Dông bão chưa qua ở Sri Lanka
Việc nhà lãnh đạo Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa phải từ chức tổng thống và rời khỏi đất nước được coi là kết quả khó tránh khi hòn đảo 22 triệu dân này phải chứng kiến cuộc khủng hoảng kép chính trị, kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành độc lập năm 1948.
Ông Ranil Wickremesinghe khi đương nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka, trong cuộc họp báo tại Colombo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sau hơn một tháng nhậm chức, hôm 23/6, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe phải thừa nhận nền kinh tế của quốc đảo ở Nam Á này đã sụp đổ khi không còn ngân sách để chi trả cho lương thực và nhiên liệu. Đến ngày 5/7, ông tuyên bố Sri Lanka đã chính thức vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, nhưng tình hình không mấy thuận lợi. Sri Lanka phải đàm phán với tư cách một nước phá sản, không phải một nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung thiết yếu và làm gián đoạn sinh kế của người dân, kéo theo làn sóng biểu tình, đình công lan rộng.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ các yếu tố trong nước, bao gồm hệ thống quản lý yếu kém và nạn tham nhũng kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, nền kinh tế chủ yếu dựa vào “ngành công nghiệp không khói” (chiếm 59,2% tổng sản phẩm quốc nội – GDP – bao gồm du lịch, khai thác cảng biển) thực sự “lao đao” khi phải hứng chịu hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục sinh năm 2019, tiếp theo là đại dịch COVID-19, khiến dự trữ ngoại hối của quốc gia giảm tới 70% và chính phủ phải tiếp tục dựa vào các khoản vay ngoại tệ để chi tiêu. Đi kèm với đó là những vấn đề toàn cầu khiến giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao kỷ lục.
Giới phân tích cho rằng, lẽ ra trong bối cảnh này, Chính phủ Sri Lanka cần tăng nguồn thu khi nợ nước ngoài tăng vọt thì Tổng thống Rajapaksa lại thông qua các đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, khiến ngân sách thất thu 30%. Các chủ nợ đã hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka, ngăn nước này vay thêm tiền khi nguồn dự trữ ngoại hối sụt giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc Sri Lanka mất quyền tiếp cận với các thị trường nước ngoài.
Video đang HOT
Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng vỡ nợ của Sri Lanka là chính sách phát triển nông nghiệp chưa phù hợp. Tháng 4/2021, Tổng thống Rajapaksa bất ngờ cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để thúc đẩy canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột mà không có sự chuẩn bị cũng khiến nông dân hoang mang, vụ mùa thất bát, đẩy giá lương thực lên cao. Mặc dù chính sách này đã được hủy bỏ vào tháng 11/2021, song hậu quả là tình trạng suy giảm sản lượng nông nghiệp chưa từng thấy, biến Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo thành nước nhập khẩu gạo với kim ngạch hơn 600 triệu USD.
Việc hạn chế nhập khẩu để tiết kiệm ngoại hối vô hình trung lại dẫn tới tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng, kể cả hàng thiết yếu. Trong khi đó, các vấn đề toàn cầu đã đẩy giá lương thực và dầu mỏ lên cao hơn, khiến chi phí nhập khẩu cũng theo đó mà tăng.
Trong khi chính sách kinh tế từ nhiều năm qua được cho là sai lầm thì các biện pháp ứng phó của chính phủ với khủng hoảng lại chậm chạp và kém hiệu quả. Điều này càng khiến Sri Lanka lún sâu vào khủng hoảng nghiêm trọng. Sri Lanka đã mất khả năng chi trả món nợ 51 tỷ USD từ tháng 4/2022, khi tuyên bố dừng trả khoản nợ nước ngoài 7 tỷ USD đáo hạn trong năm nay, trong số 25 tỷ USD đáo hạn tới năm 2026. Điều này có nghĩa Sri Lanka đã được xếp vào diện vỡ nợ. Bên cạnh đó, nước này đã rơi vào cảnh cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry thông báo nước này chỉ còn khoảng 25 triệu USD dự trữ ngoại hối.
Người biểu tình tập trung bên ngoài Phủ Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka ngày 10/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm đã thách thức khả năng chịu đựng của người dân Sri Lanka. Khó khăn kinh tế ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Thực tế, Sri Lanka không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu, lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu. Điều này đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng phi mã và khiến người dân rơi vào tình cảnh thiếu thốn. Người dân phải xếp hàng dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để mua nhiên liệu. Đồng tiền mất giá tới 80%, khan hiếm hàng hóa trầm trọng đẩy lạm phát lên cao tới 54,6% vào tháng 6 vừa qua, chất thêm gánh nặng lên vai người dân.
Là đất nước nhiệt đới chưa từng thiếu lương thực, nhưng gần đây người dân Sri Lanka đã phải chịu cảnh thiếu ăn. Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) mới đây cho biết, 86% số gia đình ở Sri Lanka đang “sử dụng ít nhất một cơ chế đối phó, bao gồm ăn ít hơn, ăn ít thức ăn bổ dưỡng hơn và thậm chí bỏ bữa hoàn toàn”. Khoảng 3 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Ông Jens Laerke, phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), khẳng định rằng nhiều người dân ở Sri Lanka hiện “không có đủ lương thực”. Ông cảnh báo: “Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bảo vệ và giáo dục cho trẻ em đang bị đe dọa”. Ông Christian Skoog, đại diện của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Sri Lanka, cũng cảnh báo rằng tình hình đang rất nghiêm trọng, khi có tới 17% trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này bị suy dinh dưỡng và thấp còi do khủng hoảng.
Hiệp hội Y học Sri Lanka thông báo tất cả bệnh viện ở nước này gần như không còn thuốc, không thể tiếp cận nguồn thiết bị y tế nhập khẩu. Hiệp hội cảnh báo tình trạng này có thể khiến nhiều người dân thiệt mạng hơn so với thời kỳ dịch COVID-19.
Hệ quả là Tổng thống Rajapaksa và anh trai là cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai đại diện cho gia tộc Rajapaksa đầy quyền lực tại Sri Lanka, đã lần lượt phải rời bỏ quyền lực. Ngày 15/7, Thủ tướng Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền tổng thống thay ông Rajapaksa, cho tới khi quốc hội nước này tiến hành bầu tổng thống mới vào tuần tới.
Cho tới nay, các đảng phái ở Sri Lanka vẫn có kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 20/7 tới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thời gian quá gấp rút như vậy khiến việc tìm ra một nhân vật đủ năng lực trở nên khó khăn, trong khi các phe phái ở Sri Lanka đang bị chia rẽ gay gắt. Điều này được cho có thể đe dọa tới sự ổn định của Sri Lanka.
Nhà lãnh đạo mới cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề vô cùng cấp bách hiện tại của đất nước. Đó là tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép, hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc, tái cơ cấu các khoản nợ để nhận được các khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế. Với tình hình hiện tại, Sri Lanka chắc chắn sẽ phải chấp nhận những điều kiện rất ngặt nghèo để có được các khoản vay mới từ IMF hoặc từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân.
Chuyên gia Bhavani Fonseka, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm về các sự lựa chọn chính sách có trụ sở tại Colombo, nhận định: “Sri Lanka đang bước vào một thời kỳ bất định, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ biến động như vậy”. Thực tế thì dù ai lên nắm quyền trong thời gian tới, đất nước Sri Lanka vẫn sẽ phải đương đầu với những tháng khó khăn phía trước.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống Sri Lanka
Ngày 15/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức.
Ông Ranil Wickremesinghe (giữa) trong cuộc một họp báo tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, ngày 14/7, ông Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua thư điện tử sau khi đến Singapore. Ngày 15/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana, thông báo đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa đã được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 14/7 đồng thời cho biết Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp ngày 16/7.
Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sĩ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay. Ông Wickremesinghe cũng đã đảm nhận vai trò quyền Tổng thống từ ngày 13/7 do ông Rajapaksa ra nước ngoài lánh nạn sau khi người biểu tình xông vào Dinh Tổng thống. Tuy nhiên, người biểu tình hiện cũng đang đòi ông Wickremesinghe từ chức
Chủ tịch Quốc hội Abeywardana cho biết Quốc hội sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 tới sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19/7.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng.
Các thành viên chủ chốt đảng cầm quyền ủng hộ Thủ tướng Wickremesinghe làm Tổng thống Theo hãng tin Reuters, một số thành viên chủ chốt của đảng cầm quyền ở Sri Lanka ngày 13/7 bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người tuyên bố sẽ từ chức, lên làm tổng thống. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định chính thức được đưa ra. Ông Ranil Wickremesinghe phát biểu trước những người ủng hộ tại Colombo, Sri Lanka,...