Đồng chí Đỗ Mười với dấu ấn về giai cấp công nhân trong tác phong làm việc
Từ những câu chuyện gần gũi với nhân dân, quan tâm đến đời sống công nhân lao động đến sự tận tâm, tận tuỵ trong công việc của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS Hoàng Chí Bảo rất trân trọng những đức tính, những đóng góp vô cùng to lớn và nhấn mạnh tới dấu ấn về giai cấp công nhân, phong cách công nhân trong đức tính, tác phong làm việc, lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
GS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Huyên Nguyễn
Một học trò xuất sắc của Bác Hồ
Trò chuyện với Báo Lao Động về dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – nhấn mạnh: Nguyên Tổng Bí thư đã có đóng góp rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là những năm ở cương vị người đứng đầu của Đảng vào đúng thời điểm đất nước đang đổi mới. Ông để lại những bài học lớn về nhân cách, sự tận tâm, tận lực với sự nghiệp của Đảng, của dân.
Khi qua đời, nguyên Tổng Bí thư ở vào tuổi 101 và đã nhận danh hiệu 80 năm tuổi Đảng, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Đỗ Mười đã đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và nhân dân giao phó ở thời điểm đất nước thống nhất hai miền Nam – Bắc một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thời kỳ thành lập tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, cải tạo tư bản tư nhân ở miền Nam; miền Bắc khó khăn khi đế quốc M bao vây cấm vận, nền kinh tế trong nước gặp nhiều trở ngại, thậm chí khủng hoảng. Sau đó, là thời điểm nước ta lâm vào 2 cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, Tây Nam năm 1978 và Chiến tranh Biên giới Việt Trung 1979. Chính những năm tháng đó, đồng chí Đỗ Mười với tư cách là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở trong cuộc đã thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn đó để chèo chống, giải quyết công việc trọng đại đó của đất nước.
Video đang HOT
“Nói về đồng chí Đỗ Mười, chúng ta nói đến một đồng chí đảng viên cộng sản vào thế hệ đầu tiên, là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Đồng chí Đỗ Mười học được ở Bác đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao được tinh thần trách nhiệm để hoàn thành mọi công tác được giao phó bất kể ở cương vị gì” – GS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.
Người tận tâm, tận lực vì công việc
Trong chuyện kể Bác Hồ với đồng chí Đỗ Mười, có một chuyện kể cảm động. Thời bấy giờ đồng chí Đỗ Mười là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm việc nhiều quá nên ốm. Bác Hồ biết nên có căn dặn phải giữ gìn sức khoẻ cho đồng chí Đỗ Mười. Nhưng ông là người rất tranh thủ làm việc, cả trong giờ đến ngoài giờ. Có một lần sau khi làm việc ở Hải Phòng, ông tiếp tục lên Hà Nội để làm việc với Bộ Nông nghiệp. Đến nơi, thấy đèn không sáng, hội trường không mở cửa, nhân viên trả lời Bác Hồ dặn phải giữ sức khoẻ cho đồng chí nên không làm việc hôm nay. Qua câu chuyện có thể thấy đồng chí Đỗ Mười là người tận tâm, tận lực vì công việc – GS Bảo kể lại.
Câu chuyện của GS Hoàng Chí Bảo tiếp tục với rất nhiều chuyến đi cơ sở của đồng chí Đỗ Mười. “Đồng chí Đỗ Mười rất chịu khó đi cơ sở. Ông đến thăm các xí nghiệp và trò chuyện với công nhân lao động. Ông gần gũi, lao vào cuộc sống của công nhân để hiểu sinh hoạt hằng ngày, bữa ăn, chỗ ở của người lao động, những điều kiện tối thiểu về văn hoá tinh thần, nhất là lo việc học hành cho con em của họ, sức khoẻ của công nhân. Ở người lãnh đạo quan tâm tới từng việc cụ thể như thế, dĩ nhiên là trên tư duy lớn của tầm chiến lược, đó chính là hình ảnh lãnh đạo theo phong cách công nhân, dấu ấn bản chất giai cấp công nhân. Nói đến công nhân là nói đến đội tiên phong của Đảng, đóng góp vào vai trò lãnh đạo của Đảng” – ông Bảo nói.
Đảm nhận cương vị cao nhất trong Đảng nhưng lời ăn, tiếng nói, hành động của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất dung dị, gần dân, được dân hiểu và dân tin. Một điểm khiến giới tri thức ngưỡng mộ, kính trọng ông bởi ông là con người hết sức chịu học, chịu đọc để tự nâng cao kiến thức và đổi mới tư duy của chính mình.
“Tôi có một may mắn khi được dự buổi làm việc của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với một số nhà khoa học ngay sau Đại hội Đảng khoá VII năm 1991. Lúc bấy giờ, chúng ta chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dự buổi làm việc, tôi thấy đồng chí Đỗ Mười rất chăm chú lắng nghe ý kiến, với tinh thần dân chủ tiếp thu các ý kiến đó dù có thể rất khác trong suy nghĩ, đánh giá, cách tiếp cận. Tổng Bí thư tỏ ra khiêm nhường, lắng nghe sau đó mới phát biểu. Qua buổi làm việc tôi học ở ông đức tính khiêm tốn, thận trọng, biết lắng nghe, biết chia sẻ và biết khích lệ cổ vũ mọi người cùng đi tìm chân lý. Điều này rất quý, đặc biệt là đối với giới trí thức”.
Thời kỳ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đảm nhận trọng trách lớn của Đảng là thời kỳ mà đất nước đang chuyển mình trên con đường hội nhập, nhất là từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường hoá với Mỹ. Đồng chí Đỗ Mười cũng là người mang đậm dấu ấn cho đổi mới. Ông là một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm, có bản lĩnh để có thể thực hiện tư tưởng đổi mới nhất quán, từ đổi mới tư duy đến hành động.
“Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ra đi trong một sự tiếc thương, luyến tiếc của tất cả chúng ta. Ai cũng thương nhớ một nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung, một đảng viên cộng sản lão thành đã 80 năm tuổi Đảng, một người từng giữ cả cương vị lãnh đạo Đảng, chính quyền nhưng lúc nào cũng thể hiện là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trung thành với lý tưởng, quyết tâm đưa sự nghiệp của Đảng của dân đến đích” – GS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.
HUYÊN NGUYỄN
Theo LĐO
Lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Australia
Sáng 5/10, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Australia đã tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
9h30 sáng 5/10 (theo giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ngay trong ngày đầu tiên, đại diện Bộ Ngoại giao Australia, đại diện Đại sứ quán Lào, Indonesia, Venezuela và Bangladesh đã đến viếng và ký sổ tang đồng chí Đỗ Mười.
Đại sứ Lào tại Australia Sisavath Inpachanh ghi sổ tang chia buồn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng với gia quyến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Trong sổ tang, đại diện các đoàn đều bày tỏ sự thương tiếc trước việc ra đi của nhà lãnh đạo kỳ cựu, người có nhiều đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước cũng như quá trình phát triển của Việt Nam sau này.
Đại sứ Lào tại Australia Sisavath Inpachanh ca ngợi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ giữa hai Đảng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Cũng trong sáng nay, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney và tại Perth cũng đã tổ chức lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để đoàn ngoại giao, bạn bè người Australia và bà con kiều bào đến viếng và chia buồn với gia quyến đồng chí Đỗ Mười.
Việc mở sổ tang sẽ kéo dài đến ngày Chủ nhật, 7/10./.
Theo Việt Nga/VOV-Sydney
Các đoàn viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn kiến nghị các đoàn viếng lễ tang nguyên Tổng Bí thư chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa đến viếng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh Báo Gia thông. Ngày 4/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công điện về việc ngừng các hoạt động vui...