Đồng loạt bức xúc về những biển báo ‘đánh bẫy’
Liên quan đến bài viết, Bộ trưởng Thăng: Dẹp ngay biển báo ‘đánh bẫy’! , hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả đã bày tỏ những bức xúc, bực mình về nhiều biển báo “đánh đố” người đi đường tồn tại hàng chục năm qua.
“Đánh đố người đi đường”
Bạn đọc ở email Trongdan…@gmail.com nói: “Người nước ngoài họ phải trăn trở, sáng tạo bao năm để con người đi được nhanh hơn thì người Việt mình lại tìm cách đi chậm lại. Tôi đã từng nghe bác lái xe đang lái xe bình luận: Biển cắm thế này (biển hạn chế 25km/h) thì đi xe máy còn nhanh hơn, mua ô tô làm gì cho tốn xăng xe, tiền bạc”.
Độc giả Nguyễn Quang Minh cũng bức xúc: “Tôi đã bị phạt chỗ đang xây dựng chân cầu vượt Vĩnh Tuy xuống đường 5 vì biển báo 5 km/h. Liệu mấy ông cắm biển có đi nổi không?”.
“Tôi cũng bị phạt bao nhiêu lần vì biển báo 20km/h trong khi đó đường chỉ hơi cua một chút chẳng có gì mà phải đi 20km/h. Người đi bộ còn đi được 25-30km/h”, anh Phạm Văn Tới nói.
Tại các nhánh lên, xuống của tuyến đường cao tốc trên cao đường Vành đai 3 (Hà Nội) đang có những tấm biển báo hạn chế tốc độ 35 km/h. (Ảnh: Một Thế Giới)
Email Longbadang@yahoo.com cũng đồng tình: “Hãy học Bình Dương, quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Dầu Một đều cho phép chạy 80km/h. Không phải chạy nhanh là không an toàn, chạy nhanh buộc tài xế phải tập trung khi duy trì tốc độ và nhanh thì mang lại lợi ích kinh tế. Qua Bangkoc sẽ thấy đường phố của họ xe chạy rất nhanh mà rất ít thấy tai nạn. Đường ở Việt Nam cứ 20-30km/h ai biết lái ô tô rất dễ ức chế với loại biển báo này”.
Việc thay đổi tốc độ đột ngột cũng gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông. Bạn đọc Nguyễn Hữu Khoa nói: “Đường về miền Tây, bên này là biển báo 60km/h vừa qua đèn xanh đèn đỏ lại đột ngột trở về 40km/h. Ai cũng nói hạn chế tốc độ để giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng khi gây bất ngờ như vậy thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Video đang HOT
“Theo tôi 40 km/h là phù hợp nhưng quy định nên cho phép thêm quá tốc độ 20 – 25%. Lúc nào cũng chăm chăm nhìn cái đồng hồ tốc độ gây căng thẳng khi tài xế phải cũng căn chỉnh ga thấp hơn quy định để khỏi bị phạt”, một độc giả khác phản ánh.
Một số bạn đọc cũng bức xúc, khi cắm biển hạn chế tộc độ nhưng chạy mãi vẫn không thấy biển báo hết ở đâu. Độc giả ở email Ducmv169…@yahoo.com nói: “Từ ngã 4 viện 105 Sơn Tây đi Xuân Mai có biển báo tối đa 40km/h nhưng đi mãi mà không thấy biển báo hết tốc độ tối đa đó ở đâu?”.
Tương tự: “Tôi là một lái xe chuyên nghiệp, tôi thấy có nơi chỉ có cắm biển 40km/h nhưng đi mãi ko thấy có biển hết hạn chế vì vậy tôi đề nghị nếu dưới mỗi biển hạn chế đó có gắn thêm biển phụ là báo quãng đường hạn chế là bao nhiêu km để cho người lái xe biết để tham gia giao thông được an toàn”, độc giả Hiếugt phản hồi.
Ngoài ra, một số độc giả cũng phản ánh biển báo đường bộ ở nước ta rất kỳ quái như biển báo nấp sau tán cây, ngôi nhà … và kích cỡ của chữ trên biển báo quá nhỏ, đến gần sát mới nhìn thấy. Theo nhiều độc giả, hiện nay trên đường cao tốc nhiều tài xế phải đi chậm lại, sát vào làn trong để đọc nội dung biển báo là gì.
“Có lúc hai bên đường đầy nhà dân thì không có biển báo khu dân cư, còn có chỗ bên đường ô tô, tàu hỏa thì lại cắm biển báo khu dân cư điển hình là đoạn quốc lộ 1 cũ từ Phủ Lý lên Hà Nội. Đoạn bên là ruộng sâu không hề có nhà hoặc người thì vẫn cắm biển khu dân cư như đoạn đường 1 cũ từ Phủ Lý đi Ninh Bình”, một độc giả “tố”.
Thay biển báo bằng màu sơn đường?
Đọc giả NguyenVanMan đề xuất: “Theo tôi, ngoài việc bỏ hẳn biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/h thì còn phải gắn thêm biển phụ dưới biển giới hạn 50 km/h vào khoảng sau 24h đêm đến 5h sáng hôm sau”.
Biển hạn chế tốc độ xe ôtô dưới 40km/h đã trở thành đề tài “ nóng” cho các “bác tài” (Ảnh: Lao động)
Độc giả có email Lam_audit…@yahoo.com.vn cũng có đề xuất tương tự: “Các cơ quan cần lưu ý, có những đoạn đường ban ngày thì cho chạy 50km/h, nhưng sau 22, 23, 24h thì cho chạy 80km/h. Nghĩa là tùy từng trường hợp để có biển phù hợp theo từng thời gian trong ngày. Nhìn chung trên quốc lộ 1, các tỉnh lộ sau 24hđều cho chạy 80km/giờ là phù hợp”.
Đây cũng là ý kiến được nhiều người đồng tình vì vào khoảng sau 24h đêm đường vắng, đi tốc độ thấp sẽ lãng phí xăng xe và thời gian của người dân.
“Đề nghị bảng tốc độ nên sơn dưới lòng đường bởi bảng dựng bên trong khuất khuất tầm nhìn thì rất khó để quan sát. Tôi biết lái nhưng hầu như không dám lái vì mình không thuộc hay nhìn kịp biển báo, xe nhỏ dễ bị khuất nên phải nhờ tài xế chuyên nghiệp cầm vô lăng”, độc giả Namle than vãn.
Bạn đọc này cũng đề xuất: “Tôi đề nghị phải đơn giản biển báo, rút bớt số lượng biển báo cho dễ nhớ, nếu không sơn dưới đường để báo hiệu thì tất cả các biển phải đưa ra cắm trên giải phân cách giữa đường để lái xe dễ quan sát”.
Độc giả Tamacu cũng đồng tình: “Các lỗi vi phạm tốc độ là một phần do biển báo bị che khuất. Vậy nên chăng qui ước vận tốc giới hạn bằng màu sơn của vạch kẻ đường để người tham gia giao thông dễ quan sát và thực hiện”.
“Tôi sống và làm việc ở Moscow ngày nào cũng lái xe đi làm, tôi thấy một điều rất hợp lý khi họ thay đổi là khi biển báo chung ở khu dân cư là 60km/h, nhưng lái xe có thể chạy quá 60km/h chỉ không vượt quá 20%, khi vượt quá thì sẽ phải nộp phạt 500 rúp.
Khi tôi hỏi tại sao lại quy định như vậy thì họ nói rằng, trước kia thì họ quy định bao nhiêu thì chỉ được chạy bấy nhiêu , nhưng sau này họ giải thích là quy định như vậy sẽ làm căng thẳng cho lái xe. Tôi thấy quy định như vậy sẽ rất tốt cho những người lái xe, tại sao chúng ta không học tập?”, bạn đọc Tienvu chia sẻ.
“Hiện nay xảy ra hiện tượng loạn biển báo ngay cả tại thủ đô, như cầu vượt nhẹ trong nội đô khi lên cầu tôi thấy có tới 6 biển báo. Theo tôi chỉ cần 3 biển là đủ. Đó là biển cấm xe tải, biển cấm xe đạp và biển cấm xe khách từ 16 chỗ trở lên là đủ cần gì nhiều biển để lãng phí.
Thứ 2 là đường 392 gần cầu Hiệp bên phía Ninh Giang biển báo chỗ ngã 3 cho 15 km và gần đó có biển công trường nhưng tôi đi qua mấy lần không có công trường nào cả….” Độc giả gửi ý kiến từ email Thimv@vietnamairlines.com phản ánh.
Theo_VietNamNet
Bộ trưởng Thăng "dẹp" biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h
Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh các biển báo trên quốc lộ, loại bỏ biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản giao cho Tổng cục Đường bộ chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư dự án BOT phối hợp với Ban An toàn giao thông các địa phương rà soát, thay thế biển báo tốc độ trên quốc lộ.
Cụ thể, yêu cầu các đơn vị thay thế biển báo tốc độ 25, 30, 35 km/h bằng biển báo 40 km/h. Trường hợp đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì phải cắm biển tốc độ tương ứng (trên 40 km/h).
Đối với các đoạn qua khu vực núi cao, bán kính đường cong nhỏ, đèo dốc phải bổ sung các biển cảnh báo nguy hiểm. Trong trường hợp điều kiện kỹ thuật không cho phép thì phải sử dụng biển tốc độ dưới 40 km/h và phải có thuyết minh, giải trình, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, giải quyết.
Bộ GTVT sẽ loại bỏ biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h (Ảnh: Dân Việt)
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu rà soát lại các biển báo tốc độ tối đa 50km/h đã cắm. Nếu các yếu tố kỹ thuật của tuyến đường đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì cắm lại biển báo tăng tốc độ cho phép và có biện pháp cảnh báo (nếu cần).
Đối với các dự án trên quốc lộ đang thi công, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, doanh nghiệp BOT phải tổ chức rà soát và chỉ đạo nhà thầu thay biển báo 5km/h bằng biển báo phía trước có công trường thi công và các biển chỉ dẫn giao thông qua khu vực đang thi công.
Trong thời gian thi công mặt đường bị thắt hẹp, sử dụng đường tạm, cầu tạm để đảm bảo giao thông và các trường hợp cần thiết khác thì được cắm biển báo hạn chế tốc độ cùng với các biển chỉ dẫn khác để phù hợp với đặc điểm công trường và thời điểm thi công.
Theo Khampha
"Anh cứ yên tâm bảo vệ Tổ quốc" Nhìn qua đứa con trai đang chơi đùa, chị bảo: "Ba ít về nhưng mỗi lần ba về là nó quấn ba lắm. Hôm qua ba đi rồi, tối ngủ nó hỏi: Ba đâu rồi hở mẹ. Và rồi cu cậu cũng tự trả lời: Ba đi công tác rồi, ba đi biển rồi". Chúng tôi tìm đến căn phòng thuê trọ của...