Dòng chảy hẹp của album CD thời nhạc số
Nhiều khán giả muốn được nghe ca khúc mà họ yêu thích ở định dạng CD vì chất lượng chuẩn và quan trọng hơn là muốn lưu giữ một sản phẩm âm nhạc mà họ yêu thích như kỷ vật giá trị.
Hàng loạt album nhạc bằng định dạng CD truyền thống của nhiều ca sĩ ra mắt công chúng yêu nhạc trong 3 tháng đầu năm 2016 như thách thức với xu hướng phát hành online qua hình thức số hóa đang thịnh hành hiện nay.
Nhạc xưa – album CD
Điểm nổi bật của những album này chính là khai thác màu sắc nhạc xưa đang thu hút công chúng yêu nhạc, được giới chuyên môn đánh giá có chất lượng bởi giá trị tự thân từ ca khúc lẫn người hát mang lại.
Nếu các ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc trẻ chỉ quan tâm đến thị trường nhạc số, với sức lan tỏa mạnh mẽ và nguồn thu mang lại không nhỏ thì các ca sĩ khai thác dòng nhạc xưa quan tâm hơn đến thị trường CD, nơi có một lượng lớn người nghe nhạc vẫn trung thành với phương tiện nghe truyền thống qua đĩa nhạc. Nhạc xưa – album CD trở thành cặp đôi sánh bước trên thị trường đĩa nhạc hiện nay.
Trong buổi giới thiệu album Dạ khúc cho tình nhân (gồm những ca khúc của Phạm Duy và Lê Uyên Phương) và album Cho lần cuối của mình vừa mới phát hành tại Đường sách TP HCM, ca sĩ Lê Uyên tỏ ra bất ngờ khi 2 album này lại thu hút nhiều khán giả đến thế. Chị bảo: “Tôi nghĩ chỉ có khán giả thế hệ của mình mới biết nhạc của chúng tôi nhưng nhiều bạn trẻ đến dự đã nói cho tôi nghe nhiều điều mà họ cảm nhận được từ âm nhạc của chúng tôi”.
Những ấn phẩm album CD nhạc phát hành trong những tháng đầu năm nay
Ngoài những giọng ca xưa như Khánh Ly, Lê Uyên…, một số giọng ca trẻ theo dòng nhạc xưa cũng đã làm phong phú thị trường album nhạc với những CD nhạc xưa được công chúng yêu thích. Trọng Bắc giới thiệu album Kỷ niệm xanh xao với những bản tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nguyễn Hồng Ân có album Tiếng hát hòa bình với 8 ca khúc da vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có những bài lần đầu tiên được thu âm trong nước như Đôi mắt nào mở ra, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Dựng lại người, dựng lại nhà… Nguyễn Hồng Ân nói: “Những ca khúc da vàng đã ghi dấu ấn quá sâu đậm trong sự nghiệp của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Lâu nay, chưa có ai thực hiện một album về ca khúc da vàng ngoài cô và nữ ca sĩ Lê Uyên. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ lại tinh thần của Trịnh Công Sơn trong những ca khúc da vàng qua cảm nhận của một người trẻ đương thời”.
Ca sĩ Xuân Phú có album Đời đá vàng với những ca khúc Vũ Thành An và chọn ca khúc Tình tự mùa xuân (Từ Công Phụng) làm chủ đề cho album tuyển tập những ca khúc nhạc xưa bất hủ của mình. Ca sĩ Đức Tuấn cũng vừa ra mắt album nhạc truyền thống cách mạng Bài ca không quên với những ca khúc đi vào lòng người nhiều thế hệ: Tình ca (Hoàng Việt), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục), Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn)…
Nhà báo – nhà phê bình âm nhạc Minh Đức cho rằng: “Điểm chung của các album này là “đáng nghe bởi sự cộng hưởng của âm nhạc và cả giọng ca, làm nên chất lượng sản phẩm”.
Giá trị kỷ vật
Không thể phủ nhận thị trường băng đĩa bây giờ không sôi động như những thập niên trước cho dù người nghe nhạc qua CD ở Việt Nam hiện nay vẫn chiếm số đông, nhất là những vùng nông thôn, nơi tiêu thụ một sản lượng lớn CD nhạc ăn cắp bản quyền. Mặc dù vậy, những album nhạc xưa được đầu tư chăm chút từ chất lượng âm thanh và cách thức trình bày thẩm mỹ lại được một bộ phận công chúng đón nhận. Nhà sản xuất Viết Tân nói: “Chúng tôi cũng thấy bất ngờ khi những album nhạc xưa này lại được nhiều người nghe đón nhận”.
Minh chứng là 5 album CD phát hành cùng lúc của ca sĩ Khánh Ly đã cháy hàng ngay sau đó. Những album của Tuấn Ngọc, Lệ Thu hay của Quang Dũng – Trần Thu Hà đều được bán sạch khi vừa phát hành, như bà Phan Mộng Thúy (Giám đốc Phương Nam Film) cho hay.
Dù vậy, lượng CD của mỗi album nhạc phát hành được hiện nay chỉ bằng một phần của thời hoàng kim. “Một CD âm nhạc tiêu thụ ở mức 5.000 bản đang là con số mong ước của nhiều nhà sản xuất” – bà Phan Mộng Thúy nói.
Video đang HOT
Vì vậy, chỉ còn vài đơn vị tham gia kinh doanh trong thị trường này. Trong đó, Phương Nam Film với nhiều sản phẩm ra mắt đều đặn (chủ yếu nhạc xưa), Viết Tân (thỉnh thoảng tham gia một vài sản phẩm cho vui, kiểu thấy giọng hát rất triển vọng nhưng không có nhà đầu tư nên nhảy vào) và TDL – một đơn vị sản xuất mới, đứng đầu là nhạc sĩ Việt Anh với tâm huyết mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc đáng nghe.
Nhạc sĩ Đức Trí nói: “Dù biết nhạc số đang là xu hướng và sự đổi mới là điều không tránh khỏi nhưng bản thân tôi cũng thích và khuyến khích phát hành CD truyền thống bởi những ý nghĩa khó diễn đạt thành lời”.
Thực tế, thị trường đĩa nhạc không “chết” bởi nhiều yếu tố. Minh chứng là “những album nhạc xưa phát hành thời gian gần đây vẫn được khán giả đón nhận dù những ca khúc đó đã xuất hiện tràn ngập từ lâu trên mạng và đĩa lậu” – bà Phan Mộng Thúy khẳng định. Nhạc sĩ Việt Anh cho rằng: “Vẫn còn rất nhiều khán giả muốn được nghe ca khúc mà họ yêu thích ở định dạng CD vì chất lượng chuẩn và quan trọng hơn là muốn lưu giữ một sản phẩm âm nhạc mà họ yêu thích thành bộ sưu tập có giá trị kỷ vật”.
Theo Thùy Trang/ Người lao động
Nhạc Việt 2016: Bùng lên nhưng đừng nhạt nhòa
Năm mới vẫn đang chờ đợi một lớp nghệ sĩ có khát vọng đi xa hơn, nỗ lực đúng đắn trong sự nghiệp của mình hơn là một "con búp bê đáng yêu" trong mắt khán giả.
Âm nhạc Việt đang bắt đầu những ngày mới của 2016. Đi qua một năm đầy nhộn nhịp nhưng có cả những phần mỏi mệt, nhìn lại, khán giả âm nhạc có thể mong đợi gì ở thị trường âm nhạc sắp tới đây?
Thị trường V-pop loay hoay với vài cái tên như Đông Nhi, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Sơn Tùng... Ảnh: Gia Tiến
Năm qua, những tổng kết về thị trường sản xuất và phát hành âm nhạc theo phương thức truyền thống đang cho thấy những con số đáng buồn. Doanh số của các album đang tụt xuống đến mức khó tin.
Đã qua rồi thời của số lượng phát hành 20.000 hay 30.000 bản. Hầu hết các album mới ra mắt trong năm 2015 đều nằm ở mức dưới 2.000 bản, bao gồm cả số lượng phát tặng.
Hãng Phương Nam, gần như là hãng cuối cùng còn gượng sức hoạt động theo cách cổ điển, cũng cho biết đang nghẹt thở với sự đóng băng của thị trường âm nhạc lúc này.
"Những sự kiện bùng lên rồi nhạt nhòa trong năm qua nhắc rằng nhạc Việt đang cần những cuộc đua thật sự về nghề nghiệp hơn là tiếp tục mô phỏng các trào lưu để sáng danh tạm thời".
Kinh doanh trên thế giới phẳng
Năm 2016 tình hình có vẻ cũng không khả quan hơn. Hầu hết nghệ sĩ đều ngán ngại sự lạnh lẽo của thị trường.
"Chỉ với album tuyển chọn của ca sĩ Khánh Ly là chúng tôi phát hành được trên 5.000 bản, còn lại đều rất chậm" - chị Ngọc Trâm, trưởng phòng sản xuất của Công ty Phương Nam, cho biết. Nhưng công ty này cũng cho biết rằng đó là những bản tổng hợp từ các bài hát đã cũ, chứ đầu tư mới cho một album là chuyện phải cân nhắc rất nhiều.
Trên thực tế, nhiều ca sĩ đã quyết định chọn hình thức tự phân phối sản phẩm của mình, trực tiếp thông qua kênh người hâm mộ và các chương trình biểu diễn. Với số ít người thì hình thức phát hành này có vẻ tạm ổn nhưng với đa số nghệ sĩ cũng không còn mấy khả quan.
Trong vòng mười năm, tình hình thương mại truyền thống của âm nhạc qua CD chỉ loanh quanh với những cú "hit" bất ngờ rồi mất dạng. Giai đoạn Làn sóng xanh 1997-2001 với sự rộn ràng xuất hiện nhóm nhạc, ca sĩ, băng đĩa đã không còn quay trở lại nữa.
Theo bà Ngọc Hạnh - cựu giám đốc Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng, khuynh hướng hiện nay là nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi ra album đã trực tiếp ký với các nhà mạng để phát hành trực tiếp dạng mp3. Cách thức này vừa tiết kiệm, vừa "bảo hiểm" được nguồn vốn đầu tư của mình.
Tiên Tiên - Trung Quân Idol: hai giọng ca trẻ đáng chú ý trong năm 2015.
"Đây là giai đoạn khủng hoảng của thị trường nhưng tôi tin rằng rồi âm nhạc sản xuất theo kiểu CD truyền thống sẽ được cân bằng trên thị trường tương lai, vì đó vẫn là sản phẩm định hình phong cách rất quan trọng của ca sĩ, nghệ sĩ" - bà Hạnh cho biết.
Năm 2016 hứa hẹn sẽ tạo ra kỷ lục mới về sản xuất và phát hành âm nhạc theo mô hình kết hợp tự quảng bá và kinh doanh trên thế giới phẳng. Hầu hết nghệ sĩ trẻ khi được hỏi đều nói rằng họ ưu tiên cho việc xuất hiện trên Internet hơn cả việc ra mắt công chúng bằng phương tiện truyền thống là truyền hình, phát thanh hay game show.
Sẽ bớt nhàm chán?
Trong các cuộc trò chuyện với những bạn trẻ thường xuyên theo dõi các sinh hoạt âm nhạc trong nước, hầu hết nhận định của các bạn là thị trường âm nhạc hôm nay xuất hiện quá nhiều giọng ca, bài hát dòng V-pop... nhưng thiếu cá tính và ấn tượng riêng.
Sự phát triển và tiện lợi của các hệ thống truyền hình, truyền thanh, YouTube... đã giúp giới nghệ sĩ trẻ có cơ hội xuất hiện trước khán giả, thuận lợi hơn rất nhiều so với 5-7 năm trước. Nhưng cũng chính vì nhiều và nhạt dấu ấn trong khả năng và phong cách khiến hầu như mọi thứ trôi qua, mau quên và chóng tàn.
So với 10 năm trước, các MV (video ca nhạc) hiện nay xuất hiện dễ dàng và đẹp. Công nghệ kỹ thuật số phát triển khiến mọi thứ trên tay các bạn trẻ giờ đây đều có thể là camera. Thậm chí dự án quay một MV theo phong cách đoàn - chuyên nghiệp, giá cả cũng đã thấp hơn trước đây. Nhiều ca sĩ trẻ đã thực hiện các MV mà giá chỉ từ 7-10 triệu đồng.
Từ một chiếc điện thoại có camera tốt cho đến máy chụp ảnh... tất cả đều có thể dựng thành những MV sống động. Có thể nhận thấy, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của các MV mang phong cách Canto-pop và K-pop thì bây giờ thị trường hình ảnh của giới showbiz ngày càng chịu ảnh hưởng bởi MTV và J-pop.
Nhưng tiếc là cái có thể giữ lại trong trí nhớ lại không nhiều. "Hy vọng một năm mới sẽ tạo nhiều điều mới mẻ, có sức sống cho khán giả trung thành với nhạc Việt" - Nhã Sam, cô giáo trường mầm non và là một fan đầy nghiêm khắc của nhạc Việt tại TP HCM, nói.
Thị trường Vpop hiện nay, trong bề nổi chỉ loay hoay với vài cái tên như Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Tóc Tiên, Sơn Tùng... Tuy nhiên cá tính và hợp thời trang nhất vẫn là Sơn Tùng. Bất chấp một vài chuyện ồn ào trong sự nghiệp ca nhạc của mình, Sơn Tùng vẫn là một pop-idol có khả năng đứng vững trong nhiều năm nữa. 2016 vẫn là một năm đầy hứa hẹn của Sơn Tùng.
Ca sĩ Sơn Tùng MTP trình diễn trên sân khấu. Ảnh tư liệu
Cần những cuộc đua thật sự về nghề
Sự sống động của một đời sống sinh hoạt âm nhạc là việc xuất hiện những cú đột phá hấp dẫn của con người mới, tác phẩm mới. Năm 2016 vẫn là một sự chờ đợi của khán giả yêu âm nhạc, mặc dù nhìn trên mặt bằng chung của năm qua, không có nhiều hi vọng.
Năm 2015 cũng là năm xuất hiện nhiều dòng nhạc bolero trên truyền hình, game show, phát thanh cũng như trong các album được sản xuất ra. Nhiều nhà sản xuất cho biết gần phân nửa ca sĩ đến bàn việc sản xuất đều đi theo dòng bolero.
Dòng nhạc rất xưa của miền Nam đã có 60 năm tồn tại vẫn tiếp tục ăn khách và được khai thác rầm rộ. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, việc "lệch" hẳn sang bolero trong thị trường âm nhạc cũng cho thấy một mặt bằng sinh hoạt âm nhạc thiếu sinh khí sáng tạo và mọi thứ đang dè dặt tồn tại cùng nhau trong một không gian đã quá quen thuộc.
Master of Symphony - cuộc hội ngộ chưa từng thấy của các ca sĩ hàng đầu. Ảnh tư liệu
Một năm 2016 sẽ ít và nhạt dần những show diễn của các ca sĩ từ hải ngoại. Những ngôi sao hiếm hoi như Khánh Ly, Lê Uyên... mới có thể trụ lại sân khấu với một lớp khán giả yêu tình ca vang bóng. Hy vọng giới trẻ ngoài chuyện xuýt xoa với những bộ ảnh mới của Tóc Tiên, Bảo Thy thì sẽ quan tâm và đòi hỏi nhiều hơn về mặt âm nhạc.
Những sự kiện bùng lên rồi nhạt nhòa trong năm qua nhắc rằng nhạc Việt đang cần những cuộc đua thật sự về nghề nghiệp hơn là tiếp tục mô phỏng các trào lưu để sáng danh tạm thời. Ngay như đêm hội tụ diva - Master of Symphony tháng 11/2015 với sự hội ngộ chưa từng thấy của các ca sĩ hàng đầu như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thu Phương có đầy kỷ niệm nhưng đỉnh cao thì không đủ chia đều cho mỗi người.
Năm 2016 có sớm vượt lên, thoát khỏi sự bình thản không biến động đến mức nghèo nàn của sinh hoạt âm nhạc? Năm mới vẫn đang chờ đợi một lớp nghệ sĩ có khát vọng đi xa hơn, nỗ lực đúng đắn trong sự nghiệp của mình hơn là một "con búp bê đáng yêu" trong mắt khán giả.
Có như vậy, nền âm nhạc Việt 2016 mới có thể đáp lại sự bao dung của mọi tầng lớp khán giả trong nhiều năm qua.
Bùng nổ nhạc trên Internet
Năm 2016 sẽ lại là một năm phát triển phương thức kinh doanh âm nhạc trên Internet. Các sản phẩm như nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc tải theo lựa chọn... bùng nổ, đem lại những con số thu đáng ngạc nhiên.
Theo tổng kết của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả thì nếu năm 2004, tiền thu được từ Bắc chí Nam chỉ hơn 1 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2014, số thu đã là hơn 60 tỷ đồng. Năm 2016, dự trù con số đó có thể lên đến mức 70 tỷ đồng.
Theo thống kê của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, có những nhạc sĩ - ca sĩ trẻ ra album, chỉ phát hành trên mạng nhưng số thu về đáng ngạc nhiên - hơn 100 triệu đồng. Con số đó sẽ là không tưởng nếu chỉ chọn phát hành bằng CD
Theo Tuấn Khanh/ Tuổi Trẻ
Dự đoán xu hướng thịnh hành trong Vpop 2016 Nhạc điện tử; phát hành các sản phẩm âm nhạc đơn lẻ; tập trung khai phá mảng MV... có thể vẫn là xu hướng được nhiều sao nhạc pop Việt Nam đẩy mạnh trong 2015. Nhạc điện tử tiếp tục phát triển EDM (nhạc điện tử) trở thành xu hướng thịnh hành trên thế giới và Việt Nam trong những năm qua. Giai...