Đóng cửa lãnh sự quán tăng áp lực ‘Chiến tranh Lạnh’ Mỹ – Trung
Việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston khiến viễn cảnh Chiến tranh Lạnh giữa hai quốc gia không còn quá xa vời, chuyên gia nhận định.
Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích họ làm vậy để “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Trung Quốc gọi đây là “sự leo thang chưa từng có”, “khiêu khích chính trị đơn phương”, phá hoại quan hệ song phương. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ nói rất sốc trước yêu cầu đóng cửa của Mỹ.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 22/7. Ảnh: AFP.
Theo bình luận viên James Kynge từ Financial Times, động thái quyết liệt chưa từng thấy của Mỹ nhắm vào Trung Quốc khiến ông nhớ tới “những ngày đen tối của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Dù Mỹ không đưa ra thông báo chính thức nào trước khi yêu cầu Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston, hàng loạt bình luận gay gắt về Bắc Kinh đến từ các quan chức cấp cao Mỹ trong những tuần gần đây phần nào cho thấy điều gì đã thúc đẩy Washington hành động.
“Điều đáng chú ý là một hãng tin địa phương ở Houston lại là bên đầu tiên đưa tin sau khi thấy xe cứu hỏa đậu trước lãnh sự quán, nơi có khói đang bốc lên”, Jonathan Hillman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, nhận định. “Nhưng nó diễn ra sau hàng loạt bình luận công khai gay gắt nhằm vào Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp William Barr”.
Hành vi gián điệp, tấn công mạng và đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ do Trung Quốc thực hiện là những chủ đề phổ biến trong các bình luận từ phía quan chức cấp cao Mỹ. Những mối lo ngại này đã được phản ánh trong lời giải thích sau đó từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho quyết định đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston.
Wray cho biết FBI cứ 10 tiếng lại lập một hồ sơ phản gián liên quan đến Trung Quốc và có khoảng 2.500 vụ đang được các điều tra viên của họ xử lý. Các báo cáo về thiệt hại liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Trung Quốc tại Mỹ không thống nhất, nhưng một số người ước tính con số lên tới 225-600 tỷ USD một năm.
Trong suy nghĩ của nhiều quan chức cấp cao Mỹ, một số tập đoàn lớn nhất nước này cũng có lỗi khi hợp tác với Bắc Kinh để giành quyền tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc.
Video đang HOT
“ Tham vọng cao nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc không phải là thương mại với Mỹ mà là ‘cướp bóc’ của Mỹ. Nếu bạn là một lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, nhân nhượng với Trung Quốc có thể mang đến những lợi ích ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, mục tiêu của Trung Quốc là thay thế bạn”, Bộ trưởng Tư pháp Barr tuyên bố.
“Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải là một cơ sở ngoại giao. Đó là một nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp và hoạt động gây ảnh hưởng ở Mỹ”, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio viết trên Twitter.
Tuy nhiên, cáo buộc gián điệp không phải yếu tố duy nhất khiến chính quyền Mỹ ra quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, theo bình luận viên Alex Ward từ Vox.
Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chiến lược thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc nhằm thu hút ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. “Lãnh sự quán Houston là lãnh sự quán duy nhất của Trung Quốc nằm ở bang đỏ (bang ủng hộ đảng Cộng hòa), vì thế việc đóng cửa nó sẽ dễ dàng hơn”, Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, đánh giá.
Các lãnh sự quán khác nằm ở New York, Chicago, Los Angeles, San Francisco và đại sứ quán Trung Quốc nằm ở thủ đô Washington.
Hôm 21/7, Washington cáo buộc Bắc Kinh hợp tác với hai tin tặc tấn công các công ty nghiên cứu vaccine và cách điều trị Covid-19. Có thể việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston còn là động thái nhằm trả đũa cho sự việc này.
Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều không thể chắc chắn hoàn toàn vì sao quyết định lại được đưa ra vào lúc này mà không phải thời điểm nào khác, bởi lo ngại về hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ luôn là mối quan tâm mà chính quyền Trump đặt lên hàng đầu lâu nay.
“Hiện tại, lý do đằng sau hành động của chính quyền Mỹ chưa rõ ràng”, Aaron Friedberg, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Princeton, cho hay. “Đóng cửa một lãnh sự quán nước ngoài là một bước đi nghiêm trọng”.
Suốt nhiều tháng qua, Washington và Bắc Kinh liên tiếp chỉ trích, tung ra những thông điệp cứng rắn nhằm vào nhau khiến mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ những năm 1970.
Với việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, “thật khó để có thể tiếp tục nói rằng đây không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, Glaser nhấn mạnh.
“Tốc độ xói mòn mối quan hệ đang gia tăng”, Jacob Stokes từ Viện Hòa bình Mỹ nhận xét. “Mỗi ngày trôi qua, mối quan hệ song phương lại rơi xuống những đáy sâu mới”.
Trong những giai đoạn mối quan hệ song phương lâm vào căng thẳng, tận dụng mọi kênh liên lạc có thể để ngăn cho tình hình trở nên trầm trọng hơn là biện pháp tốt nhất có thể làm. Nhưng với việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Mỹ đang cắt đứt một kênh liên lạc và làm cho việc trao đổi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Nó tiếp tục làm giảm đi những kênh ngoại giao ít ỏi còn lại giữa hai nước và đây là một bước đi khó đảo ngược”, Daniel Russel, thứ trưởng ngoại giao Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2013 đến 2017, đánh giá.
“Nhìn chung, đây là một bước đi nữa khoét sâu khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc”, Stokes từ Viện Hòa bình Mỹ, cho biết.
Và nếu Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối đầu theo hướng như hiện nay, cuộc “chiến tranh” hiện nay có lẽ sẽ không còn “lạnh” nữa, bình luận viên Alex Ward nhận định.
Đóng lãnh sự quán Trung Quốc, Trump dọn đường tái cử
Việc ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc có thể giúp Trump tạo lợi thế tranh cử bằng cách nhấn mạnh Bắc Kinh là kẻ thù nguy hiểm.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/7 thông báo họ đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, "nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ". Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cáo buộc cơ sở này là một trung tâm tình báo của quân đội Trung Quốc, trong khi thượng nghị sĩ Marco Rubio nói đây là "một nút trung tâm trong mạng lưới gián điệp quy mô lớn".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho rằng lệnh đóng cửa lãnh sự quán "là hành động khiêu khích đơn phương mang tính chính trị từ phía Mỹ, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cũng như các quy tắc cơ bản trong việc điều tiết quan hệ quốc tế và thỏa thuận lãnh sự song phương giữa hai nước".
Bình luận viên Paul Heer của National Interest tỏ ra không quá bất ngờ trước nghi vấn lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston liên quan tới các hoạt động gây ảnh hưởng, thu thập thông tin trong và ngoài cộng đồng người Hoa tại khu vực, gồm khoảng 75.000 người. "Các cơ quan ngoại giao khác của Trung Quốc tại Mỹ, như đại sứ quán ở thủ đô Washington, lãnh sự quán ở New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles, cũng tương tự", Heer nêu ý kiến.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định việc ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston " dường như rõ ràng là một sản phẩm trong chiến lược tái tranh cử" của Tổng thống Donald Trump, nhằm làm nổi bật mối đe dọa từ Bắc Kinh đối với Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 22/7. Ảnh: Reuters.
"Điều này có lẽ sẽ giúp Trump đánh lạc hướng chú ý khỏi thất bại của ông trong nhiệm vụ kiểm soát Covid-19, đồng thời chĩa mũi dùi về phía một kẻ thù ở nước ngoài có thể phải chịu trách nhiệm cho đại dịch", Heer giải thích.
Bình luận viên nói thêm rằng động thái của chính quyền Trump còn giúp khẳng định thông điệp trong chiến dịch tranh cử của ông chủ Nhà Trắng, rằng Joe Biden, ứng viên thuộc đảng Dân chủ, quá mềm mỏng trước mối đe dọa từ Trung Quốc nên không đủ trình độ để đối đầu với họ.
Một số nhà phê bình khác cũng cho rằng quyết định ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston mang động cơ chính trị. Jeff Moon, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đặt ra câu hỏi tại sao lãnh sự quán tại Houston bị nhắm tới.
"Nếu lý do thực sự là vì Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, Mỹ đáng lẽ nên đóng lãnh sự quán ở San Francisco, nơi bao gồm Thung lũng Silicon. Quyết định lần này nhằm lấy lòng đám đông ủng hộ Trump, những người nóng lòng muốn trả đũa Trung Quốc, đồng thời chuyển hướng chú ý khỏi chiến lược xử lý Covid-19 tai hại của Tổng thống", Moon nhận định.
Thượng nghị sĩ bang Maine Angus King, một chính trị gia độc lập, hôm 22/7 cho biết ông chưa nhận được thông tin về "bất cứ hoạt động tình báo cụ thể nào gần đây của Trung Quốc", dù là liên quan đến bầu cử Mỹ hay sở hữu trí tuệ, có thể đã dẫn tới quyết định của chính quyền Trump.
"Chắc chắn có lý do chính đáng để đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi lo ngại động thái leo thang căng thẳng này có thực sự nhằm đối đầu Trung Quốc, hay là vì cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 4 tháng nữa?", King, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, đặt nghi vấn.
Moon chỉ ra rằng việc lựa chọn mục tiêu là lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vừa giúp Trump thể hiện sự cứng rắn, vừa tránh nguy cơ gây rủi ro nghiêm trọng. Các lãnh sự quán Mỹ và Trung Quốc được kết nối với nhau một cách không chính thức, với cơ sở ở Houston liên kết với lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán. Tuy nhiên, cơ quan ở Vũ Hán vẫn đóng cửa do nCoV, nên phản ứng của Bắc Kinh có thể không quá gay gắt, Moon nhận định.
Một cựu quan chức giấu tên rời chính quyền Trump năm ngoái tiết lộ Tổng thống thường phản bác những cố vấn kêu gọi ông trừng phạt Trung Quốc mạnh mẽ hơn, bởi lo ngại gây tổn hại cho đàm phán thương mại. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 tàn phá sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế Mỹ, các đồng minh cùng cố vấn của Trump, bao gồm con rể Jared Kushner, lập luận rằng việc công kích Trung Quốc vì không sớm kiềm chế nCoV sẽ giúp củng cố nền tảng chính trị của Tổng thống Mỹ, theo các nguồn tin.
Theo bình luận viên Heer, không rõ chính quyền Trump đã tính tới những hậu quả tiềm tàng hay chưa, nhưng Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đáp trả tương xứng, như ra lệnh đóng cửa một lãnh sự quán Mỹ tại nước này hoặc nhiều hơn, hay gây trở ngại cho giới chức Mỹ ở Trung Quốc. Công chúng hai nước được cho là cũng sẽ ngày càng suy nghĩ tiêu cực về nhau.
Vài tuần gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien, giám đốc FBI Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đều nhấn mạnh những thách thức, mối đe dọa và nguy hiểm từ phía Bắc Kinh đối với Washington. Heer cho rằng các bài phát biểu của họ nêu chính xác nhiều khía cạnh đáng lo ngại của Trung Quốc, đòi hỏi Mỹ phải cảnh giác và phản ứng cứng rắn, như vấn đề tấn công mạng, gián điệp kinh tế hay cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.
Tuy nhiên, Heer nhận thấy một số phát ngôn đã đi quá xa, phóng đại bản chất và phạm vi tham vọng của Trung Quốc mà không đưa ra bằng chứng thuyết phục. Thêm vào đó, bình luận viên này đánh giá chính quyền Trump có thể đang tính toán sai cả về mức độ dồn ép Bắc Kinh thay đổi hành vi, lẫn khả năng kiểm soát căng thẳng trong quan hệ.
"Đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có thể giúp ngăn chặn một công cụ thực hiện mưu đồ của Bắc Kinh. Nhưng không may, nó cũng tượng trưng cho việc đóng lại các kênh liên lạc Mỹ - Trung, ngay tại thời điểm đối thoại chiến lược và hiểu biết lẫn nhau là điều cần thiết nhất, đồng thời đẩy quan hệ hai nước xuống đáy", Heer nhận định.
Quan chức Mỹ lý giải vụ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell vừa đưa ra những giải thích chi tiết về lý do lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bị đóng cửa. Toà nhà lãnh sự quán Trung Quốc Theo SCMP, ông David Stilwell ngày 22/7 cho hay, lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là trung tâm...