nhiều vật dụng của các chiến sĩ cũng được tìm thấy dưới hố chôn, như: cặp nhẫn bằng vỏ đạn, dép rọ nhựa, bi đông đựng nước, bật lửa, thắt lưng, mảnh vải dù…
Qua xác minh từ nhiều nguồn tư liệu, tỉnh Đồng Nai xác định được thân nhân 66 trong 71 liệt sĩ hy sinh, đến từ 23 tỉnh thành, chủ yếu ở phía Bắc.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, thân nhân của các liệt sĩ không kìm nén được xúc động và hạnh phúc vì gần 50 năm mới tìm thấy hài cốt của người thân.
“Ngày ấy, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử anh hy sinh trong chiến trường miền Nam chứ không rõ ở đâu. Sau hàng chục năm tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng gia đình cũng tìm thấy anh, không có niềm vui nào bằng”, bà Nguyễn Thị Chuyên (64 tuổi, quê Hải Phòng), em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm, bộc bạch.
Video đang HOT
Bà Hoa mang di ảnh cha từ quê vào Nam dự lễ truy điệu và an táng. Ảnh: Phước Tuấn.
Còn bà Vũ Thị Hoa (54 tuổi, quê Thanh Hóa, đang định cư ở Đức) cho biết, khi nghe gia đình anh trai báo tin đã tìm thấy hài cốt cha, bà tức tốc bay về nước.
“Ngày cha lên đường vào Nam chiến đấu thì tôi mới 2 tuổi. Hai năm sau, gia đình nhận tin cha hy sinh. Sau này, dù ở nước ngoài nhưng tôi luôn canh cánh mong mỏi được tìm thấy hài cốt cha, đưa cha về quê, còn không thì phải biết nơi cha nằm xuống, ngày mất để mà hương khói”, bà Hoa chia sẻ.
Ngày mai, Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ tổ chức lễ truy điệu và an táng cho 71 liệt sĩ được tìm thấy đợt này tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Các liệt sĩ sẽ được an táng tại một phần mộ tập thể, tên tuổi được khắc lên một tấm bia chung.
Phước Tuấn
Theo VNE
Manh mối tìm mộ tập thể 150 liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa
Từ bình luận của cựu binh Mỹ trên Internet, ông Thắng tìm thêm các manh mối về hố chôn tập thể liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai ngày 12/7 sẽ làm lễ truy điệu, đưa hài cốt khoảng 150 bộ đội ở sân bay Biên Hòa vào nghĩa trang liệt sĩ.
Việc tìm thấy ngôi mộ tập thể được đánh giá là khá hy hữu, xuất phát từ dòng bình luận của cựu binh Mỹ dưới một tấm ảnh trên Internet. Lần tìm thêm dấu vết cũng là Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - người vừa cung cấp thông tin tìm mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Không ảnh sân bay Biên Hòa trước năm 1975.
Ông Thắng kể, manh mối ban đầu là dòng bình luận của cựu binh Mỹ Bob Connor dưới một bức ảnh sân bay Biên Hòa được ông đưa lên Internet từ nhiều năm trước. Cựu binh này cho biết từng nhìn thấy việc chôn lấp thi thể bộ đội Việt Nam ở khu vực này vào năm 1968.
"Tôi liên hệ với ông ấy ngay sau khi đọc được thông tin. May mắn, thời điểm đó website ảnh mà tôi sử dụng sắp đóng cửa, chậm chút nữa cựu binh Mỹ kia có muốn bình luận cũng không được", ông Thắng nói.
Ông Bob Connor nguyên là trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa. Nhiệm vụ của ông là ngồi trên tháp nước cao, quan sát xung quanh để báo động nếu thấy dấu hiệu sân bay bị tấn công.
"Bob không trực tiếp tham gia việc chôn lấp. Thời điểm đó ông đang trong ca trực, ngồi trên tháp nước cao cách hiện trường khoảng 2 km. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, Bob không thể nhớ cụ thể chỗ chôn bộ đội. Ông ấy khoanh trên tấm hình khu vực nghi có mộ liệt sĩ rất rộng, tương đương mấy sân bóng đá", ông Thắng kể.
Hố chôn tập thể được phát hiện phía Đông Nam sân bay Biên Hòa. Ảnh: Thái Hà.
Thông tin ban đầu về mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa khá ít, chưa đủ thuyết phục nên ông Thắng chưa thể cung cấp cho cơ quan chức năng. Không bỏ cuộc, ông và các cộng sự dành nhiều thời gian kiếm thêm các tài liệu về trận đánh vào sân bay Biên Hòa năm 1968, các hình ảnh liên quan cũng như hỏi thêm các cựu chiến binh của Việt Nam và cả phía Mỹ.
"Khi thông tin tương đối đầy đủ, tôi gửi cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Họ cảm ơn và cho biết từ sau năm 1975 đến nay chưa bao giờ tìm được hài cốt liệt sĩ ở khu vực này", ông Thắng nói.
Sau khi xác định các thông tin do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cung cấp là có cơ sở, cơ quan chức năng đã mời ông Bob và Martin E.Strones (nguyên đại tá phụ trách quốc phòng của Mỹ từng tham chiến tại sân bay Biên Hòa, chỉ huy việc chôn lấp) đến Việt Nam giúp tìm kiếm mộ liệt sĩ.
"Hai cựu binh Mỹ rất trăn trở, rất mong muốn chỉ đúng chỗ để nhà chức trách tìm thấy mộ tập thể liệt sĩ. Tuy nhiên, dù các vật mốc trong sân bay thay đổi không nhiều nhưng ký ức của họ không còn nguyên vẹn khi 50 năm đã trôi qua, nên tìm kiếm vị trí chôn lấp không hề dễ dàng", ông Thắng nói về thời điểm làm việc với 2 nhân chứng người Mỹ.
Tháp nước trong sân bay Biên Hòa, nơi cựu binh Mỹ Bob Connor đứng canh nay vẫn còn.
Triển khai từ ngày 17/3, các đơn vị của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đào xới liên tục các khu vực tình nghi. Hai cựu binh Mỹ mang máng hố chôn nằm cách con đường tuần tra trong sân bay Biên Hòa khoảng 20 m, song không thấy. Lực lượng chức năng tiếp tục cho đào rộng ra 2 bên, mỗi bên mấy trăm mét cũng không phát hiện dấu vết.
Gần một tháng sau, ngày 13/4, khi quay lại tìm ở vị trí lúc đầu, mộ tập thể của khoảng 150 liệt sĩ đã được tìm thấy. Những gương mặt xạm đen vì phơi nắng gió bao ngày qua nhòe nước mắt. Riêng ông Thắng thì "gai hết cả người" vì mừng.
"Qua việc này tôi rất tin tưởng vào các đơn vị tìm kiếm. Họ làm rất chặt chẽ, khoa học và nghiêm túc. Tôi mong mọi người hãy mạnh dạn cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi có bất cứ manh mối gì. Tất cả đều rất cần thiết cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ", ông Thắng chia sẻ.
Trung Sơn
Theo VNE
Nghi vấn mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM đang lập kế hoạch khảo sát, tìm kiếm mộ tập thể của các liệt sĩ hy sinh năm 1968 trong sân bay Tân Sơn Nhất. Nhận thông tin về các dấu vết ngôi mộ tập thể ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (nơi diễn ra các trận đánh ác liệt ngày 30/1/1968 và ngày 1/2/1968), Trung tâm Phát thanh...