Dòng chảy phương Bắc 2: Cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt chưa có hồi kết
Đường ống dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Trụ sở của Tập đoàn khí đốt Gazprom ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự án đường ống dẫn khí đốt chạy từ Nga đến Đức sẽ không được hoàn thành đúng thời gian dự kiến. Theo nhận định của báo Le Monde, việc này có thể dẫn đến những khó khăn trong việc cung cấp khí đốt cho khu vực Tây Âu trong mùa Đông tới.
Phải chăng cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt sắp lan tới châu Âu? Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nối Nga với Đức qua biển Baltic đang trở thành trung tâm của một trận chiến kinh tế và địa chính trị, giữa một bên là người khổng lồ Gazprom của Nga và các đối tác châu Âu, với bên kia gồm Ủy ban châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quốc gia khác trên “lục địa già”.
Đường ống dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin xác nhận dự án sẽ bị kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng, dưới áp lực từ Chính quyền Đan Mạch.
Một thành viên trong ban dự án cho biết, để chắc chắn hoàn thành đúng hạn, dự án phải nhận được giấy phép của Đan Mạch trước ngày 1/8. Và cứ mỗi tháng bị trì hoãn trôi qua, thời gian đi vào hoạt động sẽ bị chậm tương ứng.
Cho đến nay, nguy cơ chậm tiến độ vẫn luôn được phía tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2 bác bỏ. Người phát ngôn của tập đoàn khẳng định toàn bộ công trình sẽ sẵn sàng đi vào vận hành trước khi năm 2019 kết thúc.
Liên quan đến số vốn đầu tư, ngoài Gazprom của Nga, 50% được 5 đối tác châu Âu tài trợ với số tiền lên đến 9,5 tỷ euro bao gồm Engie của Pháp, Shell của Anh-Hà Lan, OMV của Áo và Uniper và Wintershall của Đức.
Dự án đường ống dẫn khí này bị đình chỉ theo một quyết định của Chính quyền Đan Mạch. Tuyến đường ban đầu đi song song với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1, đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và đi qua lãnh hải của Đan Mạch gần đảo nhỏ Bornholm.
Tuy nhiên, Đan Mạch đã không cấp giấy phép, khiến tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2 phải tìm kiếm một tuyến đường khác, chỉ đi qua Vùng đặc quyền kinh tế và không cần sự đồng ý của Copenhagen. Ngay cả khi đã dự án đã thay đổi lộ trình, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cũng chậm trả lời và không đưa ra thời hạn để thực hiện.
“Cuộc chiến” quanh hòn đảo rộng 500 km2 ở giữa biển Baltic này sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng kể trong những tháng tới, khi sự chậm trễ có thể ngăn đường ống đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Về phía Gazprom, một trong những mục tiêu của Dòng chảy phương Bắc 2 là thay thế một phần việc vận chuyển quá cảnh khí đốt qua Ukraine. Cần nhắc lại rằng hợp đồng giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12.
Nói cách khác, nếu đường ống chưa hoàn thành và không có thỏa thuận nào đạt được giữa Moskva và Kiev vào ngày đó, vấn đề nguồn cung khí đốt cho châu Âu có thể hiển hiện vào thời điểm lạnh nhất của mùa Đông tới.
Năm 2018, 43% lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu phải đi qua Ukraine. “Đây là một vấn đề có thể nhắc lại những khó khăn trong cuộc chiến khí đốt năm 2006, sau đó là năm 2009, khi mà việc vận chuyển khí đốt bị gián đoạn trong vài ngày”, theo ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS).
Video đang HOT
Tại Pháp, khối lượng dự trữ khí đốt hiện khá lớn và có thể chống chọi được trước nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn tạm thời. Trong thực tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sự tăng giá. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc giao hàng bằng đường ống sẽ buộc người châu Âu phải mua với giá cao khí đốt được giao bằng tàu, đến từ Mỹ hoặc Qatar.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, đã đề nghị Kiev gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt thêm một năm, nhưng không có bất cứ sự đảm bảo nào về khối lượng khí sẽ đi qua Ukraine.
Mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước là tâm điểm của cuộc tranh cãi về Dòng chảy phương Bắc 2. Tại Liên minh châu Âu, các nước vùng Baltic, Ba Lan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker luôn phản đối dự án, cho rằng đó là một mối nguy đối với nền kinh tế Ukraine và có thể khiến châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn bảo vệ Dòng chảy phương Bắc 2, trong khi Pháp vẫn tỏ thái độ thận trọng khi đề cập đến vấn đề này.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 cũng phải đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người công khai chỉ trích bà Angela Merkel vì đã tham gia vào một dự án như vậy.
Nghị viện Mỹ cũng phản đối dự án này, khi ngày 31/7, Ủy ban đối ngoại Thượng viện đã thông qua một văn bản quy định xử phạt đối với các cá nhân và công ty liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.
Văn bản hiện đang được trình lên tất cả các Thượng nghị sĩ, nhưng quyết định áp dụng hay không các biện pháp trừng phạt sẽ thuộc quyền Tổng thống Mỹ.
Ở châu Âu, những người đề xuất dự án cáo buộc Mỹ phản đối đường ống này là nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu sang lục địa già lượng khí đá phiến do Mỹ sản xuất. Họ cũng tin rằng sự ngăn cản của Đan Mạch được thúc đẩy dưới sức ép từ phía Mỹ.
Tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga, đang cố gắng hoàn thành dự án càng sớm càng tốt. Trên thực tế, gần 75% đường ống dẫn khí đã được lắp đặt và công việc diễn ra trôi chảy cả từ phía Đức và phía Nga.
Một phần giải pháp nằm trong tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người vừa giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Theo đánh giá của ông Simon Perani thuộc Viện nghiên cứu năng lượng Oxford ở Anh, những trở ngại chính đối với thỏa thuận Nga – Ukraine “mang tính chính trị nhiều hơn là thương mại”.
Mọi việc sẽ phụ thuộc vào cuộc “đàm phán” giữa hai nhà lãnh đạo – Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky./.
Theo Linh Hương (TTXVN tại Paris)
Dòng chảy phương Bắc 2 : "Quân bài chiến lược" của Nga tại châu Âu
"Dòng chảy phương Bắc 2" là dự án liên doanh giữa Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga với 5 công ty của các nước châu Âu để xây dựng ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic.
Giới chuyên gia nhận định, đây chính là quân bài, vũ khí chiến lược của Nga tại châu Âu, trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép trừng phạt, cô lập ngoại giao đối với Nga.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Dòng chảy phương Bắc 2 (hay Nord stream 2) là dự án đường ống vận chuyển khí đốt của Nga, có chiều dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mà không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dự án được lắp đặt song song với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ngoài khơi bờ biển Baltics là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Inforos)
Được biết, Dòng chảy phương Bắc 2 được đầu tư 9,5 tỷ Euro, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019, bao gồm hệ thống mạng lưới đường ống trên bờ đi qua lãnh thổ nhiều nước châu Âu.
Hiện tại phần lớn khí đốt từ Nga xuất sang các nước EU phải trung chuyển qua Ukraine và Chính quyền Kiev không "ngần ngại" khóa đường ống này để gây sức ép mỗi khi tranh chấp bùng lên với nước Nga.
Năm 2009, Gazprom nâng giá bán khí đốt, còn Ukraine chặn đường trung chuyển khí đốt Nga bán sang EU, làm cho 18 nước khách hàng Tây Âu bị lâm vào tình cảnh "sống dở, chết dở" đúng vào lúc cần khí đốt để sưởi ấm mùa đông. Như vậy, Dòng chảy phương Bắc 2 có lợi cho cả Nga lẫn EU vì tạo ra khả năng giao dịch khí đốt ổn định giữa hai bên.
Ngày 4-9-2015, bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông, tổ chức tại Vladivostok (Nga), Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận với các Tập đoàn BASF (Đức), E.ON, Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh - Hà Lan) về việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo đó, dự án được khởi công từ cuối năm 2015, Nga đóng góp một nửa vốn, phần vốn còn lại đến từ các Tập đoàn châu Âu. Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, có tổng công suất 55 tỷ m3 khí (gấp đôi sản lượng của Dòng chảy phương Bắc 1.
Đức giữ vững quan điểm
Tại Đức, ngày 31-1-2018, Chính phủ Đức đã cấp phép sử dụng lãnh thổ ven biển để xây dựng dòng chảy phương Bắc 2 theo Luật công nghiệp năng lượng của quốc gia này.
Ngày 27-3-2018, Đức hoàn tất việc chuyển giao toàn bộ tài liệu cho Dòng chảy phương Bắc 2 và cấp phép sử dụng lãnh hải của họ để xây dựng nhánh đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic.
Phần Lan cấp phép xây dựng đường ống khí đốt của Dòng chảy phương Bắc đi qua vùng đặc quyền kinh tế của họ vào ngày 5-4-2018. Theo đó, ngày 7-6-2018, Thụy Điển cũng cấp phép xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Tháng 1-2019, Đức và Pháp tiến hành đàm phán để giải quyết những bất đồng liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 và đã đạt được thỏa thuận. Theo đó, Đức có toàn quyền đưa ra quyết định liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 bởi Đức là quốc gia xây dựng trạm tiếp nhận khí đốt của Nga để chuyển tới các nước châu Âu khác.
Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell gửi thư cho các công ty Đức đe dọa các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nguồn: Russiancoucils)
Ngày 13-2-2019, EU đạt được thỏa thuận về nguyên tắc kiểm soát các đường ống nhập khẩu khí đốt bao gồm Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga và dự kiến sẽ xây dựng thành luật trong những tháng tới.
Từ đó, các quốc gia thành viên EU dự kiến thời hạn khoảng 9 tháng để chuyển thành luật của từng nước thành viên. Luật này sẽ áp dụng cho các đường ống dẫn khí đốt dẫn đến châu Âu, còn quốc gia nào muốn xuất khẩu khí đốt cho châu Âu phải tôn trọng Luật năng lượng của họ.
Nếu dự thảo luật này được chính thức thông qua thì sẽ trì hoãn thời hạn xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, sau đó Pháp và Đức lại đạt được thỏa thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trong đó cho phép Đức có quyền độc lập trong các cuộc đàm phán với Nga về những nội dung liên quan Dòng chảy phương Bắc 2. Hiện dự án đã thu hút hơn 670 công ty từ 25 quốc gia trên thế giới tham gia.
Phản ứng của các nước EU và Mỹ
Dự án này phục vụ lợi ích của nhiều quốc gia vì thế đã trở thành chủ đề tranh luận ủng hộ cũng như phản đối từ nhiều phía. Những nước ủng hộ dự án này có Nga, Đức, Hà Lan, Áo, Pháp, Czech, Phần Lan, Thụy Sỹ, Malta, Slovakia và Na Uy, coi đây là dự án tin cậy, giá khí đốt rẻ và tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng.
Trong khi Mỹ, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Đan Mạch, Romania, Hungary và Ukraine lại là những nước phản đối dự án này với nhiều lý do khác nhau về kinh tế, chính trị và an ninh. Các nước này gửi đơn kiện lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU.
Theo lập luận của các nước Đông Âu, Dòng chảy phương Bắc 2 đi ngược lại chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như gây ra những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã bác bỏ lập luận này của các nước Đông Âu và cho rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ đơn thuần là dự án thương mại, không liên quan gì đến chính trị.
Trong số các nước phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 thì Mỹ được coi là nước có hành động quyết liệt khi nước này liên tục đưa ra những lời lẽ đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế các bên liên quan đến dự án. Xuất phát từ sự cạnh tranh địa chính trị với Nga, phía Mỹ lo ngại châu Âu sẽ phụ thuộc vào năng lượng cũng như chính trị vào Nga, dẫn tới hậu quả các nước châu Âu có xu hướng "thoát Mỹ", gây khó khăn đối với chính sách chống Nga của Mỹ.
Hồi đầu tháng 5-2019, 2 thượng nghị sỹ Mỹ là Ted Cruz của Đảng Cộng hòa và Jeanne Shaheen của Đảng Dân chủ đã giới thiệu tới lưỡng đảng dự luật trừng phạt nhằm gây sức ép hơn nữa với Nga và dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy dưới biển Baltic đến Đức. Theo đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty liên kết với dự án này, bao gồm tất cả các công ty châu Âu tham gia dự án.
Dự luật của Mỹ dù mang vai trò là gây sức ép mạnh mẽ vào Nga nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư châu Âu đã tham gia vào dự án này. Dù chỉ là dự luật trừng phạt được đề xuất từ 2 nghị sỹ Mỹ nhưng ý tưởng gia tăng trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cùng giống với quan điểm của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây. Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, cáo buộc dự án khiến EU phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, trong khi Mỹ đang nỗ lực bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho người tiêu dùng châu Âu với giá cao hơn.
Tuy nhiên, ngày 14-5-2019, nhà thầu chính dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cho biết, việc xử phạt các nhà đầu tư châu Âu - các đối tác đã đầu tư nguồn vốn để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, hoàn toàn vô tác dụng. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Mass mới đây tuyên bố, Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ là dự án của Đức và Nga mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu; kêu gọi Mỹ "không can thiệp" vào các vấn đề chính sách năng lượng của châu Âu.
Đồng thời, phía Nga cũng nhiều lần kêu gọi Mỹ không coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một "công cụ ảnh hưởng". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov ngày 22-5 phản ứng mãnh mẽ trước động thái đe dọa trừng phạt của Mỹ, đồng thời tuyên bố rõ: "Việc Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell gửi thư cho các công ty Đức đe dọa các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là hành động vượt ra khỏi khuôn khổ ngoại giao thông thường. Các đối tác của chúng tôi ở Berlin nhận ra rằng, Mỹ một lần nữa thể hiện ý đồ áp đặt chương trình nghị sự về năng lượng cho họ và hoàn toàn coi thường lợi ích của các đối tác châu Âu".
Theo ANTD
Làn sóng Xanh Theo như kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc hôm 26-5, sự xuất hiện của các đảng Xanh đã vượt xa con số 69 ghế cần có trong Nghị viện châu Âu tương lai. Mục tiêu sinh thái, được xác nhận bằng sự gia tăng 40% đại diện của đảng Xanh trong EP, chính...