Đồng bộ giải pháp ngăn ‘tín dụng đen’ – Bài 2: Chung tay bảo vệ công nhân, người lao động
“ Tín dụng đen” tác động trực tiếp về nhiều mặt của đời sống xã hội của công nhân, người lao động nghèo, nhất là về tinh thần và để lại nhiều hệ lụy cho mỗi cá nhân, gia đình, địa phương hay doanh nghiệp.
“Tín dụng đen” cũng là nơi dung dưỡng nhiều đối tượng thích thể hiện, lười lao động nhưng muốn có tiền tiêu xài. Để đòi được nợ, các đối tượng này ngày càng manh động, bỏ qua các quy tác đạo đức trong xã hội, lộng hành thôn xóm, khu phố; ngang nhiên thách thức pháp luật xã hội…
Đại diện Tổ chức tài chính vi mô (CEP) trao vốn cho người lao động, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công nhân, người lao động khó khăn rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Ảnh: TTXVN phát
Cần tự bảo vệ mình
Từng là nạn nhân của “tín dụng đen”, chị N.T.N.P., công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 cho biết, đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường không kiểm tra khả năng chi trả của người vay. Các đối tượng thường yêu cầu người vay cho truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện… để tiện “nhắc nhở” khi người vay chậm trả.
Theo chị P., để không bị sập bẫy “tín dụng đen”, người vay cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin hoặc tham khảo những người có uy tín trong cộng đồng, người trong các tổ chức đoàn thể, khu phố, tổ dân phố trước khi tiếp cận hoặc vay tiền. “Hơn hết, mỗi người cần cố gắng sống tiết kiệm, có tích lũy để phòng những lúc khó khăn, ốm đau bệnh tật; không để rơi vào tình trạng “đường cùng”. Mỗi người cẩn trọng trước mọi lời mời gọi cho vay, hình thức cho vay “tín dụng đen” núp bóng trong công nhân hay những người xung quanh…”, chị Phượng chia sẻ.
Anh N.M.T., quê ở Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh làm tự do và chạy xe ôm công nghệ ở thành phố Thủ Đức chia sẻ, những biến tướng của việc cho vay nặng lãi bằng hợp đồng bán xe máy sau đó bắt người vay phải thuê lại xe máy đó để sử dụng hoặc yêu cầu người nợ viết biên nhận tiền cho vay với lãi suất rất thấp nhưng thu thêm các khoản phí (phí hợp đồng, phí xác minh, phí liên lạc…) với mức rất cao.
Theo anh T., khi người vay không đủ tiền trả, các đối tượng gợi ý đi vay của các đối tượng khác hoặc các app cho vay khác để đáo nợ… khiến các khoản vay, tiền lãi cộng dồn tăng chóng mặt. Tuy nhiên, các đối tượng này hay các app cho vay chỉ là một bởi các đối tượng cùng lúc lập ra nhiều app cho vay để giăng bẫy người vay từ nợ này sang nợ khác và ngày càng nhiều.
Chứng kiến không ít các trường hợp công nhân bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”, anh N.B.N., chủ dãy nhà trọ phường Linh Trung (thành phố Thủ Đức) khuyến cáo, người vay nên tìm hiểu kỹ trước khi tham gia các app, hoặc xem các app đó có chính thống không, được Ngân hàng nhà nước cấp phép không. Đồng thời, cảnh giác trước những trường hợp có người đi vay, huy động vốn với lãi suất rất cao, sinh lợi nhanh… vì có thể đó là những đối tượng lừa đảo. “Đặc biệt, cần cảnh giác trường hợp các đối tượng giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để đe dọa việc trả nợ, thu hồi nợ… vì thực tế không có cơ quan nào nhắn tin thông báo yêu cầu trả nợ”, anh N. chia sẻ.
Để tránh bị rơi vào “bẫy tín dụng đen”, Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục có các khuyến cáo, người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường cấp thiết vay, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm; lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá 20% cần cẩn trọng. Người vay, không nên ký các hợp đồng bán tài sản, cầm cố giấy biên nhận tiền không đúng với lãi suất thực tế phải trả. Người vay cẩn thận trước các app, website cho vay trên mạng; cần đọc kỹ thông tin để tránh bị lừa; không cho các ứng dụng này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân… Nếu phát hiện cho vay nặng lãi, người vay cần sớm trả các khoản nợ; hoặc báo ngay cho cơ quan Công an nếu thấy các đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Trường hợp bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc có thể làm đơn, điện thoại tố cáo…
Theo các chuyên gia tài chính, các loại hình cho vay theo kiểu “tín dụng đen” thường không có hợp đồng thỏa thuận, không có tài khoản trên website để người vay đăng nhập, theo dõi hoặc nếu có hợp đồng, cũng không biết rõ những điều kiện, điều khoản và chỉ có bên cho vay giữ. Tính minh bạch trong việc cho vay như thông tin về lãi suất theo năm, các loại phí trong quá trình giao dịch thường không rõ ràng, công khai; người vay không được giải ngân 100% số tiền đề nghị mà sẽ bị trừ trước phần phí và phần lãi ngay khi giải ngân.
“Tín dụng đen” thường có mức lãi suất rất cao, đôi khi lên đến cả nghìn %/năm, nhưng thường công bố theo ngày chỉ 5.000 – 10.000 đồng/ngày để đánh lừa người vay, thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Do đó, người vay có thể nhìn vào lãi suất cao để tránh, đặc biệt phải xem kỹ các điều khoản ẩn sau các cách tính lãi.
Video đang HOT
Cộng đồng chung sức bài trừ “tín dụng đen”
Trước những biến tướng và tệ nạn từ “tín dụng đen”, các cấp ngành thành phố đã và đang quyết liệt triển khai, thực hiện nhiều hình thức cảnh báo, tuyên truyền, quyết tâm bài trừ “tín dụng đen” trên khắp địa bàn dân cư thành phố. Công an TP Hồ Chí Minh cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã đồng loạt tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống “tín dụng đen”, nhất là ở khu vực công nhân, người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Để bảo vệ công nhân, người lao động trước vấn nạn này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trong công nhân lao động. Trong đó, đặc biệt lưu ý phương thức, thủ đoạn, tác hại, nguy cơ của “tín dụng đen” đối với công nhân, người lao động; huy động công đoàn viên, người lao động phối hợp cùng lực lượng chức năng ra quân tháo gỡ bảng hiệu, tẩy xóa quảng cáo, tờ rơi cho vay, liên quan “tín dụng đen”.
Công nhân, người lao động vay vốn tại Tổ chức tài chính vi mô (CEP) – Điểm giao dịch Quận 7. Ảnh: TTXVN phát
Theo ông Phạm Chí Tâm, hiện các cấp Công đoàn tập trung phối hợp chính quyền, Công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; thực hiện giám sát, ngăn ngừa các hoạt động của công đoàn viên, người lao động đi vay, cho vay, đòi nợ… “Tăng cường thiết lập kênh thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa Công đoàn cơ sở với Công an địa phương để kịp thời hỗ trợ, có biện pháp bảo vệ người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, thâm nhập đời sống công nhân, môi trường doanh nghiệp”, ông Phạm Chí Tâm chia sẻ.
Tại Quận 8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phối hợp với các cơ đơn vị chức năng vừa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen và lừa đảo trên mạng”; ra mắt mô hình “Khu nhà trọ xanh, nghĩa tình, an ninh, an toàn phòng, chống dịch và phòng cháy, chữa cháy”.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 8 Trần Thanh Hà, đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, nhất là tại các khu phố, tổ dân phố, khu nhà trọ qua đó góp phần hạn chế hiệu quả tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang có chiều hướng gia tăng. Trước mắt, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cùng lực lương Công an từ phường đến quận đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân; tổ chức các hoạt động tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, điều tra, xác minh; triệt phá các băng nhóm “tín dụng đen” ngay tại cơ sở, nhất là các “điểm đen” khu dân cư về an ninh trật tự.
Liên quan đến “tín dụng đen”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đề xuất phát huy hơn nữa mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự như: mô hình “5 1″; “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; tạo điều kiện vay vốn, tìm kiếm việc làm cho người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Theo đó, mỗi cấp Hội tăng cường quản lý, giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội. Mỗi chi, tổ Hội Phụ nữ tại cơ sở chủ động tiếp xúc chị em tại địa bàn nơi cư trú (kể cả người tạm trú) làm nghề buôn bán nhỏ, bán rong để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về việc làm, nhu cầu vay vốn đề có hướng giúp đỡ.
Đại diện Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người không phải là người liên quan đến “tín dụng đen” nhưng bị quấy rối, đe dọa chủ động cung cấp thông tin sớm cho cơ quan Công an gần nhất. Trong đó, cần lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ để các cơ quan chuyên môn có căn cứ phối hợp xử lý nghiêm minh.
Đồng bộ giải pháp ngăn 'tín dụng đen' - Bài 1: Vấn nạn nhức nhối
Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, sinh viên, nhất là sau đại dịch COVID-19 bùng phát, nạn "tín dụng đen" len lỏi vào đời sống của công nhân lao động ngày càng tinh vi, quảng cáo công khai, rộng rãi, dưới nhiều hình thức như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, cho vay trả góp, cho vay không cần thế chấp, không lãi suất, giải ngân nhanh trong vòng vài phút...
Nhiều người đã sa chân vào bẫy, phải còng lưng làm trả nợ hay chịu các hình thức khủng bố tinh thần, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Tổ chức tài chính vi mô (CEP) - Chi nhánh Quận 8, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động cho công nhân, người có thu nhập thấp vay vốn với chi phí hợp lý. Ảnh: TTXVN phát
Ghi nhận thực tế tại TP Hồ Chí Minh, nơi có các hoạt động "tín dụng đen" vô cùng phức tạp, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề: Đồng bộ giải pháp tiêu trừ "tín dụng đen".
Bài 1: Vấn nạn nhức nhối
Dịch COVID-19 tràn qua khiến đời sống nhiều công nhân, người lao động ở TP Hồ Chí Minh càng thêm khó khăn, nhất là các gia đình công nhân lao động ngoại tỉnh, những trường hợp đau ốm kéo dài hoặc làm ăn thất bát. Dẫu đã "thắt chặt" chi tiêu nhưng khó khăn cứ bủa vây khiến nhiều người trong số họ đành chấp nhận thế chấp, vay mượn, vô tình rơi vào cạm bẫy của "tín dụng đen".
Chiêu trò "đánh lận con đen"
Các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về rủi ro khi vay "tín dụng đen" núp bóng dưới các hình thức dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay không thế chấp, vay qua app, online... nhất là tại các khu phố, tổ dân phố, khu lưu trú công nhân và cả trên các trang mạng xã hội, tin nhắn qua điện thoại di động. Qua theo dõi, điều tra các cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo nhiều đường dây cho vay tín dụng với mức lãi suất vài trăm %/năm.
Theo ông Trần Văn Thanh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 4, nguyên nhân tín dụng đen núp bóng cho vay, nhất là hình thức online phát triển nhanh là do các app cho vay tiền khá đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi mọi lúc mọi nơi, thậm chí không cần thế chấp... Nhiều người bị sập bẫy "tín dụng đen" do không phân biệt được đâu là ứng dụng của các tổ chức tín dụng chính thống, đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi khiến cuộc sống lâm vào "đường cùng" nợ nần chồng chất, mất của, mất cả nhà...
Chị P.T.B L., công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Sunrise, Quận Tân Phú cho biết, tác động của dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến thu nhập giảm sút. Nhiều công nhân có nhu cầu rất lớn khoảng tiền để trang trải chi phí, sinh hoạt cá nhân. Phần bức bách do phải đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền hay để giải quyết những trường hợp đau ốm, bệnh tật; phần do không rõ thông tin, thủ tục thuận lợi, dễ dàng, nhiều gia đình, công nhân lao động đã vướng vào bẫy "tín dụng đen" của các nhóm cho vay nặng lãi, trá hình, núp bóng.
"Chỉ cần giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký xe, số điện thoại hợp lệ, các đối tượng sẽ thẩm định người vay để xác định tính chính xác, làm căn cứ cho việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, nếu vay đúng số tiền sẽ không đủ bởi người vay phải trả các chi phí dịch vụ và kèm theo tiền lãi trong tháng đầu tiên", chị L. chia sẻ.
Tương tự, chị D.T.M D., công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, ngụ ở Quận 7 cũng không tránh khỏi bẫy "tín dụng đen" và trở thành con nợ của một loạt app như Vaycaptoc, Lalacredit, Vaytiachop, Vimayman, Moneybag... Trong đó, app nợ nhiều nhất kể cả gốc và lãi đã hơn 200 triệu đồng. Chị Dung chia sẻ, từ đầu năm đến nay, cuộc sống gia đình khó khăn lại có thêm người bệnh nên đã vay tiền từ các app tín dụng. Không xoay được tiền để trả, chị được app này hướng dẫn vay của app kia để trả nợ khiến nợ nần chồng chất kéo dài từ app này sang app kia còn số tiền gốc và lãi cứ tăng dần.
Có app chị D. vay với lãi suất hơn 250%/tháng; có app vay 7,54 triệu đồng nhưng sau 7 ngày, số tiền phải trả lên tới 13 triệu đồng. "Do túng thiếu quá vay mượn lần đầu rồi bị "dẫn dắt", đến giờ, khó có khả năng thanh toán nên thường xuyên phải tắt điện thoại để tránh bị đòi nợ...", chị D. lo âu.
Không riêng các trường hợp nên trên, nhiều người lao động trong thời điểm khó khăn đã trở thành nạn nhân của các app cho vay theo kiểu "tín dụng đen". Vì không trả được nợ hoặc trễ hạn, cả nhà bị vạ lây; đến cả bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn cũng bị các đối tượng đòi nợ "khủng bố", thậm chí bị đe dọa, bêu riếu trên các trang mạng xã hội.
Chị N.T.N.H., ngụ tại Phường 16, Quận 4 cho biết thêm, nhiều trường hợp "lỡ bước, sa chân" đành cắn răn chịu đựng, vay mượn để trả cả lãi lẫn gốc. Một số trường hợp kêu cứu với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để được trợ giúp.
"Thậm chí nhiều đối tượng cho vay không chịu nhận số tiền gốc mà buộc người vay phải trả lãi hàng tháng. Nhiều đối tượng "hằn học" tìm cách gây sự, khó dễ khi cán bộ cơ quan đoàn thể, Công an địa phương can thiệp để người vay "xin được" trả tiền gốc và cả lãi một lần...", chị H. chia sẻ.
Gần đây, việc giới thiệu cho vay kiểu "tín dụng đen" ở các xóm lao động, khu dân cư có dấu hiệu giảm. Trên mạng xã hội, các app cho vay tiền online, tin nhắn qua điện thoại (phần lớn từ các đầu số nước ngoài) lại gia tăng. Các chiêu trò, thủ đoạn cho vay theo hình thức "tín dụng đen" còn núp bóng của doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút, lôi kéo khách hàng, các app vay tiền online thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục cho vay tiền qua các ứng dụng; các tài khoản facebook "hỗ trợ tài chính", "vay tiền qua app"...Tuy nhiên, hầu hết các địa chỉ cho vay không rõ ràng, không có tên công ty, trụ sở, địa chỉ liên lạc, số điện thoại; hoặc nếu có, địa chỉ không chính xác hoặc thường xuyên khóa cửa, không tiếp khách hàng trực tiếp.
Ma trận "tín dụng đen"
"Tín dụng đen" đã trở thành giải pháp của nhiều người dân lao động khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách. "Tín dụng đen" đã đẩy nhiều người vào đường cùng, gia đình ly tán, nhà cửa bị siết nợ, người vay bị chủ nợ hành hung... vì không có khả năng trả nợ lẫn lãi. Thường khi vay, các đối tượng bắt người vay đồng ý với "thỏa thuận bảo mật"; cho phép thu thập thông tin cá nhân, thông tin liên lạc khẩn cấp, hình ảnh, địa chỉ gửi thư, nơi ở, làm việc cùng với thông tin của người thân liên quan... của người vay để tiện thu nợ. "Bẫy" cho vay nặng lãi "giăng" khắp mọi nơi và nếu không bình tĩnh, cẩn trọng, ai cũng có thể dính "bẫy"...
Chị chị L.T.H.T., ngụ ở đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 gặp khó khăn về tài chính nhưng không tiếp cận được các khoản vay từ ngân hàng nên đành chấp nhận vay qua tổ chức tài chính. Sau vài lần chậm trả, các đối tượng cho vay đã đến tận phòng trọ đe dọa; gọi điện đến người thân ở tận quê nhà đốc thúc hoàn trả gốc và lãi đúng quy định.
Không chỉ gọi điện cho người thân, các đối tượng cho vay còn liên hệ nơi làm việc, nhắn tin, quấy nhiễu, đe dọa; hoặc sử dụng trái phép các hình ảnh, thông tin cá nhân đăng tải trên các trang mạng xã hội; thậm chí tạt chất bẩn vào nhà để "khủng bố" tinh thần, khiến cuộc sống người mắc nợ bất an, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Người trong cuộc khổ sở vì những hành vi "đòi nợ" theo kiểu "côn đồ"; người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí nơi làm việc của họ cũng bị liên lụy. Nhiều doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đã phải gửi thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân viên cảnh báo về việc vay tiền các app hoặc "tín dụng đen", nếu có phải bảo đảm "những giao dịch tín dụng cá nhân không ảnh hưởng đến bất kỳ đồng nghiệp nào trong cơ quan".
Mới đây, Công an quận Bình Tân khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến nhóm đối tượng chuyên hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê do Bùi Văn Vương (quê ở tỉnh Hòa Bình, tạm trú phường An Lạc A, quận Bình Tân) cầm đầu. Nhóm của Vương có khoảng 30 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi qua app, các trang mạng xã hội và đòi nợ "khủng bố" bằng cách tạt sơn hoặc chất bẩn vào nhà các con nợ...
Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo nhiều trường hợp nạn nhân dính bẫy "tín dụng đen" với mức lãi suất lên tới 30 - 40%/tháng; trong đó, có nhiều nạn nhân là công nhân, người lao động ở vùng ven hoặc từ các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... Để thu hồi nợ quá hạn nhanh, các đối tượng này thường gọi điện, nhắn tin đe dọa; hoặc khi đến hạn không trả tiền hay muốn bỏ trốn, các đối tượng in tờ rơi có nội dung xuyên tạc rải khắp nơi làm, nơi ở của các nạn nhân, thậm chí tin nhắn khủng bố tới bạn bè và người thân của họ. "Tín dụng đen" nổi lên như một tệ nạn gây nhức nhối dư luận xã hội mà đối tượng thường được hướng đến là công nhân, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, nhiều người không liên quan đến hoạt động vay tiền bên ngoài cũng trở thành nạn nhân "bất đắc dĩ" của tội phạm "tín dụng đen". Nhiều nhà bị các đối tượng tạt chất bẩn, sơn gây hư hỏng nhiều đồ dùng, vật dụng khiến nhiều gia đình hoang mang, lo lắng; gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4/2019 đến giữa năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can; hơn 1.300 lượt đổ hoặc ném chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng. Phần lớn các vụ việc xảy ra ở các địa bàn có đông công nhân, người lao động sinh sống và làm việc như Quận 7, Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Thủ Đức...
"Tín dụng đen" cho công nhân vay lãi suất tới... 1.000%/tháng Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, cách thức hoạt động của "tín dụng đen" là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền, lãi suất thường ở mức 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng. Thông tin nêu trên được Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với 4.500 công...