Động đất chưa từng thấy tại thủy điện Sông Tranh 2
Người dân sống xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) lại một phen tháo chạy vào tối 3.9, khi một trận động đất mạnh 4,2 độ Richter (tương đương trên cấp 6 theo thang MSK-64) xảy ra.
Trong khi đoàn công tác của UBND H.Bắc Trà My đang dự họp tại Hà Nội với các bên liên quan về kết quả chống thấm và kết luận an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 thì tại khu vực xung quanh thân đập này lại xảy ra hiện tượng động đất. Ngày 4.9, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất mạnh 4,2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3 km, trong khu vực địa phận H.Bắc Trà My.
Cuối tháng 8, đập thủy điện Sông Tranh 2 đã được khắc phục sự cố rò rỉ – Ảnh: Hoàng Sơn
Hàng loạt rung chấn rất mạnh
Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc (H.Bắc Trà My) vẫn chưa hết bàng hoàng khi cho Thanh Niên biết, đến khuya 3.9, khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xảy ra hàng loạt rung chấn rất mạnh khiến người dân không dám ở trong nhà. “Tôi và gia đình sống trong nhà sàn nên cảm nhận rất rõ các rung lắc từ trận động đất này. Mọi thứ trong nhà như mái tôn, đòn tay, bàn ghế đều rung lên, đồ đạc trên tường rơi xuống sàn nhà”, ông Lợi nói. “Khoảng 6 ngày trở lại đây động đất liên tục xảy ra với cường độ nhẹ. Đỉnh điểm bắt đầu từ 19 giờ tối 3.9 với hàng loạt rung chấn cường độ rất mạnh”, ông Lợi cho biết thêm.
Nếu lũ lên 3-4 mét thì nguy cơ vỡ đập là rất lớn. Khi có mưa bão, chính quyền địa phương phải lên ngay hồ chứa để cùng BQL đập Sông Tranh 2 theo dõi mực nước. Nếu trong ngày, tốc độ nước lên nhanh từ 3 – 4 mét thì ngay lập tức phía hạ lưu phải sơ tán
GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, xác nhận: “Những ngày gần đây, xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 có nhiều rung chấn. Tuy nhiên, đến tối qua 3.9, trên toàn huyện có rung chấn không những mạnh nhất từ trước đến nay mà còn xảy ra trên diện rộng”. Ông Phong kể, mặc dù nhà ông ở tại thị trấn Trà My cách khu vực thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 7 km nhưng ông vẫn không dám ở trong nhà vì rung chấn quá mạnh.
Theo người dân, trận động đất này cũng làm rung chấn đến tận huyện Quế Sơn. Ông Nguyễn Sự, một người dân ở thôn Hòa Mỹ Tây, xã Quế Xuân 2 (H.Quế Sơn, Quảng Nam) cho biết: Vào khoảng 21 giờ ngày 3.9 khi đang ngồi xem ti vi ông nghe nhiều rung chấn trong lòng đất, các đồ vật trong nhà như chao đảo. Nhiều người dân trong xã cũng xác nhận giống như ông Sự.
Chưa thể an tâm trước mùa mưa
GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, phân tích: “Quảng Nam đã bắt đầu mùa mưa lại kèm theo những trận động đất lớn quanh thân đập Sông Tranh 2 nên cần đề phòng. Bởi vai phải thân đập (nhìn từ thượng lưu) đã bị “há”. Trong khi đó, việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc dán ở 10 khe nhiệt mặt thượng lưu, còn toàn đập thì chưa. Thế nên khi có lũ lớn kèm theo động đất sẽ rất nguy hiểm”.
GS Hồng khuyến cáo, điều quan trọng nhất là tiếp tục theo dõi các vết nứt trên thân đập xem có hiện tượng như thế nào. Thứ hai, mùa mưa bão đã đến, khi lũ về cần theo dõi tốc độ lũ lên nhanh hay chậm để có phương án. “Trong một ngày lũ lên nửa mét thì không sao nhưng nếu lũ lên 3-4 mét thì nguy cơ vỡ đập là rất lớn. Khi có mưa bão, chính quyền địa phương phải lên ngay hồ chứa để cùng BQL đập Sông Tranh 2 theo dõi mực nước. Nếu trong ngày, tốc độ nước lên nhanh từ 3 – 4 mét thì ngay lập tức phía hạ lưu phải sơ tán”, ông Hồng nhấn mạnh.
Chiều 4.9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) tỉnh đã có công văn đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm kiểm tra, xác định cường độ động đất vừa xảy ra trên khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2, thông tin kịp thời cho UBND tỉnh và BCH PCLB biết để kịp thời chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục. Công văn cũng nêu rõ, BQL dự án Thủy điện 3 cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh, BCH PCLB về tình hình an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 do ảnh hưởng của trận động đất trên.
Video đang HOT
Bảo vệ đập
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt phương án bảo vệ đập thủy điện Sông Tranh 2 do Công ty thủy điện Sông Tranh (đóng tại H.Bắc Trà My) lập, và giao công ty này tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối đập cùng với vùng phụ cận bảo vệ đập.
Trước đó, Công ty thủy điện Sông Tranh 2 cũng đã lập 3 trạm thủy văn, đo lượng mưa tại khu vực đầu nguồn, khu đập chính và 2 trạm cảnh báo từ xa ở hạ du với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Các trạm cảnh báo từ xa này đặt tại vùng ngập lụt lớn khi xả lũ tại thôn 8 xã Tiên Lãnh (H.Tiên Phước), thôn 3, xã Hiệp Hòa (H.Hiệp Đức), hoạt động theo cơ chế tự động nhận – phát tín hiệu cảnh báo người dân bằng bản tin, còi hú.
Cảnh báo các trận động đất mạnh hơn
Theo TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần xác nhận, có 4 trận động đất liên tiếp trong đêm 3.9 tại H.Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 19 giờ 30 phút, sau đó 3 trận động đất nối tiếp nhau xuất hiện. Trong đó, trận động đất có cường độ mạnh nhất xảy ra lúc 20 giờ 46 phút, mạnh 4,2 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 15,217 độ vĩ bắc, 108,250 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3 km, trong khu vực địa phận H.Trà My. Theo đánh giá, trận động đất này gây nên rung động trên cấp 6 (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo ông Minh, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra tổng cộng 40 trận động đất, trong đó đa phần là các trận động đất có cường độ nhỏ. Trận động đất mạnh nhất xảy ra gần đây nhất là có cường độ mạnh 3,1 độ Richter, xảy ra vào tháng 2 năm nay. Trước đó, tháng 11.2011, tại khu vực này xảy ra 2 trận động đất mạnh 3,2 và 3,4 độ Richter.
“Trận động đất xảy ra tối 3.9 có cường độ mạnh nhất kể từ năm 2011 đến nay. Kết hợp với diễn biến động đất tôi vừa nêu, có thể nhận thấy, tần suất xảy ra động đất tại đây vẫn chưa hề giảm, và quan trọng là cường độ chưa đến đỉnh điểm. Thời gian tới, có thể xuất hiện thêm các trận động đất có cường độ lớn hơn”, ông Minh lưu ý.
Theo ông Minh, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý là các đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng – Tà Vi. Động đất cực đại theo nhận định của các nhà khoa học có thể xảy ra trên các đới đứt gãy này là 5,5 độ Richter. Ông Minh khuyến cáo, các trận động đất ở Quảng Nam có tâm chấn nông nên rung động rất mạnh trên bề mặt, dễ gây ra các thiệt hại.
Ông Minh nói rằng, hiện chưa thể khẳng định các trận động đất vừa xảy ra ở Quảng Nam là động đất kích thích hay động đất kiến tạo. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận định, các trận động đất này xảy ra là do tổng hợp của cả hai nguyên nhân. “Các trận động đất này nằm trên đới đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vi, một trong hai đới đứt gãy gây động đất mạnh nhất tại khu vực này. Động đất kích thích chỉ xảy ra khi có 2 điều kiện: có đới đứt gãy đang hoạt động và nhân tố kích thích, ở đây, trong trường hợp các trận động đất này nó được xác định là do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước làm thay đổi địa chất xung quanh đập, là tác nhân khiến động đất kiến tạo xảy ra sớm hơn”, ông Minh giải thích.
Theo ông Minh, hiện chưa thể khẳng định một cách chắc chắn đập thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn trước các trận động đất xảy ra trong tương lai hay không. Tuy nhiên, khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu đã khuyến nghị thiết kế kháng chấn có thể chống chọi với động đất gây chấn động cấp 8.
Theo TNO
Trắng đêm chạy
Những tiếng nổ kinh hoàng giữa đêm tối, nhà cửa rung bần bật, cả thị trấn bỗng nhốn nháo, hàng ngàn người dân đổ ra đường suốt đêm vì sợ động đất...
Đó là cảnh tượng xảy ra tại thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) đêm 3-9.
Xây bờ kè đá sát vai trái bờ đập chắn của thủy điện Sông Tranh 2 chiều 3-9 - Ảnh: TấN VŨ
"Động đất kèm theo tiếng nổ hiếm khi xảy ra ở khu vực Bắc Trà My nên người dân hoảng sợ là lẽ đương nhiên. Thường thì động đất kích thích có chấn tiêu nông lại kèm theo tiếng nổ to và khu vực lân cận rung động mạnh. Nhưng do động đất loại này có chấn tâm không sâu nên không truyền rung động xa, mạng trạm quan trắc cũng khó ghi nhận được đầy đủ"
TS Lê Huy Minh
Điều đáng lo ngại là vụ động đất xảy ra ngay khu vực thủy điện Sông Tranh 2 - nơi đang có những vấn đề còn băn khoăn về sự an toàn của đập tích nước.
Đất nổ, nhà rung
Dù đã hơn 12 giờ trôi qua kể từ khi cơn địa chấn cuối cùng xảy ra lúc 20g ngày 3-9, tại thị trấn Trà My người dân vẫn còn bàng hoàng. Với vẻ mặt còn in nỗi lo lắng, bà Nguyễn Thị Tình (57 tuổi, tiểu thương chợ Trà My) kể: "Lúc đó nhà tôi vừa dọn mâm cơm lên bàn, bỗng nghe tiếng nổ như ai đánh bom sát tường nhà. Ly, tách trên bàn đổ ầm xuống đất. Nhà tôi hoảng hốt chạy thẳng ra đường". Còn ông Đặng Phong - chủ tịch huyện Bắc Trà My - nói: "Hàng ngàn người dân thị trấn đổ xô ra đường. Toàn vùng mất điện người dân càng hoang mang hơn".
Vừa dọn dẹp lại đống gạch nát đổ ập xuống trước sân, ông Nguyễn Văn Bình, cư dân thị trấn Trà My, vừa nói: "Cả đêm qua nhà tôi chẳng ai chợp mắt. Nghe tiếng xe chạy ngoài đường cứ ngỡ tiếng nước ầm ào từ thủy điện Sông Tranh đang ùa về". Ông Bình nhận định trận động đất tối qua là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay ông từng chứng kiến. Chỉ tay về phía tường nhà, ông Bình cho biết tường gạch dày 15cm bị bung tróc, vữa rơi đầy nền nhà.
Theo ông Phạm Xuân Hùng - thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, những ngày gần đây mặt đất rung chuyển liên tục. "Tôi nghe mấy chuyên gia động đất ở Hà Nội trước đây nói rung chuyển là do động đất kích thích vì tích nước làm thủy điện Sông Tranh 2, sau này sẽ giảm dần và hết. Nhưng giảm mô không thấy, đằng này lại thấy phát nổ nhiều và mạnh hơn", ông Hùng băn khoăn.
Chiều qua, mực nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn sát đáy. Ngay bờ vai trái của thân đập, nơi có vết đất nứt ăn sâu vào lòng núi, có nhiều công nhân đang cột rọ sắt và bê đá xây bờ kè. Ngay khi lần đầu tiên xảy ra rung chấn vào tháng 10-2011, trong cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, chủ tịch huyện Bắc Trà My Đặng Phong đã cảnh báo hiện tượng trượt đất, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa kịp khắc phục.
Sau khi động đất xảy ra, sáng 4-9 các chuyên gia của Sở Khoa học - công nghệ tỉnh đã tức tốc đến hiện trường để kiểm tra tình hình. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản gửi Viện Vật lý địa cầu đề nghị sớm kiểm tra và thông tin cường độ động đất vừa xảy ra trên khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Đặng Phong nhận định nước trong lòng hồ vẫn ở dưới mực nước chết (cao trình dưới 140m), mưa ít, nước về hồ không nhiều nhưng đã xảy ra động đất là điều quá bất thường. "Liệu khi nước đầy mọi việc sẽ ra sao. Chúng tôi kiến nghị thủy điện nên tích nước từ từ, vừa tích nước vừa kiểm tra thân đập. Người dân Trà My mỏi mòn chờ lắp máy quan trắc nhưng Viện Vật lý địa cầu và Bộ Khoa học - công nghệ cứ hứa mà chẳng thấy làm" - ông Đặng Phong phàn nàn.
Theo ông Trần Văn Hải, trưởng ban quản lý dự án thủy điện 3, các số đo từ máy quan trắc đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn để phân tích xử lý. Hiện động đất chưa có dấu hiệu ảnh hưởng gì đến công trình thủy điện Sông Tranh 2. Cũng cần nhắc lại, ngày 9-4-2011, tại cuộc làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Nam, tiến sĩ Lê Huy Minh - viện phó Viện Vật lý địa cầu - khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên các đới đứt gãy đang hoạt động, có thể gây ra động đất. Nguyên nhân của các động đất kích thích là do hoạt động tích nước thủy điện Sông Tranh 2 làm gia tăng cường độ đứt gãy.
Động đất 4,2 độ Richter
Trận động đất có cường độ 4,2 độ Richter xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đêm 3-9 được xem là trận động đất có cường độ lớn nhất kể từ khi công trình thủy điện này tích nước. Và máy gia tốc đặt tại vai trái của đập (ngoài thân đập) ghi được gia tốc cực đại ứng với rung động cấp 7 theo thang MSK 64, thấp hơn 1 cấp so với thiết kế của đập. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Huy Minh, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết xu thế động đất ở khu vực này chưa giảm khi trận sau có cường độ lớn hơn trận trước và xảy ra nhiều hơn.
Theo TS Minh, hồi 20g46 ngày 3-9, trạm động đất Bình Định của Viện Vật lý địa cầu ghi nhận được một trận động đất có cường độ 4,2 độ Richter. Động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,217 độ vĩ bắc - 108,250 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu (tiêu điểm phát sinh ra chấn động trong lòng đất) khoảng 7,3 km, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My.
Các máy gia tốc của ban quản lý dự án thủy điện 3 đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận được bốn trận động đất. Máy gia tốc đặt tại vai trái của đập (ngoài thân đập) ghi được gia tốc cực đại là 0,0901g ứng với rung động cấp 7 theo thang MSK 64, máy gia tốc đặt tại mặt đập ghi nhận được gia tốc cực đại là 0,2910g ứng với rung động cấp 9. "Có thể nói các ghi nhận về gia tốc động đất chưa vượt quá thiết kế của đập, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của đập" - TS Minh nói.
Về nguyên nhân xảy ra động đất, TS Minh giải thích: "Chúng tôi nhận thấy chấn tâm động đất không phải chỉ nằm trong khu vực hồ chứa mà có trận xảy ra ngay trong hồ chứa, có trận sau hồ chứa. Như vậy có khả năng thứ nhất là nước ở hồ thủy điện thấm theo đứt gãy làm cho hoạt động của đứt gãy phức tạp hơn. Thứ hai, có thể liên quan đến hoạt động kiến tạo ở khu vực này". TS Minh còn cho biết đánh giá động đất cực đại ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 được thực hiện từ năm 2003 và lúc đó chưa có nhiều số liệu quan sát, chỉ có số liệu một trận động đất xảy ra ở đó từ rất lâu.
TẤN VŨ - BẮC BẰNG - TUẤN PHÙNG
Cho tích nước đập thủy điện Sông Tranh 2
Đó là nội dung được khẳng định tại cuộc họp báo cáo kết quả chống thấm và đánh giá sự ổn định của đập thủy điện Sông Tranh 2 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học - công nghệ, tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My cùng các bên liên quan sáng 4-9. Đến thời điểm này, các đơn vị chức năng khẳng định việc chống thấm đã hoàn thành, mức độ nước thấm qua đập giảm 80-90%. Tư vấn độc lập Colenco của Thụy Sĩ nhấn mạnh đập đảm bảo an toàn và có khả năng chịu được những trận động đất có cường độ còn cao hơn cả mức độ thiết kế.
Theo ông Nguyễn Tài Sơn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 (đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh), việc chống thấm ở các khe nhiệt cũng như những vị trí thấm khác đã được kiểm tra và thỏa mãn yêu cầu đặt ra. Ông Sơn đề nghị cho tích nước hồ thủy điện để khai thác vì đập đã đảm bảo an toàn, ổn định.
Đại diện tư vấn độc lập - Công ty Colenco (Thụy Sĩ) cho biết đã hoàn tất việc thẩm tra tiêu chuẩn thiết kế đập, sự ổn định của đập, cường độ bêtông đầm lăn, quan trắc trạng thái biểu hiện của đập và khả năng về động đất gây ra bởi hồ chứa. Tất cả mọi cái đều đạt yêu cầu. Sau khi xử lý thấm đến nay không còn nước thấm qua mặt hạ lưu đập, hành lang đập đã khô. Cường độ nén và kéo của bêtông đầm lăn cũng thỏa đáng với an toàn của đập. Về sự ổn định của đập, tư vấn Colenco kết luận đập đảm bảo an toàn trong trường hợp mực nước hạ lưu tăng lên và trong trường hợp có động đất lớn hơn nhiều so với trận động đất được giả định trong thiết kế.
Colenco cũng lưu ý chủ đầu tư công trình cần hoàn thiện hệ thống thiết bị quan trắc và hằng ngày phải thường xuyên quan trắc bằng mắt thường trong thời gian tích nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, kết luận về an toàn của đập cho phép tích nước trở lại. Để quá trình vận hành, khai thác công trình bảo đảm an toàn, đơn vị chủ quản công trình cần hoàn thành một số việc mà phía tư vấn độc lập yêu cầu. Ông Dũng cũng thống nhất với yêu cầu của UBND huyện Bắc Trà My và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là sẽ tổ chức công khai thông tin ngay tại địa phương để người dân hiểu và tin tưởng vào kết luận của các cơ quan chuyên môn. Với trận động đất xảy ra ở khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh đêm 3-9, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với Bộ Công thương vào kiểm tra tình hình của công trình thủy điện Sông Tranh 2.
* Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan về việc đánh giá mức độ an toàn của đập các hồ thủy điện và thủy lợi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung kiểm tra, đánh giá gồm: kiểm tra hiện trạng làm việc của đập bằng phương pháp trực quan nhằm phát hiện các biểu hiện bất thường như thấm, nứt và các hư hỏng khác ảnh hưởng đến an toàn đập kiểm tra công tác quản lý, vận hành, điều tiết, duy tu bảo dưỡng của chủ đầu tư, chủ đập báo cáo đánh giá về mức độ an toàn công trình của chủ đầu tư, chủ đập...
Theo Tuoitre
Đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn Sáng 4/9, tại cuộc họp báo cáo kết quả chống thấm và đánh giá sự ổn định của đập thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị tư vấn độc lập Colenco (Thụy Sĩ) khẳng định đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn. Thậm chí, đập Sông Tranh 2 có khả năng chịu những trận động đất có cường độ cao hơn cả...