Đồng hành cùng nhân dân vượt qua thiên tai, bão lũ
Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, bão Noru đã vượt biển Đông, tiến thẳng vào các tỉnh ven biển miền Trung, mang theo nỗi kinh hoàng cho nhân dân trên địa bàn.
Bão tan, may mắn không có thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản ở mức tối thiểu. Nhiều kinh nghiệm được rút ra, trong đó có sự chủ động, nỗ lực của BĐBP cùng người dân vượt qua cơn bão dữ.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi giúp ngư dân neo cột tàu thuyền để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: Văn Tánh
Làng chài thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là cái tên thường được xướng trong danh sách các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất qua những mùa bão trước. Năm nay, sau siêu bão Noru, cả làng vẫn bình yên vô sự. Ông Trương Văn Mạnh, người thôn Phước Thiện thổ lộ: “Những năm trước có gió bão thì ở đây bị thiệt hại nhiều lắm. Cơn bão này, nhờ Đồn Biên phòng Bình Hải hỗ trợ bà con chằng chống nhà, kêu gọi người dân sơ tán nên ở thôn hoàn toàn không có thiệt hại gì. Bà con rất phấn khởi vì điều đó”.
Để đổi lấy niềm vui đó của bà con là sự nỗ lực vượt bậc với tinh thần chủ động của tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng làm công tác phòng, chống thiên tai. Bằng sự nỗ lực và linh động, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi đã giúp bà con các làng biển vượt qua cơn bão số 4 một cách an toàn.
Cấm biển là một trong những biện pháp được UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai ngay khi có thông tin về bão số 4. Lệnh cấm được BĐBP thông báo đến từng ngư dân. Cờ báo hiệu cấm biển được cắm tại các cửa sông, cửa lạch, bến cảng như một biện pháp bảo vệ ngư dân và tài sản của họ. Các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh tổ chức trực canh, không cho tàu ra khơi và thường xuyên giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trên biển thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Thiếu tá Phan Xuân Huề, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi chia sẻ: “Kịp thời bắn pháo hiệu báo bão, hướng dẫn cho tàu thuyền vào bờ là một trong nhiều biện pháp được chúng tôi thực hiện trong cơn bão này. Một ngày chúng tôi bắn pháo hiệu 2 lần để bà con nắm được thông tin về bão. Trường hợp tàu thuyền mất liên lạc với bờ thì bà con thấy pháo hiệu là biết có bão gần và sẽ đưa tàu thuyền vào bờ tránh né”.
Trước bão, nỗi lo chồng chất nỗi lo, song chính trong thời điểm khó khăn nhất này, tình quân dân lại càng tỏa sáng. Hằng tuần, trước khi bão đổ bộ, BĐBP tỉnh huy động tối đa lực lượng đến từng khu dân cư để hỗ trợ nhân dân vùng có nguy cơ bị bão tốc mái giúp bà con chằng chống nhà cửa, sẵn sàng “đón” bão… Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết: Chúng tôi phân công cán bộ, chiến sĩ đến các nhà dân có nguy cơ bị hư hại, giúp bà con lấy bao tải dồn cát đè lên trên mái nhà. Đặc biệt, chúng tôi luôn quan tâm đến những hộ neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tinh thần “phòng hơn chống” và sự chủ động cao độ của cả hệ thống chính trị là bài học kinh nghiệm đã được ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh trong cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác ứng phó bão số 4 do Chính phủ tổ chức mới đây. Ông Đặng Văn Minh chia sẻ một số kinh nghiệm, đó là: Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” một cách thực chất; sơ tán người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo BĐBP kiểm tra, yêu cầu người dân rời tàu trước khi bão đổ bộ; chuẩn bị vật tư, thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân khi bị cô lập…
Những bài học này đã được BĐBP triển khai đầy đủ trong cơn bão số 4. Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Ngãi thông tin: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với địa phương vận động ngư dân phải thực hiện nghiêm lệnh cấm biển nhằm tự bảo vệ mình. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, yêu cầu người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè, ngư dân trên các phương tiện lên bờ và không để một người nào quay trở lại khi bão chưa tan.
Video đang HOT
Tự mình bảo vệ, chủ động phòng, chống bão, đó là cách vượt bão bền vững nhất. Những căn hầm trú bão ở xã nghèo Bình Hải cũng là kinh nghiệm hay được chia sẻ khá nhiều sau cơn bão số 4. Đối với những người dân này, “sống chung với bão” là suy nghĩ thường trực. Khi chưa đủ điều kiện để xây nhà kiên cố, họ chọn cách xây hầm. Trước khi bão đổ bộ, con người và những tài sản giá trị sẽ được đưa xuống hầm. Ông Bùi Bồi, trú tại thôn An Cường, xã Bình Hải bộc bạch: Cái hầm này rất an toàn, bão vừa tới ngoài khơi là mình vô đây núp. Bà con ở đây cũng nhờ cái hầm này để chui vào, chứ bão ập tới chạy đâu cho kịp.
Ở xứ sở “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” này, những lúc thiên tai địch họa, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lại được phát huy hơn bao giờ hết. Từ tỉnh đến xã thực hiện “quyết liệt, nhất quán việc di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm”, bà con chia sẻ nhau từng mét vuông hầm tránh bão. Những ngôi nhà kiên cố, hay ký túc xá của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đều trở thành nơi lưu trú miễn phí cho những người còn khó khăn. Đồn Biên phòng cũng là nơi tiếp đón hàng trăm người dân với những suất cơm miễn phí… Nghĩa đồng bào, tình quân dân chính là yếu tố diệu kỳ để nhân dân ven biển vượt bão an toàn.
Thượng tá Nguyễn Minh Công, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hải kể lại: Những ngày bão sắp vào đất liền, anh em dầm mưa đi hết 4 xã trên địa bàn, phối hợp với chính quyền thực hiện công tác phòng, chống bão. Khi bà con về khu tập trung an toàn rồi, chúng tôi mới an tâm. Đêm đến, anh em phân công nhau đi tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự, kết hợp với kiểm tra nhà ở của các gia đình xem có sơ suất gì trong việc bảo quản tài sản để giúp bà con bảo vệ.
Đối với nhân dân làng chài, biển là cuộc sống. Dẫu có bão giông, họ vẫn phải đương đầu. Niềm vui của họ nương theo từng con sóng, cơn gió. Sự đồng hành của BĐBP trong những lúc thiên tai, bão tố là nguồn động lực, chỗ dựa vững chắc cho mỗi người dân an tâm bám làng, giữ biển, làm giàu cho quê hương.
Người vùng lũ Nghệ An chua xót nhìn vật nuôi chết dần
Vay cả trăm triệu đồng mua đàn gà giống nhưng chưa kịp bán quả trứng nào, chị Nguyễn Thị Thoa (Nghệ An) chết lặng khi nhìn cả trăm con gà chết dần vì nước lũ dâng cao.
3 ngày nay, cuộc sống của hơn 2.700 hộ dân tại xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị ảnh hưởng nặng nề do nước lũ dâng cao.
Người dân địa phương cho biết lũ kéo về nhanh kèm theo mưa lớn khiến người dân không kịp chuẩn bị, nhiều tài sản bị hư hại, cuốn trôi
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Dinh (Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu), cho biết từ chiều 28/9, mưa lớn cùng nước lũ thượng nguồn đổ về khiến nhiều xã như Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn, Cầu Giát, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng... ngập sâu. "Thiệt hại về chăn nuôi, hoa màu, cây trồng rất lớn. Nước lũ đã rút song chưa đáng kể, chính quyền đang hỗ trợ người dân về mọi mặt", ông Dinh nói.
Nhiều nhà dân ở xã Quỳnh Lâm bị nước ngập sâu từ 0,4-1,2 m. Chính quyền địa phương buộc phải đưa người dân di tản đến nơi ở an toàn chờ nước rút.
Vay 100 triệu đầu tư nuôi hơn 600 con gà đẻ trứng nhưng mưa lũ đổ về khiến gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (thôn 13, xã Quỳnh Lâm) có nguy cơ trắng tay. "Đàn gà đã chết gần 200 con, giờ ngấm nước cứ chết dần, chết mòn. Không biết rồi lấy đâu ra trả nợ", người phụ nữ cho biết.
Cạnh nhà chị Thoa, bà Phạm Thị Phúc (62 tuổi) đang mong nước lũ sớm rút để phơi lại số lúa đang ngập chìm trong lũ. "2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, hai vợ chồng cố gắng khiêng lúa lên nơi cao ráo nhưng không kịp. Hàng chục bao tải lúa dưới nhà kho giờ vẫn chìm trong lũ", bà nói.
Theo người dân, mưa lớn kéo dài cùng việc thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ khiến lũ lên nhanh trong đêm. Người dân dù đã đề phòng, di chuyển đồ lên cao song vẫn thiệt hại lớn.
Trang trại gần 1 ha chìm trong lũ nên bà Hoàng Thị Linh (60 tuổi, xóm 13 xã Quỳnh Lâm) cùng các con tranh hái đu đủ, ổi, dưa về bán gỡ vốn. "Mất hết rồi, không còn gì nữa. Năm trước lũ cuốn đi đàn lợn, năm nay thì mấy ao cá, gà... May mắn đàn dê, nai vẫn sống sót nhưng số nợ 50 triệu đầu tư không biết bao giờ mới trả được", bà nói.
Hiện các khu dân cư đang ngập sâu, người dân muốn di chuyển phải dùng thuyền hoặc liều mình lội dòng lũ sâu hơn 1 m.
Chính quyền địa phương cùng các đoàn thiện nguyện nhiều ngày qua đã mang nhu yếu phẩm, nước uống hỗ trợ người dân vùng ngập lụt.
Trên tuyến quốc lộ 7 đoạn qua xã Bảo Thành, Khánh Thành...(huyện Yên Thành) và nhiều đường liên xã khác bị ngập sâu. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, cấm người dân lưu thông để đảm bảo an toàn.
Theo thống kê, đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 tại tỉnh Nghệ An đã khiến hơn 13.500 nhà dân bị ngập, hàng nghìn người phải di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ gây thiệt hại 1.500 ha lúa, hơn 7.000 ha hoa màu, làm chết hàng chục nghìn con gia cầm.
Các nhà mạng hỗ trợ khách hàng tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bão Noru Chung tay hỗ trợ đồng bào tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Noru, các nhà mạng đã tăng cường ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cước, kịp thời giúp khách hàng đảm bảo thông tin liên lạc. Hàn cáp quang, ứng cứu BTS mất liên lạc tại Quảng Nam. Ảnh: TL...