Đồng bào Cor bước vào mùa lên núi “hái tiền”
Thời điểm này, người đồng bào Cor ở vùng cao Trà Bồng đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch quế. Vỏ quế năm nay có giá cao hơn mọi năm nên đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu đáng kể từ cây trồng này.
Mùa lên núi “hái tiền”
Về thủ phủ quế những ngày này, mọi người sẽ thấy không khí rộn ràng hẳn ra, Trên các trục đường xuyên xã, liên thôn ở vùng cao Trà Bồng đâu đâu cũng ngào ngạt hương quế. Đang vào thời điểm bước vào mùa thu hoạch quế nên bà con đồng bào Cor ai cũng tranh thủ lên rẫy lột vỏ quế mang về bán cho thương lái.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân lên rừng khai thác quế
Dưới cái nắng oi ả, những giọt mồ hôi thấm đẫm nhọc nhằn không làm phai được niềm vui trên gương mặt của mỗi người. Ánh mắt người nào cũng như biết cười vì năm quế được giá.
Anh Hồ Văn Dinh ở thôn Nguyên, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) hồ hởi: Năm nay quế có giá cao, nên người dân chúng tôi ai cũng mừng. Tùy theo chất lượng vỏ quế, Hiện nay 1 kg vỏ quế tươi giá có giá bình quân từ 15 nghìn đồng đến 17 nghìn đồng, quế khô có giá 36 nghìn đồng đến 37 nghìn đồng. Anh Dinh cũng cho hay, hiện tại có khoảng 1.000 cây quế đang cho thu hoạch, trong tổng số hơn 5.000 cây gia đình anh trồng trên rẫy. Với chừng ấy, ước tính vụ thu hoạch năm nay gia đình anh sẽ thu về vài chục triệu đồng.
Cùng chung niềm vui với anh Dinh, chị Hồ Thị Non ở xã Trà Thủy cũng rất phấn khởi vì những năm gần đây cây quế có giá khiến cho cuộc sống của gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng truyền thống này. “Từ đầu vụ đến giờ, nhà mình đã thu hoạch và bán được hơn 10 triệu đồng tiền quế rồi. Nhờ có tiền bán quế mà mình trang trải cuộc sống hàng ngày và chi tiêu thoải mái hơn”- chị Non chia sẻ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, dù quế có giá cao, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, quế chậm tróc vỏ nên thời điểm này lượng quế bà con thu hoạch chưa nhiều. “Mọi năm, tầm này, mỗi ngày tôi thu mua khoảng trên cả tấn, thế nhưng năm nay chỉ mua được khoảng 500 kg/ngày. Hy vọng, thời gian tới, thời tiết tốt, người dân lên rẫy thu hoạch rầm rộ, lượng quế thu mua vào sẽ tăng cao hơn. Những năm gần đây, nhờ đầu ra cây quế rất ổn định nên lượng quế cơ sở tôi thu mua về đều được vận chuyển tiêu thụ nhanh chóng”- bà Lâm Thị Thu Hiền, chủ một cơ sở thu mua quế ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết.
Video đang HOT
Giá cao, đầu ra ổn định mang lại niềm vui lớn cho người trồng quế
Theo kinh nghiệm của người trồng quế, mỗi năm có hai đợt thu hoạch quế. Đợt một bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt hai từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu.
Mặc dù cây quế có tuổi đời khá dài, song so với các loại cây nguyên liệu khác thì cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Tất cả sản phẩm của cây quế như vỏ quế, thân, lá và cành quế người trồng quế đều có thể bán được cho các cơ sở sản xuất dùng làm nguyên liệu chế biến. Chính bởi ưu điểm này mà sản phẩm từ quế luôn cho giá trị kinh tế cao trên thị trường. Quế trở thành cây trồng mũi nhọn của và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình.
Hiện tại, hầu như bà con đồng bào Cor ở Trà Bồng nhà nào cũng trồng quế. Quế được trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, quanh nhà…Hộ ít nhất cũng hơn một nghìn cây, nhiều thì tới vài ha. Vì thế, nhiều bà con đồng bào Cor ví mùa thu hoạch quế là mùa vui, mùa “nhặt tiền”, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân. Tùy thuộc vào diện tích quế cho thu hoạch của từng gia đình mà có gia đình thu nhập vài triệu đồng, gia đình thu được hàng chục đồng trong mỗi mùa thu hoạch quế.
Hướng tới mở rộng vùng chuyên canh quế
Cây quế từ bao đời nay đã trở thành cây trồng truyền thống mang lại thu nhập chính cho đồng bào Cor Trà Bồng. Tuy nhiên, thực tế chung cho thấy diện tích trồng quế ở địa phương này còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chưa cân xứng với tiềm năng sẵn có. Các nông hộ vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sự đột phá lớn trong sản xuất; chưa chú trọng việc trồng giống quế thuần và chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nhằm quản lý, bảo tồn nguồn gen quý, tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững được vốn rừng hiện có; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định, huyện Trà Bồng đã tính toán đến chuyện đầu tư mở rộng vùng chuyên canh cây quế trên địa bàn, trong giai đoạn 5 năm (2016- 2020).
Người dân vui vì cây quế cho nguồn thu nhập cao và ổn định
Theo đó, “Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế” được huyện Trà Bồng xây dựng với diện tích lên tới hơn 1.700ha. Dự án sẽ được triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia.
Bình quân dự án sẽ trồng 343ha quế/năm. Ba giống quế được huyện chọn trồng là giống quế Trà Bồng, Thanh Hóa và Lạng Sơn, trong đó vẫn ưu tiên cơ cấu giống bản địa, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống quế Trà Bồng đạt trên 80%. Mục tiêu của dự án là đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 2.800ha, trong đó hơn 1.780ha vùng chuyên canh; hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá.
Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn; các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong và ngoài tỉnh. Hiện các cơ sở, đơn vị này đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc chế biến phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển mạnh thương hiệu quế Trà Bồng trong tương lai.
“Dự án này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Nó nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa”- ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết.
Theo Bảo Ngọc (Báo Quảng Ngãi)
Quảng Ngãi: Xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới
Niềm vui to lớn mang tên "xã chuẩn Nông thôn mới" đến với người dân xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) vào những ngày cuối năm. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, chính nội lực từ phía người dân đã góp phần không nhỏ để đưa Nghĩa Sơn sớm về đích Nông thôn mới.
Những đường làng ngõ xóm khang trang. Những con đường bê tông mới thay thế cho đường cũ. Xã Nghĩa Sơn nay đã thực sự thay da đổi thịt. Đó là kết quả sau 5 năm phấn đấu từ vùng nông thôn với hạ tầng yếu kém, xuống cấp để trở thành xã miền núi với 98% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số cán đích Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Đến với Nghĩa Sơn hôm nay, nhìn vào những khu dân cư thoáng mát, sạch đẹp của đồng bào địa phương, ít ai nghĩ đây là vùng đất mà thu nhập của người dân chủ yếu vẫn dựa vào nông, lâm nghiệp. Điện, đường, trường, trạm đều được kiên cố hóa, đời sống được nâng cao rõ rệt. Có được những điều ấy, đều nhờ vào sự đoàn kết của người dân. Các gia đình trong xã đã tham gia hiến 5ha đất, góp công mang lại những công trình đúng như mong đợi.
Đường về xã Nghĩa Sơn hôm nay
Chị Phạm Thị Hạnh ngụ ở thôn 1, xã Nghĩa Sơn là một trong những hộ dân tích cực hiến đất để góp phần tạo nên sự đổi thay bộ mặt nông thôn của Nghĩa Sơn. "Đồng bào ở đây ai cũng hiểu cái mục đích của xây dựng Nông thôn mới là để người dân hưởng lợi có đường sá khang trang, có trường học, nhà văn hóa kiên cố... nên ai cũng đồng lòng ủng hộ. Cách đây 2 năm, để xây nhà văn hóa thôn gia đình tôi cũng sẵn sàng hiến hơn 200 mét vuông"- chị Hạnh phấn khởi nói.
Là xã miền núi, gần 100% hộ dân là người đồng bào dân tộc H'rê nhưng tỷ lệ hộ nghèo của từng thôn trong xã chiếm rất ít, chỉ rơi vào những gia đình người già, neo đơn. Người dân đều có mức sống cao, tính chung thu nhập bình quân của người dân trên 23 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân của người dân nông thôn trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới khoảng 5 triệu đồng.
Ông Phạm Mai Sương, một người dân trong xã cho biết, bà con đồng bào Hre Nghĩa Sơn rất chăm chỉ làm ăn, trồng keo, làm rừng, từ nuôi bò cỏ nay đã chuyển sang nuôi bò lai thu nhập cao. "Hiện nay kinh tế thay đổi hết, mỗi người dân phải làm ăn chăm chỉ, có tiền để trang trải cuộc sống. Phải phấn đấu lắm thì mới có thể cho con cái ăn học đàng hoàng, có nhà, có xe và không còn gia đình nào ỷ lại, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước"- ông Sương bộc bạch.
Vinh dự được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Tư Nghĩa và của tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Sơn được nhà nước đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, giáo dục, y tế... tạo diện mạo mới cho vùng miền núi. Chỉ riêng trong năm 2016, Nghĩa Sơn được đầu tư hơn 9 tỷ đồng hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, sớm đưa xã về đích Nông thôn mới.
Những ngôi nhà khang trang, kiên cố thường thấy ở xã miền núi Nghĩa Sơn
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân góp phần không nhỏ, đóng góp cùng với nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Ông Phạm Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: Làm Nông thôn mới có thành công hay không đều phụ thuộc vào người dân. Bởi có những cái như bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, tham gia bảo hiểm y tế, xây dựng gia đình văn hóa... nếu người dân không tham gia, thực hiện, thì Nhà nước có hỗ trợ, đầu tư bao nhiêu thì xã Nghĩa Sơn không thể nào hoàn thành bộ 19 tiêu chí.
"Và điều quan trọng nữa là có sự ủng hộ hiến đất, cây cối hoa màu của người dân thì tiến độ thi công các công trình mới được hoàn thành một cách suông sẻ. Bởi đó là đất của dân. Đáng mừng nhất để Nghĩa Sơn cán đích Nông thôn mới chính là được nhân dân ủng hộ hết mình"- ông Sơn ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc H'rê tại địa phương.
Ngoài việc đầu tư cho xã Nghĩa Sơn, 5 năm qua, Quảng Ngãi đã huy động được trên 6.370 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Kết quả, Quảng Ngãi đã xây dựng 127 tuyến đường xã với tổng chiều dài 71,8km; 18 tuyến đường thôn dài 11km; hệ thống kênh mương nội đồng dài gần 40km. Quảng Ngãi cũng đã xây mới và nâng cấp 60 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xã; 20 trường học bậc mầm non, tiểu học và nhiều hạ tầng tiện ích phục vụ đời sống dân sinh...
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho hay: Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Quảng Ngãi có hơn 10 xã khác đạt chuẩn Nông thôn mới. 60 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí nông thôn mới với nhiều khởi sắc vượt trội. Cuộc vận động toàn dân tham gia chương trình mục tiêu đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Riêng với xã miền núi Nghĩa Sơn, việc hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng để đạt chuẩn Nông thôn mới trước thềm năm 2017 không chỉ nâng cao mức sống cho người dân mà còn có ý nghĩa rất lớn. Đó là đòn bẫy để huyện Tư Nghĩa cùng với huyện Nghĩa Hành hướng tới mục tiêu huyện Nông thôn mới vào năm 2020.
Theo Thanh Phương (Báo Quảng Ngãi)
"Trái ngọt" xứ tràm Nhìn những cánh đồng lúa trĩu vàng vào mùa thu hoạch, những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh tốt, xa xa lại thấp thoáng một vài căn nhà tường khang trang, hay nghe chuyện về gia đình vượt khó, nuôi con học hành thành tài mà bà con xứ rừng Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời thường hay kể nhau nghe...