Đồng lương hưu sẽ hao hụt
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) do Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây và thông qua vào kỳ họp thứ 8, lương hưu của cán bộ, viên chức Nhà nước, công chức tham gia BHXH từ ngày 1-1-2015 sẽ thay đổi cách tính. Cụ thể, thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu như hiện nay sẽ chung cách tính lương hưu theo bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH giống như đối với người lao động khu vực ngoài Nhà nước.
Công chức, viên chức thường có thời gian làm việc 20-30 năm, trong đó những năm đầu, lương tương đối thấp nên nếu phải tính lương hưu theo bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH thì lương hưu sẽ giảm khá mạnh. Khi mà lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực Nhà nước đang tăng với mức khoảng 10%-15% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ được hưởng lương hưu ở mức tạm chấp nhận được. Nhưng tới đây, nếu thực hiện việc thay đổi cách tính lương hưu theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì lương hưu vốn ít ỏi của công chức, viên chức có nguy cơ hao hụt đi. Khoản lương hưu hiện chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của đa số công chức, viên chức sau khi nghỉ hưu, nếu phải giảm đi, cuộc sống hưu trí chắc chắn trở nên khó khăn hơn khi vật giá ngày càng đắt đỏ. Nếu người về hưu không có một ít “của để dành” hay không kiếm được công việc làm thêm thì có nguy cơ phải chạy ăn từng bữa.
Dù cho đến nay đóng BHXH thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước, nhưng lương khởi điểm của công chức, viên chức và người lao động ngoài Nhà nước có mức chênh lệch khá cao, nên mới có việc tính lương hưu theo bình quân 10 năm trước khi nghỉ. Để công bằng, lương khởi điểm của người lao động trong và ngoài Nhà nước phải tương đương nhau để một khi đã đóng như thế nào, hưởng như thế đó. Bằng không sẽ có chuyện “chảy máu chất xám hay nhân lực” từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân. Chưa tính đến việc đồng tiền từ năm 2015 về sau có ổn định không hay vẫn trượt giá như bây giờ. Sau 20-30 năm, tiền trượt giá mà BHXH lại lấy mức tính bình quân đóng bảo hiểm của mấy chuc năm đó để trả lương hưu là không hợp lý, làm khó cho cuộc sống người công chức, viên chức nghỉ hưu.
Video đang HOT
Thực tế, đang có nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí. Tỉ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động có xu hướng tăng mạnh. Từ nhiều nguyên nhân khác nhau, số thu BHXH cho lương hưu sẽ bằng số chi ra vào năm 2023 nếu cứ đóng BHXH và chi lương hưu như hiện nay. Từ sau năm 2023, muốn chi lương hưu phải sử dụng số dư kết từ nguồn thu BHXH của những năm trước. Đến khoảng năm 2034, nguồn quỹ cũng sẽ hết, không còn tiền để chi lương hưu! Bởi vậy, thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức có thể là một giải pháp giảm nhẹ bớt áp lực lên quỹ lương hưu.
Cách tính lương hưu mới cho công chức, viên chức sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết định tại Quốc hội, chắc chắn sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Song để có thể giải quyết vấn đề quỹ lương hưu một cách căn cơ, thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn thì cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó phải tính đến việc nâng cao độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cũng đáng bàn là quỹ lương hưu là quỹ đầu tư. Người lao động đóng bảo hiểm hưu trí, cơ quan thu phải tính đầu tư chứ không phải là tiền “chết”, để rồi cạn kiệt nguồn chi.
Theo ANTD
Để tránh nguy cơ "vỡ" quỹ lương hưu
"Việt Nam đang trải qua thời kỳ dân số lão hóa nhanh. Điều này tác động mạnh tới quỹ lương hưu" - ông Carlos Galian, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nghiên cứu về quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhấn mạnh. Cũng theo dự báo của ILO, đến năm 2020, quỹ lương hưu của Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt và cạn kiệt vào năm 2029.
Dân số lão hóa nhanh ảnh hưởng lớn tới quỹ hưu trí
- Được biết ILO đang nghiên cứu về Quỹ BHXH trong đó đặc biệt là quỹ hưu trí của Việt Nam. Ông có thể cho biết đánh giá đến thời điểm này về thực trạng Quỹ BHXH Việt Nam?
- Quỹ BHXH Việt Nam đã có thời gian hoạt động 10- 15 năm nay và đang có đà phát triển cao cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cũng chính sự phát triển nóng của nền kinh tế đã tác động đến tính bền vững của quỹ BHXH, đặc biệt là quỹ hưu trí. Hiện tại hệ thống BHXH của Việt Nam đang bộc lộ sự lỏng lẻo. Có thể thấy hiện nay số người tham gia đóng BHXH mới chiếm 20% lực lượng lao động. Tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu có xu hướng giảm nghiêm trọng. Nếu năm 1996, có 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu, thì đến năm 2011, chỉ còn gần 10 người đóng cho một người hưởng. Hiện tại ILO đang hoàn thành báo cáo thực trạng quỹ hưu trí Việt Nam và đưa ra nhưng tình huống của quỹ này trong tương lai nếu không có những thay đổi cần thiết. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo này vào cuối tháng 8 năm nay.
- Nguy cơ vỡ quỹ BHXH đang được cảnh báo, vậy nguyên nhân chính là gì và hệ quả sẽ đến đâu, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, hệ thống BHXH của Việt Nam đã cho thấy có sự lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn nữa là tình trạng tăng dân số cơ học và sự lão hóa nhanh. Hiện Việt Nam đang trải qua thời kỳ lão hóa dân số khá nhanh. Năm ngoái, 10% dân số Việt Nam quá 60 tuổi. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam lại đang ở mức khá thấp với mức trung bình là 53 tuổi. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam lại ngày càng cao hơn, có thể lên tới 80 tuổi. Như vậy, hiện trạng quỹ hưu trí của Việt Nam là thời gian đóng bảo hiểm rút ngắn đi, nhưng thời gian hưởng lại ngày càng kéo dài. Sự thay đổi dân số cơ học này cộng với việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ dẫn tới nguy cơ thâm hụt và cạn kiệt quỹ hưu trí. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng rất nhiều lao động trẻ hiện vẫn đang đóng BHXH nhưng tương lai sẽ có khả năng không được hưởng lương hưu.
- Vậy ILO chắc chắn đã có đề xuất về những giải pháp tránh khả năng xấu nhất xảy ra?
- Mặc dù quỹ hưu trí của Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ nói trên nhưng điểm tích cực của hệ thống BHXH Việt Nam là hệ thống này còn mới và hoàn toàn có thể thay đổi nếu được cải tổ kịp thời. Theo tôi nhận thấy, hiện nay Việt Nam đã nhận thấy được vấn đề nên Chính phủ và các tổ chức chính quyền đều quan tâm và đặt ra yêu cầu phải cải tổ. Theo tôi, có 3 điều cần làm để tránh nguy cơ cạn kiệt quỹ hưu trí, đó là nâng tuổi nghỉ hưu trung bình của người lao động, quy định tuổi nghỉ hưu nam nữ bằng nhau và thay đổi công thức tính lương hưu, quy định chênh lệch phần trăm cao hơn nếu người lao động nghỉ sớm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
"Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Luật BHXH nhằm tránh nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, dự thảo đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ bằng nhau là 62 tuổi; đồng thời nâng thêm 5 tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội."
Theo ANTD
Kiểm tra quỹ lương doanh nghiệp Nhà nước Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã triển khai 5 đoàn kiểm tra 25 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước về quản lý, sử dụng quỹ tiền lương. Theo chỉ đạo của UBND TP, các Tổng công ty, công ty phải kiểm tra toàn diện về chính sách lao động và tiền lương; Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP kiểm tra riêng 3 công ty dịch vụ...