Đồng bath tăng giá trước tổng tuyển cử Thái Lan
Đồng baht Thái Lan đã tăng giá lên mức cao nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ lúc chính quyền quân sự hiện tại lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2014. Diễn biến bất lợi này đang đe dọa xuất khẩu và ngành du lịch của Thái Lan ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử được chờ đợi từ lâu.
Biểu đồ tăng giá của đồng nội tệ Thái Lan. Ảnh: Reuters
Đà tăng giá của đồng baht
Tờ Nikkei Asian Review cho biết hôm 22-2, đồng baht giao dịch ở mức 31,19 baht ăn 1 đô la, tăng 4% so với hồi đầu năm, mức cao nhất kể từ tháng 11-2013.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng rupiah (Indonesia) và đồng peso (Philippines) chỉ tăng giá lần lượt 2% và 1%. Trong sáu tháng qua, đà tăng giá của đồng baht so với đồng đô la ấn tượng hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.
Đà tăng trưởng kinh tế vững chắc cũng như mức thặng dư tài khoản vãng lai cao, kho dự trữ ngoại hối dồi dào của Thái Lan là những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá của đồng baht. Năm 2018, GDP của Thái Lan tăng trưởng 4,1% so với năm trước đó, theo Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng trung ương Thái Lan tăng lãi suất đồng baht thêm 1,75 điểm % lần đầu tiên trong bảy năm qua nhằm giảm rủi ro tài chính và bình thường hóa chính sách. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ bắn tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất của đồng đô la trong năm 2019. Các diễn biến này cũng góp phần khơi mào cho đợt tăng giá mạnh mẽ của đồng baht vào đầu năm 2019.
Yoichiro Yamaguchi, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp (Nhật Bản), cho biết trong khi đồng nội tệ của các nước bị thâm hụt tài khoản vãng lai có xu hướng dễ bị tổn thương trước những cú sốc của thị trường thì các tài sản được định giá bằng đồng baht được xem là an toàn hơn ở khu vực Đông Nam Á.
Video đang HOT
Yukino Yamada, nhà chiến lược cấp cao ở Công ty chứng khoán Daiwa Securities (Nhật Bản), nói: “Trong tháng 1-2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng chứng khoán Thái Lan lần đầu tiên trong 16 tháng qua”.
Một nhà phân tích ở Trung tâm Nghiên cứu Kasikornbank (Thái Lan) dự báo các yếu tố hỗ trợ đồng baht tăng giá như thặng dư tài khoản vãng lai và sự khác biệt trong phương hướng chính sách tiền tệ giữa Thái Lan và Mỹ có thể tiếp tục duy trì và đẩy đồng baht lên các mức giá cao hơn trong nửa đầu năm 2019. Song nhà phân tích này cũng cho rằng đồng baht đã tăng giá lên mức mà chính phủ trung ương ở Bangkok thấy cần phải sẵn sàng nhảy vào can thiệp.
Gây tổn thương cho xuất khẩu và du lịch
Đồng baht đang tăng giá so với đồng đô la lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2013. Ảnh: Nikkei Asian Review
Nếu đồng baht cứ tăng giá “dai dẳng”, điều này sẽ tác động bất lợi cho nền kinh tế Thái Lan do sản xuất và tiêu thụ của nước này phụ thuộc lớn vào nhu cầu nước ngoài. Xuất khẩu đóng góp gần 60% cho GDP của Thái Lan, trong khi đó, du lịch đóng góp khoảng 20%.
Nếu đồng baht tiếp tục neo ở mức giá cao như hiện nay, các nhà xuất khẩu như các hãng xe, các nhà sản xuất hàng điện tử hoặc thậm chí cả nông dân Thái Lan sẽ khó mà duy trì tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của họ. Xuất khẩu Thái Lan đã bắt đầu suy yếu trong những tháng gần đây. Các quan chức Bộ Thương mại Thái Lan nói rằng sức mạnh của đồng nội tệ có thể đang cản trở các hoạt động xuất khẩu.
Sau khi suy giảm 1,7% trong tháng 12-2018, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục sụt giảm 5,7% trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7-2016.
Một số hãng xe Nhật Bản, vốn đặt đại bản doanh sản xuất và xuất khẩu tại Thái Lan, bắt đầu lên tiếng lo ngại về cơn tăng giá của đồng baht.
Ngành du lịch Thái Lan cũng chịu tổn thương vì đồng baht tăng giá đồng nghĩa với việc hàng hóa và dịch vụ ở nước này sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với du khách nước ngoài.
Nhiều công ty Thái Lan cũng đang cảm nhận “nỗi đau” do đồng baht tăng giá. Tập đoàn năng lượng nhà nước Thái Lan PTT cho biết năm 2018, doanh thu tăng 17,1% lên mức 2,33 nghìn tỉ baht trong năm 2018 nhưng lợi nhuận ròng giảm 11,5% xuống còn 119,68 tỉ baht. Giá dầu suy yếu trong quí 4-2018 ảnh hưởng đến lợi nhuận tổng thể năm 2018 của PTT nhưng đồng baht mạnh lên cũng bào mòn lợi nhuận tính theo đồng baht của tập đoàn này.
Các nhà hoạch định chính sách nước này cũng đang tỏ ra sốt sắng. Ngày 14-2, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak lên tiếng lo ngại cơn tăng giá của đồng baht sẽ tác động đến nông dân. Ông hối thúc Ngân hàng trung ương Thái Lan phải bảo đảm chính sách không cho phép đồng baht tăng giá quá nhanh.
Song các chính sách kinh tế của chính phủ quân sự Thái Lan hiện nay tập trung tìm cách thu hút nhu cầu nước ngoài, thay vì thúc đẩy các cải cách để tăng sức mua trong nước. Chiến lược này khiến nền kinh tế Thái Lan dễ tổn thương hơn trước cơn tăng giá của đồng baht.
Nếu những dấu hiệu tăng trưởng của Thái Lan suy yếu do đồng baht dậy sóng, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến số lá phiếu cử tri dành cho đảng Palang Pracharat trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng sau. Đảng Palang Pracharat đã đề cử Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayuth Chan-ocha là ứng cử viên thủ tướng duy nhất của đảng này.
Theo thesaigontimes
Các ngân hàng trung ương châu Á quay ngoắt thay đổi chính sách tiền tệ
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cùng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần một năm qua đã làm nghiêng ngả chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương từ Nhật Bản tới Australia, khiến các nước thay đổi 180 độ quyết sách của mình.
Các đồng tiền euro, đô la Hồng Kông, đô la Mỹ, yên Nhật, bảng Anh tờ 100 nhân dân tệ Trung Quốc.
Tranh cãi xảy ra cuối năm ngoái khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản bị đổ lỗi vì in thêm tiền đưa vào lưu thông, và ngân hàng dự trữ Australia RBA cứng rắn hơn trong việc quyết định tăng lãi suất.
Tình trạng phá giá đồng tiền của các thị trường mới nổi khiến các nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi kinh tế nước ngoài như Ấn Độ, Indonesia và Philipines siết chặt lãi suất tiền gửi của mình. Tuy nhiên hiện nay các nước này cũng đã quyết định tham gia vào cuộc chơi giảm lãi suất.
Đồng đô la yếu cùng với giá dầu luôn ở mức thấp đóng vai trò quan trọng trong quyết sách này. Nhưng nguyên nhân chủ yếu đối với châu Á là nền kinh tế quan trọng nhất - Trung Quốc chứng kiến một năm lao dốc và xuất khẩu giảm mạnh vào các thị trường này.
"Điều đang xảy ra là chỉ dấu cho thấy các ngân hàng trung ương đang suy nghĩ lại về chính sách tiền tệ của họ" - Piyush Gupta, CEO của DBS Group Holdings tại Singapore cho biết.
Loại trừ Philipines đang chứng kiến sự giảm lạm phát, phần lớn các nền kinh tế còn lại đang có mức tăng giá cao hơn rất ít hoặc thậm chí nhỏ hơn lãi suất công bố của ngân hàng trung ương nước họ. Giá hàng hóa hiện đang ở mức âm 1% tại Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Vào thứ Ba (19/2), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói rằng sẽ dùng các tác nhân kích thích nếu giá trị đồng Yên vẫn tăng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản.
Trong tháng 2, Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng có phản ứng gây ngạc nhiên khi tiến hành giảm lãi suất. Indonesia là nước duy nhất có chính sách ngược lại sau 6 lần giảm lãi suất năm ngoái. Nước này cho biết sẽ chú ý nhiều hơn đến tỷ giá hối đoái đối với đồng tiền nước này.
Theo thegioitiepthi.vn
Tỷ giá ngoại tệ ngày 16/2: USD tăng, Euro giảm giá Đồng đô la đã tăng cao hơn so với các loại tiền tệ sau khi dữ liệu lạm phát yếu của Trung Quốc củng cố mối lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Chỉ số đồng đô la theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với các tiền tệ khác chốt phiên giao dịch ở mức 96.953 sau khi rời mức...