Dông lốc kinh hoàng ở Hà Nội: Chuyện quy hoạch cây xanh đô thị
Cơn dông chiều 13/6 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản mà còn khiến người ta phải suy nghĩ nhiều về quy hoạch cây xanh đô thị
Cơn mưa dông kèm theo lốc xoáy chiều 13/6 vừa qua được xem là có cường độ mạnh nhất trong cả chục năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân Hà Nội.
Cây xanh gãy đổ đè nát xe cộ, gây chết người và tắc nghẽn giao thông, mất điện nhiều khu vực. Đành rằng thiên tai là điều không ai muốn, nhưng cơn dông này cũng để lại nhiều điều cần phải suy nghĩ về vấn đề quy hoạch cây xanh đô thị, một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị hiện đại văn minh.
Gió lốc kinh hoàng chiều 13/6 tại Hà Nội khiến 2 người chết do bị cây đè (Ảnh: Đỗ Hưng)
Chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ vần vũ, cơn mưa dông kèm theo gió lốc chiều thứ bảy đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân Hà Nội. Toàn thành phố có gần 1.300 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành; 2 người bị chết và hơn mười người bị thương, hàng chục xe máy, ô tôi bị cây xanh đè nát. Cơn dông đã gây thiệt hại ở hầu hết các quận nội thành, nhưng nặng nhất là quận Hai Bà Trưng với hơn 200 cây bị đổ, trong đó có 50 cây cổ thụ. Hai trường hợp tử vong khi di chuyển dưới trời mưa dông cũng đều ở quận này. Mưa gió cũng gây mất điện nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Dông lốc là hình thái thời tiết thường xảy ra trong mùa hè. Tuy nhiên, với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội, các chuyên gia khí tượng nhận định đây là biểu hiện cho những diễn biến cực kỳ nguy hiểm của thời tiết. Người dân Hà Nội cũng cho rằng đây là cơn dông kỳ lạ nhất, sức tàn phá cũng mạnh nhất trong khoảng chục năm trở lại đây trên địa bàn thủ đô.
Cây cối đổ ngã, nhà cửa, công trình hư hại vì sự tàn phá của dông lốc âu cũng là chuyện bình thường ở một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai bão lũ như nước ta. Vấn đề là một khi những hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu gây ra không còn là những cảnh báo xa xôi, trừu tượng nữa đã hiển hiện bằng những thiệt hại có thể đo đếm được bằng tài sản và tính mạng của con người thì rõ ràng, thiên tai bây giờ đã có nhiều bất thường. Từng chấp nhận ” sống chung với bão lũ”, “sống chung với hạn hán”, cũng không có gì ngạc nhiên khi phải chấp nhận “sống chung với dông lốc”. Vấn đề là lựa chọn cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nó gây ra mà thôi.
Không vì cây ngã làm hỏng ô tô, đè chết người mà lại không trồng cây xanh trong thành phố. Bởi, ngàn đời nay, cây xanh đã là một phần của các đô thị. Và cũng ít có nơi nào trên thế giới bảo tồn được nguyên vẹn không gian kiến trúc cổ xen giữa những khoảng không gian xanh như Hà Nội. Nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy, chúng ta không thể ứng xử với cây xanh đô thị theo kiểu có sao hay vậy, cây đổ tới đâu, cắt dọn đến đấy. Mà phải có một qui hoạch bài bản, một qui trình khoa học từ việc trồng, chăm sóc, chữa bệnh, cắt tỉa, tạo tán… sao cho mùa nắng, thành phố vẫn xanh mát; mà mùa dông bão cây vẫn không gãy đổ, hoặc nếu có, cũng không phải ngã đổ la liệt, gây kinh hoàng cho người dân như vừa rồi.
Video đang HOT
Không thể chấp nhận sự tồn tại những con phố mới, giá trị đầu tư lớn như phố Nguyễn Chí Thanh mà chỉ trồng toàn “cây tạp, để rồi phải thay thế đồng loạt” như cách giải thích của thành phố Hà Nội mới đây. Chọn cây gì hoặc nhóm cây gì, trồng ở đâu để thành phố xanh mát, môi trường sinh thái cân bằng, mỹ quan đô thị đảm bảo, người dân ai cũng muốn sống và được sống an toàn là việc mà các nhà qui hoạch đô thị, không chỉ riêng Hà Nội phải làm.
Vì vậy, một khi thiên tai đã có sự tiếp sức của nhân tai, để ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm, công tác dự báo, cảnh báo nhanh nhạy, chính xác của ngành khí tượng thủy văn là vô cùng cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc chuyển tải thông tin phòng chống thiên tai, thậm chí là phải áp dụng những hình thức cảnh báo đặc thù. Với người dân ở các đô thị lớn, cần tự bảo vệ mình trước tác động của thiên tai bằng việc tự trang bị những kỹ năng ứng phó phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng cho bản thân và gia đình./.
Hoàng Mai Anh
Theo_VOV
Hà Nội chặt vội, trồng nhầm!
Theo các chuyên gia, cây vàng tâm thuộc vào danh sách sẽ nguy cấp, là đối tượng bảo vệ của một số khu rừng cấm, vườn quốc gia. Dù quý hiếm nhưng đây là loại cây hoàn toàn xa lạ với các đô thị.
Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị 2 bên đường phố đã được UBND TP Hà Nội thông qua, các cây xanh tại 10 quận không đúng chủng loại cây xanh đô thị (cây cấm trồng); cây cong, xấu, ảnh hưởng mỹ quan, giao thông... sẽ bị chặt hạ với số lượng 6.700 cây, thay vào đó là cây vàng tâm và một số chủng loại cây trồng khác.
Quá vô lý!
Trong số các tuyến đường sẽ được trồng cây vàng tâm có đường Nguyễn Chí Thanh vừa được ráo riết thực hiện trong mấy ngày qua và đã trồng cây mới mà lãnh đạo TP khẳng định đây là cây vàng tâm. Tuy nhiên, những người thực hiện đã nhầm lẫn.
Các chuyên gia nhận định cây đang được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) như trong ảnh là không phù hợp
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (74 tuổi, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghiên cứu cây bóng mát và cây cổ thụ, hiện đang sinh hoạt tại Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường và Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) khẳng định cây được trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải là vàng tâm.
"Tôi đã 2 lần ra đường Nguyễn Chí Thanh để khảo sát xem họ trồng thế nào, trồng cây gì. Tôi khẳng định toàn bộ số cây trồng mới không phải là cây vàng tâm trong sách đỏ mà chỉ là cây mỡ, hay còn gọi là mỡ vàng tâm. Mỡ vàng tâm và vàng tâm là 2 cây hoàn toàn khác nhau" - ông Cường khẳng định.
Theo bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước (do Bộ Lâm nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1298-CNR ngày 26-11-1977) vẫn còn hiệu lực, cây vàng tâm có tên khoa học là Manglietia glauca Anet, cây mỡ có tên khoa học là Manglietia fordiana Oliv.
Ông Cường nói muốn đưa một cây rừng về trồng ở đô thị thì cần tiến hành các bước rất khoa học. Cụ thể, ban đầu phải gieo ươm và trồng trong vườn ươm, sau đó nuôi dưỡng trong vườn ít nhất 7-8 năm rồi đưa ra trồng thử nghiệm ở đường phố xem có thích nghi và sống được hay không. Sau đó mới trồng đại trà, chứ không phải mang ra trồng ồ ạt như Hà Nội đang làm.
Về chủng loại cây, ông Cường cho rằng cây trồng ở đường đô thị phải có tán đẹp, không gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết cây bóng mát ở Hà Nội đều có nguồn gốc từ rừng nhưng đã được trồng cả vài chục cho đến hơn trăm năm, từ thời Pháp, đều có khảo nghiệm rồi mới trồng đại trà.
"Hà Nội đùng một cái mang cây vàng tâm hay cây mỡ là những cây rất mới mẻ về trồng ở đường phố làm cây bóng mát, tôi thấy rất vội vàng, vô lý quá và chả có cơ sở khoa học nào cả. Từ thời Pháp đến nay, chưa từng có ghi nhận loài cây này được trồng ở thủ đô làm cây bóng mát" - ông Cường nói.
Chuyên gia Lê Huy Cường cũng cho rằng ông cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lâm nghiệp cảm thấy rất buồn khi Hà Nội quá vội vàng để triển khai một dự án lớn mà không hề tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Những cây mỡ liệu có sống lâu dài hay không, ông Cường cho biết không thể khẳng định được. "Cây này tán hẹp, không tạo được bóng mát rộng. Trên rừng thì nó sống tốt bởi hợp với đất chua ở đồi. Đất ở Hà Nội là đất kiềm mà tầng nước ngầm rất là cao, vậy thì làm sao nó sống được" - ông Cường phân tích.
Không nên trồng vàng tâm
Theo các chuyên gia, cây vàng tâm hiện thuộc vào danh sách sẽ nguy cấp, là đối tượng bảo vệ của một số khu rừng cấm, vườn quốc gia. Bởi gỗ quý nên vàng tâm bị khai thác nhiều dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Dù quý hiếm nhưng theo các nhà khoa học thì đây là loại cây hoàn toàn xa lạ với các đô thị. Thậm chí trồng cây này là một sự mạo hiểm dẫn đến lãng phí.
TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, nguyên chủ nhiệm bộ môn lâm nghiệp đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp), cho biết việc trồng cây gì ở đô thị cần được nghiên cứu kỹ về khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái tại nơi trồng. Riêng với cây đô thị tại Hà Nội, ngoài tiêu chí về bóng mát còn phải có các tiêu chí về cảnh quan, văn hóa. Muốn vậy, phải có nghiên cứu chứ không phải khơi khơi là mang cây trên rừng về trồng.
Cây vàng tâm là cây rễ cọc, khi trồng có chiều cao 6-8 m và đường kính 8-10 cm khiến cây phát triển kém, nguyên nhân do chặt rễ cọc và cắt hết lá nên thiếu quang hợp. Ngoài ra, cây chậm phát triển do đất đô thị ở ven đường rất chặt, rễ khó bám sâu vào đất. Đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão.
"Hà Nội trồng cây vàng tâm là không phù hợp" - ông Hà khẳng định và cho biết Hà Nội nên trồng một vài loài cây chủ đạo để tạo nên sự đặc sắc riêng của thủ đô. Cây sấu là một lựa chọn hợp lý. Ở những tuyến phố ngắn, nhỏ, vỉa hè hẹp thì nên chọn những loại cây tán thấp, gọn (cau ta, tùng la hán hoặc cọ); đường có vỉa hè rộng có thể trồng những loài thân lớn (sấu, nhội, lát hoa, lộc vừng). Những khu phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo thì giữ nguyên những cây hiện có và chỉ thay thế khi có nguy cơ gãy đổ hoặc chết.
Sở Xây dựng phải trả lời báo chí trước ngày 25-3
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa có văn bản chỉ đạo giám đốc Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi cua báo chí liên quan đến cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn. Công văn nêu rõ: Tại cuộc họp ngày 20-3 của UBND TP với một số cơ quan báo chí về việc tổ chức thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn, đã có 21 nhà báo nêu câu hỏi chi tiết về việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua. Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND TP giao giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25-3.
Theo Người lao động
"Chặt hạ 6.700 cây xanh là đúng nhưng cần triển khai từ từ" Đây là lời phát biểu của nhà báo Nguyễn Việt Chiến bên lề cuộc họp về việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra chiều ngày 20/03/2015. Những ngày qua, tại một số con phố của Hà Nội đã triển khai việc chặt hạ cây xanhnhằm thay thế cây mới phù...