Đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngày 15/7, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị gặp gỡ đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp thông tin về một số cơ chế, chính sách mới của Nhà nước, địa phương; từ đó, đẩy mạnh chuyển biến về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần hạn chế rủi ro về pháp lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong quá trình hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát
Hội nghị là dịp để UBND tỉnh nắm bắt thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư, qua đó đánh giá tác động của việc ban hành và thực thi những quy định liên quan; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị làm cơ sở để UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động; hướng tới việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua của tỉnh tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 7%. Sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi nhanh, các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng trên 7% so với cùng kỳ.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tính đến ngày 30/6, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho 2.519 khách hàng vay với số tiền hơn 131 tỷ đồng, đã giải ngân đạt hơn 69%. Cục Thuế đã tiếp nhận, giải quyết giảm thuế giá trị gia tăng cho 2.867 doanh nghiệp với số tiền được giảm trên 1.343 tỷ đồng. Đồng thời, giảm 30% tiền thuế đất của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định. UBND các huyện, thành phố cũng đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 463 doanh nghiệp và 45.563 lao động, tổng số tiền hỗ trợ hơn 67,4 tỷ đồng.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã nêu 21 ý kiến chi tiết, cụ thể liên quan đến công tác xử lý kiến nghị của các sở, ban, ngành chức năng; công tác giải phóng mặt bằng chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp; doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tái sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị vấn đề kết nối, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông vào một số khu vực sản xuất, khu, cụm công nghiệp để hoạt động vận tải hàng hóa thông suốt. Một số ý kiến nêu những vướng mắc về thủ tục hành chính, làm chậm cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất chế biến lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm nông sản. Doanh nghiệp ngành chăn nuôi mong muốn có một hội nghị chuyên đề đối với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan trực tiếp trả lời các ý kiến nêu trên. Về vấn đề kết nối giao thông, ông Cao Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung khắc phục vấn đề hạ tầng còn bất cập, cần giải quyết theo lộ trình phù hợp. Về ý kiến của doanh nghiệp ngành chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức hội nghị đối thoại ngành. Bên cạnh đó, ngành thuế, ngân hàng cần khắc phục những bất cập trong chính sách thuế, đẩy nhanh việc cho vay vốn kinh doanh phục hồi sản xuất. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, các ngành liên quan phải bắt tay vào tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng thuận lợi nhất, báo cáo thường xuyên cho lãnh đạo tỉnh nắm bắt.
Video đang HOT
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cần coi những khó khăn của doanh nghiệp như là khó khăn của mình để từ đó đồng tâm, hiệp lực, hết lòng “phụng sự” vì hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, vì môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng tốt đẹp hơn. Để Đồng Nai giữ và tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp phải được coi là nguyên khí trên con đường phát triển.
Kinh tế TP Hồ Chí Minh trở lại quỹ đạo tăng trưởng - Bài 4: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Với tinh thần đánh giá, phân tích cụ thể các vấn đề còn tồn tại, Tp.Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn đang gặp phải; trong đó, Thành phố xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong quá trình khôi phục và phát triển để chủ động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). Ảnh minh họa: Thanh Vũ /TTXVN
Cải thiện môi trường đầu tư
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2022 với các mục tiêu kiên quyết khắc phục những hạn chế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đầu tư tư nhân hiện chiếm 80% vốn đầu tư xã hội, do đó Thành phố luôn chú ý để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Hiện sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, cùng với các sở, ngành khác đang được UBND Thành phố giao thiết lập một cổng thông tin duy nhất để doanh nghiệp, người dân truy cập dễ dàng các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cung cấp thông tin đúng và kịp thời đến doanh nghiệp.
Trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhóm nhiệm vụ cải thiện chỉ số gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất; đồng thời thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng khác nhau.
Thành phố làm việc với Trung ương tháo gỡ một số dự án trọng điểm có vướng mắc kéo dài như: Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tạo hành lang pháp lý để các dự án có thể tiếp tục triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, có đóng góp chung vào kinh tế - xã hội.
Theo ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết khuyến khích, mời gọi hình thành các dự án, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.
Tp. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn; cùng đó, đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa.
Trong tháng 3/2022, Thành phố tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Thành phố đã tháo gỡ xong cho các dự án như: Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị toàn diện Lemna của Công ty cổ phần Vietstar; Nhà máy điện khí LPG Hiệp Phước của Công ty TNHH điện lực Hiệp Phước; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng; dự án Lotte Cinema Gold View của Tập đoàn Lotte...
Thành phố cũng đang tích cực tháo tháo gỡ, tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm đang tiến hành như: Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Dự án Công ty Liên doanh Cao ốc Sài Gòn Metropolitan TNHH....
Về cải thiện môi trường đầu tư, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Cùng đó, Thành phố cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Ông Đào Minh Chánh cho biết, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố tập trung hỗ trợ về tín dụng; trong đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; thiết kế sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề; đồng thời tiếp tục hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn.
Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách mới của Chính phủ.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ. Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong quý I/2022, các cơ quan chức năng của thành phố đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 577.392 khách hàng với dư nợ hiện tại 141.531 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 217.343 khách hàng với dư nợ hiện tại 6.343 tỷ đồng; cho vay mới hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ hiện tại 1.016.459 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng của Thành phố cũng tiếp nhận và có kết quả xử lý đối với 878 trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch COVID-19. Qua đó, triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo tinh thần "đồng hành cùng phát triển, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với cách thức đã và đang thực hiện trong những năm vừa qua.
Năm 2022, có 14 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 434.280 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ...
Đối với việc hỗ trợ mở rộng thị trường, ông Đào Minh Chánh cho hay, Thành phố thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); từ đó chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại. Đồng thời, Thành phố cũng tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Tại các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm định vị Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là thành phố tiêu biểu của khu vực thông qua các chương trình đầu tư mang tính sáng tạo, tinh hoa và đột phá cao.
Chủ tịch UBND TPHCM trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cuối năm 2021 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu tại ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2021, diễn ra chiều 8/12. Ngày 7/12, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ triệu tập kỳ họp thường lệ cuối năm nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ...