Đồng đô la Mỹ siêu mạnh đe dọa nền kinh tế thế giới như thế nào
Đồng đô la Mỹ đang tăng giá so với gần như mọi loại tiền tệ lớn trên toàn cầu và tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Đồng đô la Mỹ tăng gây ra tác động lên nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images/AFP
Đồng đô la Mỹ đã tăng mạnh so với các đồng tiền chính trên toàn cầu trong năm qua, gần đây đã chạm mức chưa từng thấy trong 20 năm. “Đồng bạc xanh” đã tăng 15% so với bảng Anh, 16% so với euro và 23% so với yen Nhật.
Đô la Mỹ là tiền tệ dự trữ của thế giới, có nghĩa là nó được sử dụng trong hầu hết các giao dịch quốc tế. Vì vậy những thay đổi về giá trị của đồng tiền này có tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là năm tác động quan trọng nhất, theo phân tích của hai giảng viên cấp cao về kinh tế Alexander Tziamalis và Yuan Wang tại Đại học Sheffield Hallam.
1. Lạm phát cao hơn
Xăng dầu và hầu hết các mặt hàng như kim loại hoặc gỗ thường được giao dịch bằng USD (mặc dù có ngoại lệ). Vì vậy, khi đồng đô la Mỹ mạnh lên, những mặt hàng này sẽ có giá bằng nội tệ cao hơn.
Ví dụ nếu tính theo bảng Anh, chi phí cho 100 USD mua xăng dầu đã tăng từ 72 bảng lên 84 bảng trong năm qua. Và khi giá mỗi lít xăng tính theo đô la Mỹ cũng tăng mạnh, điều này đang tạo ra một cú đòn kép.
Khi năng lượng và nguyên liệu thô tăng giá, giá của nhiều sản phẩm cũng tăng lên đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ra lạm phát trên toàn thế giới. Ngoại lệ duy nhất là Mỹ, nơi đồng đô la mạnh hơn giúp nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng rẻ hơn và do đó có thể giúp kiềm chế lạm phát.
Biểu đồ thể hiện sức mạnh của đồng USD kể từ năm 1977-2022. Nguồn: The Conversation
2. Các nước thu nhập thấp đang bị đe dọa
Hầu hết các nước đang phát triển đều nợ bằng đô la Mỹ, rất nhiều trong số họ bỗng tăng số nợ so với một năm chỉ do thiệt hại tỉ giá. Do đó, nhiều nước sẽ phải chật vật tìm kiếm một lượng nội tệ ngày càng tăng để trả các khoản nợ bằng USD.
Chúng ta đã thấy điều này ở Sri Lanka, và các quốc gia khác có thể sẽ sớm nếm trải. Họ sẽ phải đánh thuế nhiều hơn với nền kinh tế, phát hành thêm tiền gây lạm phát trong nước hoặc chỉ đơn giản là đi vay nhiều hơn.
Video đang HOT
Kết quả có thể là suy thoái sâu, lạm phát phi mã, khủng hoảng nợ chính phủ hoặc cả ba cùng lúc, tùy thuộc vào con đường đã chọn. Các quốc gia đang phát triển rơi vào khủng hoảng nợ có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để phục hồi, gây ra khó khăn nghiêm trọng cho người dân.
Người lái xe lam ngủ trong khi chờ xếp hàng đổ xăng ở Colombo, Sri Lanka ngày 12/7/2022. Ảnh: AP
3. Thâm hụt thương mại lớn hơn với Mỹ
Các quốc gia khác sẽ mua ít sản phẩm của Mỹ hơn do đồng đô la mạnh. Thâm hụt thương mại – tức chênh lệch giữa lượng xuất khẩu và nhập khẩu – của Mỹ đã gần chạm mức một nghìn tỷ USD/năm.
Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump trước đây từng tuyên bố sẽ giảm thâm hụt thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng thâm hụt thương mại làm gia tăng việc vay nợ của Mỹ và phản ánh thực tế là nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển ra nước ngoài.
4. Phi toàn cầu hóa sẽ trở nên tệ hơn
Chính sách kinh tế rõ ràng nhất để ngăn chặn thâm hụt thương mại gia tăng chính là “trò chơi cũ”: áp đặt thuế quan, hạn ngạch hoặc các rào cản khác đối với hàng nhập khẩu. Các quốc gia khác có xu hướng trả đũa chủ nghĩa bảo hộ như vậy, tăng thuế và các rào cản khác đối với các sản phẩm của Mỹ.
Trong thời đại mà “phi toàn cầu hóa” đã bắt đầu do mối quan hệ của phương Tây với Nga và Trung Quốc ngày càng xấu đi, đồng USD mạnh hơn tạo thêm động lực chính trị cho chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa thương mại toàn cầu.
5. Nỗi sợ hãi của khu vực đồng euro
Các quốc gia thành viên yếu hơn của EU như Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và Síp về mặt nào đó đã trở nên ít bị tổn thương hơn với các nhà đầu tư.
Điều này là do phần lớn nợ quốc gia của họ hiện nằm trong tay Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), được thành lập để giúp giải cứu các quốc gia này, cũng như những ngân hàng đầu tư thân thiện hơn trong khu vực đồng euro (eurozone).
Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ mạnh hơn đang tạo ra áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng lãi suất để nâng đỡ đồng euro và giảm chi phí nhập khẩu, bao gồm cả nhập năng lượng. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên các nước eurozone có mức nợ cao.
Italy, nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới và có các khoản nợ chính phủ ở mức khổng lồ, 150% GDP, sẽ đặc biệt khó giải cứu nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Kết hợp năm điểm trên lại với nhau, đồng đô la Mỹ cực mạnh là một lý do khác để lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu trong giai đoạn tới. Lạm phát tăng cao hơn làm xói mòn thu nhập của người tiêu dùng và làm giảm tiêu dùng.
Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ có thể làm giảm thương mại và đầu tư quốc tế. Các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia đồng nghĩa với những khó khăn nghiêm trọng đối với nhiều nước đang phát triển và thậm chí có thể là cả khu vực đồng euro.
Đồng đô la Mỹ có tiếp tục tăng?
Đồng USD đã tăng vì cả lý do kinh tế và địa chính trị. Cục Dự trữ Liên bang (FED – tức Ngân hàng trung ương của Mỹ) đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ và cũng đảo ngược chính sách tạo tiền thông qua nới lỏng định lượng (QE). Điều này nhằm mục đích kiềm chế lạm phát do các vấn đề về nguồn cung thời kỳ dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine và cả QE.
Đồng USD mạnh hơn là một tác dụng phụ của những mức lãi suất cao hơn này. Bởi vì đồng đô la hiện mang lại lợi suất cao hơn khi gửi vào ngân hàng Mỹ, nó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài bán nội tệ của họ và mua USD.
Một lý do khác khiến đồng đô la Mỹ tăng mạnh là vì đây là nơi trú ẩn an toàn rất truyền thống khi thế giới lo lắng về suy thoái, và tình hình địa chính trị hiện tại được cho là khiến đồng USD càng hấp dẫn hơn.
Đồng euro đang gặp khó khăn. Ảnh: The Conversation
Đồng euro đã phải hứng chịu hậu quả từ phản ứng của EU với cuộc chiến ở Ukraine, sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và nguy cơ một cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro khác.
Đồng bảng Anh thì bị ảnh hưởng bởi Brexit (Anh rời EU) và cũng đang đối mặt với viễn cảnh một cuộc trưng cầu dân ý tách ra độc lập lần thứ hai của Scotland cũng như một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với EU về giao thức Bắc Ireland.
Trong khi đó, đồng yen Nhật lại thuộc về một nền kinh tế dường như đang dần mất đi vị thế. Nhật Bản là một quốc gia dân số già và vẫn chưa cảm thấy thoải mái với việc di cư dân để thúc đẩy năng lực sản xuất.
Lúc này rất khó để dự đoán xu hướng tương lai của đồng đô la Mỹ khi có quá nhiều thứ chuyển động trong nền kinh tế thế giới. Nhưng các nhà phân tích cho rằng lạm phát dai dẳng sẽ buộc lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng và cùng với những cú sốc địa chính trị từ chiến tranh và các vụ vỡ nợ quốc gia, nó có thể sẽ khiến đồng USD tiếp tục tăng cao. Một đồng đô la Mỹ mạnh là phản ứng đáp trả trong những thời điểm khó khăn.
Croatia chính thức trở thành thành viên thứ 20 của Eurozone
Ngày 12/7, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua quyết định Croatia trở thành thành viên thứ 20 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Bộ trưởng Tài chính Croatia Marko Primorac (trái) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde chụp ảnh với một mẫu tiền xu Euro tại lễ ký Croatia tham gia Eurozone ngày 12/7 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: CNBC
Theo trang tin euronews.com, quyết định chính thức ủng hộ Croatia gia nhập Eurozone đã được thông qua ngày 12/7 và quyết định này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2023.
Hội đồng châu Âu (EC), nhóm gồm đại diện của 27 chính phủ thành viên EU, đã thông qua 3 văn bản pháp lý theo qui định để chấp thuận Croatia, nước đã là thành viên EU từ năm 2013, sử dụng đồng tiền chung châu Âu từ ngày 1/1/2023.
Một trong ba văn bản pháp lý qui định tỷ giá hối đoái để Croatia gia nhập Eurozone là 1 một euro đổi 7,5345 kuna. Croatia sẽ có thời hạn từ nay tới cuối năm để chuẩn bị các bước đi nhằm triển khai việc chuyển đổi tiền tệ.
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là một nhóm các quốc gia thành viên của EU sử dụng đồng Euro làm đơn vị tiền tệ chính thức của mình. Trước khi Croatia tham gia, khối này gồm 19 nước.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni hồi tháng 6 tuyên bố: "Sau khi kỷ niệm 20 năm ngày ra đời tiền giấy và tiền xu euro vào đầu năm 2022, khu vực đồng euro có thể vui mừng chào đón thành viên thứ 20 của mình". Ông Gentiloni cho biết công tác chuyển đổi từ đồng kuna của Croatia sang đồng euro đang được tiến hành tốt.
Ngay từ tháng 9/2021, nhà chức trách Croatia cùng với EC và các nước trong khu vực Eurozone đã ký một biên bản ghi nhớ về kế hoạch sản xuất tiền giấy và tiền xu euro vào tháng 1/2023. Cũng theo quan chức này, việc gia nhập Eurozone sẽ giúp mang lại một số lợi ích kinh tế cho Croatia như chi phí tài chính và giao dịch thấp hơn, dòng vốn tăng, giảm thiểu rủi ro hối đoái trong hệ thống ngân hàng, hội nhập vào liên minh ngân hàng châu Âu, tăng tính minh bạch về giá.
Ngày 12/7, đồng euro dao động quanh mức 1,004 USD, trước khi tăng lên 1,0023 USD. Hiện đồng euro đang chịu sức ép từ việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED thúc đẩy việc tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Điều này làm cho lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và rời bỏ đồng euro. Hơn nữa, "đồng bạc xanh" được hưởng lợi từ vị thế vốn có của nó như một "thiên đường trú ẩn an toàn". Từ đầu năm 2022 đến nay, đồng USD đã tăng tới 14% so với đồng euro.
Với việc các nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chậm tăng lãi suất, đồng euro tiến gần đến mức ngang giá với "đồng bạc xanh". Đây là lần đầu tiên đồng euro giảm xuống mức đó kể từ năm 2002, thời điểm đồng tiền này chính thức được phát hành sau 3 năm tồn tại dưới dạng thử nghiệm.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng euro là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ.
Người Hàn Quốc ồ ạt rời Trung Quốc khi nguồn sinh kế bị đe dọa Trung Quốc từng được coi là mảnh đất cơ hội đối với nhiều người Hàn Quốc, nhưng khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì COVID-19 và sinh kế đang bị đe dọa, nhận thức đó đã thay đổi. Ảnh minh hoạ: SCMP Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, đối với Baek Hwi-jeong, quốc tịch Hàn Quốc, Trung Quốc không chỉ...