Đồng hồ phóng xạ carbon
Khảo cổ học là một ngành khoa học của sự cổ xưa, đi tìm kiếm lời giải cho hàng triệu bí ẩn còn nằm lại dưới các lớp đất từ thời kỳ khai thiên lập địa.
Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của ngành khảo cổ học thế giới chính là sự ra đời của phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ (carbon-14 hay 14C), mở ra cuộc cách mạng tính toán trực tiếp tương đối chính xác ‘tuổi’ của các vật thể bị vùi lấp cách đây hàng chục nghìn năm.
Hành trình định tuổi
Năm 1949, thế giới xôn xao về sự táo bạo của một nhà hóa học người Mỹ. Willard Libby khi ấy công bố phát minh phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon, sử dụng các thuộc tính đặc hữu của đồng vị 14C trong hoạt động của sinh giới.
Willard Libby tuyên bố đây chính là công cụ tiêu chuẩn giới khảo cổ và địa chất đang kiếm tìm suốt bấy lâu nay, giải phóng tiềm năng tính toán tuổi tuyệt đối của bất cứ vật thể cổ có chứa các chất hữu cơ. Trải qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, Willard Libby phải tranh cãi kịch liệt với đồng nghiệp về khả năng thực sự của carbon-14, biện luận rằng đồng vị phóng xạ này có thể trải qua các phản ứng hóa học để tạo thành CO2, từ đó được các sinh vật sống hấp thụ trong quá trình quang hợp hay tiêu hóa, rồi dần dần đi vào chuỗi thức ăn.
Willard Libby đã trở thành nguồn cảm hứng cho ngành khảo cổ học nhờ công cụ định tuổi đồng vị carbon-14.
Điểm nhấn trong hành trình của Willard Libby xảy ra vào giai đoạn 1946-1947 khi ông đăng nhiều bài báo tuyên bố carbon-14 và carbon không phóng xạ xuất hiện trong mỗi cơ thể sống thông qua việc đối chiếu các nghiên cứu khí methane (CH4) thu được từ các công trình nước thải ở Baltimore (Mỹ) và methane tạo ra từ dầu mỏ.
Nhà khoa học ngụ ý rằng có thể xác định được tuổi các vật liệu có chứa carbon nguồn gốc hữu cơ, và ngay sau đó gây chấn động bằng thử nghiệm xác định niên đại hai mẫu vật đến từ ngôi mộ vua Ai Cập Djoser, Zoser và Sneferu với sai số khoảng 250 năm. Từ đây, Willard Libby đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho ngành khảo cổ học khi hơn 30 văn phòng xác định niên đại carbon được thành lập trên toàn thế giới chỉ sau hơn một thập kỷ ông giới thiệu phát minh của mình.
Ở vào thời điểm khảo cổ học vẫn chưa được chú trọng, cùng với sự thống trị của nhiều phương pháp cũ đòi hòi nhiều nhân lực nhưng thiếu hiệu quả, ý tưởng Willard Libby giống như ánh sáng cuối đường hầm. Kỹ thuật này dựa trên thực tế là bầu khí quyển của Trái Đất liên tục bị bắn phá bởi các tia vũ trụ, một số tia này mang theo những hạt neutron va chạm với các nguyên tử nitrogen và chuyển chúng thành đồng vị phóng xạ carbon-14.
Khoa học đã phân loại đồng vị theo tính chất bền hay tính phóng xạ, trong đó hạt nhân của đồng vị phóng xạ không tồn tại ổn định và sẽ bị biến đổi. Carbon có 3 đồng vị chính là 12C và 13C (đồng vị bền), còn 14C là đồng vị phóng xạ. Ngoài tính phóng xạ, carbon-14 cũng giống như carbon-12 ở khả năng được hấp thụ gần như giống hệt nhau bởi thực vật và động vật sống.
Trên lý thuyết, tỷ lệ đồng vị carbon-14/carbon-12 ở cơ thể sinh vật sống và môi trường chúng tương tác (trong khí quyển hoặc đại dương đối với sinh vật dưới nước) là tương đương nhau. Chỉ khi nào chúng chết đi thì quá trình hấp thu carbon sẽ dừng lại, khiến tỷ lệ này dần thay đổi. Carbon-14, giống như các nguyên tố phóng xạ khác, phân hủy với tốc độ không đổi, có chu kỳ bán rã khoảng 5.730 năm. Điều này cho thấy, lượng carbon-14 trong hài cốt sau 5.730 năm sẽ giảm đi một nửa.
Phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ mở ra cơ hội xác định tương đối chính xác tuổi của cổ vật.
Video đang HOT
Vì vậy, một sinh vật chết ngày hôm qua sẽ vẫn còn lượng carbon-14 rất cao, trong khi không thể tìm thấy dấu vết của 14C ở những sinh vật đã chết từ cách đây hơn 10.000 năm. Willard Libby khẳng định, hợp chất hữu cơ luôn tồn tại carbon nên việc suy giảm carbon-14 chẳng khác nào hoạt động của một chiếc đồng hồ phóng xạ.
Có một vài giai thoại lý thú liên quan đến con số 5.730, khi chính Willard Libby thừa nhận sai sót “ngớ ngẩn” vì đã từng công bố chu kì bán rã của carbon-14 là 5.720, rồi sửa lại thành 5.568 và yêu cầu giới nghiên cứu sử dụng hằng số này trong khoảng 10 năm mà không hề giải thích lý do xác đáng.
Sau nhiều nghiên cứu, cuối cùng Willard Libby và đồng nghiệp năm 1960 đã gắn ngành khảo cổ với con số chu kỳ bán rã “huyền thoại” 5.730 năm cho tới tận ngày nay. Theo ước tính, phương pháp của Willard Libby có thể hỗ trợ định tuổi lên đến 60.000 năm. Chỉ cần đo đạc thành công sự thay đổi hàm lượng đồng vị 14C ở hài cốt sinh vật thì có thể xác định được niên đại của chúng, hay của những vật thể được tạo ra từ các sinh vật này.
Bảy năm đi tìm đường cong
Sự ra đời của phương pháp đồng vị phóng xạ carbon-14 cho phép xác định các giai đoạn chuyển đổi quan trọng của lịch sử loài người như thời điểm bắt đầu của thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng ở những khu vực khác nhau. Tuy nhiên, Willard Libby chưa lường trước được những khó khăn liên quan đến sự tồn tại của carbon-14.
Trên thực tế, mật độ carbon-14, cũng như tỉ lệ carbon-14/carbon-12, trong khí quyển hay đại dương không hề ổn định, chịu sự chi phối mạnh mẽ từ thay đổi của hoạt động mặt trời gây suy giảm hoặc tăng cường số lượng tia vũ trụ đến Trái Đất. Các nghiên cứu của Willard Libby chưa tính đến trường hợp carbon gia tăng đột biến bởi phun trào núi lửa, hay cuộc cách mạng công nghiệp, thậm chí các cuộc thử nghiệm hạt nhân, đưa một lượng lớn carbon cùng đồng vị vào môi trường.
Do những trở ngại kể trên, các kết quả tính toán niên đại cần phải được hiệu chỉnh phù hợp, tránh sai số quá lớn lên đến 10-15%. Để làm điều này, giới khoa học nghiên cứu sử dụng các đường cong hiệu chuẩn, cùng với đó là một giá trị trung gian gọi là “tuổi carbon phóng xạ”, giúp chuyển đổi số đo carbon-14 trong một mẫu vào tuổi dương lịch.
Dự án kéo dài 7 năm ròng rã tạo nên ba đường cong IntCal20, SHCal20 và Marine20 (trong đó số 20 là năm 2020), lần lượt đại diện cho giá trị đã được hiệu chuẩn cho các vật thể ở Bắc bán cầu, Nam bán cầu và môi trường đại dương. Quá trình tạo ra đường cong chuẩn tận dụng kết quả đo lường trên khoảng 15.000 mẫu vật có niên đại lên tới 60.000 năm tuổi, kết hợp nhiều phương pháp như đối chiếu số liệu với các bản ghi chép, đếm vòng sinh trưởng trong các khối gỗ có độ tuổi nhất định, khảo sát măng đá, san hô và tàn tích dưới đáy đại dương.
Qua nhiều năm, thêm nhiều kỹ thuật hiện đại được giới thiệu để tăng độ chính xác của phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon như nồng độ đồng vị và phổ khối gia tốc, cho phép xác định niên đại của các mẫu rất nhỏ từ hàng nghìn năm trước. Từ đây, các đường cong hiệu chuẩn có khả năng “thay đổi lịch sử” khi đã góp phần sửa lại các giá trị niên đại từng được công cố trước đây, giúp khoa học tìm hiểu thêm về các sự kiện khí hậu trong quá khứ, quá trình phát triển của Trái Đất và ảnh hưởng của môi trường lên đời sống con người.
Nhờ đường cong hiệu chuẩn như IntCal20, niên đại thực sự của những bức họa trong hang Chauvet ước tính rơi vào khoảng 36.500 năm trước.
Một ví dụ điển hình liên quan tới sự kiện Meltwater Pulse 1A cuối thời kỳ băng hà gần đây nhất trong Kỷ băng hà. Theo đó, các ghi chép cho rằng thời kỳ mực nước biển dâng cao do các dải băng ở Nam Cực, Bắc Mỹ và châu Âu tan chảy này kéo dài khoảng 400-500 năm khi nhiệt độ toàn cầu tăng rất nhanh. Tuy nhiên, các phép đo niên đại mới sử dụng đường cong hiệu chuẩn đã cho kết quả chính xác hơn. Giới nghiên cứu khẳng định sự kiện này diễn ra cách đây 14.640 năm, và chỉ kéo dài 160 năm, với mức tăng nước biển toàn cầu khoảng hơn 1m mỗi thập kỷ.
Đối với các tàn tích tranh cổ đại, các đường cong đã đưa ra con số thực tế cách xa hơn nhiều giá trị niên đại trước đây. Theo một số tài liệu, hang Chauvet (còn gọi là Chauvet-Pont dArc), lần đầu tiên được khám phá vào năm 1994, có một số bức tranh với niên đại cổ xưa nhất vào thời kỳ Aurignacian ở Pháp, khoảng 30.000-32.000 năm trước.
Những hình ảnh này miêu tả những loài động vật ở châu Âu cổ đại, bao gồm voi ma mút, sư tử và tê giác lông mượt với trình độ mỹ thuật đáng kinh ngạc. Nhờ vào đường cong IntCal20, niên đại thực sự của những bức họa trong hang Chauvet giờ đây rơi vào khoảng 36.500 năm trước, cách khá xa so với giá trị cũ.
Nhìn chung, phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ carbon-14 đã tạo ra công cụ đắc lực để “du hành ngược thời gian” về điểm khởi đầu của các mẫu vật thời cổ đại.
Nhờ cải tiến bằng những đường cong hiệu chuẩn, niên đại được xác định lại với độ chuẩn xác cao hơn, góp phần mở rộng hiểu biết của nhân loại về điều kiện của Trái Đất thời xa xưa, cũng như những biến đổi địa chất quan trọng trong lịch sử. Giới khoa học tin rằng, carbon-14, cùng nhiều phương pháp định tuổi cổ vật khác, sẽ giúp nhân loại vượt ra khỏi ranh giới quá khứ mà hướng đến dự đoán và phòng ngừa nhiều thảm họa tương lai…
Công nghệ nào xác định niên đại bãi cọc Cao Quỳ?
Bãi cọc Cao Quỳ có phải là chứng tích của trận chiến Bạch Đằng lịch sử hay không? Cơ sở khoa học nào để xác định điều đó?
Bãi cọc Cao Quỳ nhìn từ trên xuống.
Những tranh cãi
Ngày 29 - 30/10 tại Hải Phòng diễn ra hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020. Tại đây các đại biểu được nghe báo cáo về quá trình khai quật bãi cọc Cao Quỳ do Viện Khảo cổ học phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương thực hiện, phát hiện 40 cọc gỗ.
Từ những kết quả đó, nhóm nghiên cứu nhận xét sơ bộ bãi cọc Cao Quỳ không phải là cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác. Cọc chủ yếu nằm ở tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập mặn ven sông. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, lớp.
Bước đầu, đơn vị nghiên cứu nhận xét sơ bộ di tích Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân triều Trần. Trận địa này có thể được dùng để chặn giặc, ngăn địch tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng.
Chưa đầy một năm sau kể từ khi phát hiện, TP Hải Phòng đã cho xây dựng tuyến đường và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ với mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 5/10, công trình này được đưa vào sử dụng.
Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu hỏi bãi cọc này có từ bao giờ, có liên quan gì đến trận chiến Bạch Đằng lịch sử? GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử cho rằng, kết luận bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận địa 1288 là có cơ sở.
Bởi nơi phát hiện ra bãi cọc là vùng có vị trí vô cùng trọng yếu. Thời kỳ nào cũng phòng thủ ở đây, trước Công nguyên đến thời kỳ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và sau này. Các cọc gỗ được ông cha có thể sử dụng đi sử dụng lại ở nhiều giai đoạn lịch sử. Điều đó dẫn đến xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14 cho ra các kết quả khác nhau.
Trái ngược với nhận định đây chính là di tích còn lại của trận chiến Bạch Đằng, ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học) lại nêu quan điểm rằng việc nhận định, kết luận sớm về bãi cọc Cao Quỳ là vội vàng. Ông cho rằng khu vực phát hiện là vịnh cổ chứ không phải dòng sông cổ vì xung quanh toàn là núi đồi. Về cấu tạo địa tầng, có lớp than bùn màu đen, không phải là đặc điểm của dòng sông cổ.
Theo ông, cần có các nhà địa chất vào cuộc, khôi phục lại địa lý, cảnh quan và môi trường khu vực này như thế nào để xác định dòng chảy khu vực. Điều đó có thể làm được và cần phải làm sâu hơn nữa để đi đến kết luận cọc này có phải chống giặc ngoại xâm hay không.
Công nghệ xác định niên đại
Làm thế nào để xác định niên đại của những chiếc cọc gỗ này? TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học cho biết các nhà khoa học đã tiến hành xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Nhưng đây không phải là cơ sở duy nhất để khẳng định về nguồn gốc của cọc gỗ. Bởi khi xác định niên đại bằng phương pháp này lại cho nhiều kết quả khác nhau dựa trên cây to, cây nhỏ.
TS Nguyễn Hào Quang, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết phương pháp đồng vị phóng xạ cacbon C14 cho kết quả khá chính xác về niên đại của gỗ. Chu kỳ bán hủy của carbon là trên 5.000 năm nên hoàn toàn có thể để sử dụng xác định niên đại ở bãi cọc Cao Quỳ.
Cơ chế xác định niên đại của phương pháp này diễn đạt cụ thể là: Cây khi còn đang sống thì chúng có quá trình trao đổi chất cân bằng với môi trường. Khi cây bị đốn xuống, quá trình sống kết thúc, carbon C14 trong gỗ bị phân hủy mất dần. Các nhà khoa học chỉ cần đếm số lượng đồng vị phóng xạ C14 còn lại trên gỗ, so sánh với số lượng đồng vị phóng xạ của cây xanh hiện tại thì có thể biết cây đó đã được đốn hạ bao nhiêu năm.
"Tuy vậy, chỉ xác định được thời gian từ lúc cây bị chặt đến bây giờ là bao nhiêu năm. Không xác định được thời điểm cây dùng làm cọc. Do vậy cần kết hợp với các phương pháp khác để có thể xác định đúng niên đại và trả lời câu hỏi đây có phải là dấu tích trận chiến Bạch Đằng hay không", TS Nguyễn Hào Quang cho hay.
GS.TS Phan Trường Thị, Viện Đá quý, Vàng và trang sức Việt cũng cho rằng, phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho chúng ta biết cây đó đã tồn tại bao nhiêu năm, chứ không chỉ rõ được thời điểm loại gỗ đó được sử dụng để đóng cọc. Có những cây gỗ được trồng hàng trăm năm trước khi khai thác làm cọc gỗ. Vậy thì kết quả niên đại sẽ có sự chênh lệch đến vài chục năm, khó cho kết quả chính xác.
"Hơn nữa, trong sử dụng đồng vị carbon C14 xác định niên đại, loại gỗ có niên đại hàng triệu năm đến vài chục triệu năm thì xác định niên đại sẽ chính xác hơn. Lý do là sự ổn định của tỉ lệ đồng vị sau khi gỗ đã hóa đá do bị chôn vùi sẽ cao hơn. Đối với những loại gỗ có niên đại hàng trăm triệu năm thì sử dụng chì uran để xác định niên đại thì độ chính xác cũng sẽ cao", GS.TS Phan Trường Thị cho hay.
Đối với gỗ có niên đại thấp từ vài trăm năm đến vài nghìn năm, theo GS.TS Phan Trường Thị, việc lấy mẫu cũng dễ dẫn đến các kết quả khác nhau. Lấy mẫu ở phần lõi cây hay vỏ cây cũng cho ra niên đại khác nhau.
Gỗ bị chôn vùi dưới đất, nếu bị lớp đất sét lấp kín thì quá trình phong hóa sẽ diễn ra chậm, thậm chí là không bị phong hóa (không bị phân hủy) thành bùn đất mà hóa đá. Tùy từng độ tuổi của gỗ mà người ta sử dụng các đồng vị phóng xạ khác nhau xác định niên đại. Có những đồng vị phóng xạ có chu kỳ bán hủy dài hàng triệu năm như urani có thể xác định niên đại gỗ hàng trăm triệu năm.
Theo các chuyên gia, để có các bằng chứng khoa học về di tích này thì phải làm rõ thêm các yếu tố khác về lịch sử, địa lý, xã hội... Ví dụ như tìm lại bản đồ lịch sử xem đây có phải là vị trí của con sông ngày trước không, mục đích của bãi cọc đó để làm gì nếu không phải cọc làm đê, đập, đánh bắt cá, xây dựng...
Bí mật những xác ướp tìm thấy trên sa mạc khô cằn ở Chile Sa mạc Atacama ở Chile là nơi các chuyên gia tìm thấy một số xác ướp của người Chinchorro có niên đại khoảng 7.000 năm tuổi. Những xác ướp cổ xưa này được ướp xác theo cách thức đặc biệt. Không chỉ Ai Cập, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều xác ướp ở sa mạc Atacama của Chile. Điều thú vị...