Đồng hành cùng người bệnh trong cuộc chiến chống lại ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nước ta, nhưng phần lớn các trường hợp bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn với nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích nhất về chủ đề này qua cuộc trò chuyện cùng TS.BS. Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thưa TS.BS. Lê Tuấn Anh, là Giám đốc Trung tâm Ung bướu của bệnh viện hạng đặc biệt tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ có những chia sẻ gì về thực trạng bệnh nhân đến trung tâm?
TS.BS Lê Tuấn Anh: Mỗi năm Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 110.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất bên cạnh các bệnh ung thư khác như ung thư gan, ung thư vùng đầu cổ, ung thư vú, ung thư hệ tiết niệu…
Ung thư phổi thường phát hiện ở giai đoạn muộn, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khoảng 60 – 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn 3, 4 của bệnh, với nhiều diễn biến phức tạp như u xâm lấn, chèn ép và di căn. Điều này là một thực trạng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cũng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Như Bác sĩ vừa chia sẻ, bệnh nhân ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có nhiều biến chứng, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thưa Bác sĩ?
TS.BS. Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS.BS Lê Tuấn Anh: Với ung thư phổi, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường nghèo nàn, các triệu chứng hô hấp dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, ho ra máu… thì u đã phát triển, xâm lấn, đã là giai đoạn muộn.
Nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện khám về một vấn đề khác như đau nhức xương khớp, hạch phổi, đau đầu…. thì mới phát hiện ung thư phổi đã di căn. Do đó những người có nguy cơ cao như người hút thuốc lá, người có môi trường làm việc tiếp xúc với các độc chất cần chủ động tầm soát để giúp phát hiện sớm ung thư phổi.
Video đang HOT
Các Bác sĩ thường nói “Ung Thư Biết sớm chữa lành” để nói lên tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh ung thư, ngược lại với trường hợp bệnh ung thư phổi được phát hiện muộn thì có các liệu pháp điều trị, cũng như cơ hội sống còn cho những bệnh nhân này thì như thế nào?
TS.BS Lê Tuấn Anh: Sự phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư phổi như phẫu thuật có hỗ trợ robot, xạ trị điều biến cường độ, các liệu pháp mới trong điều trị toàn thân… đã giúp nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.
Với giai đoạn muộn, liệu pháp trúng đích thế hệ mới giúp tăng thời gian kiểm soát bệnh của bệnh nhân lên gấp 2-3 lần so với biện pháp hóa trị thông thường, điều tương tự cũng được ghi nhận ở liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra, việc điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cũng góp phần cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân thường mang trong mình nhiều nỗi đau, đó có thể là nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần, gánh nặng kinh tế vậy làm thế nào để bệnh nhân tiếp tục được thắp lên hy vọng sống, để chiến đấu và chiến thắng ung thư phổi?
TS.BS Lê Tuấn Anh: Bệnh nhân cần hiểu, bệnh nhân không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, bên cạnh bệnh nhân còn có đội ngũ y bác sĩ, người nhà, người thân, bạn bè… luôn ở bên cạnh để động viên, cổ vũ về mặt tinh thần để bệnh nhân lạc quan, chiến đấu và chiến thắng. Đối với gánh nặng về mặt kinh tế, sự hỗ trợ của xã hội cũng như các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cho bệnh nhân… cũng đang giúp bệnh nhân san sẻ gánh nặng. Khi được chẩn đoán rõ ràng chính xác, bệnh nhân sẽ nhận được sự tư vấn điều trị phù hợp, cũng như căn cứ trên điều kiện của bệnh nhân, Trung tâm ung bướu sẽ có những bộ phận hỗ trợ giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị tốt nhất.
Xin cảm ơn TS.BS Lê Tuấn Anh – Giám đốc trung tâm ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy đã giành thời gian chia sẻ!
Hiểu đúng về sức khỏe tâm lý, dinh dưỡng trong điều trị ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư tại nước ta. Việc chăm sóc tâm lý để giúp bệnh nhân an tâm điều trị và có niềm tin vào cuộc sống là rất quan trọng.
Ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến tại nước ta
Ung thư phổi ảnh hưởng lên tâm lý người bệnh như thế nào?
Tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan. Mỗi năm, nước ta có khoảng 24.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư phổi và khoảng hơn 26.000 ca mắc mới.
Có rất nhiều nguy cơ gây ung thư phổi như: môi trường làm việc độc hại, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc khói bụi, hút thuốc lá,...
Những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh này như: ho, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, chán ăn,...dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác cũng như nhận thức về bệnh và việc tầm soát sớm ung thư vẫn còn hạn chế khiến đa số người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn này, mục tiêu điều trị là nhằm trì hoãn sự tiến triển của bệnh và kéo dài sự sống cho bênh nhân. Bệnh nhân khi phát hiện được mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sẽ có những diễn biến tâm lý phức tạp. Do đó, việc lựa chọn thời điểm và cách thông báo cho bệnh nhân cũng là trăn trở của bác sĩ.
TS.BS. Phạm Xuân Dũng (Giám Đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cho biết: " Khi thông báo cho bệnh nhân, cần dùng ngôn từ nhẹ nhàng, động viên bệnh nhân và khuyên họ sắp xếp công việc, cuộc sống để đảm bảo việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, và tìm cách thông báo tin này với người nhà để có chỗ dựa tinh thần vững chắc ."
Diễn biến tâm lý của bệnh nhân ung thư phổi và cách duy trì tinh thần lạc quan
Khi biết mình bị bệnh ung thư phổi, bệnh nhân thường sẽ có nhiều cảm xúc lẫn lộn như lo lắng, sốc, tức giận, buồn bã, tuyệt vọng... nặng hơn thì có thể sẽ mất dần niềm tin vào cuộc sống, có thể dẫn đến trầm cảm.
Đối với các bệnh nhân này, bác sĩ sẽ phải lựa chọn cách tư vấn cũng như giải thích kỹ cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân về cơ hội sống khi được điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều bệnh nhân rất lạc quan khi biết mình mắc bệnh. Họ sẵn sàng đón nhận căn bệnh của bản thân, bác sĩ chỉ cần tư vấn lộ trình điều trị và động viên khuyến khích để họ luôn giữ vững tinh thần.
Để hỗ trợ sức khoẻ tâm lý cho người bệnh ung thư phổi, TS.BS. Phạm Xuân Dũng có một số lời khuyên chung như sau :
Thứ nhất, người bệnh có thể tìm hiểu thêm về bệnh thông qua các phương tiện truyền thông hoặc hỏi bác sĩ để biết rõ hơn về bệnh ung thư phổi, để không bị cảm giác mất kiểm soát trước bệnh tình của mình.
Thứ hai, bệnh nhân có thể chia sẻ bệnh tình với những người mình tin tưởng hoặc yêu thương. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi chia sẻ với người khác, thay vì giữ trong lòng và luôn đau đáu về bệnh tình của mình.
Thứ ba, duy trì lối sống lành mạnh, kiên trì tập thể dục thể thao, không tìm đến các chất kích thích như bia, rượu, chất gây nghiện... để giải sầu. Việc luyện tập thường xuyên còn giúp tăng cường đề kháng, sự minh mẫn và tinh thần lạc quan.
Đồng thời, từ phía cơ quan chăm sóc sức khỏe, để giúp giảm gánh nặng tâm lý và chi phí cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, nhiều bệnh viện lớn có chuyên khoa ung bướu trên cả nước đang triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí một phần chi phí thuốc cho bệnh nhân ung thư phổi. Bệnh nhân vững tâm điều trị, tuân thủ phác đồ tốt hơn, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư phổi
Ngoài việc duy trì sức khoẻ tinh thần thì việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể trong suốt quá trình điều trị bệnh cũng rất quan trọng. Bệnh nhân cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể không kiệt quệ, đồng thời giúp có đủ sức khỏe để chống chọi với một số phản ứng phụ xảy ra trong quá trình điều trị.
Cụ thể, bệnh nhân nên bổ sung đường bột thông qua các loại thực phẩm như gạo miến, bún, phở bánh mì,... vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Cung cấp chất xơ, vitamin cần thiết cho cơ thể bằng cách ăn nhiều trái cây và rau xanh.
Trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cũng cần bổ sung các thực phẩm nhiều protein như thịt, sữa, trứng, cá để bổ sung đầy đủ chất. Tăng cường sử dụng chất béo thực vật như: dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, bơ,... thay vì chất béo động vật.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất khi điều trị, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thêm bất cứ loại thực phẩm chức năng nào trong quá trình điều trị ung thư phổi.
Đối với thân nhân, việc nắm rõ các diễn biến tâm lý và đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ người bệnh trong suốt hành trình điều trị. Tinh thần lạc quan cũng giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân ung thư phổi ngoài việc chữa trị bằng thuốc đơn thuần.
Các tác dụng không mong muốn của điều trị toàn thân ung thư phổi Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Hình minh họa. Theo chia sẻ của các bác sĩ Khoa Nội 2 - Bệnh viện K, ung thư phổi được chia thành 2 loại chính, bao gồm ung thư phổi tế bào...