Đồng bào Chiềng An giảm đói nghèo nhờ học báo, đài
“Ở đây, chúng tôi có Câu lạc bộ bạn nghe đài với sự tham gia của hàng chục hộ trong xóm. Với chúng tôi, báo chí là một người thầy lớn…” – chị Cầm Thị Yên, dân bản Cá, phường Chiềng An, TP. Sơn La (Sơn La) nói vậy.
Học được nhiều điều hay từ báo, đài
Bản Cá, phường Chiềng An, TP.Sơn La là nơi hội tụ của hơn 100 hộ gia đình với nhiều dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái là chủ yếu. Người dân trong bản sống dựa chủ yếu vào nghề nông, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều năm qua bản Cá luôn giữ vững danh hiệu Bản văn hóa. Ông Quàng Văn Bình – Trưởng bản chia sẻ: “Chúng tôi đạt và giữ vững danh hiệu Bản văn hóa cả chục năm nay cũng là nhờ một phần lớn vào sự nghe – đọc và học – làm theo báo đấy. Với chúng tôi, báo chí là người thầy tổng hợp. Báo đài đưa cho chúng tôi thông tin nhiều chiều, khắp nơi trên thế giới, giúp chúng tôi học cách làm hay, cách sống đẹp, biết thế nào là bản sắc văn hóa, cái gì phải giữ gìn, cái gì cần loại bỏ…”.
Câu lạc bộ Bạn nghe đài ở bản Cá, phường Chiềng An, TP.Sơn La thực hiện tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lên hệ thống loa của bản. Ảnh: K.T
Cụ Lù Thị Ùa, hơn 80 tuổi tự hào kể: “Hơn 10 năm trước, nạn nghiện hút ma túy từng làm nhiều gia đình trong bản đau đầu. Nhưng rất may nạn ma túy chỉ rộ lên một thời gian rồi bị dập tắt ngay, đó cũng là nhờ thông tin từ báo, đài hướng dẫn chúng tôi cách phát hiện, tố giác người mắc nghiện, cách giúp họ cai nghiện, hòa nhập cộng đồng và ngăn chặn tệ nạn lây lan sang những người mới… Dân bản ở đây ít đất sản xuất nhưng chúng tôi đã học được những cách làm ăn mới hiệu quả như chăn nuôi tại nhà, trồng rau xanh, chạy chợ… Nhờ thế hộ nghèo giảm nhanh, hộ đói không còn. Đội văn nghệ bản cũng phát triển nhanh và trở thành một trong những đội văn nghệ chủ lực của thành phố, nhờ chúng tôi biết chọn lọc, học hỏi…”.
“Luôn đồng hành cùng nông dân”
Đó là lời hứa của 2 nhà báo Nguyễn Chu Nhạc – Trưởng ban Tổ chức Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và ông Nguyễn Quang – Giám đốc Cơ quan Thường trú VOV tại Tây Bắc trong buổi tiếp xúc với những người dân bản Cá vừa qua. Tại buổi tiếp xúc, đại diện VOV đã gửi tặng người dân bản Cá hàng chục chiếc đài nhỏ nhắn, xinh xắn để giúp người dân tiếp cận thông tin. Chị Cầm Thị Yên – dân bản bảo: Nghe đài hàng ngày đã trở thành thói quen không thể thiếu của chúng tôi. Những hôm mất điện hoặc trục trặc kỹ thuật là người dân đến hỏi nguyên nhân ngay. Không chỉ nghe đài trong khi làm việc quanh nhà, quanh bản, chúng tôi còn thường xuyên tập hợp tại nhà ông trưởng bản vào buổi trưa và buổi tối để trao đổi thêm với nhau về những thông tin mà mình nghe được, biết được hoặc truyền tay nhau đọc những tờ báo hay mà chúng tôi có được từ nhiều nguồn. Thông tin trên báo chí thật sự đã giúp chúng tôi trên rất nhiều lĩnh vực, giúp chúng tôi điều chỉnh cả từ nếp sống hàng ngày cũng như chuyện làm ăn, sinh hoạt cùng cộng đồng, làm du lịch văn hóa bản…
Video đang HOT
Ông Quàng Văn Bình cho biết thêm: “Một bản văn hóa là phải biết nghe đài, đọc báo, xem ti vi… để thu lượm thông tin hàng ngày. Báo chí luôn đồng hành với cuộc sống nên muốn làm một công dân tốt trong xã hội phát triển thì phải nắm bắt thông tin thường xuyên từ báo chí, bởi báo chí luôn đồng hành với người dân”.
Theo Danviet
Câu chuyện giảm nghèo chưa bao giờ dừng lại
TP HCM sẽ tiếp tục có những giải pháp đột phá và phát huy nghĩa tình của người dân trong công tác giảm nghèo
Những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đạt nhiều kết quả, số hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt, các hộ thoát nghèo có đời sống ổn định hơn. Đáng chú ý là các tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo của thành phố liên tục được điều chỉnh theo hướng tích cực, thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mới đây nhất, thành phố đưa ra quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục đích các hộ thoát nghèo không chỉ được nâng lên về thu nhập mà cả các điều kiện sống khác.
TP HCM đưa ra quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững (Ảnh minh họa)
Thoát nghèo từ 800.000 đồng vốn vay
Tết này, gia đình ông Võ Văn Ly ở ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi rất vui. Gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo từ nhiều năm nay, các con đi làm công nhân cũng có lương, thưởng khá. Ông Ly vui nhất là Tổ Giảm nghèo của ấp do ông làm tổ trưởng chỉ còn 3 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và đều đang được hơn 500 hộ trong ấp bao bọc, sẻ chia.
Năm 1992, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên được chương trình Xóa đói giảm nghèo của huyện Củ Chi cho vay 800.000 đồng tiền vốn để chăn nuôi heo. Từ con heo đầu tiên đó, ông tích cóp mua được con bò và cứ thế nhân lên cho đến lúc đủ tiền xây nhà, thoát khỏi tình trạng bữa đói bữa no. Với ông Ly, 800.000 đồng vốn ban đầu đó rất quý, nhưng quý hơn là nghĩa tình của bà con xóm làng.
Ông không có ruộng, những nhà khá giả hơn đã cho ông mượn 0,5ha ruộng để trồng lúa lấy gạo ăn và lấy rơm nuôi bò. Cách mà ông được giúp đỡ hơn 20 năm trước cũng là cách mà bà con vẫn làm hiện nay để giúp các hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục ha ruộng đang được người dân cho hộ khó khăn mượn để trồng lúa, ổn định cái ăn.
Ông Võ Văn Ly kể: "Từnăm 1992 đến giờ, tôi bám trụ luôn ở ấp này. Tôi nghĩ, nhà nước quan tâm tới mình là tốt rồi, mình phải ráng phấn đấu. Cho nên, được vay có 800.000 đồng mà tôi làm cơ sở để có nhà ở là mừng lắm rồi. Nhiều gia đình ở đây cũng nhờ vốn vay này mà làm ăn được. Bây giờ nhà nước đã giúp mình rồi thì mình phải giúp lại những người khác. Thí dụ như nhà kia chăn nuôi heo mà kẹt tiền thì nhà này có cho mượn qua mượn lại, giúp đỡ lẫn nhau. Hay ông này Tết nay ông không có lúa thì ông này làm lúa sẽ cho ổng một, hai thùng để ăn. Tết nay thấy phấn khởi, thấy thoải mái".
Cho mượn đất sản xuất, đổi công, tặng con giống, cây giống... là cách mà người dân Củ Chi làm để san sẻ khó khăn với nhau. Cách làm ấy phù hợp với điều kiện tại địa phương, thiết thực với các hộ nghèo. Sau năm 1992, phong trào xóa đói giảm nghèo xuất phát từ Củ Chi dần nhân rộng ra toàn thành phố. Sau này không còn hộ đói nữa, phong trào trở thành chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều.
Dù với tên gọi nào thì phong trào vẫn là sự quan tâm của các ngành các cấp và sự sẻ chia của người dân với những gia đình còn khó khăn. Tùy thực tế, từng quận, huyện đều có những cách làm hay, hiệu quả, phát huy được thế mạnh của mình. Như tại quận 5, quận đầu tiên của thành phố thoát nghèo vào năm 2015. Với đặc thù là quận có đông đồng bào người Hoa, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và nhiệt tình với công tác từ thiện xã hội, những người làm công tác giảm nghèo của quận đã nỗ lực giúp các hộ khó khăn tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.
Với những hộ neo đơn, mất sức lao động, quận khơi dậy tinh thần tương trợ, từ thiện của các hội quán người Hoa để chia sẻ, đùm bọc, hỗ trợ thường xuyên. 300 hộ cận nghèo của quận hiện đang được hỗ trợ thường xuyên bằng cách như thế.
Bà Trần Thị Anh Vũ, Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận 5 cho biết: "Truyền thống lá lành đùm lá rách, cũng như công tác xã hội từ thiện của quận 5 có từ nhiều năm. Quận 5 cũng có thế mạnh là người dân, các hộ kinh doanh buôn bán, các hội đoàn, hội quán đều rất quan tâm chăm lo tới công tác xã hội từ thiện. Cho nên, làm sao để người dân quận 5 không còn hộ diện cận nghèo, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho bản thân các hộ thoát nghèo, chứ không chỉ có trợ cấp. Nếu mình trợ cấp mà người ta thoát nghèo thì sẽ không căn cơ".
Mục tiêu là thoát nghèo bền vững
Trong tổng kết 23 năm chương trình giảm nghèo của thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khẳng định: Thành phố là nơi khởi xướng, thực hiện hiệu quả và hiện vẫn là nơi đi đầu trong chương trình giảm nghèo của cả nước. Hiện hộ nghèo của thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và cận nghèo từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm.
Tính đến cuối năm 2015, thành phố còn gần 17.400 hộ nghèo, bằng 0,89% tổng số hộ và gần 47.000 hộ cận nghèo, bằng 2,39% tổng số hộ. Không dừng ở đó, thành phố đang triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Với chương trình này, hộ nghèo và cận nghèo được quan tâm để không chỉ nâng cao thu nhập mà còn có thêm điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, bảo hiểm xã hội...
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong tình hình thực tế của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thì những tiêu chí đó rất phù hợp. Chúng ta không chỉ quan tâm về tiêu chí thu nhập mà những tiêu chí khác rất quan trọng. Để làm sao giúp cho hộ nghèo, cận nghèo vượt nghèo một cách bền vững, không chỉ về cái ăn mà là về y tế, sức khỏe, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, phát triển hơn, đáp ứng tình hình, đặc biệt là đối với thành phố Hồ Chí Minh".
Do mức sống của người dân ngày một cao, nên thành phố vẫn còn hộ nghèo phát sinh cần được trợ giúp. Ông Lê Thành Tâm, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, nơi xuất phát phong trào xóa đói giảm nghèo của thành phố hơn 23 năm trước, nói: "Hiện nay so với ngày đầu thì có sự chênh lệch rất lớn. Điều kiện vật chất, đời sống người dân mặc dầu là nghèo nhưng cũng không đến nỗi. Có điều, xã hội luôn luôn vận động, phát triển, dân mình có thu nhập đỡ hơn nhưng so với các nước trong khu vực thì chưa phải là lớn lắm. Vì vậy, chủ trương của thành phố hiện nay là tạo điều kiện cho người dân khấm khá hơn thì rất là phù hợp, đúng đắn".
Tin rằng, với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ người dân cho đến chính quyền thành phố sẽ thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững. Được như vậy, các gia đình còn nghèo, còn khó khăn của thành phố sẽ được chăm lo, hỗ trợ về nhiều mặt, ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả. Đời sống của các gia đình ở đô thị này sẽ dần bớt đi khoảng cách, sự chênh lệch về các dịch vụ thiết yếu và điều kiện hưởng thụ./.
Minh Hạnh
Theo_VOV
Quýt Bắc Sơn dịp cận Tết Quýt Bắc Sơn vị ngọt, thơm là đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn đã trở thành món quà biếu Tết có ý nghĩa. Quýt được trồng nhiều tại các sườn đồi, thung lũng núi đá tại hầu hết các xã trong huyện Bắc Sơn. Toàn huyện có khoảng hơn 300 ha quýt, sản lượng đạt từ 1000 - 2000 tấn/năm. Các thung...