Động lực mong manh
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi mong manh, G-20 cho rằng thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo ra thêm nhiều việc làm sẽ là động lực chính giúp thoát khỏi khó khăn.
Các Bộ trưởng Tài chính G-20 quan ngại về triển vọng kinh tế của các thành viên
Thông cáo chung đưa ra sau phiên họp trong 2 ngày 19 và 20-7 tại Thủ đô Matxcơva của Nga, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Đây vừa là động lực hiệu quả hơn cả trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi “mong manh và không đồng đều”.
Rất dễ hiểu vì sao mà các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc G-20, trong cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nhóm này diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Nga vào đầu tháng 9 tới, lại nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Bởi những con số thống kê mới đây cho thấy cả các nước công nghiệp phát triển và quốc gia mới nổi trong G-20 đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong 2 chỉ số quan trọng bậc nhất của nền kinh tế này.
Video đang HOT
Chỉ 10 ngày trước cuộc họp của lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng G-20 tại Matxcơva, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 10-7 lại một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013. Hai nguyên nhân chính khiến IMF lần thứ 3 phải hạ mức dự báo là do tình trạng suy thoái kéo dài tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tốc độ phát triển chậm hơn của các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc.
IMF đã hạ tỷ lệ tăng GDP của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc năm 2013 xuống lần lượt 1,7% và 7,8%, trong khi GDP của Eurozone, do bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái, là – 0,6%, gấp đôi mức dự báo hồi tháng 4-2013. Cùng với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tốc độ tăng GDP của các nền kinh tế lớn mới nổi lên khác như Brazil và Nam Phi cũng đều sụt giảm khá mạnh so với dự báo trước đó.
Song hành với tốc độ tăng trưởng thấp là nỗi lo lắng sâu sắc khi tỷ lệ thất nghiệp của nhiều nước G-20 vẫn giữ ở mức cao kỷ lục. Ngay trước lúc các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc G-20 nhóm họp tại Matxcơva, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã lên tiếng thúc giục nhóm này phải tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp bởi đã 5 trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức đặc biệt cao tại các nước G-20.
Theo báo cáo mới nhất của ILO và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng tại phần lớn các quốc gia nhóm G-20, trong đó Eurozone lên tới trên 12%, Mỹ gần 8%… Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao trong giới trẻ các nước G-20, mà có nước lên tới tỷ lệ khó tin là trên 50% số thanh niên, và việc tham gia của họ vào thị trường lao động cũng giảm, gây lo ngại cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
Giải quyết thách thức lớn đang phải đối mặt, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc G-20 sau 2 ngày nhóm họp tại nước Nga đã cam kết cùng nỗ lực nhằm thúc đẩy các chương trình thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Theo ANTD
Dư chấn khủng hoảng nợ
Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tiếp tục gây ra những dư chấn nặng nề cho cả kinh tế và xã hội thế giới. Một trong những dư chấn đó là thất nghiệp trong giới trẻ đã lên tới mức kỷ lục.
Thanh niên Tây Ban Nha thất nghiệp biểu tình đòi cơ hội việc làm ở Thủ đô Madrid
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 4-9 cảnh báo tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng đồng euro lan rộng và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Trong báo cáo nhan đề "Tổng quan việc làm toàn cầu: Triển vọng thị trường lao động ảm đạm cho giới trẻ", tổ chức này khẳng định, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm trong giới trẻ.
Theo ILO, người trẻ tuổi trên thế giới có nguy cơ thất nghiệp cao gấp 3 lần so với người trưởng thành và có hơn 75 triệu thanh niên trên toàn cầu đang phải tìm kiếm việc làm. Tổ chức này cũng cảnh báo một thế hệ trẻ bị tổn thương khi đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao, công việc không ổn định ở các quốc gia phát triển, trong khi thanh niên ở thế giới thứ ba phải chịu cảnh nghèo đói kéo dài.
Số liệu điều tra, nghiên cứu trước đó của ILO cho biết, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp toàn cầu trong năm 2012 vẫn ở mức cao 12,7%, tăng 0,1% so với năm trước và sẽ tiếp tục ở đỉnh cao này ít nhất trong 4 năm tới. Theo ILO, nếu tính cả hơn 6 triệu thanh niên chọn giải pháp tiếp tục đi học hoặc từ bỏ thị trường lao động, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2012 sẽ lên tới 13,7%. Tổng số thanh niên thất nghiệp trên thế giới năm 2012 này sẽ lên tới gần 75 triệu người ở độ tuổi từ 15 - 24 , tăng 4 triệu người so với năm 2007.
Báo cáo của ILO cũng nêu rõ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 tại các nước phát triển, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đã tăng vọt. Trong đó, Hy Lạp và Tây Ban Nha là 2 nước có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới mức kỷ lục là tới 50%, tức là cứ 2 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp.
ILO dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại các nước phát triển có thể lên tới 18% trong năm 2012, trước khi giảm xuống 16% vào năm 2016 song vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp 12,5% của năm 2007. Còn tại các nước đang phát triển, tình trạng thanh niên thất nghiệp cũng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở Trung Đông và Bắc Phi, với tỷ lệ lên tới 26,9% trong năm 2012 và 29% vào năm 2016.
Nguyên nhân chính yếu dẫn tới sự gia tăng thất nghiệp của thanh niên thế giới, theo ILO, là do tác động của khủng hoảng nợ công ở EuroZone đã vượt ra khỏi châu Âu, tác động tới các nền kinh tế châu Á và Mỹ
Latinh thông qua việc giảm hoạt động xuất khẩu tới các nền kinh tế phát triển này. Thế nên, khu vực tưởng chừng "miễn nhiễm" với khủng hoảng nợ công châu Âu là Đông Á cũng có tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 9,5% trong năm nay lên 10,4% trong năm 2017.
Nhằm giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp, ILO kêu gọi các nước thực hiện những biện pháp đặc biệt để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, tạo nhiều việc làm thông qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tránh nguy cơ cả một thế hệ thanh niên bị thất nghiệp, đe dọa nghiêm trọng sự cố kết xã hội và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. ILO cho rằng, các nước cần thiết lập các hệ thống bảo hiểm việc làm và ưu tiên ngân sách cho đào tạo việc làm, đặc biệt là đối với lao động trẻ.
Theo ANTD
Obama tính hủy gặp Putin vì Snowden Nhà Trắng đang xem xét hủy bỏ kế hoạch gặp giữa tổng thống Mỹ và Nga dự kiến sẽ diễn ra tại Moscow vào tháng 9 tới, vì căng thẳng trong vấn đề trao trả hay cấp quyền tị nạn tạm thời cho "kẻ lộ bí mật" Edward Snowden. Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin...