Đồng Nai đề nghị loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai vừa có văn bản chính thức gửi Chính phủ và Quốc hội đề nghị “Loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai 2 bậc 6 và 6A”.
Phá hoại tài nguyên môi trường
Theo ông Trí, ảnh hưởng đầu tiên của thủy điện Đồng Nai 6, 6A (ĐN 6, 6A) đến tự nhiên là tác động trực tiếp đến dòng chảy của sông Đồng Nai, trước tiên là hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Trong đó, Bàu Sấu là một đại diện điển hình, được ví như là “trái tim” của VQG Cát Tiên và đã được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Trong văn bản này, Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (gọi tắt là BQL) bày tỏ quan ngại vì hệ sinh thái đất ngập nước như Bàu Sấu rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi nếu quản lý không thích hợp. Ông Nguyễn Thành Trí lo thủy điện ĐN 6, 6A sẽ làm Bàu Sấu và các bàu lân cận mất dần các giá trị và chức năng của vùng đất ngập nước; mất đi sinh cảnh của nhiều loài quý hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng; cản trở sự di cư của một số loài cá và làm giảm tính đa dạng sinh học…
Các nhà khoa học của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam bàn bạc thực địa cùng chủ đầu tư tại vị trí dự kiến xây dựng thủy điện ĐN 6, 6A
Theo ông Trí, việc chặn dòng sông còn làm thay đổi môi trường sinh thái, khiến các loài khó thích nghi với môi trường mới, hạn chế khả năng sinh sản và làm thay đổi chất dinh dưỡng trong nước, nước sông có thể ô nhiễm. Đồng thời, hành động này còn làm cô lập các quần thể sinh vật trong hệ sinh thái nước ở phía trên và dưới đập, không đủ nguồn nước, các sinh vật sẽ không thể tồn tại, các bàu sẽ biến mất…
BQL cũng khẳng định một lần nữa quan điểm cho rằng diện tích rừng bị hai dự án ĐN 6, 6A xâm hại không phải là rừng nghèo mà có nhiều loài thực vật quý như cẩm lai, trắc, mun… Ngoài ra, BQL còn lo ngại việc xây dựng đập và mở đường sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc và phương tiện dễ dàng tiếp cận VQG Cát Tiên để săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản, làm tăng nguy cơ phá rừng.
Video đang HOT
Về mặt hệ sinh thái – môi trường, theo ông Nguyễn Thành Trí, nếu làm thủy điện ĐN 6, 6A sẽ góp phần phá vỡ các hệ sinh thái, cấu trúc rừng nguyên sinh một cách nhanh chóng; phá hủy thảm thực vật đặc trưng với 5 kiểu rừng vốn rất đa dạng và phong phú về thành phần loài.
Ngoài ra, theo tính toán của BQL thì trong quá trình xây dựng thủy điện, đơn vị thi công phải mở đường, nổ mìn khai thác đá, vận chuyển vật liệu… sẽ gây chấn động, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã. Ông Trí cho rằng: “Ước tính khoảng 850 tấn thuốc nổ sử dụng trong vòng 3 năm, 0,8 – 0,9 tấn thuốc nổ/ngày, cộng với ô nhiễm, tiếng ồn, khói bụi… sẽ tác động lớn đến các loài động vật trong khu vực”.
Ảnh hưởng đến đời sống người dân
Về mặt kinh tế – xã hội, BQL lo ngại khi cho xây dựng hai dự án thủy điện trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân vùng hạ lưu. Cụ thể là khi xây dựng ĐN 6, 6A sẽ làm thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét… vào mùa mưa khiến việc sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng sẽ rất khó khăn.
Vào mùa khô BQL lại lo ngại thủy điện ĐN 6, 6A sẽ gây ra tình trạng khô hạn khiến lượng nước tưới ít đi, giảm nguồn lợi thủy sản và nước mặn sẽ xâm nhập vào sâu hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân.
Ông Nguyễn Thành Trí còn cho rằng: “Nó còn chôn vùi di chỉ văn hóa Cát Tiên, ảnh hưởng đến văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ít người, đặc biệt là dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng đang sinh sống ở vùng hạ lưu ven sông Đồng Nai, ảnh hưởng giá trị tinh thần, tâm linh, sức khỏe, an toàn của người dân địa phương”.
Ngoài ra, theo ý kiến của BQL, chủ trương thực hiện hai thủy điện ĐN 6, 6A phải xem xét thêm các quy định phát luật khác như Nghị quyết 49/2010/QH12 về Dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (do mỗi dự án đều chiếm trên 50ha rừng đặc dụng VQG Cát Tiên); Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đa dạng sinh học; Luật Di sản văn hóa; Công ước Quốc tế Ramsar…
Đánh giá chung, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Mặc dù nếu hai dự án thủy điện trên được xây dựng sẽ mang lại hiệu quả về mặc kinh tế, xã hội nhất định. Tuy nhiên, xét tổng thể về các tác động của hai dự án đến tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, sinh thái – môi trường, kinh tế – xã hội… việc thực hiện phát luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì những tác động bất lợi do 2 dự án mang đến đối với kinh tế – xã hội, môi trường và cuộc sống người dân trong khu vực là lớn hơn so với hiệu quả của 2 dự án”.
Do đó, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã gửi văn bản chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xem xét không triển khai thực hiện xây dựng 2 thủy điện ĐN 6, 6A; đồng thời loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện bậc thang sông Đồng Nai 2 bậc 6 và 6A.
Theo Dantri
Kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Ngày 16/12, các nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã dành toàn bộ thời gian trong buổi hội nghị thường niên để báo cáo các tham luận phản đối việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
Rừng sẽ mất nhiều hơn con số trong báo cáo
Năm nay, hội nghị thường niên của VRN tổ chức tại TPHCM lấy chủ đề "Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A", một vấn đề mà tổ chức này đã theo đuổi và liên tục lên tiếng trên công luận suốt 2 năm qua.
Các nhà khoa học thuộc VRN khảo sát thực địa tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, nhận định sự phát triển thủy điện tại nước ta quá nhanh. Việc có quá nhiều thủy điện sẽ biến hệ thống sông ngòi bị chia cắt thành các hồ chứa nhân tạo. Do đó, các yếu tố liên quan đến đặc điểm thủy văn của hệ thống sông ngòi, sự biến động theo mùa và dự trữ nước theo quy luật của dòng sông bị phá vỡ.
Nói riêng về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Đào Trọng Tứ, chuyên gia thủy lợi, thủy điện cho rằng: "Chỉ tính riêng trên lưu vực sông Đồng Nai đã có hệ thống thủy điện dày đặc, khiến các dòng sông bị tan vỡ. Nếu thực hiện thêm 2 dự án thủy điện 6 và 6A tại đây thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực".
Các nhà khoa học thuộc VRN nghi ngại về diện tích rừng thực tế bị mất khi triển khai dự án sẽ cao hơn trong báo cáo mà chủ đầu tư đưa ra. Theo báo cáo thì dự án Đồng Nai 6A sẽ làm mất hơn 174 ha rừng, còn Đồng Nai 6 mất gần 198 ha.
TS Lê Tự Trình, chuyên gia về môi trường, lấy ví dụ thủy điện hồ Trị An theo quy hoạch phạm vi ảnh hưởng chỉ 210km2, nhưng đến nay đã có hàng ngàn km2 bị phá vỡ. Do đó, ông cho rằng: "Nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thực hiện thì không phải 300ha bị ảnh hưởng như báo cáo mà con số này sẽ lớn hơn rất nhiều".
Kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Theo TS Lê Anh Tuấn, khi chúng ta cố triển khai các dự án thủy điện nhỏ thì "cái được không bằng cái mất" vì việc xây dựng thủy điện ngoài việc mất rừng, mất sinh kế người dân, còn mất nhiều khoản tài trợ khác từ chính phủ các nước; mà lợi nhuận từ các thủy điện mang lại chưa chắc đã bằng các khoản tài trợ đó.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đề nghị: "Cần phải có một đơn vị thẩm định độc lập, dựa vào một nguồn kinh phí riêng để có một cái nhìn khách quan hơn về tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến môi trường cũng như hàng triệu người dân trong khu vực sông Đồng Nai".
Ông Mùi nói thêm: "Từ trước đến giờ chúng ta vẫn hay làm theo cách cũ đó là các đơn vị thẩm định luôn dựa vào nguồn kinh phí của chủ đầu tư để hoạt động. Như vậy ít nhiều cũng cón chút thiên vị cho chủ đầu tư, đây là một điều mà các chuyên gia đang lo ngại".
Còn ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thể hiện quyết tâm của chính quyền tỉnh Đồng Nai: "Đồng Nai kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xây dựng giữa rừng quốc gia. Vì không thể không nghĩ đến hàng triệu cư dân hạ du, trong đó có người dân của tỉnh".
Ông Đào Trọng Tứ cho rằng: "Việc xây dựng thủy đện Đồng Nai 6 và 6A nếu đem lại lại ích to lớn nhưng không có thiệt hại gì nghiêm trọng tại sao người dân lại phản ứng đến vậy. Đây là một điều mà khuất tất mà các đơn vị thẩm định, phê duyệt cần làm rõ".
Theo Dantri
Công ty Nước sạch Hà Nội đảm bảo cấp nước hè 2013 Chiều 3-5, theo đại diện lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, công tác cấp nước mùa hè 2013 đã chính thức được công ty triển khai từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-10-2013, để đảm bảo duy trì cấp nước ổn định trong thời gian này. Cụ thể, công ty thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng duy tu máy móc thiết...